Chuyện Tháng Tư
Chương 34
Biên dịch: 1309
Bản thân Vệ Lai cũng thấy lạ là nụ hôn này kéo dài lâu đến vậy.
Dù sao với tư cách là đàn ông, trong chuyện tình cảm nam nữ, hôn không được xếp vào hạng mục lấy “càng lâu càng mạnh” làm điều đáng tự hào.
Dùng lời của Nai, khí phách ngút trời của đàn ông, hoặc phải rực sáng nơi mặt trận chuyên nghiệp, hoặc nên tung hoành trên giường ấm nồng nàn.
Nhiều năm về trước, Nai chưa kết hôn, Cây Cacao còn trong đợt huấn luyện tại châu Âu, cả bọn vẫn đang ở vào cái tuổi trẻ trâu cuồng loạn, luôn thích bày ra đủ kiểu vui chơi. Một tiết mục hơi thanh nhã, có văn hóa tí là ăn bắp rang, uống coca, xem phim tình cảm “hành động” thâu đêm.
Xem đến chán ngấy, thế là đổi thành phim tình cảm tươi sáng.
Tiến triển trong phim chậm đến mức váng đầu hoa mắt, chờ tận 60 phút mới tới một cái hôn. Cây Cacao sốt ruột muốn tuột cả quần, gào vào mặt nam chính trong phim: “Có làm được không hả? Không được để bố thay vô đi!”
Vệ Lai mắng: “Thô bỉ!”
Nai: “Vệ này, rốt cuộc sao lại phải ráng hôn lâu thế nhỉ?”
Vệ Lai: “Chắc đạo diễn yêu cầu đấy, có cát-sê mà.”
Đợi tới phút thứ 120, bi kịch.
Cây Cacao: “Ủa, đến cả giường còn chưa lên được, nam chính lại chết vì nữ chính, bất hợp lý quá nhỉ?”
Vệ Lai: “Cậu thì hiểu vẹo gì, đấy gọi là nghĩa khí!”
Ngay như anh cũng cảm thấy, quan hệ nam nữ rất giống một bộ phim. Kết quả cuối cùng mới là quan trọng, quá trình phía trước chỉ là cảnh nền thoáng qua, mà ánh sáng hóa trang đạo cụ gì đấy có cẩu thả sơ sài cũng chẳng vấn đề.
Hôn mang ý nghĩa gì, anh từng hôn phụ nữ, cũng hôn cả đàn ông — Thời điểm huấn luyện, buổi tối sẽ tổ chức trò chơi khuấy động không khí, trong phạm vi chục dặm toàn là đàn ông. Họ đều phải cắn răng hạ quyết tâm hôn đại cho rồi, hôn xong thì quay qua mắng nhau, có mắng không biết cạo râu à, có mắng đồ mồm thối, cũng có mắng bố khỉ đã nói trước là miệng chạm miệng thế mà cái đồ biến thái nhà mày còn thè lưỡi ra.
Ấy vậy mà anh ở giờ khắc này, bỗng chốc sa vào cơn mê loạn.
Mọi giác quan bén nhạy nhất toàn thân đều mở bung ra, có thể cảm nhận, phát giác, lưu tâm đến hết thảy xung quanh.
— Cơ thể cô đang dần chìm sâu vào vòng tay anh, chầm chậm hóa thành mềm mại.
— Cánh môi được chót lưỡi gẩy nhẹ, cô chợt ngửa đầu lên, hàng mi ánh nước, hơi thở dồn dập.
— Rồi khẽ khàng cắn lấy bờ môi cô, đôi bàn tay chống trên ngực anh bỗng siết chặt, đầu ngón tay run rẩy nhè nhẹ…
Hóa ra một nụ hôn cũng hàm chứa ý tứ, có thể phát huy thật nhiều điều.
Có lẽ Sầm Kim đã nói đúng, anh thật sự nghiêm túc.
Nghiêm túc yêu thích sẽ ý nghĩa hơn đơn thuần phát sinh quan hệ.
Phát sinh quan hệ là lửa lớn tràn lan, là ngọn lửa tàn phá hết thảy, là một trận lệch đất nghiêng trời, là một lần chết đi sống lại.
Nghiêm túc yêu thích là nhìn ngắm chồi non nảy mầm, là đủ kiên nhẫn đợi chờ sắc lục khi đậm khi nhạt ấy phủ khắp núi sâu sông dài. Những việc thế này dạo trước anh chẳng màng tới, nay lại không biết mệt tỉ mẩn chăm chút từng khâu nhỏ nhặt.
Bỗng viên cảnh sát kia gõ cửa: “Hello, có ai ở đây không?”
Vệ Lai buông Sầm Kim ra.
Cô ngồi ngả lên ghế, trước ngực liên tục phập phồng, nơi cổ áo buông lơi thấp thoáng một khoảng trắng hồng. Mất thật lâu sau, mới cúi đầu đưa tay lên quệt nhẹ trên miệng.
Vệ Lai hỏi: “Chuyện gì vậy?”
“Tôi xong việc rồi. Các anh là người ngoại quốc, làng chúng tôi sẽ tiếp nhận khai báo của các anh, cần anh điền vào mẫu đơn và ký tên.”
Xong việc? Đã xử lý hết cả hàng dài chờ giải quyết tranh chấp? Hèn gì bên ngoài thấy yên tĩnh hẳn.
Vệ Lai đi ra mở cửa.
Anh cảnh sát kia cầm cặp hồ sơ, rất lịch sự đưa bản kê khai qua — Đây là tờ giấy anh ta vừa dùng thước chăm chú căn lề.
Vệ Lai lướt sơ qua, nhìn chung mấy mục cần điền đều khá phổ biến: Tên họ, quốc tịch, mục đích du lịch, phương thức liên lạc — Thực tế là vị cảnh sát này hoàn toàn chẳng có tí kinh nghiệm tiếp đón du khách nước ngoài nào, nhưng vẫn rất cố gắng làm tròn bổn phận, nhằm thể hiện mọi chuyện đều có sẵn trong điều lệ.
Toàn thân Vệ Lai khô nóng, hỏi anh ta: “Có nước rửa mặt không nhỉ?”
Cảnh sát chỉ mấy chiếc vại bên góc container: “Dùng thoải mái.”
Vệ Lai rảo bước qua đó, nhấc nắp cói trên vại lên, bên trong có chiếc gáo nhựa gãy cán. Anh múc một gáo, đổ thẳng từ đỉnh đầu xuống.
Thư thái hơn chút rồi.
Cảnh sát nhìn anh lom lom, Vệ Lai giải thích: “Tôi biết nước của các anh rất quý… Nhưng tôi từ Bắc Âu đến, ở đó trời lạnh, nơi này quá nóng chịu không nổi.”
Cảnh sát giật mình, khuôn mặt đỏ ửng tỏ vẻ rất lấy làm tiếc, cứ như khí hậu địa lý trong nước cũng là chức trách của anh ta: “Chỗ chúng tôi đúng là rất nóng… Không sao đâu, anh cứ dùng đi.”
…
Vệ Lai hàn huyên với cảnh sát một lúc, điền qua loa vào bản kê khai, hỏi tình hình khu vực lân cận, rồi lái đến chuyện hải tặc. Cảnh sát nói: “Chúng tôi ở đây có rất ít hải tặc, hải tặc cũng không dám đến làng lớn đâu, anh cứ yên tâm. Ngoài Hồng Hải nổi danh nhất là hải tặc Somalia, nhưng bọn chúng còn cách xa lắm…”
Thật tự tin, chưa biết chừng đêm nay sẽ xuất hiện cả 4 tên luôn đấy, anh tin không?
Vệ Lai vẩy vẩy cánh tay trái, thỉnh thoảng nắm lại buông ra để thả lỏng cơ, từ gan bàn tay đến lòng khuỷu tay, liên tục tê dại ngứa ngáy. Khóe mắt liếc trộm thấy Sầm Kim đi ra, cô chẳng nói chẳng rằng, múc nước về phòng tẩy rửa. Sau một lúc lại trở ra, treo quần áo đã giặt tạm bằng nước sạch lên dây phơi.
Vệ Lai cứ nhìn mãi vào bộ quần áo mắc trên dây: Cô giặt cả đồ của anh.
Cảnh sát nói câu gì đấy, anh không nghe rõ: “Hả?”
“Tôi nói căn phòng kia kìa,” cảnh sát chỉ vào một phòng ở đầu cuối container, “Là chỗ nghỉ của tôi, bên trong có một giường thôi, chỉ đủ cho mình anh nằm. Tôi hỏi cô Sầm rồi, các anh không phải vợ chồng, chắc là muốn ngủ riêng. Tôi đã mượn cho cô ấy một chiếc chiếu cọ.”
Thế này hình như hơi… ngược đời?
Vệ Lai xác nhận lại: “Tôi ngủ giường?”
“Đúng rồi, cô Sầm có thể ngủ ở phòng điện thoại, cứ trải chiếu trên đất là được. Tôi ở phòng làm việc đấy, cần gì thì qua gọi tôi.”
Hiểu rồi, nơi này địa vị của đàn ông cao hơn phụ nữ, đàn ông sẽ được ưu tiên tiếp đãi.
Vệ Lai tươi cười, vỗ vỗ vai cảnh sát, nói: “Vậy hay quá rồi, anh đừng lo, tôi sẽ sắp xếp ổn thỏa.”
***
Sầm Kim không cần chờ anh “sắp xếp”, căn bản là cô còn chẳng có loại ý thức giường-đấy-là-dành-cho-anh — Khi anh rửa mặt xong xuôi vào phòng, cô đã nằm sẵn từ đời nào rồi.
Vệ Lai tắt đèn, trải chiếu cọ ra đất, ngả lưng lên.
Thật tốt, cảm giác duỗi lưng nằm thẳng này, đích thực là dễ chịu hơn bị ngâm trong biển rất nhiều.
Trên vách container có đục ra một ô cửa nhỏ rồi hàn nối thêm hai thanh sắt. Từ ô cửa có thể nhìn thấy sợi dây phơi đồ kia, quần áo anh lơ lửng phất phơ trên đấy.
Chợt nhớ tới lời Erin.
— “Anh chẳng có dự tính gì cho tương lai ư? Thế nào thì cũng nên dành dụm ít tiền, kết hôn với cô gái mình thích, mua một căn nhà lớn rồi sống cuộc sống ổn định…”
Thế nào là cuộc sống ổn định, anh không biết.
Anh chỉ thấy vận mệnh của mình là một con thuyền nát, mãi mãi trôi dạt giữa đại dương. Sự đời hỗn tạp bấp bênh là cuồng phong quét qua, là sóng cả vùi dập, có thể chịu được thì cứ chịu, không muốn va chạm vào ai, cũng không muốn chở ai trên thuyền.
Thế nào là cuộc sống ổn định? Là quần áo mặc xong thì vứt bừa đấy, chắc chắn sẽ có người giặt sạch phơi khô gấp gọn, hoặc là khi đấy anh cũng biết nhớ nhà, bởi vì trong nhà có người đợi anh?
Phải mất thật lâu, anh mới chìm vào giấc ngủ.
Lại mộng thấy con thuyền kia, bềnh bồng trên biển.
Lên boong thuyền, gặp Sầm Kim đang ngồi ghế chân cao, trước mặt bày giá vẽ. Cô không diện lễ phục mà mặc sơmi của anh, để chân trần, quay đầu nhìn anh cười.
Em lại ở đây, em đang vẽ gì?
Thoáng chốc mây mù gió nổi, sóng cuộn rít gào từ muôn phương ập đến.
Thân thuyền bỗng chênh chao, Sầm Kim ngã nhào từ trên ghế xuống, lăn thẳng qua mép thuyền.
Máu toàn thân lập tức xộc lên đầu, anh vội nhảy vọt tới, chộp lấy tay cô.
Phong ba lại đánh vào, cột nước lạnh buốt giội thẳng xuống đầu anh. Anh cố gắng mở to mắt, thấy được mái tóc cô rối tung trong gió, thân thể chao đảo giữa không trung.
Anh nói: “Đừng sợ, đến đây, nhấc tay lên, ôm lấy cổ tôi, giống lần trước chúng ta lên nóc nhà hóng mát ấy…”
Sầm Kim chẳng nhấc tay, chỉ mỉm cười nhìn anh.
Anh chợt phát hiện, cô thoa son.
Là màu rượu đỏ không quá đậm.
Thỏi son đấy, chẳng phải để chung với đống hành lý đã nổ tan tành trên biển sao?
…
Vệ Lai trở mình bật dậy. Khoảnh khắc ngồi thẳng lên, phía sau lưng lạnh toát, tưởng như cơn sóng gió trong mộng kia vừa thật sự quét qua.
Anh vội đến bên giường, gọi cô: “Sầm Kim?”
Cô gặp ác mộng, giống hệt lần trên máy bay, thân thể co giật nhẹ, bàn tay với lên theo phản xạ, bắt lấy hư không. Vệ Lai nghe được cô liên tục lẩm bẩm: “Xe đâu, tôi muốn lên xe.”
Anh nắm chặt vai cô, dùng chút sức đẩy khẽ.
Đợi qua vài giây, Sầm Kim từ từ mở mắt.
Vệ Lai nói: “Em gặp ác mộng.”
Cô lặng thinh, ánh mắt thẫn thờ.
“Lại mơ thấy Kallon sao?”
Vẫn không lên tiếng.
“Là cùng một giấc mộng ư?”
Rốt cuộc cũng tỉnh táo lại, cô nhắm mắt, khe khẽ than: “Gặp ác mộng thật mệt mỏi, còn mệt hơn bị đuổi giết suốt đường.”
Vệ Lai cười, luồn tay ngang lưng cô, nhấc cô lên ôm vào lòng, nói: “Kể cho tôi em mơ thấy gì đi. Nếu cứ giữ kín ác mộng trong lòng, nó sẽ vĩnh viễn ăn sâu vào từng giấc mơ.”
Sầm Kim vẫn chẳng lên tiếng.
Ngoài cửa sổ là vầng trăng sáng, ánh trăng chiếu rọi lên sợi dây phơi đồ kia. Quần áo dưới ánh trăng cứng còng lung lay, trông chẳng khác gì một thứ yêu vật vụng về ngắc ngứ.
Thật lâu sau, cô thì thào: “Anh tin không, tuy động cơ tham gia viện trợ của tôi chẳng đơn thuần, nhưng sau khi đến nơi, nhìn họ sống khổ cực như vậy, tôi thật sự đã nghĩ phải làm gì đó…”
Vệ Lai cúi đầu xuống, cọ nhẹ cằm bên khóe môi cô: “Tôi tin em.”
***
“Thời điểm tôi đến Kallon, tình hình ở đó đã rất căng thẳng. Chính quyền đương thời nằm trong tay người Huka, phía người Katsi có một Mặt trận Giải phóng lưu vong bên ngoài. Song phương đã giao chiến vài lần, Liên Hiệp Quốc không thể làm ngơ, phải đứng ra hòa giải, sắp xếp một cuộc đàm phán song phương bên nước láng giềng.
“Sau khi tổng thống Huka bay đi đàm phán, trong nước trở nên rối ren hỗn loạn, phần tử cấp tiến sôi sục kêu gọi tổng thống chớ có phản bội đất nước, chúng ta không ký hiệp ước hòa bình với lũ gián, tuyệt đối không được chia sẻ quyền lực với chúng.
“Hôm ấy, vừa sáng ra đã nghe radio báo tin, nói là đàm phán đạt được tiến triển to lớn, hòa bình nằm trong tầm tay. Tổng thống sẽ về nước ngay trong ngày và ban bố phương án cụ thể.
“Lúc bấy giờ đơn vị chúng tôi đặt tại một trường tiểu học, bên trong có nhân viên công tác. Một bộ phận của lực lượng gìn giữ hòa bình cũng cùng trú đóng để bảo vệ an toàn cho chúng tôi. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, đột nhiên nghe một tiếng nổ vang rền, chạy ra cửa sổ xem thử thì thấy một quả cầu lửa cực lớn ở đằng xa, cháy sáng đỏ rực cả vùng trời.
“Tất cả mọi người tụ tập lại trên sân trường, điện thoại không thông, TV không nhận tín hiệu, ngay tiếp theo còn mất điện — Chẳng ai biết đã xảy ra chuyện gì. Sĩ quan gìn giữ hòa bình bảo chúng tôi cứ yên tâm, đoán có lẽ là nổ kho vũ khí.”
Cô hơi thất thần, ngừng một lúc lâu.
“Đến nửa đêm thì tin tức chính xác truyền lại, chuyên cơ đưa tổng thống Huka về nước, trước khi đáp xuống đã trúng tên lửa, không một nhân viên chính phủ nào trên đó sống sót.
“Lúc ấy tôi chỉ có cảm giác khiếp sợ, nhưng các sĩ quan gìn giữ hòa bình lập tức biến sắc. Họ thức trắng đêm, toàn bộ thành viên cùng canh gác. Bầu không khí rất khẩn trương, tôi nghe họ thì thầm lặp đi lặp lại: ‘Đã xảy ra chuyện rồi.’”
Thân mình cô hơi co rúm.
“Đến rạng sáng, gần như tất cả các đài phát thanh đều đồng loạt bật lên, cả thành phố vang dội tiếng kêu gào phẫn nộ của người Huka, họ nói: ‘Bọn Katsi đã sát hại tổng thống của chúng ta! Chúng ta tuyệt đối không thể dễ dàng tha thứ thêm nữa!’”
Vệ Lai nhẹ giọng hỏi cô: “Là người Katsi làm sao?”
Cô lắc đầu: “Không biết, mãi cho tới nay vẫn không biết được.”
Đến tận bây giờ, vẫn chưa thể tìm ra hung phạm, song phương vẫn đang chỉ trích lẫn nhau: Bên Huka nói người Katsi mượn danh đàm phán để tấn công, bên Katsi nói phần tử cấp tiến Huka cố ý ám sát tổng thống hòng gây mâu thuẫn.
Tiếp theo đó, sự việc đã phát sinh.
Sau bữa sáng, tổ chức quốc tế và lực lượng gìn giữ hòa bình đóng tại trường bắt đầu thu nhận dòng người chạy nạn đầu tiên. Những người đấy dắt díu tha lôi nhau, mang theo ít hành lý gom góp vội, mặt mũi nhuốm vẻ kinh hoàng.
Một người gào khóc: “Giết người rồi, bọn Huka giết người ngay trên phố!”
Có hai binh sĩ gìn giữ hòa bình lái xe ra ngoài đảo một vòng. Khi trở về, cửa kính đã bị đập nát, chở theo cả xe đầy nạn dân toàn thân đẫm máu.
Xe phóng nhanh vào sân thể dục của trường, binh lính tiếp ứng cấp tốc đóng cổng.
Cơn khủng hoảng lập tức lan tràn khắp ngôi trường nhỏ. Do vừa rời khỏi cuộc chiến loạn ở Somalia, Sầm Kim là một trong số những thành viên tương đối bình tĩnh. Cô phân công người lập danh sách, trấn an dân chúng, đóng kín tất cả cổng vào trường học, nhờ sĩ quan gìn giữ hòa bình chọn ra vài binh lính vác súng tuần tra quanh khu vực nạn dân tụ tập.
Có một phụ nữ hoảng sợ, túm chặt góc áo cô không buông.
Sầm Kim ngồi xổm xuống, chỉ lên lá cờ in hình địa cầu và cành ôliu tung bay trên cao: “Nơi này là doanh địa của tổ chức quốc tế, bất kể bên ngoài có xảy ra điều gì, xin hãy yên tâm, các chị vào đây sẽ được an toàn tuyệt đối.”
Truyện khác cùng thể loại
288 chương
298 chương
61 chương
17 chương
11 chương
16 chương
81 chương