Cho Anh Nhìn Về Em - Tập 1

Chương 34 : quyển 1 - chương 32

Chương 32 - May áo cô dâu cho người khác Cô thật quá ngốc nghếch, trên đời có bao nhiêu thế võ, cô lại chỉ chọn một thế để luyện, luyện tới luyện lui, thì ra là thế “may áo cưới cho người”. .Ngày sinh nhật Trần Khiết Khiết, Cát Niên đổi hai lần xe buýt mới đến được đường Cảnh Xuân – nơi cư trú của những người giàu có trong thành phố. Đường Cảnh Xuân là một con đường quốc lộ bao quanh núi, hai bên đường mọc lên vô số toà biệt thự riêng lẻ, khu G có địa hình đẹp và cao nhất. Người ta nói rằng, đất ở đường Cảnh Xuân đi một bước là thêm được mấy chục cây vàng, nhưng trong ráng chiều hoàng hôn, Cát Niên chỉ thấy con đường bị bao bọc trong cây cối và thảm cỏ ấy thật cô quạnh. Ở đây ít người qua lại, hơn nữa đèn đường lại cách xa nhau, đi đường này buổi tối mà gặp ma thì cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng những người đến đây xây nhà nào có nghĩ đến cảm giác của người đi bộ. Ở đây thích nhất là được hưởng không khí trong lành, tuyến xe buýt Cát Niên đi chỉ đưa cô đến chân núi. Cô phải đi bộ, trong gió thoang thoảng mùi ẩm ướt của đất và cỏ tươi, nó làm cô nhớ đến con đường nhỏ trong rừng trúc và những cành thông tĩnh lặng trong khu tưởng niệm liệt sĩ gần nhà bác mình. Nhưng ai lại so sánh cảnh sắc thôn quê đó với nơi này chứ. Có nhiều thứ khi ta nhắm mắt thì chúng có vẻ giống nhau, nhưng khi mở mắt ra mới biết chúng hoàn toàn khác nhau. Lúc này trời mùa xuân vẫn còn lạnh, Cát Niên mặc không ít nhưng ở đây không khí ẩm nên tay lạnh buốt, cũng may phía trước có đèn chiếu, nhưng không biết còn phải đi bao xa nữa. Phía sau cô có tiếng bước chân. Cát Niên không tưởng tượng ra có ai ngốc nghếch cũng đi bộ như mình, cô quay lại trong lòng có chút hy vọng, đúng lúc Hàn Thuật đang đưa tay lên định vỗ vai làm cô giật mình thì bị cô phát hiện, nhưng cậu ta vẫn không tỏ ra bất ngờ mà lại chuyển thành động tác vẫy tay chào. “Bất ngờ quá nhỉ, cậu cũng đi bộ à?” Hàn Thuật hít một hơi, cậu mặc chiếc áo khoác mỏng màu trắng. Cát Niên kiễng chân nhìn xuống núi, hiếm hoi lắm mới thấy bóng và ánh đèn một chiếc xe màu thẫm đang đi xuống, cô đi đường này đã được mười phút nhưng không thấy xe nào đi ngược về phía mình. “Ừ, bất ngờ thật đấy, chiếc xe chở cậu cũng để cậu xuống giữa đường à?” Hàn Thuật không giải thích gì cả, cậu đi trước Cát Niên một chút, chậm rãi nghịch tua rua của chiếc khăn trên cổ. Lúc này Cát Niên mới để ý cổ cậu ta quàng chiếc khăn lông cừu màu đỏ, trông rất bắt mắt. “Cậu thấy thế nào?” Hàn Thuật quay lại nhìn cô, đi sang đường ngược lại. “Cái gì thế nào cơ?” “Ôi, khăn của tớ ý!” Hàn Thuật tỏ vẻ bất mãn. Cát Niên cúi đầu cười, không nói gì cả. Hàn Thuật mất hứng, đưa tay kéo cành cây lá rộng không rõ là cây gì ở bên đường, chẳng may tay bị dính đầy nhựa cây, lập tức rụt tay lại. “Á, cho tớ xin tờ giấy ăn.” “Giấy ăn á? Tớ không có.” “Khăn tay vậy.” “Cũng không có.” “Con gái đi ra ngoài mà không mang theo hai thứ đó, cậu có phải là con gái không hả?” “À, tớ đúng là con gái mà.” “Mất thời gian quá! Lấy giúp tớ trong túi này.” Thấy Cát Niên không động tĩnh gì, cậu ta giục, “Nhanh lên, tay tôi mà sạch thì chẳng phải nhờ cậu.” Cát Niên chậm rãi kéo khóa ba lô cậu ra, trong đó sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học. Có túi bút, ví tiền, một hộp quà đã gói rất đẹp, điện thoại di động, chìa khóa, ba gói giấy ăn và một gói giấy ướt, còn có cả một đôi găng tay cùng màu với chiếc khăn, lại còn có một tuýp thuốc dưỡng da nữa. Cát Niên vô cùng ngạc nhiên với sự chuẩn bị chu đáo này. Hàn Thuật nói: “Này cậu, đầu cậu sắp chui vào cặp tôi rồi đấy.” Cát Niên nhanh chóng lấy một túi giấy ra. Cậu ta lấy giấy rồi cẩn thận lau sạch bẩn trên tay mình. “À, chắc Trần Khiết Khiết cũng mời cái cậu tên là gì nhỉ… à Vu Vũ. Sao hai cậu không đi cùng nhau à?” Cát Niên cũng đi ngắt lá bên đường. Hàn Thuật kêu ầm lên: “Này đồ ngốc, cậu không thấy lúc nãy tay tôi bị thế nào à?” Cát Niên không để ý đến cậu ta, ai bảo cậu ta hỏi động đến nỗi buồn của cô. Đúng vậy, chắc chắn Trần Khiết Khiết cũng sẽ mời Vu Vũ. Hôm đó ngõ nhà cô hơi chật, Vu Vũ dừng xe ở bên đường, tay cầm bức thư của Trần Khiết Khiết, nói với cô: “Cậu ấy nói rằng trong tờ giấy này có một câu đố, nếu giải được câu đố đó thì đến ngày sinh nhật cậu ấy hãy đến nơi nào đó tìm cậu ấy, cậu ấy có một vật muốn đưa ình. Cậu ấy mời mọi người đến nhà, nơi đó còn có thể là nơi nào được chứ? Cát Niên, cậu là người giải đố giỏi nhất mình đã từng gặp, cậu xem giúp mình được không? Trong đó chỉ có một dòng chữ, chẳng lẽ cậu ấy ở trên núi Vu sơn à?” Cát Niên định cười vẻ mặt ngố của Vu Vũ, nhưng thử nặn ra tiếng cười thì lại thấy hơi khó coi. Cô đã không nhận thứ Vu Vũ đưa, cũng không muốn cầm thứ đó trong tay nữa, nhưng từ trong đó, có từ nào cô không nhớ? Câu đó ư? Trần Khiết Khiết cũng thú vị đấy. Nhưng chắc cậu ấy không biết rằng Vu Vũ không giỏi giải đố, mà câu nói đầy ẩn ý đó cuối cùng lại quay về với Cát Niên. “Sớm chiều nào cũng vậy, luôn quanh quẩn bên sườn núi này.” Thời cổ xưa, núi là âm, nước là dương, Bắc là âm, Nam là dương, dưới là âm, trên là dương, phải là âm, trái là dương… Trần Khiết Khiết muốn nói điều gì với Vu Vũ đây? Cho dù đáp án là gì đi chăng nữa, Cát Niên bịa ra một câu chuyện với Vu Vũ: “Cậu ấy nói không rõ lắm, nhưng chỗ này chẳng lẽ là chỉ phía dưới lan can nhà cô ấy à?” “Hả?” Vu Vũ càng thấy khó hiểu hơn. Cát Niên thầm cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu có thể hãy tha thứ cho lời nói dối này của con.” Vu Vũ rốt cuộc không quyết định được có nên theo hẹn hay không, cậu ấy thấy cuộc hẹn dưới lan can này vô cùng kỳ quặc, cho nên Cát Niên đi một mình. Có Hàn Thuật đi cùng, Cát Niên không cần để ý đến số nhà nữa, dù sao cũng có người biết đường rồi. Nhà Trần Khiết Khiết thắp đèn sáng trưng, cô chủ nhỏ đã trang điểm kỹ lưỡng đang đứng đợi trước cửa. Nhìn thấy Cát Niên và Hàn Thuật đến, Trần Khiết Khiết như trút được nỗi lo: “Cát Niên, thấy cậu mình mừng quá, mình đang định cho người đi tìm một vòng, mình quên mất là xe buýt không tới tận đây, ở đây đi bộ không an toàn. Hàn Thuật, coi như cảm ơn cậu lần này.” “Cậu nói linh tinh gì thế, tớ đi dạo gặp cậu ấy thôi mà. Đây, tặng cậu, lần trước cậu nói thích nước hoa, không cần cảm ơn đâu, mẹ tớ mua đấy.” Thấy Hàn Thuật tặng quà, Cát Niên mới nhớ ra mình cũng cần phải bày tỏ với chủ nhân bữa tiệc, cô tặng Trần Khiết Khiết một lọ sơn móng tay màu đỏ đậm. Trần Khiết Khiết nhận quà, cười tươi như hoa, nhân lúc mọi người trong nhà không để ý, cô cho vào túi áo, rồi nói nhỏ với Cát Niên: “Đúng màu mình thích nhất đấy.” Vào phòng khách, đã có mấy bạn nam nữ tầm tuổi như Cát Niên ở trong đó, có người cô biết, có người không quen. Hàn Thuật thì như cá gặp nước, vừa vào đã liến thoắng chào hỏi. Mọi người đều trách: “Sao bây giờ cậu mới tới?” Cát Niên ngồi trong góc, Vu Vũ không tới thật. Mười phút sau, Trần Khiết Khiết đợi bạn ở ngoài cũng trở vào chào mọi người, cô chú ý tới Cát Niên một mình lạ lẫm, nên đưa tới cho cô cốc nước, ngồi bên Cát Niên. Sinh nhật mười tám tuổi là ngày đẹp nhất trong cuộc đời một cô gái, chủ nhân của bữa tiệc hôm nay trông có vẻ vui và xinh đẹp, nhưng khi cô ngồi xuống cạnh Cát Niên, Cát Niên cảm nhận được sự bất an trong lòng cô gái ấy. “Cát Niên, cậu ấy có nói gì với cậu không, đến hay không đến ý mà?” Trần Khiết Khiết cười rạng rỡ đáp lại lời chào của người bạn ở phía xa, lúc hỏi câu này, ngón tay cô bất giác vò chiếc váy đang mặc. Cát Niên lắc đầu: “Cậu ấy không nói chính xác. Cậu đang đợi cậu ấy à?” Đây chính là kiểu hỏi khi đã biết rõ câu trả lời. Hai người họ đều đang mong đợi, chỉ khác là một người mong cậu ấy đến, một người mong cậu ấy không đến. “Cậu hiểu cậu ấy hơn mình, theo cậu thì Vu Vũ có đến không?” Cát Niên cười xoà, có lẽ cô ấy chỉ muốn có một người để chia sẻ thôi, đáp án không quan trọng. “Mình sợ nhất những cuộc chờ đợi dài bất tận.” Trần Khiết Khiết nói tiếp. “Thế nhỡ cậu ấy không đến thật thì sao.” Cát Niên khẽ hỏi. Trần Khiết Khiết cắn môi: “Nếu cậu ấy không hứa hẹn với mình, thì chờ đợi là việc mình tự nguyện, kết quả không liên quan gì đến cậu ấy. Nhưng nếu cậu ấy đã hứa sẽ đến mà thất hứa thì mình sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu ấy, cho dù là lý do gì thì mình cũng sẽ không bao giờ đợi nữa! Không bao giờ!” Dường như cảm giác mức độ cực đoan trong lời nói của mình làm cho Cát Niên ngạc nhiên, Trần Khiết Khiết lấy lại vẻ tươi cười: “Lần này, cậu ấy không hứa là sẽ đến, mình muốn đợi thôi. Nhưng mình rất hy vọng cậu ấy sẽ đến.” Thấy Cát Niên đang uống từng ngụm nước nhỏ, Trần Khiết Khiết cười chỉ về phía có nhiều người tụ tập: “Cậu xem kìa, Hàn Thuật lại làm trò rồi.” Có năm sáu người vây quanh Hàn Thuật, ngoài Phương Chí Hòa ra còn có một bạn nữ khác trong lớp cậu ta, những người còn lại Cát Niên đều không quen. “Hàn Thuật, chiếc khăn này hợp với cậu đấy, tớ cũng rất thích.” “Hợp hay không là tùy người chứ, màu chiếc khăn này cũng kén người lắm. Hàn Thuật quấn thì đẹp, Phương Chí Hòa đeo thì chưa chắc đâu.” “Tớ trông có vẻ ấm, sờ cũng mềm.” Hàn Thuật cười nói: “À, thực ra là chị tớ mua cho, chị ấy gửi từ xa về, nên cứ bắt tớ đeo, còn phải chụp ảnh gửi cho chị ấy, nếu không lần sau chị ấy không mua đồ cho tớ nữa, nhưng thực sự là rất ấm.” Cát Niên nhớ lại lúc đi đường Hàn Thuật hỏi cô: “Khăn có đẹp không,” trông bộ dạng cậu ấy như muốn nói: Làm ơn khen một câu đi mà! Cô đang uống nước mà cũng không nhịn được cười, cười khúc khích trong miệng. Cô chỉ tự làm ình vui một chút, không ngờ cách một đoạn, Hàn Thuật ngồi ở góc đó như đã mọc thêm một con mắt ở thái dương, chỉ về phía góc cô ngồi. “Tạ Cát Niên, cậu nói gì vậy?” Cậu ta gọi cả họ tên cô ra trước mặt bao nhiêu người và hỏi như vậy làm cô ngạc nhiên. “Tớ chẳng nói gì cả.” Nhiều người đang nhìn cô như vậy mà cô cũng không nói to hơn. “Chắc chắn cậu đã nói gì đó.” “Cậu nói người khác sau lưng là có ý gì hả, có giỏi thì nói to lên xem nào.” … “Hàn Thuật, tớ ngồi cạnh cậu ấy còn không nghe thấy, sao cậu biết người ta đang nói cậu?” Trần Khiết Khiết mất vui nên đứng ra giảng hòa.   Hàn Thuật cũng cười: “Tớ vẫn muốn nghe xem cậu ấy nói gì. Tạ Cát Niên, nếu không phải là nói xấu tớ thì cậu sợ gì mà không nói ra?” … “Nói mau đi!” Hàn Thuật để ý thấy Cát Niên đã định mở miệng, nhưng có vẻ thiếu quyết tâm. Cát Niên không còn cách nào đành liều nói: “Tớ nói là, khăn của cậu ấm như vậy cần gì mặc quần áo nữa, cứ quấn khăn vào là được rồi.” Hàn Thuật không muốn tin những điều mình vừa nghe được, nhưng hội Phương Chí Hòa bắt đầu cười. Cậu tưởng tượng mình đứng ở đó, toàn thân đỏ rực, chỉ đeo mỗi một chiếc khăn, cảnh tượng đó làm cậu mặt đỏ tía tai. Hàn Thuật đi tới, chỉ vào cô bạn nghịch ngợm nhưng có vẻ ngây thơ vô tội: “Tạ Cát Niên, cậu thật là…” Trong tiếng cười của mọi người, Trần Khiết Khiết nói phải lên nhà thay đồ. Con gái lúc nào cũng để ý đến vẻ bề ngoài, nhân lúc mọi người đang sôi nổi, nên không ai để ý đến sự rút lui của nữ chủ nhân. Nhưng hơn nửa tiếng sau vẫn không thấy Trần Khiết Khiết quay lại, một cô bạn có vẻ thân với Trần Khiết Khiết xung phong lên gọi. Chẳng bao lâu sau, cô bạn ấy cùng với người giúp việc nhà họ Trần và cha mẹ cô hốt hoảng chạy từ gác xuống. Mọi người dưới nhà đều cảm thấy đã xảy ra chuyện gì, thì ra Trần Khiết Khiết đóng cửa thay đồ, không ai biết từ lúc nào trong phòng đã không có người. Trong phòng ngủ không có dấu vết lạ nào, nhưng cửa sổ lan can xuống đất thì mở. Thế là cả nhà đi tìm cô con gái ở bãi cỏ dưới lan can, nhưng ngoài cỏ ra thì không còn gì cả. Một cô gái thông minh, một người sống đã biến mất không để lại dấu vết gì trước mắt bao nhiêu người như vậy. Về sau tình thế càng căng thẳng hơn, mẹ Trần Khiết Khiết lo lắng khóc lóc, cha cô tìm khắp nhà thêm một lượt, trách mắng người làm trong nhà, người làm thì liên tục giải thích, sau đó nhân viên bảo vệ khu nhà đến, một bữa tiệc vui vẻ bỗng chốc trở nên ồn ào như tổ ong vỡ, không ai để ý đến những đứa trẻ này nữa, chúng cũng không còn tâm trí đâu mà đùa giỡn, ngoài một vài người ở lại giúp tìm Trần Khiết Khiết, còn đâu lần lượt ra về. Cát Niên như chìm đắm trong giấc mộng, đầu nóng bừng bừng, nhưng trong lòng cô lại vô cùng lạnh lẽo, cô mơ hồ đoán ra được điều gì đó, nhưng cô không muốn tin, cũng không thể nói ra được, lòng cô rối như tơ vò, không chào hỏi được ai, luống cuống ra về, cô chỉ mong nhanh chóng biết được phán đoán của mình là đúng hay sai. Vừa ra đến hàng rào vườn hoa nhà họ Trần, Hàn Thuật đuổi theo cô: “Cậu về một mình à? Trời tối rồi đấy. đợi tớ một lát.” Hàn Thuật quay lại chỗ mẹ Trần Khiết Khiết đang khóc lóc, nói vài câu rồi lấy găng tay đi về. Cát Niên không đợi cậu ta, đã một mình đi một đoạn đường khá dài rồi. Hàn Thuật đuổi theo sau cô: “Cậu biết đi xuống xa thế nào không hả? Tớ đã gọi taxi rồi.” Cát Niên dường như không nghe thấy gì, như thể có ma quỷ vô hình sau lưng đang đuổi cô. Hàn Thuật vừa trách móc vừa đi theo cô, cô đi rất nhanh, không nói gì cả. May mà taxi đến kịp, Hàn Thuật kéo tay Cát Niên vào trong xe: “Nửa đêm khuya khoắt đi bộ ở chỗ này, cậu không sợ ma nhưng tôi sợ.” Cát Niên giật mình, quay về phía Hàn Thuật nói: “Cho tôi về nhà bác tôi. Bác ấy ở gần thôn Đài Viên ở ngoại ô, tiền đi xe lần sau tôi trả cậu. Làm ơn giúp tôi.” Trong xe hơi chật, khi Cát Niên quay lại như vậy, hai người gần sát bên nhau, Hàn Thuật mới thấy vẻ mặt trắng bệch đáng thương của cô. Cậu không nghĩ được phải hỏi xem có chuyện gì xảy ra, nghiêng người về phía trước nói với tài xế: “Anh làm ơn cho đến thôn Đài Viên.” Giao thông trong thành phố buổi đêm thuận lợi hơn ban ngày, hơn nữa đoạn đường này cũng ít người qua lại, xe đi rất nhanh, Cát Niên mở cửa sổ phía mình, mím chặt môi, nét mặt bần thần, nhưng bàn tay nắm chặt kia nói với Hàn Thuật rằng người bên cạnh cậu đang lòng dạ như lửa đốt. Ba mươi phút sau, xe dừng lại thôn Đài Viên theo ý của Cát Niên. Xe chưa dừng hẳn, Cát Niên đã mở cửa xe định xuống, Hàn Thuật ngăn lại: “Cậu muốn chết à?” Cát Niên lật đật quay lại, không nói gì cả, Hàn Thuật càng thấy lạ, rốt cuộc cô ấy là người như thế nào, cô ấy muốn làm gì vậy? Cậu bất ngờ hỏi một câu không liên quan: “Mấy năm cậu không ở nhà là ở đây à?” Cát Niên xuống xe: “Bác tớ ở đây, hôm nay tớ ngủ ở nhà bác, cảm ơn cậu, cậu về đi.” Cát Niên đi vào trong thôn xóm tĩnh lặng, tuy trời tối nhưng mỗi góc của thôn này cô đều rõ như lòng bàn tay. Đi qua cánh cửa đóng kín của nhà bác mình, Cát Niên không đứng lại mà chạy một mạch đến nhà Vu Vũ. Trong nhà không có ánh đèn, cổng nhà đóng chặt, cô đưa tay vào đẩy, cánh cổng lỏng lẻo liền bật mở. Cô gõ vào cánh cửa gọi nhỏ: “Vu Vũ, Vu Vũ, có ở nhà không?” Tối nay cậu ấy lo phải trực đêm ở quán Internet, Cát Niên biết rõ điều đó. Một lúc sau, có tiếng ho của người già, cửa hé mở. Cát Niên đã làm phiền giấc ngủ của bà, Vu Vũ không có ở nhà. Bà nội nói cậu đi từ lúc mặt trời sắp lặn. Cát Niên không biết mình đã đi tới thềm khu tưởng niệm liệt sĩ từ lúc nào, trời rất tối, đường ngoằn ngoèo, cô ngã xuống, nhưng không hề thấy đau, dường như cơ thể này không phải là của cô. Đài tưởng niệm có 521 bậc, đứng ở dưới không thể nhìn thấy trên đỉnh, cô nhìn ra xa mãi, không biết nó dẫn đến thiên đường hay địa ngục. Liệu Vu Vũ có ở trên đó không? Liệu cậu ấy có dẫn một người con gái khác đến ngắm cây lựu của cậu ấy không? Cát Niên chưa leo lên đài tưởng niệm liệt sĩ vào ban đêm bao giờ, cô không dám lên, vì lần đầu tiên gặp Vu Vũ cậu nói buổi tối ở đây có ma. Cô không nên lên đó. Bước hết bậc thang cuối cùng, cô đi vài bước về phía bia mộ, lạnh lẽo nhìn ra xunh quanh, như bị rơi vào dòng sông băng tuyết, toàn thân cô bị đông cứng lại, không bước đi được nữa. Lời Vu Vũ nói đúng thật, ở đây có ma! Con quỷ đó có thể biến hình, rõ ràng trông giống hai người, nhưng lại như là một người, cuộn tròn bên bia mộ, quấn quýt vào nhau. Nó phát ra âm thanh ghê rợn, vừa giống như khóc, vừa giống như cười! Cát Niên lùi lại một bước, hai bước, giày cô rơi xuống bãi cỏ mềm, không phát ra tiếng động. Con quỷ đó không nhận ra sự có mặt của cô, nhưng trời đêm thế này, cô biết trốn đi đâu? Từ lúc nào cô đã lùi về chỗ bậc cầu thang, cô trượt chân, ngã ngồi xuống gốc cây lựu, cây đã qua mùa hoa, cây vẫn còn nhớ cô, nhẹ nhàng đỡ lấy người cô ngã vào cây. Sớm chiều nào cũng vậy, ở bên sườn núi này! Cô thật quá ngốc nghếch, trên đời có bao nhiêu thế võ, cô lại chỉ chọn một thế để luyện, luyện tới luyện lui, thì ra là thế “may áo cưới cho người”. Tự mình dày công may vá, ấp ủ bao nhiêu năm, bây giờ không được dùng, lại phải mang tặng người khác. Cô đã cầu Chúa, nhưng Chúa không tha thứ cho cô. Cuối cùng, vẫn cứ phải may áo cưới cho người khác.