Hai mươi hai. Hai năm sau, mưa to lũ lụt, lũ lụt xong bùng phát dịch bệnh, không thu hoạch được hạt thóc nào. Ông trời đã lấy lại những gì trước đó ông cố tình bố thí, bên trong “ruộng công” của “Nhà nước” cũng thu hoạch được ít lương thực, Hữu Lâm vừa phải trợ cấp vừa phải nuôi “Binh nhà nước” – cũng chính là lính khởi nghĩa mặc quần áo xanh. Những danh từ tôi nói đều do Hữu Lâm tự sáng tạo trong luật lệ, tôi cũng không biết trước kia có không, dù sao đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Trong lúc Hữu Lâm đang giật gấu vá vai, bên ngoài lại truyền đến tin dữ – triều đình đã đánh tan quân khởi nghĩa mấy năm trước thế như chẻ tre. Hữu Lâm không tin, nhưng người báo tin nói là người phương Tây ra tay giúp triều đình đánh nghĩa quân, vũ khí của họ tiên tiến hơn chúng tôi, người cũng ăn no hơn chúng tôi, sao không thể được? Hữu Lâm mắng triều đình và người phương Tây cấu kết với nhau làm việc xấu, y giận đến nỗi mấy ngày chưa ăn cơm, khoác một cái áo choàng ngồi trong phòng sách suốt ngày suốt đêm, không ai được vào. Nghe nói phía Đông cách huyện không xa đã đánh nhau, người đưa tin bị đạn bắn thành cái sàng, lúc đến nơi này chỉ còn lại một con ngựa và xác chết cứng đờ. Trong tay xác chết nắm chặt tờ giấy viết bằng máu, trên đó viết nguệch ngoạc nói rằng quân khởi nghĩa trú ở mảnh đất này mau đến chi viện. Khi họ lấy được lá thư bị máu thấm tanh hôi dường như đã cộng hưởng với xác chết bị ruồi bay quanh của người đưa tin. Nó đang nói với họ đi hướng Đông là một con đường chết. Các huynh đệ của Hữu Lâm sốt ruột, cuối cùng không chịu được nữa đi gõ cửa nhà Hữu Lâm. Họ hô: “Đại ca, huynh cho một tin tức chính xác đi, chúng ta có đi hay không?” Trong phòng chưa có tiếng đáp lại, Triệu tiểu gia bưng một ngọn nến, khẽ gọi: “Hữu Lâm.” Một lát sau, Hữu Lâm mở cửa ra. Y nói với các huynh đệ: “Đi.” Hầu hết người đều đồng ý với quyết định của Hữu Lâm, nhưng cũng có rất nhiều người không muốn chịu cái chết rõ ràng này. Hữu Lâm cũng không ép họ, chỉ nói là không muốn đi theo ta cũng được, nhưng nhất định phải rời khỏi đây ngay lập tức, đi đâu cũng được không ai được ở lại. Lý do có tên lính quèn không đi vì vừa mới cưới được cô vợ trong huyện, hắn không muốn để cô ta thủ tiết, hắn vừa nghe mệnh lệnh của Hữu Lâm đã đứng lên hỏi tại sao. Hữu Lâm nói nếu như đám chó kia đánh tới đây, người ở đây còn có thể trốn một kiếp, nếu quân đội đóng giữ ở lì không đi hoặc là bị chúng bắt được, vậy thì người của cả huyện đều có thể gặp nạn. Binh lính kia nói: “Nhưng mà…” Hữu Lâm bảo: “Tham sống sợ chết thì cút ra khỏi đây. Đừng nói với ta ngươi muốn nói lý lẽ với đám điên triều đình, nếu không ta càng xem thường ngươi.” Binh lính kia cũng xem như đi theo Hữu Lâm nhiều năm, lúc trước Hữu Lâm chỉ đâu đánh đó, nghe lời này xong tức anh ách. Nhưng đứng trên lập trường của mình cũng không có mặt mũi mắng đại ca của họ, cuối cùng đóng sập cửa rời đi. Mọi người lục tục rời khỏi Triệu phủ. Có người thu dọn khăn gói rời đi, có người quyết tâm đập nồi dìm thuyền, chỉ đeo dao súng bên người còn lại thiêu hết, xem như gửi hành lý của mình đến điện Diêm Vương trước. Lúc Hữu Lâm định đóng cửa, Triệu tiểu gia bỗng nói: “Hữu Lâm.” Hữu Lập lập tức đáp: “Ngươi im miệng về đi ngủ.” “Ta biết ta không khuyên được ngươi, từ nhỏ đến lớn ta chưa bao giờ nói thắng ngươi.” Triệu tiểu gia nói, “Cho nên ta không có ý định cản ngươi.” Tôi nhìn thấy Hữu Lâm nghe xong ngẩn người hồi lâu. Triệu tiểu gia đưa nến cho tôi, gài nút áo lại giúp Hữu Lâm, lại nhẹ nhàng vuốt tóc dài hơi rối của y. Giọng của cậu ấy bình tĩnh đến mức như đang nói lời nhắc nhở lúc lâm chung, như ngày thường nhắc Hữu Lâm mặc nhiều quần áo, ăn nhiều thịt. Cậu ấy nói: “Ngươi đi đi. Ta ở trong căn nhà này chờ ngươi về. Nếu là Hữu Lâm về ta sẽ rời khỏi nơi này cùng ngươi để tìm lối thoát khác. Nếu là bộ hài cốt trở về ta sẽ mai táng ngươi sau đó hoàn thành tâm nguyện giúp ngươi, một lần nữa chiêu binh mãi mã nối tiếp ngọn lửa của quân khởi nghĩa.” Ánh nến trong tay tôi, tôi có thể nhìn thấy vẻ mặt đau khổ của Hữu Lâm, y nói với giọng khàn khàn: “Mẹ nó ngươi chỉ là một văn nhân nói chiêu binh mãi mã gì chứ. Ngươi biết dùng súng không, ra chiến trường chỉ có bị người ta đánh chết.” “Vậy ta cũng chết có ý nghĩa.” Trong tay thiếu gia có một hộp son phấn, cậu ấy bảo Hữu Lâm cầm lấy: “Này, nếu ngươi không yên lòng thì dùng nó viết tâm nguyện ở trên người, lúc ta nhặt được hài cốt của ngươi còn có thể nhắc ta.” “Ngươi yên tâm, ta không sợ chết. Sao hả, người cảm thấy người đàn ông của ngươi là loại nhát chết à.” Triệu tiểu gia nói từng câu hững hờ như thế, cậu ấy còn muốn trêu Hữu Lâm cười. Cậu ấy cho rằng mình giả vờ không xúc động tí nào, khi Hữu Lâm đi sẽ thoải mái hơn. Trong dăm ba câu, sống chết như thể biến thành mấy bông tuyết mỏng tang, rơi trên làn da ấm áp của Hữu Lâm rồi hóa thành một vũng nước không nhẹ không nặng. Hữu Lâm im lặng cướp lấy hộp phấn kia. “Tuyết rơi rồi.” Tôi cau mày nhìn bầu trời đêm, bông tuyết óng ánh rơi trên quần áo tôi và tan ra, “Năm nay rơi sớm quá.” Hai mươi ba. Hữu Lâm đi rất đột ngột, thậm chí không nói một tiếng nào với thiếu gia. Tôi hiểu được suy nghĩ của Hữu Lâm, đoạn xá ly[1] phải nhanh mới không khiến vương vấn không dứt được. [1] Tôi là người cuối cùng nhìn thấy Hữu Lâm. Y chỉ mặc một bộ quần áo trong rất mỏng ngồi ở cửa. Tôi què chân, lúc quét tuyết vào rạng sáng nhìn thấy có người ở đó còn giật nảy mình. Tôi nói: “Ngài ra khỏi phòng sách lúc nào.” “Chú đừng nói cho Triệu Cẩn Trúc.” “Vâng,” Tôi cúi đầu đáp, “Ngài có muốn khoác thêm áo không, lạnh lắm.” Hữu Lâm xua tay, y ngẩng đầu lên nhìn bầu trời tối tăm mù mịt, đường cong cổ lộ vẻ rung động lòng người dưới màn xám chết chóc này. Y khàn giọng một lúc lâu rồi nói với tôi: “Chú Ngu ơi, tôi sợ chết.” Tôi tưởng rằng mình nghe lầm. Hữu Lâm trong kho củi đói bụng đến mức thoi thóp cũng không cầu xin, Hữu Lâm thương tích đầy mình dám cược mạng với Diêm Vương, Hữu Lâm dám cho mình một viên đạn, Hữu Lâm dám cướp địa bàn với đám thổ phỉ, nói rằng y sợ chết. “Trước đây tôi không sợ gì cả.” Hữu Lâm nói, “Nhưng ngày tôi nhìn thấy xác của người đưa tin, hắn là một anh hùng, tôi biết đó là kết cục tôi hướng đến. Nhưng đứng trước mặt hắn tôi không dám động đậy.” “Khoảnh khắc đó tôi như biến thành xác chết kia, người đứng ở vị trí này nhìn tôi là Triệu Cẩn Trúc.” “Triệu Cẩn Trúc nhìn thấy tôi đã chết sẽ nghĩ như thế nào.” “Thiếu gia sẽ rất đau lòng.” Tôi trả lời. Hữu Lâm nở nụ cười rất khó coi, y nói: “Tôi nhận ra… tôi không dám nghĩ đến sau này. Tôi nhận ra những hi sinh vì nghĩa lớn mà trước đây tôi tin tưởng đều biến thành đồ bỏ đi trong chớp mắt, tôi nhận ra tôi chỉ muốn sống tiếp với Triệu Cẩn Trúc, dù là sống tạm bợ.” “Tôi nhận ra… tôi sợ chết.” “Chú Ngu, tôi sợ chết.” Hữu Lâm nói lại, dáng vẻ luống cuống lại chán nản của y giống một đứa trẻ đang thì thào nhận lỗi của mình. “Nhưng ngài vẫn muốn đi đến phía Đông.” Tôi nói. “Tôi không còn cách nào.” Hữu Lâm đáp. Lý tưởng hơn hai mươi năm của y đang bị kẻ xấu chà đạp giày xéo, sao y có thể không đi. Vì vậy y đứng lên, chỉ mang theo một túi nhỏ bên cạnh, dắt con ngựa và rời đi từ cửa Triệu phủ. Bóng hình này vốn dĩ đã mất đi nét bướng bỉnh lại nổi loạn trong lòng tôi, dường như Đường Hữu Lâm đã không còn là Tiểu Hữu Lâm kia nữa, nhưng lần này y đi lại chống lên “bằng chứng” cuối cùng của y với tư cách là Đường Hữu Lâm. Hai mươi tư. Thiếu gia đang chờ Hữu Lâm trở về. Cậu ấy gắng gượng mới có thể duy trì được “Xã hội không tưởng” mà Hữu Lâm xây dựng hai năm. Mọi người muốn bán đất đổi lương thực với thiếu gia, nhưng lương thực của thiếu gia cũng không nhiều. Trong luật lệ của Hữu Lâm không cho phép cá nhân có nhiều ruộng đất, cậu ấy luôn tuân theo, vả lại trong lòng vẫn giữ sự lương thiện ngây thơ của người học văn, nên thiếu gia không lấy khế đất của họ còn miễn phí lương thực cho họ. Tôi khuyên thiếu gia đừng lo lắng cho đám người kia nữa, bản thân cậu ấy cũng khó đảm bảo. Cậu ấy đã bị nhiễm dịch bệnh, nhưng nhờ tình trạng sức khỏe tốt nên gắng vượt qua, sau đó thường xuyên ho khan. Thiếu gia vốn có thể vừa ho khan vừa bác bỏ tôi, nhưng dần dần không còn sức bác bỏ tôi nữa, đành phải tích giữ mấy túi lương thực còn sót lại. Có lúc cậu ấy sẽ hỏi tôi: “Chú Ngu, chú cảm thấy khi nào Hữu Lâm về.” Sau đó ngẩn ngơ nhìn trời, tự hỏi tự trả lời: “Ta cảm thấy y sẽ không về nữa.” Câu nói này giống như “thuốc phiện” Triệu tiểu gia dùng để làm tê liệt bản thân, cậu ấy nhiều lần nói với mình về kết cục khó chấp nhận nhất, như vậy khi nhìn thấy kết quả cuối cùng sẽ bớt buồn đau. Lúc tôi nhìn thiếu gia trong lòng cũng tràn ngập cảm giác buồn bã, không biết tại sao đó là một cảm xúc nhìn thấy kết cục đã định. Nếu như con người có thể nhìn một cái đến cuối đời này, vậy người đó chắc chắn sẽ có sự buồn bã giống tôi. Tôi không nhìn thấy cuối cùng của mình, nhưng thấy được nỗi đau buồn trong suốt trên người tiểu thiếu gia. Hai mươi lăm. Thiếu gia không đợi được Hữu Lâm trở về. Đội quân đã đến đây, không phải quần áo màu xanh mà để bím tóc dài. Bọn chúng xưng là thu hồi “đất bị mất” từ phản quân, bảo dân chúng trong huyện hoan hô hai bên đường. Thế là ngày vó sắt hất tung bụi đất đường cái, hai bên đường đều là xương bàn chân lởm chởm, hữu khí vô lực thấp giọng hô “Vạn tuế”, giống như gia súc đói bụng kêu to, trơ mắt nhìn chủ nuôi tai to mặt lớn vênh váo đi qua trước mặt họ. Cho dù họ chết rồi, chủ nuôi của họ cũng phải gặm thịt nạc trên xương họ. Quan binh tới đây đã ra oai phủ đầu giết gà dọa khỉ trước cho dân chúng. Họ muốn chúng tôi khai ra phản quân và kẻ phản bội chống lại phản quân đang trốn ở trong huyện, tử hình ngay trước mặt mọi người, treo đầu ở chợ ba ngày. Không quan tâm trong huyện chúng tôi có hay không, chỉ cần ai không nói ra manh mối vậy cái đầu lâu treo trên trời sẽ là của người đó. Không biết Cầu Phúc biết trước chuyện này bằng cách nào, ngay trong đêm hắn nhanh chóng nói cho tôi đang ở Triệu phủ, bảo tôi ra ngoài tránh đầu sóng ngọn gió. Tôi vừa nghe nói đến chặt đầu đã sợ hồn bay phách lạc, muốn đi gọi thiếu gia luôn. “Ông hồ đồ à,” Cầu Phúc nhỏ giọng nói, “Ông có thể đi là vì ông không có tác dụng, bắt thêm được ông hay bắt ít hơn cũng như nhau. Nhưng Triệu tiểu gia không đi được, Triệu tiểu gia mới là kẻ phản bội lớn nhất, Triệu tiểu gia đi rồi mọi người khai ra ai?” Tôi trợn to mắt, mới suy nghĩ đến chuyện này. “Triệu tiểu gia đã không cha không mẹ, Hữu Lâm hẳn cũng đã chết trên chiến trường. Nhưng người trong huyện đều là người có gia đình, bao nhiêu nam nữ già trẻ. Chết một mình hắn cứu được mọi người, chỉ có thể xem như cùng đường vì nghĩa quên tình nhà, không tính là vong ân phụ nghĩa.” Tôi cảm thấy Cầu Phúc nói có lý, vì vậy tôi im lặng về phòng thu dọn đồ đạc của mình. Lúc đi ngang qua phòng của thiếu gia lại nghe thấy cậu ấy khẽ ho khan. Đêm lạnh gió thấu xương, bước chân của tôi bị tiếng ho khan này kéo lại không đi được. Tiểu thiếu gia vốn dĩ có thể ngồi trên cao ở Triệu phủ tại sao ho khan, tại sao nhiễm bệnh, chẳng phải vì lúc trước mọi người muốn bán đất nhưng cậu ấy không chịu thu mà đến từng nhà nghèo tặng lương thực? Trong mắt tôi bỗng nhiên chảy nước mắt, muốn đi gõ cửa phòng thiếu gia nhưng một tiếng gọi của Cầu Phúc đã kéo tôi về thực tế. Hắn nói: “Ông còn đứng ngây ra đó làm gì.” Cầu Phúc cũng khóc, Hữu Lâm đã từng là ân nhân cứu mạng của Lai Vận, nhưng chúng tôi hết cách rồi. Triệu tiểu gia là người lương thiện, khi chết đi nhất định sẽ không hóa thành lệ quỷ đòi hồn, để một mình cậu ấy chết đi sẽ tốt hơn là bị ngàn vạn oan hồn trách tội cả ngày lẫn đêm. Hai mươi sáu. Triệu tiểu gia bị những người từng ăn lương thực của cậu ấy ép đến pháp trường. Tôi giả làm một người nhiễm bệnh, bị kín đầu và mặt đến mức người bên ngoài đều không nhận ra tôi, sau đó đến xem họ đưa Triệu tiểu gia đi. Trước khi bước ra khỏi cửa Triệu phủ ai cũng khóc, nhưng đến trước mặt quan binh lại không dám phát ra âm thanh nào, chỉ có nhỏ giọng khóc nức nở. Trong có đó bao bao nhiêu là áy náy thật sự, có bao nhiêu là diễn trò giả tạo, tôi không biết được. Chỉ có một người phụ nữ túm chặt ống tay áo của Triệu tiểu gia, cô ta là người mẹ từng quỳ gối ở Triệu phủ, vừa khóc vừa kéo Triệu tiểu gia về. Nhưng sức lực của cô ta quá nhỏ so với những người đàn ông lực lưỡng khỏe mạnh này, cô ta bị kéo xa mấy mét, trên người dính toàn bụi đất. Cô ta vừa khóc lóc vừa chửi ầm lên: “Các ngươi là đám chó chết vong ân bội nghĩa, con của các ngươi được ai cứu về, thóc các ngươi ăn là của ai, các ngươi làm vậy không sợ toác đầu à!” Lời này của cô ta đang nói đến tất cả những người ở đây từng cấu kết với phản quân, lỡ như để quan binh nghe được, đám người này cố gắng vượt qua sự lên án của lương tâm khai Triệu tiểu gia ra cũng thất bại trong gang tấc. Mọi người vội vàng kéo cô ta đi khuyên cô ta đừng nói nữa, cô ta cũng đã khóc không còn sức, nước mắt trộn bụi đất trên mặt thành bùn, tầm nhìn mơ hồ. Cô ta trơ mắt nhìn Triệu tiểu gia bị kéo đi. Triệu tiểu gia không nói một lời. Lúc trước cậu ấy cũng giống như Hữu Lâm, gặp chuyện bất công cũng sẽ tranh luận cả buổi sáng. Nhưng lần này cậu ấy không nói gì, bình tĩnh bị chúng kéo đến pháp trường. Là xem nhẹ sống chết hay là nản lòng thoái chí? Tôi không phải Triệu tiểu gia nên tôi không nói rõ được. Nhưng đó là tiểu thiếu gia tôi nhìn từ nhỏ đến lớn, trước lúc sắp bị tử hình cậu ấy quỳ gối giữa trời đất ngẩng đầu nói với thế gian: “Người tỉnh táo đã chết, kẻ ngu muội sống tạm. Thà cho sống đọa thác đày, lòng ta không nỡ để lây thói thường[2], ta chết có ý nghĩa!” [2] Cuối cùng cậu ấy đang gọi tên ai, chúng tôi đều không nghe rõ. Có lẽ là Hữu Lâm. Hai mươi bảy. Quân khởi nghĩa đã bị diệt, nơi này có Huyện lão gia mới tới. Lương thực cứu trợ thiên tai của quan phủ gửi tới, ít đến thảm thương. Chúng tôi giống như hạt gạo trong canh loãng, phiêu dạt không nơi nương tựa, không biết sống chết của ngày mai. Hai mươi tám. Tôi cho rằng Triệu tiểu gia chết rồi, những chuyện này kết thúc là kết thúc. Nhưng không ngờ Hữu Lâm đã trở về. Bờ sông đã không còn người phụ nữ đi giặt quần áo, cho rằng nước đã biến thành màu đỏ. Lúc tôi đi đưa hạt đậu cho Cầu Phúc, đi ngang qua bờ sông thì bị một đôi tay kéo vào trong bụi cỏ bên bờ. Tập trung nhìn vào, giật mình hét một tiếng, Đường Hữu Lâm biến mất rất lâu đang ở ngay trước mặt tôi, toàn thân y đều là vết máu khô cạn, hệt dáng vẻ lúc trước ngã ở cửa Triệu phủ. Y hỏi tôi: “Chú Ngu, Triệu phủ đâu.” Tôi nói: “Triệu phủ bị quan binh đốt rồi.” Y tốn rất nhiều sức mới há miệng ra được, y nói: “… Cẩn Trúc đâu.” “Thiếu gia chết rồi.” Có lẽ y đã chuẩn bị kỹ càng nhưng giọng nói vẫn không khỏi run rẩy, tôi nhìn thấy bốn chữ này đã ép vỡ cột sống của y. Y hỏi: “Xác của hắn đâu, bị đốt rồi à.” Lòng tôi như bị kim châm trong chớp mắt, bật tốt lên: “Ngươi vẫn chưa đến chợ đúng không…” Tôi nói xong đã hối hận, che miệng không nói gì thêm nữa. Hữu Lâm mờ mịt: “Chợ? Chợ làm sao.” Hai mươi chín. Cả đêm tôi trở mình trằn trọc ngủ không yên. Trời tờ mờ sáng, Lai Vận dậy rõ sớm ngồi ở cửa gặm ngón tay, còn tôi và Cầu Phúc chọn một cái đèn sau đó đến dưới cổng làng lớn nhất chợ. Nhìn thấy cảnh tượng ở đó trái tim như rơi vào hầm nước lạnh. Hữu Lâm quỳ gối trong vũng máu, trong ngực ôm thứ gì đó, y cuộn người lại rất nhỏ, dường như làm vậy có thể cho cái đầu lâu trong lồng ngực một ít nhiệt độ. Tư thế này của y trùng với vô số Hữu Lâm trong đầu tôi – Tiểu Hữu Lâm nhỏ gầy gập đầu cho Lão gia, Đường Hữu Lâm mặc mã quái mới màu đen đỏ bái thiên địa với Triệu tiểu gia trong sảnh đường. Cái bóng của họ giống như vô số linh hồn người chết, lần lượt cúi người trên tác phẩm điêu khắc đông cứng này, rồi từ từ biến mất. Hình như tôi nghe thấy tiếng thút thít đau đến xé lòng nhưng lại kìm nén, im lặng truyền đến từ đêm hôm qua. Tôi và Cầu Phúc vội vàng ôm xác của Hữu Lâm đi, đầu lâu trong ngực y như đã nối liền với cơ thể y, chúng tôi tốn rất nhiều sức mới tách ra được. Chúng tôi không thể mang Triệu tiểu gia đi, nếu như quan binh phát hiện không thấy cái xác nhất định sẽ lục soát từng nhà. Mà ở cổng làng có mấy người đã đẩy sạp hàng đến từ sáng sớm, nhìn tôi và Cầu Phúc một cách lén lút và tò mò. Chúng tôi khó khăn mang Hữu Lâm đi, đặt xác của y ở bên cạnh bếp lò, mất một lúc lâu mới ấm lại. Tay chân y có thể cử động, chúng tôi bèn thay một bộ áo tang đơn sơ cho y. Lồng ngực y có một lỗ đạn, máu ở xung quanh đỏ hơn miệng vết thương khác, đó có lẽ là vết súng y tự bắn. Vết máu kết thành vảy màu đen, nhưng trên người y còn có một vệt màu đỏ duy nhất không đổi, viết thành một dòng chữ Hán, nó đã được để lại trước khi y có những vết thương này. Tôi vén vạt áo của y ra xem, trên lồng ngực là bảy chữ… “Triệu Cẩn Trúc bình an vui vẻ.” Tôi giật mình nhớ đến hộp son phấn mà thiếu gia đưa cho Hữu Lâm trong đêm tuyết, và những lời cậu ấy từng nói. Thì ra nguyện vọng Hữu Lâm muốn thiếu gia thực hiện sau khi y chết không phải là chiêu binh mãi mã, mà là bình an vui vẻ. Tôi nhìn Hữu Lâm với cảm xúc ngổn ngang, Lai Vận vẫn biết y, bi bô dùng bàn tay bẩn thỉu đụng vào gương mặt tái nhợt của Hữu Lâm. Cầu Phúc lấy tay của con ra, bảo đứa trẻ ngốc kia ngồi đó không được cử động. Hắn bỗng nghĩ: “Trương thần tiên nói sau gáy Hữu Lâm có miếng vảy rồng nhỉ?” Hai chúng tôi cũng không dám có tâm tư dùng vảy rồng chữa bệnh nữa, chỉ muốn Hữu Lâm nguyên vẹn xuống mồ nghỉ ngơi. Nhưng xuất phát từ một chút sợ hãi và kính sợ cắm rễ dưới đáy lòng, tôi và Cầu Phúc vẫn vén mái tóc dài của Hữu Lâm ra. Ba mươi. Mà trên cái cổ kia nào có vảy rồng gì, chỉ là một miếng máu thịt của người bình thường thôi. Hết.