Chỉ Là Anh Giấu Đi
Chương 21
Sau kỳ nghỉ Tết, mọi người bắt đầu đi học lại như cũ. Mọi thứ vẫn vậy, trừ tình bạn của một số người có một chút tan vỡ. Chuyện đơn giản chỉ là Duy Thanh dẫn Mỹ Hạnh sang nhà Khánh Long, Văn Hàn và Văn Vũ chơi, mà chả biết tin tức truyền bằng cách nào, Anh Đức và Hoàng Sơn thì không nói, chỉ là Quốc Hùng cảm thấy hơi cay.
Nghe bảo Duy Thanh dẫn bạn Hạnh nào đó sang nhà mấy bạn kia, thấy mình không những là bạn bè, mà còn hơn cả anh em, vậy mà Quốc Hùng thấy mình còn thua cả người dưng. Không được bạn Hạnh qua nhà, mà ngay cả bạn Hạnh là ai, Quốc Hùng cũng chả biết. Bạn Hạnh tồn tại khi nào, mà sao anh chưa bao nghe nhắc đến.
“Bạn cấp một với nhau mày ạ.” Duy Thanh minh oan cho việc mình không dẫn Sún qua nhà Quốc Hùng. “Khổ.”
“Chó nó tin.” Quốc Hùng bĩu môi.
Tới trường, câu chuyện tiếp tục được đem ra và dưới cái miệng của Hoàng Sơn, mọi thứ trở nên kinh điển và phức tạp hóa lên gấp nhiều lần. Nào là Duy Thanh xem mọi người là gì. Có còn coi nhau là anh em nữa không. Tại sao lại phân biệt đối xử, hay là có mới, nới cũ. Đủ các thể loại.
Khánh Long cảm thấy mệt óc. “Hùng.” Anh vừa ăn xôi, vừa nói. “Mày có dẫn Bảo Hân qua nhà tao không?”
Quốc Hùng đáp. “Không.”
“Thế nhà thằng Đức?”
“Ờ không.”
“Nhà thằng Sơn?”
“Không luôn.”
Khánh Long nhếch môi cười. “Vậy mày trách gì thằng Thanh.”
“Ê, thà nó không dẫn, thì tao không nói làm gì.” Quốc Hùng liếc mắt Duy Thanh. “Đằng này nó dẫn sang nhà mày, nhà thằng Hàn, rồi nhà thằng Vũ nữa chứ.” Mà nhà anh thì gần nhà của Văn Vũ.
Khánh Long cảm thấy nực cười vì ai đó ghen tỵ. “Tụi tao học chung cấp một với nhau mà mày.”
“Mình nhớ là hai bạn hiền lên cấp hai mới học chung với nhau.” Anh Đức nói khía việc Quốc Hùng cấp một không học chung lớp với Duy Thanh. Vậy thì đòi đu theo làm gì.
Trống đánh vào lớp nhưng Quốc Hùng vẫn không ngừng bực tức và ghen tỵ trong lòng. Chuyện thật ra chỉ là Quốc Hùng cảm thấy mình không được Duy Thanh coi trọng. Đúng là chuyện chả có gì để nói, chả có gì để quan tâm, hay quan trọng đến nỗi phải lôi ra hoạch hoẹ lẫn nhau. Nhưng đến mãi sau này thì Quốc Hùng mới nhận ra, tất cả mọi việc đều có cái lý của nó và việc anh ghen tỵ như vậy cũng là rất đúng.
Bởi chính vì anh tức, nên sau đó anh cùng Văn Hàn xồng xộc tới lớp của Duy Thanh để xem thử rốt cuộc bạn Hạnh là bạn nào. Bạn Hạnh là ai mà huyền bí và đặc biệt như vậy, đặc biệt đến nỗi Duy Thanh coi trọng còn hơn cả anh. Và khi đứng ngoài lớp nhìn vào, được Văn Hàn “chỉ điểm” và khi thấy Mỹ Hạnh quay lại nói cười gì đó với Duy Thanh, Quốc Hùng mới nhận ra một điều, tình yêu bắt đầu ngay từ đó.
“Sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu. Em cũng không biết nữa. Khi nào ta yêu nhau”, bài Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh cứ lặp đi, lặp lại trong đầu của Quốc Hùng. Hình ảnh cô gái với mái tóc dài cột sau lưng, làn da trắng cùng với môi hồng, miệng cười duyên dáng, mắt lung linh, nó khiến cho Quốc Hùng cứ thơ thẫn trong nhiều ngày cùng với câu ca dao, “trăng rằm mười sáu trăng nghiêng, thương ai chúm chím cười duyên một mình”.
Bảo Hân đường đường được mệnh danh là hoa khôi của khối, nhưng nếu so với nét đẹp của Mỹ Hạnh, thì Quốc Hùng mới lại thấy dường như bạn gái của mình chẳng bằng một phần. Hay có lẽ là vì trước giờ anh cứ nghĩ mình thích Bảo Hân, cho đến khi gặp được Mỹ Hạnh. Nếu bây giờ anh áp dụng sự phân tích của mình vào sắc đẹp, thì, thì, anh nghĩ mình cần phải nên tiếp cận “dung nhan” của Mỹ Hạnh thêm, thêm một vài lần nữa, như thế mới có thể phân định được một cách, một cách chính xác hơn được.
Nói về Duy Thanh, mọi việc cứ vậy trôi qua, ngày rồi qua ngày, tuần này nối tiếp tuần kia, anh với Mỹ Hạnh ngày càng thân thiết. Việc thấy bạn lớp trưởng và Mỹ Hạnh trò chuyện, cười đùa với nhau, giờ anh cũng thấy bình thường. Bạn lớp trưởng dù sao cũng đã ở bên Mỹ Hạnh nhiều năm, việc thân thiết cũng là điều dễ hiểu. Nếu không có bạn ấy ở bên chia sẽ, anh không biết Sún sẽ còn buồn hơn như thế nào.
Và rồi hội khỏe Phù Đổng cũng đến, cũng như mọi năm, Duy Thanh chả thèm đoái hoài. Có điều, anh thì không nhưng Mỹ Hạnh lại có. Cô nàng tiếp tục điền tên anh vào danh sách thi đấu và khi nghe được cô giáo đọc tên mình với Mỹ Hạnh trong cuộc thi chạy tiếp sức, thay vì vui mừng, anh lại kinh ngạc ú ớ.
Cái đéo gì nữa vậy, Duy Thanh nghĩ rồi nói. “Hình như…”
Mỹ Hạnh biết rõ là trước sau gì Lu ngốc cũng lên tiếng nên liền quay lại. “Như như cái gì mà như.”
Duy Thanh ngầm đoán chính cô nàng đã ghi tên mình. “Sún ghi tên Lu hả?”
Mỹ Hạnh liếc mắt. “Thì sao, Lu không muốn thi chạy với Sún à.” Sợ Duy Thanh nói “không” nên cô nói tiếp. “Vậy để Sún nhờ bạn nam khác.”
Duy Thanh sợ Mỹ Hạnh nhờ bạn lớp trưởng nên liền nói nhanh. “Thi, thi. Lu muốn thi.”
Thế là “đôi đũa lệch” được hình thành và không như những môn thi khác, đôi đũa lệch chả cần phải luyện tập nhiều. Nội dung rất đơn giản, nam chạy trước, sau đó giao lại “ống nhựa” cho bạn nữ và bạn nữ sẽ tiếp tục cầm ống chạy tiếp. Cặp nào về đích trước, cặp đó vô địch.
Sân đá bóng cũng không lớn lắm, hai vòng quanh sân, nam một vòng và nữ một vòng, nên chỉ cần sức bền và tốc độ là “ok”. Duy Thanh là quái vật nên chả nói làm gì, chỉ là Mỹ Hạnh vừa là phái yếu, vừa không phải là “gái đồng quê” nên nhìn chung khó lòng mà giành chiến thắng.
Ở làng P này, từ ngữ “gái đồng quê” là để ám chỉ những bạn gái, những phụ nữ từ khi sinh ra đã gắn liền với nghề làm nông, hoặc làm vườn ngay từ nhỏ. Mỹ Hạnh thì trước giờ mặc dù cũng biết “nữ công gia chánh”, nhưng so với các bạn nữ đồng trang lứa, thì cô có phần sung sướng và giống “tiểu thư” hơn nhiều.
Do vậy khi Văn Vũ vô tình tiết lộ cho đôi đũa lệch biết một thông tin, đó là ở các lớp bên, có những bạn sinh hoạt đoàn với anh, họ rất mạnh mẽ và đặc biệt trong những “trò chơi nhỏ”, họ giành rất nhiều phần thắng. Nghe qua thì chả có gì nhưng đối với Mỹ Hạnh, những lời nói của Văn Vũ giống như đang châm chọc lấy cô. Ý nói cô là kiểu thục nữ, điệu đà, yếu ớt và chả cứng rắn như những bạn nữ kia chứ gì. Điều đó khiến Mỹ Hạnh luôn dặn lòng phải giành chiến thắng cho bằng được. Giành chiến thắng cho ai kia ngạc nhiên lòi con mắt ra. Dám chê cô yếu sao.
“Lu cứ chạy nhanh hết cỡ đi. Còn lại để cho Sún.” Mỹ Hạnh nói đầy quyết tâm.
Văn Vũ cũng không vừa. “Để Sún đứng nhìn người ta chạy à?” Anh cười lớn.
Tình cảm xưa nay vốn dĩ đã không tốt vì chuyện học lực, giờ lại đến chuyện hội thao, Mỹ Hạnh xem như đã liệt Văn Vũ vào danh sách đen cần phải loại trừ.
Rồi ngày hội thao cũng đến, buổi chiều, trời tháng ba nhưng nắng cũng khá gắt. Sự oai bức khiến nhiều người vã mồ hôi như vừa mới tắm. Duy Thanh cũng tới sớm cùng với Quốc Hùng để xem và cổ vũ lớp mình thi đấu. Hội thao có rất nhiều môn thi, chạy bền, chạy nhanh 100m, cầu lông, nhảy xa, nhảy cao, kéo co, cầu lông, bóng bàn, vâng vâng và vâng vâng. Và không như Duy Thanh, Quốc Hùng tham gia thi đá bóng, môn thể thao được rất nhiều bạn nữ hâm mộ.
Khánh Long thì chọn nhảy xa và kéo co. Và với cương vị đội trưởng của đội kéo co, Khánh Long đứng đầu hàng, cố tình mang áo ba lỗ để lộ ra những hàng cơ bắp của mình. Văn Hàn nhếch môi cười vì không biết bạn thân mình đang thi kéo co, hay là khoe mẽ với các bạn gái.
Bộ đôi “chó điên” cũng thi, Anh Đức thi cờ vua và Hoàng Sơn thì đá bóng. Văn Vũ hồi cấp hai rất nổi tiếng trong trường bằng tài năng đá bóng của mình, nhưng khi lên cấp ba, anh chàng lại chuyển sang chơi bóng bàn. Không biết vì lý do là gì nhưng Quốc Hùng và Hoàng Sơn ăn mừng cái đã. Loại bỏ được kình địch và siêu sao mạnh nhất, hai người chả cần bận tâm đến lý do.
Sau khi nhường sân cho phần thi chạy bền, cuối cùng phần thi chạy tiếp sức cũng đến. Duy Thanh đứng ngay vạch xuất phát và đang thực hiện những bài khởi động nho nhỏ. Lắc cổ chân, lắc hông, chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi và một số tư thế với động tác làm giãn cơ.
Mỹ Hạnh đứng trên bãi cỏ nhìn Duy Thanh với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Miệng cô chúm lại, người thì khẽ đung đưa. Mọi bữa học thể dục, cô thấy anh cứ ủ rũ, chầm chậm, cô biết ngay là anh giả vờ mà. Từ nhỏ anh đã học võ rồi, sao có thể ốm yếu được kia chứ.
Thầy thể dục bước đến bảo mọi người vào vị trí. Ai nấy đều cầm chiếc ống nhựa chắc trên tay và mặt hướng về phía trước. Luật đã phổ biến cho tất cả thí sinh, không được chơi xấu, không được ăn gian, không được có bất kỳ những hành vi nào vi phạm đến nội quy và điều lệ đã được thông báo.
Sáu người nam, đại diện cho sáu lớp sẽ đừng vào vị trí. Tiếng còi vang lên, mọi người sẽ bứt tốc về phía trước. Chạy đủ một vòng sân, các bạn nam sẽ truyền ống lại cho các bạn nữ và các bạn nữ sẽ tiếp tục hoàn thành phần thi của mình. Vì hội thao vui là chính, nên không cần phải có máu ăn thua, không cần phải gắng gượng hết sức, gây nguy hiểm đến sức khỏe với thân thể của mình và những người thi khác.
Thầy thể dục nói lớn. “Chuẩn bị.”
Duy Thanh cùng mọi người khom người xuống, anh đặt chân phải ra sau để vận lực bứt tốc. Tiếng còi vang lên, mọi người đồng loạt chạy về phía trước. Ai nấy đều lao tới bằng một cách nhanh nhất có thể. Người dẫn đầu không phải là Duy Thanh. Anh đang đứng ở vị trí thứ hai. Sau khi các bạn nam chạy đi, các bạn nữ nhanh chóng đứng vào vị trí của mình. Mỹ Hạnh không ngừng hồi hộp khi nhìn theo bóng dáng của Duy Thanh.
Những người khác đều đứng hai bên đường “pitch” để hò hét cổ vũ. Nói đường pitch cho sang vậy thôi, chứ thật ra chỉ là đường bê tông lượn quanh sân cỏ. Nói đến sân cỏ thì mọi người lúc này cũng đang tập trung chuẩn bị cuộc thi chạy nhanh 100m. Vì chiều dài sân cỏ không đủ đáp ứng, nên người thi, sau khi chạy tới đúng vạch 50m, thì phải quay ngược và chạy về lại vạch xuất phát.
Trở lại với Duy Thanh, ngay tại khúc bo đầu tiên, hai bạn mất đà và lao thẳng luôn lên trên lề. Duy Thanh ngay tại vòng bo này, lúc đang quẹo trái cũng loạng choạng vì mọi người chụm lại với nhau. Bốn người tiếp tục bứt phá, hai người mất đà chạy lên lề sau đó cũng trở lại cuộc đua. Đoạn bo luôn là khúc khó nhất cho những người thi chạy. Vì nếu bo gấp không khôn khéo, người thi dễ bị trượt té như chơi. Còn không thì tuôn lên thẳng trên lề như hai ông tướng kia vừa thực hiện.
Qua khúc bo tiếp theo, Duy Thanh bắt đầu tăng tốc hết cỡ. Mỹ Hạnh thấy anh bất ngờ vươn lên dẫn đầu thì vô cùng mừng rỡ, và cô ngạc nhiên hơn khi thấy anh chàng bỏ xa đối thủ. Dã man dễ sợ, Lu của cô không phải là người thường, tốc độ chả khác gì vận động viên điền kinh thực thụ cả.
Kết thúc khúc bo cuối cùng, đích ở trước mặt, Duy Thanh sải chân tiến tới chỗ Mỹ Hạnh trong tư thế một mình không ai tranh đua. Mỹ Hạnh thấy Duy Thanh đang lao tới nên cũng bắt đầu tư thế để chuẩn bị nhận lấy ống nhựa.
Duy Thanh đưa ống tới, Mỹ Hạnh nhanh chóng chắp lấy rồi cắm đầu lao đi. Nhất định cô phải về nhất, vì như vậy mới không uổng công sức của Duy Thanh. Anh đã loại bỏ được tất cả các đối thủ nam và tạo ra một sự thuận lợi không thể nào tốt hơn, khi giờ cô đang bỏ xa các đối thủ nữ.
Duy Thanh sau khi đưa ống nhựa cho Mỹ Hạnh, anh quay lại quan sát và nhanh chóng bước lên sân cỏ để không gây trở ngại cho cuộc đua. Vừa chống nạnh, vừa thở, anh dõi theo bóng dáng của Mỹ Hạnh, cô nàng đang chạy tới khúc bo đầu tiên. Bỏ xa các bạn nữ sau lưng, anh nghĩ nếu cô nàng cứ giữ tốc độ như vậy thì vị trí nhất sẽ nắm chắc trong tay.
Có điều, mọi việc đâu ai có thể ngờ trước được điều gì. Khi vừa qua khỏi khúc bo, Mỹ Hạnh đạp trúng phải dây giày của mình và vấp té. Duy Thanh đang cầm chai nước định uống thì thấy được, anh hoảng hốt vứt xuống đất và bắn tốc độ lao tới. Đồng thời lúc này ở trên sân, cuộc thi chạy nhanh 100m bắt đầu.
Mọi người đang hò hét cổ vũ thì ai nấy đều sửng sốt, cả những người thi cũng sửng sốt theo. Thằng khí nào đó từ phía sau tuôn lên và bỏ xa những người đang chạy. Ngay cả thầy thể dục đứng giám sát cuộc thi cũng phải trố mắt lên vì ngạc nhiên.
“Thằng đéo nào vậy?” Một người đang đứng cổ vũ thốt lên.
“Thằng đó lớp nào?” Một người khác hỏi.
Vài giây sau đó mọi người từ ngạc nhiên chuyển sang một trạng thái khác. Thằng khí “tia chớp” sau khi cán mốc 50m thì thay vì quay ngược trở đầu lại, hắn ta lại cắm đầu chạy tiếp tới nơi nào đó, mà mọi người cũng chả thèm quan tâm.
“Hên là hắn đéo thi.” Một bạn nam thấy may mắn cho lớp mình.
Thật ra, Duy Thanh chạy nhanh thật. Nhưng việc anh chàng chạy nhanh hơn và bỏ xa những người thi là có lý do của nó. Tuy đứng sau mọi người một chút nhưng Duy Thanh có lợi thế về phần tăng tốc. Giả dụ, nếu chạy 50m trong mười giây, thì trung bình mỗi giây chạy được 5m. Lý thuyết là vậy nhưng ngay một giây đầu, chả ai chạy được 5m cả. Phải có một quá trình tăng tốc từ chậm lên nhanh dần và tuy Duy Thanh đứng xa nhưng anh chàng lại xuất phát trước. Và khi mọi người đang bắt đầu chạy từ những mét đầu tiên, thì anh chàng đang đạt đến vận tốc cực đại của mình. Đó chính là lý do vì sao anh chàng lại chạy nhanh hơn mọi người.
Trở lại với Duy Thanh, anh đỡ Mỹ Hạnh đứng dậy trong tâm lý hoảng sợ. “Sún có sao không?”
Mỹ Hạnh sau khi vấp té, cô thẩy cả người mình đầy ê ẩm và đau đớn, nhất là tay với chân. Khó khăn lắm cô mới có thể định hình được mọi chuyện và ngồi dậy. Thấy Duy Thanh chạy tới lo lắng, cũng như từ trước đến giờ, cô bỗng mếu máo. “Đau quá.”
“Tới ghế ngồi để Lu xem thử.” Duy Thanh dìu Mỹ Hạnh đi về phía ghế đá gần đó.
Mỹ Hạnh thấy giờ nếu cô chạy tiếp thì vẫn còn cơ hội chiến thắng. “Nhưng mà.”
Duy Thanh cắt ngang lời. “Thi gì nữa mà thi, bỏ đi.” Anh không biết vì sao mình lại bực bội.
Đặt Mỹ Hạnh ngồi trên ghế, Duy Thanh quỳ một chân xuống và cầm hai tay của cô lên xem. Trầy xước, máu tươm ra, anh nghĩ là cô phải rất đau. “Để Lu đi lấy bông với thuốc. Sún ngồi đây đi. Đừng đi đâu hết.” Anh như ra lệnh, mặt anh lúc này nghiêm nghị hơn bao giờ hết.
Mỹ Hạnh mắt ngấn lệ, bặm môi nhìn Duy Thanh gật đầu. Cô không muốn khóc, nhưng sao mỗi lần như vậy, thì cô chỉ muốn òa lên để lãm nũng với anh. Từ trước giờ luôn như vậy, Duy Thanh luôn là người bảo vệ và quan tâm tới cô. Chắc có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ cô đã thích anh, thích ngay từ cái vụ anh đánh Khánh Long để bênh vực cô.
Đôi khi ở trên đời, ta thích một người nào đó, không phải vì người ta đẹp, giỏi, hay vì bất cứ điều vật chất gì khác. Ta thích họ, cũng bởi lẽ họ cho ta một cái cảm giác nào đó mà trước giờ ta luôn muốn được có, một sự bù lấp về tình cảm mà trước giờ ta luôn thiếu thốn, một sự ấm áp chân thành mà trước giờ ta phải lạnh lẽo vì cô đơn.
Mỹ Hạnh chính là người như vậy. Mặc dù sống chung với gia đình nhưng từ nhỏ đến giờ, cô luôn thiếu thốn về tình yêu thương, hoặc đơn giản là tình thương đó chưa bao giờ chân thành. Và Duy Thanh xuất hiện đúng vào một thời điểm rất thích hợp, anh đã cho cô cái cảm giác được bảo vệ, được che chắn và được quan tâm thật sự là như thế nào. Nơi cô không phải giả vờ gồng mình lên để chứng tỏ mình mạnh mẽ.
Và đó là những gì bây giờ cô nghĩ, vì cho đến sau này, cô mới nhận ra được một điều. Buổi chiều hội thao định mệnh đó, lẽ ra cô phải nhận ra từ sớm mới phải. Cuộc thi chạy, nó chả khác gì tình yêu của cô.
Ngay từ đầu, cô và anh đã là một cặp. Và trong những chàng trai thi chạy, anh đã mạnh mẽ vươn lên dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ và chạy tới cô đầu tiên. Anh giao cho cô ống nhựa, giống như việc anh đặt tình yêu của hai người phụ thuộc vào cô và anh đã dừng lại ngay lúc đó. Nếu cô chạy về đích, có lẽ tình yêu của hai người đã khác. Nhưng rồi cô lại vấp ngã và buông ống nhựa, nó chả khác gì tình yêu của hai người đã bị cô buông đi.
Cái cô cần, đó không phải là việc anh chạy nhanh nhất. Cái cô cần cũng không phải là mình có thể chạy về đích. Cái cô cần, thật ra anh không cần phải nổi trội, không cần phải ưu tú hay xuất sắc hơn mọi người, mà cô cần anh cùng chạy với mình.
Chúng ta không cần về nhất, chúng ta không cần giành chiến thắng, thậm chí chạy cuối cùng cũng được. Chúng ta chỉ cần hoàn thành phần thi của mình cùng nhau, giống như việc chúng ta hoàn thành phần đời của mình ở đây.
Cô cần anh cùng chạy với mình.
Trở lại với Duy Thanh, sau khi xồng xộc chạy vào phòng y tế, xin cô giáo bông băng, nước uống, thuốc dán và oxy già, anh liền chạy nhanh lại vị trí của Mỹ Hạnh. Đổ nước suối lên tay cô trước. “Sún đau không?”
Mỹ Hạnh bặm môi lắc đầu. Cô khóc có phải vì đau đâu, là vì cảm động mà thôi.
Sau khi đổ oxy già lên khử trùng, Duy Thanh lấy một miếng bông nhỏ chạm nhẹ lên. Mỹ Hạnh cũng thắc mắc vì sao không đổ oxy già lên luôn, để cô khỏi phải đau đến hai lần. Nhưng mà cô nghĩ trong đầu thôi, cô không dám hỏi “Lu ngốc”.
Xử lý tay xong, Duy Thanh chợt nghĩ đến chân. “Để Lu xem chân Sún bị gì không?”
Mỹ Hạnh vội “á” lên một tiếng.
Duy Thanh nhíu mày. “Giờ này rồi mà còn mắc cỡ gì nữa.”
Cô hét lên có phải vì mắc cỡ đâu. Vì anh đụng phải vết thương của cô mà. Nếu không phải vì cô đang cảm kích anh, thì cô đã đấm thẳng vào mặt anh rồi.
Duy Thanh kéo nhẹ ống quần của Mỹ Hạnh lên. Cả hai chân đều bị trầy. Sau khi xử lý xong, nhưng vì thấy máu vẫn còn chảy nên anh hoảng hốt vô cùng. “Máu không cầm. Tiêu rồi.” Anh sực nhớ ra một điều. “Sún ngồi đây ráng chịu đau xíu nha. Để Lu đi tìm Văn Vũ.”
“Ủa làm gì?” Mỹ Hạnh không hiểu Duy Thanh đi tìm tên đáng ghét đó làm gì. Mắc công hắn lại xỉa xói cô.
“Sún cứ ngồi đó đi.” Duy Thanh lao đi.
Lúc không cần thì xuất hiện, lúc cần đến thì lại chả thấy đâu. Đứng giữa sân thể dục, Duy Thanh chả biết Văn Vũ ở đâu mà tìm. Vô tình gặp được Quốc Hùng, anh chàng bảo mình biết Văn Vũ đang ở đâu nên liền chỉ. Thấy nét mặt Duy Thanh “tái mét”, Quốc Hùng chưa hỏi hết câu thì Duy Thanh đã tuôn đi.
Sống với Văn Vũ từ nhỏ nên Duy Thanh biết Văn Vũ có thể làm được gì. Lúc xưa khi cùng chơi với nhau ở sân chùa, anh từng thấy một người tay đang toét máu nhưng Văn Vũ chỉ cầm lên lẩm bẩm gì đó thì máu đã tuôn ngưng. Không những lần đó, mà những lần sau anh đều chứng kiến được, Văn Vũ giống như một vị thần vậy đó, phép thuật đầy mình.
Thấy được Văn Vũ, Duy Thanh liền kéo đi và bảo Sún đang gặp tai nạn. Tới nơi, Văn Vũ thấy hình như Duy Thanh chỉ làm quá lên thì có. Quốc Hùng tò mò không biết chuyện gì, cho đến khi nhìn thấy Mỹ Hạnh, anh chàng lại bỗng chạnh lòng xót thương. Đây là lần đầu tiên anh được nhìn Mỹ Hạnh trực diện như thế này. Tuy bộ dạng của cô nàng đang thảm thương, nhưng anh lại thấy được sự xinh đẹp tiềm ẩn sau khuôn mặt đầy nước mắt đó.
Duy Thanh thấy Văn Vũ thực hiện “phép thuật” xong thì liền vỗ vai anh chàng. “Cảm ơn Vũ nha.”
“Không cảm ơn tôi sao.” Văn Vũ nói khía người đang ngồi khóc.
Mỹ Hạnh liếc mắt. “Cảm ơn Vũ điên.”
Văn Vũ lè lưỡi trêu lại.
Duy Thanh đỡ Mỹ Hạnh lên. “Thôi để Lu đưa Sún về.”
“Nhưng còn.” Mỹ Hạnh thấy hội thao đang diễn ra nên sao mình có thề về được.
Văn Vũ hiểu ý nên liền chen ngang. “Hạnh về đi, để Vũ nói với lớp cho.” Nói xong, anh chàng cầm băng thuốc đem đi.
“Thôi để Sún tự về được.” Mỹ Hạnh không muốn làm phiền Lu.
“Bị như vậy rồi mà sao đạp xe về được.” Duy Thanh lo lắng.
Mỹ Hạnh gượng cười. “Không sao đâu, Sún đạp được mà. Với lại nếu Lu chở Sún về thì ai đạp xe Lu về.”
“Hạnh cứ để thằng Thanh chở về đi. Tôi đạp xe thằng Thanh về cho.” Quốc Hùng bất ngờ lên tiếng.
Mỹ Hạnh nhìn sang đầy vẻ ngạc nhiên khi thấy bạn ấy biết tên mình.
Duy Thanh nhíu mày. “Được không? Mày còn thi…”
Quốc Hùng nói nhanh. “Hết rồi.”
Thế là Duy Thanh chở Mỹ Hạnh về nhà. Còn ai đó thì đạp xe Duy Thanh đi theo phía sau.
Truyện khác cùng thể loại
45 chương
100 chương
10 chương
174 chương
61 chương
51 chương
56 chương