Cây Sa Kê Ra Đi

Chương 2 : Quốc đảo xa xôi(2)

4. Khi cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy Cát Mễ Nhi, đó là chuyện sau khi cô ấy quay về thu âm album đầu tiên. Lâm Phương Văn đề cử cô ấy với nhà sản xuất Diệp Hòa Điền. Cô ấy nhận được thông báo của công ty thu âm, lập tức từ đảo Fiji bay về đây. Sau khi máy bay hạ cánh, cô ấy trực tiếp từ sân bay Khải Đức[3] đến công ty thu âm. Mặc dù giọng hát của cô ấy rất cao và dày, nhưng bộ dạng của cô nàng lại có chút kỳ quái, chẳng hề giống các chị em ngọt ngào chính thống. Công ty thu âm không dám mạo hiểm, chỉ đồng ý cho cô ấy phát hành mini-album. Năm bài hát trong album đều do Lâm Phương Văn viết lời. [3] Sân bay Khải Đức tọa lạc tại phía Bắc của vịnh Cửu Long, với nhiều nhà chọc trời và núi nằm ở phía Bắc và đường băng duy nhất của nó chuồi ra Cảng Victoria. Nó đã từng là sân bay Quốc tế của Hồng Kông từ năm 1925 đến năm 1998. Sân bay này được thay thế bằng sân bay mới là Sân bay Quốc tế Hong Kong tại đảo Xích Lạp Giác. Để giúp tuyên truyền cho album đó, cũng là để chứng minh mắt nhìn người của Lâm Phương Văn, tôi đã hẹn phỏng vấn Cát Mễ Nhi. Trước buổi gặp mặt, tôi hỏi Lâm Phương Văn: “Cô ấy thật sự không đẹp chút nào sao?” “Em đã thấy khỉ bao giờ chưa?” Anh hỏi tôi. Tôi đang định trả lời thì anh đã nói: “Như một con khỉ miệng rộng.” Chúng tôi hẹn nhau ở một quán nước bên bờ biển Nam Loan. Tôi muốn chụp vài bức cô ấy đứng dưới ánh mặt trời cùng biển bao la. Cô ấy tới, miệng của cô quả thực rất rộng. Giống như mấy đứa trẻ thích khóc lóc cả ngày trong phim hoạt hình, mỗi khi cao giọng khóc lớn, thì khuôn mặt chỉ còn thấy cái miệng và hai hàm răng, mắt mũi gì đều mất hết. Cát Mễ Nhi có cái miệng như thế, thảo nào âm vực của cô ấy rộng như vậy. Đúng vậy, cô ấy giống một con khỉ. Cô ấy cao, lại còn gầy, cằm dài ra, hai má hóp vào. Song, các bạn cũng biết mà, những chú khỉ thông thường đều có một đôi mắt điềm đạm đáng yêu rất lôi cuốn. Có ấy có làn da màu đồng rắn chắc, đó là màu ánh mặt trời ở đảo Fiji. Tóc của cô ấy lại xoăn tít như mỳ Ý. Hôm nay, cô ấy mặc áo thun cộc tay cùng quần đùi. Tôi thấy trên mắt cá chân trái của cô ấy có một hình xăm nho nhỏ. Cái hình xăm là Linus. Linus hay là Charlie nhỉ? Một nhân vật trong truyện tranh “Peanuts” của Schulz[4]. Cậu bé đó thiếu an toàn, luôn giữ một chiếc khăn được gọi là “khăn an toàn”, nhưng mỗi lời nói ra lại đầy triết lý. [4] Truyện tranh thiếu nhi Peanuts của tác giả Charles M. Schulz. Nhân vật chính trong truyện là cậu bé 6 tuổi thông minh, ngoan ngoãn, nhưng thiếu tự tin Charlie Brown. Cùng những người bạn của mình trong đó có chú chó săn nhỏ Snoppy. Tại sao không phải là Snoppy đáng yêu mà lại là Linus? Tôi đã quên không hỏi cô ấy. Cát Mễ Nhi đến còn mang theo một người, nhìn qua dường như là một chàng trai người Fiji. Chàng trai đó da ngăm đen, có một mái tóc xoăn như lò xo. Cậu ta khá đẹp trai, cơ thể cường tráng. Cậu ta cũng giống Cát Mễ Nhi, mặc áo thun cùng quần đùi. “Tên anh ấy là Uy Uy.” Cát Mễ Nhi giới thiệu chúng tôi với nhau. Vì sao Cát Mễ Nhi dẫn theo một người dân bản xứ đẹp trai đến đây? Chẳng nhẽ Uy Uy là vệ sĩ của cô ấy? “Chào chị.” Uy Uy mỉm cười, để lộ hàm răng trắng noãn. Hóa ra cậu ta nói tiếng Trung trôi chảy. “Uy Uy là con lai người Hoa và người Fiji. Ba anh ấy có mở một nhà hàng Trung Quốc ở Fiji.” Cát Mễ Nhi giải thích. Trong khi chúng tôi làm phỏng vấn thì Uy Uy đi bơi. “Uy Uy là bạn trai của em, đại khái anh ấy sẽ ở đây cùng em, sẽ không về Fiji nữa.” Cát Mễ Nhi nói. “Rất hiếm thấy!” Tôi cảm thán. Cát Mễ Nhi ôm đầu gối ngồi trước mặt tôi. Cô ấy còn rất trẻ, chỉ mới mười chín tuổi. “Khi nhận được thông báo của công ty thu âm, lúc đó em mới từ bãi biển về nhà, trên người vẫn còn mặc áo tắm.” Cô ấy kể lại. “Em luôn muốn được làm ca sĩ sao?” “Ba em nói, em không đi hát chính là lãng phí giọng ca trời ban cho em.” Cô nàng tràn ngập tự tin. Vào năm chín tuổi, Cát Mễ Nhi đã theo gia đình rời Hồng Kông di dân đến Fiji. Cha mẹ cô ấy mở một quán bar ở đó. Cô ấy và chị của cô ấy mỗi tối đều hát ở quán bar đó. “Việc kinh doanh quán rượu vô cùng tốt, vì tất cả mọi người đến để nghe chúng em hát.” Cô gái nói. “Chị đã đến Fiji chưa ạ?” Cô bé quay sang hỏi tôi. “Chưa.” “Chị nhất định phải đến đó nha! Đó là một nơi rất đẹp. Chị đến đảo Fiji rồi thì đừng quên ghé quán bar nhà em nha. Cả nhà chúng em sống ở tầng trên của quán, cuộc sống mặc dù không mấy giàu có, nhưng chúng em rất hài lòng.” Sau đó, cô ấy còn cho tôi biết: “Cuốn băng ghi âm gửi đến công ty băng đĩa đã một năm rồi, em còn nghĩ nó đã chìm xuống đáy biển.” “Đúng vậy, xém tí nữa đã thành thế rồi.” “Nếu vậy em sẽ ca hát cả đời trong quán bar ở đảo Fiji, còn ngẫu hứng múa bụng. Là điều gì đã đưa em trở về từ hòn đảo nhỏ đó?” Đó có lẽ là duyên phận? Sau này, tôi biết rằng sự trở về của cô ấy là số phận không thể đảo ngược. “Sao em lại chọn bài hát ‘Ngày mai’?” Tôi hỏi cô. “Em thích lời bài hát đó.” Cát Mễ Nhi nói: “Lần đầu tiên em nghe bài hát này là trong một nhà hàng Trung Quốc, em vừa mới chia tay với bạn trai. Sau khi nghe hai câu cuối cùng của bài hát, em đã bật khóc.” “Người bạn trai kia làm em tổn thương sao?” Cô lắc đầu: “Là em muốn chia tay. ‘Thâm tình là gánh nặng mà anh không thể đảm đương.’ Em sợ người khác quá yêu em.” “Vậy Uy Uy thì sao?” “Anh ấy khác. Em thương anh ấy nhiều hơn. Chị đừng thấy anh ấy cường tráng như thế, thực ra anh ấy rất trẻ con.” Chúng tôi trò chuyện thật lâu, vẫn không thấy Uy Uy trở lại. Trên bãi biển, cũng không thấy bóng dáng cậu ta. “Hay là đi tìm cậu ta?” Tôi hỏi Cát Mễ Nhi. “Không cần lo lắng, anh ấy không sao đâu.” Cát Mễ Nhi ung dung nói. Đúng thế, tôi không có lý do gì để đi nghi ngờ kỹ thuật bơi lội của một người dân bản xứ đảo Fiji. Cho dù cậu ta không may bị nước cuốn đến đảo hoang, cậu ta vẫn có thể sống vui vẻ ở đó cả đời. Lúc gần hoàn thành cuộc phỏng vấn, cuối cùng Uy Uy cũng trở về. Dưới ánh nắng chiều, làn da đen bóng vừa mới phơi nắng phát sáng ánh vàng lấp lánh. Hóa ra, cậu ta đã bơi đến bãi cát không người rồi đánh một giấc. Kết thúc cuộc phỏng vấn, Cát Mễ Nhi tay trong tay cùng Uy Uy rời khỏi. Trước khi đi, cô ấy còn nói: “Chị thật hạnh phúc! Có một người đàn ông vì chị viết ra lời ca đẹp như thế. Sau này em sẽ vì hai người mà hát những ca khúc đó.” Cô gái vừa thẳng thắn vừa tự tin. Nhìn cô và Uy Uy lững thững bước đi dưới nắng chiều, có khoảnh khắc tôi tự hỏi không biết gọi họ từ đảo quốc xa xôi kia đến đây là đúng hay sai? Hai người đó có thể thích ứng với tình yêu và hận thù, hạnh phúc và thất vọng của thành phố nhộn nhịp này chứ? Cát Mễ Nhi cũng thật may mắn, có một người đàn ông cô yêu bằng lòng theo cô đến chân trời góc bể theo đuổi ước mơ. Ước mơ của tôi là gì? Làm phóng viên của một tờ nhật báo là công việc tôi thích, thế nhưng, nó cũng là ước mơ của tôi ư? Lâm Phương Văn sẽ bằng lòng bỏ mọi thứ của anh để theo tôi đi khắp nơi theo đuổi ước mơ sao? Tình yêu là gì? Là thành toàn cho ước mơ của đối phương, thậm chí không ngại che giấu bản thân? Ước mơ có lẽ quá xa xỉ, đại bộ phận nam nữ không cần ước mơ vẫn có thể bên nhau suốt đời. Cát Mễ Nhi và Uy Uy sẽ không hối hận khi quay về đây chứ? Hai người họ nên ở lại trên hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương kia. 5. Album của Cát Mễ Nhi được phát hành, thành tích không tệ. Mặc dù không được tính là nổi tiếng nhanh chóng, nhưng đối với một người mới mà nói cũng xem như thành công khi thu hút được sự chú ý của công chúng. Cô gái với mái tóc như mì spaghetti và hình dạng kỳ lạ, đã nhận được nhiều bình luận. Dường như Cát Mễ Nhi không quan tâm đến những điều đó. Cô có lòng tự tin, mới không chú ý người khác nhìn cô ra sao, cũng không định thay đổi bản thân. Có một hôm, Cát Mễ Nhi đột nhiên xuất hiện ở tòa soạn nơi tôi làm việc. “Sao em lại đến đây?” Tôi thắc mắc. “Em đến để đặc biệt cảm ơn chị đã viết bài phỏng vấn ngày hôm đó.” Cô nói. “Không cần khách sáo.” Tôi nói rất thật lòng. Tôi thực hiện bài phỏng vấn đó có nửa phần là vì Lâm Phương Văn. “Em và Uy Uy ở một căn nhà thuê ở khu Tây Cống vịnh Tương Tư. Ở đó có bãi biển, tiện cho Uy Uy đi bơi mỗi ngày.” Cô nàng khoái trá thông báo. Hai người đến từ đảo Fiji này cuối cùng cũng thu xếp sống ở Hồng Kông ổn thỏa. Uy Uy đến đây với visa du lịch nên không thể làm việc ở Hồng Kông. Cậu ta chỉ có thể đi khắp nơi với Cát Mễ Nhi, hoặc là ở nhà đợi. Nhà trọ sát bãi biển để họ có thể bớt nhớ nhà hơn. “Khi nào chị và anh Lâm Phương Văn rảnh, đến nhà em ăn được không? Em thật sự rất muốn cảm ơn hai người. Anh chị là bạn bè duy nhất của em và Uy Uy ở Hồng Kông.” Cát Mễ Nhi nói. “Để chị hỏi Lâm Phương Văn xem sao.” “Anh ấy không đến, thì chị cũng phải đến nha! Uy Uy nấu ăn rất ngon.” Cát Mễ Nhi nhiệt tình rủ rê. “Anh ấy luôn luôn kỳ quái như thế sao?” Cô ấy bỗng nhiên hỏi tôi. “Em nói Lâm Phương Văn à?” “Dạ, anh ấy thường hay cô độc một mình, hình như không cần bạn bè.” “Anh ấy đã thay đổi rất nhiều rồi. Em chưa thấy anh ấy thời đại học đâu, khi đó còn quái dị hơn nhiều.” “Anh chị là bạn thời đại học sao?” “Ừ. Đã từng chia tay, bây giờ lại bên nhau.” “Người dân Fiji có lưu truyền một loại pháp thuật, nghe đâu phụ nữ có thể dùng loại pháp thuật này để nắm lấy trái tim của người đàn ông.” Cát Mễ Nhi nói. “Vậy sao? Là pháp thuật gì thế?” Tôi hiếu kỳ. Cát Mễ Nhi thần bí nói: “Không nên tham lam! Nghe nói, người không thật sự cần nó thì không nên biết loại pháp thuật đó. Hi vọng chị sẽ mãi mãi không cần phải biết.” Tôi quả thật như cô ấy nói, là quá tham lam rồi sao? Nếu như trên đời có một loại pháp thuật có thể giữ người mình yêu mãi mãi ở bên cạnh, có ai mà không muốn biết cơ chứ?