Cappuccino

Chương 60

Trong số 20 thành viên có mặt trong hội của thằng Toàn, ngoài những nhỏ bình dân ra cũng có một số thành phần cốt cán trong ban cán sự lớp như bé Phương tân cán sự môn văn, Lam Ngọc lớp trưởng và đặc biệt còn có nhỏ Thu lớp phó lao động nữa. Đa số là con gái ham vui, nghe mùi đi chơi là lật đật đăng ký ngay. Nhưng tôi cũng phải phục sự hào phóng của thằng Toàn nữa. Dẫn 17 đứa con gái đi theo thì xác định đến quán nào sạch quán đó. Ấy thế mà nó vẫn niềm nở nêu ra hàng loạt địa điểm ăn để bọn con gái lựa chọn. Theo như tôi biết thì những địa điểm đó không phải là những quán cốc bình dân ngoài lề đường đâu, những nơi nó nêu ra bao gồm cả một số nhà hàng đắt tiền nữa đấy, thiệt bái phục! Sau khi bàn qua tính lại thì cả đám cũng chọn được một quán ăn có thể gọi là ứng ý nhất. Nhưng quán ăn đó không nằm trong danh sách mà thằng Toàn đưa ra, nó xuất phát từ một cô bé đá từng làm việc tại đó lâu năm. Không ai khác hơn đó chính là bé Phương siêu dễ thương và quán ăn mà em đề nghị chính là quán Alice nằm ngay sau trường của chúng tôi học. Quán Alice theo tôi nhận xét thì đó là quán được nhất rồi, đồ ăn ở đó bán rất rẻ nhưng lại rất ngon, cách phục vụ của nhân viên tại đó thì khỏi chê, rất lịch sự và hiếu khách. Đó là lí do vì sao khi Ngọc Phương vừa đề nghị đến quán Alice là tôi bỏ ngay một phiếu tán thành luôn không cần phải suy nghĩ. Ngay sau đó các nườm còn lại cũng đồng ý theo vì có lẽ đã ăn ở quán đó ít nhất một lần nên mới đồng loạt bỏ phiếu như thế. Địa điểm đã được chốt chặn, bây giờ là phần chuẩn bị phương tiện di chuyển đến đó. Theo như thằng Toàn phân tích thì cả nhóm có 20 đứa và 15 chiếc xe đạp, trong đó có 1 chiếc xe đạp điện của Lam Ngọc. Mà quán Alice có diện tích sân tương đối nhỏ nên phải hạn chế càng nhiều xe càng tốt. Gửi bớt xe là cách duy nhất để giảm số lượng xe vào lúc này. Theo đó nhóm tôi sẽ gửi 5 chiếc xe đạp dư thừa vào bãi giữ xe ở gần siêu thị. 20 người sẽ đạp trên 10 chiếc xe đạp còn lại theo đội hình 2 người 1 xe. Như thế vừa giảm được số lượng xe lại vừa có thể tạo nên một không khí noel vui vẻ khi không một ai phải đạp xe một cách cô đơn, lẻ loi cả vì bây giờ ai cũng có cặp hết rồi còn gì 2 người 1 xe mà. Đúng là tại dàn xếp của thằng Toàn này lên bậc thánh rồi, ghê thật! Nhưng Lam Ngọc lại không tán thành với việc gửi xe đó, bởi lẽ: -Nè, tôi chạy xe đạp điện mà, cũng phải gửi sao? -Uầy, bà phải cùng vui với mọi người một chút chứ! Toàn phởn lều bều làm Lam Ngọc càng thắc mắc. Em khoanh hai tay trước ngực mà nhíu mày: -Cùng vui thế nào? -Thì bà thấy đấy, ở đây ai cũng đi xe đạp hết có mình bà đi xe đạp điện, chẳng lẽ bà đi trước bỏ tụi tui lại sao? -Hừm, vậy nên tôi phải giữ xe à? -Đều đó là lẽ dĩ nhiên! Lam Ngọc bỗng nhìn một lượt hết những gương mặt trong nhóm rồi nhoẽn miệng: -Vậy ai sẽ chở tôi? Câu hỏi tưởng chừng như chỉ cần một cái giơ tay tình nguyện thôi thì sẽ được giải quyết ngay tốc xoẹt thế mà chả có nhỏ nào dám làm điều đó. Lại còn đùng đẩy nhau nữa chứ. Nhỏ này đùng sang nhỏ kia, nhỏ kia đùng sang nhỏ nọ, mặt mày nhỏ nào nhỏ nấy đều xanh như tàu lá chuối, ví rằng Lam Ngọc là hàng cấm chỉ cần chất em lên xe thôi là bị quy vào tội tử hình vậy, nhìn buồn cười tợn! Thế rồi đến lượt thằng Khanh khờ bị đùng đẩy trách nhiệm, nhưng nó đã có một bình phong vô cùng lợi hại: -Tui chở Linh Kiều rồi, không chở bà Ngọc được đâu! -Ồ…ồ…ồ! Nó vừa dứt câu thì cả đám đều đồng thanh ồ lên um cả một siêu thị nhưng rồi chẳng mấy chốc sau tất cả lại quay về vấn để hiện tại mà tìm cách thoái thác. Và lần này nạn nhân chính là thằng Toàn phởn: -Nè, Toàn chở Lam Ngọc đi đi! Chủ xị mà! Toàn phởn nghe hung tin liền xua tay chối ngay: -Đâu được! Tui cũng bận mà! -Bận gì? -Ừ thì… Nửa chừng nó gãi đầu ấp úng làm cho mấy nhỏ con gái càng đổ thao nước trách nhiệm lên đầu của nó nhiều hơn. Vậy mà nó vẫn không ướt bởi vì nó cũng đã tìm được bình phong cho mình: -A…tui bận chở Ngọc Phương rồi! Không thể chở Lam Ngọc được! – Rồi nó đá mắt với Ngọc Phương – Phải không Phương? -Um, phải! Lúc nãy Toàn chở mình đến đây nên mình muốn nhờ Toàn chở nốt! Vốn được mọi người yêu quí nên khi bé Phương vừa mở miệng ra, chẳng ai đùng đẩy bất cứ thứ gì vào thằng Toàn nữa. Nhưng thật không may rằng, nạn nhân tiếp theo đó chính là tôi. Thứ nhất, tôi đi một mình, không chở ai, không vướng bận bất cứ thứ gì. Thứ hai, theo như tụi nó nhận xét thì tôi là người thân với Lam ngọc nhất, tiếp xúc nhiều với Lam Ngọc nhất và là người duy nhất nói chuyện với Lam Ngọc mà không bị em đay nghiến. Vậy nên: -Ông chở lớp trưởng đi nha! Bọn nó khoái chí đùng tất cả trách nhiệm lên đầu tôi rồi co giò đạp xe 1 mạch cứ y như rằng ở lại chút nào là bị tôi bắt thay thế ngay vậy. Thiệt tình là từ đó đến giờ tôi mới thấy con gái lại sợ con gái đến thế. Suy cho cùng thì Lam Ngọc chỉ làm tròn trách nhiệm của mình thôi. Đôi lúc em còn bao che cho học sinh lớp mình nữa mà. Như lúc nãy đấy rõ ràng là những học sinh không đồng phục của lớp tôi rất nhiều, hầu như nhỏ nào cũng không đeo huy hiệu đoàn khi đi học, ấy thế mà có đứa nào bị trừ hạnh kiểm đâu. Vậy mà giờ đây khi Lam Ngọc cần người chở nhỏ nào nhỏ nấy đều cố lảng tránh, thiệt là bất bình quá mà! Nhưng cái ý nghĩ đó nhanh chóng bị cuốn theo những cơn gió mùa đông lạnh lẽo, xuyên qua những con đường tấp nập xe cộ nối đuôi nhau theo ánh nhìn xa xăm của Lam Ngọc. Trước khoảng sân bao la đông nít người qua lại của siêu thị đêm giáng sinh, thật không khó để nhận ra em trong màu áo vàng tươi đặc trưng của hoa mai ngày Tết. Có lẽ vì em đang đứng gần tôi nhưng cũng có lẽ ở nơi em toát ra một thứ gì đó rất cuốn hút khiến tôi không thể nào rời mắt được, xinh đáo để! Nhưng rồi cái sự nhìn lén của tôi cuối cùng bị Lam Ngọc phát hiện. Em quay sang tôi với cặp mắt hình viên đạn: -Đã đi được chưa? Hay còn muốn ngắm nữa? Giật thót bởi câu nói nửa úp nửa mở của Lam Ngọc, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài một câu trả lời cộc lốc: -Ờ, đi! Lam Ngọc thở phì, lắc đầu nhìn tôi rồi nhanh nhẹn leo lên xe thoăn thắc như một chú sóc. Suốt quảng đường từ siêu thị Lotte đến cổng sau trường học khoảng gần hai cây số, tôi và Lam Ngọc cứ lặng thin mỗi người đều làm công việc riêng của mình. Tôi thì gồng người đạp xe hòng bắt kịp đám thằng Toàn, còn em cứ nhìn xa xăm ở đâu đó, hai tay khoanh trước ngực để giữ ấm khỏi những cơn gió lạnh đang tung từng luồng hàn khí rít qua thân thể hai đứa tôi. Cũng nhờ có nhưng cơn gió đó, tôi mới có cớ bắt chuyện với Lam Ngọc: -Ngọc có cảm thấy lạnh không? -Hơi hơi! – Em nói với giọng run run. -Sao lúc nãy không mang theo áo ấm? -Chỉ có áo khoác mỏng để che nắng thôi, không có áo ấm! Câu trả lời của em khiến tôi hết sức ngạc nhiên bởi phàm là con gái thì sẽ có rất nhiều loại áo mới đúng, làm gì có việc chỉ có mỗi áo khoác thôi chứ. Thế nên tôi quyết định hỏi sâu hơn: -Vậy từ đó giờ Ngọc không ra ngoài trời lạnh lần nào à? -Không! Vì để thực hiện lời hứa cứ hễ thời gian rảnh là Ngọc đi học võ, mà học võ rồi mồ hôi ra nhiều, nóng nực cần áo ấm để làm gì chứ? Dù biết Lam Ngọc chỉ cố giải thích cho lí do mình không có áo ấm nhưng tôi không thể nào tránh khỏi cảm giác áy náy, hổ thẹn được. Em nói rằng em thực hiện lời hứa, đi học võ, chẳng phải đó là lời hứa của em với tôi năm xưa hay sao. Hứa rằng em sẽ có võ giống tôi, em sẽ mạnh mẽ, kiên cường và không bao giờ khóc. Dường như nhìn thấu được tâm can của tôi (không biết là lần thứ mấy rồi) Lam Ngọc bỗng trầm giọng như thể không còn là giọng của em nữa: -Thắm thoát đã 10 năm trôi qua rồi Phong nhi? -Ừ…ừm, nhanh thật! -Lời khi xưa Ngọc đã hoàn thành rồi, còn Phong chắc không bao giờ hoàn thành được phải không? Từng lời nói của Lam Ngọc tựa như những con dao ghim sâu vào trong tim tôi đau đến tê tái. Lúc đó tôi chỉ ậm ừ, chẳng biết nói gì hơn. Trong lòng tôi giờ này đang rối như tơ vò, làm sao có thể đáp lời em được. Khi xưa thơ bé tôi đã hứa rằng sẽ lấy em làm vợ khi hai đứa gặp lại. Nào đâu chưa đến 10 năm thì tôi đã quên đi lời hứa đó rồi, thậm chí còn quên luôn cả em nữa chữ. Nếu như không có mùi nước hoa đó thì không biết đến chừng nào tôi mới có thể nhớ ra em được đây. Mà lí do để tôi quên nhanh như thế là vì lúc trước tôi chỉ xem nhưng lời hứa đó chỉ là nhưng lời giao kèo của con nít với nhau mà thôi. Chúng sẽ mau chóng tan biến như những viên kẹo bạc hà tôi thường ăn lúc nhỏ. Thế mà Lam Ngọc lại xem nó như mục đích sống của mình. Em luôn luôn phấn đấu để đạt được nó như một lời thề non hẹn biển của một đôi trái gái sắp chia lìa nhau. Không thể hoàn toàn trách Lam Ngọc được, chỉ vì tôi quá vô tâm xem lời hứa tựa như những chiếc lông có thể bị gió cuốn đi bất cứ lúc nào. Còn Lam Ngọc thì tất nhiên rất coi trọng những lời hứa đó rồi, nếu không thì em sẽ không bao giờ chịu đựng những vất vả, thử thách đó để được như hôm nay đâu. Lương tâm cắn rứt đã trở thành động lực để tôi mở miệng hối lỗi trước Lam Ngọc một cách đầy chân thành: -Phong xin lỗi! Giá như Phong nhận ra được Ngọc sớm hơn thì mọi chuyện sẽ không tiến triển đến ngày hôm nay đâu! Nghe xong lời trần tình của tôi, em chỉ phì cười rồi đáp lời: -Nếu có giá như thì chưa chắc mọi chuyện sẽ diễn ra như lời hứa đâu Phong à! -Vì sao? -Vì tình cảm của con người xuất phát từ trong trái tim, không xuất phát từ những lời hứa! Bây giờ nếu Phong thực hiện lời hứa thì Phong có cam tâm không? Quá bất ngờ vì câu hỏi của em, lại một lần nữa tôi chìm vào khoảng lặng tột cùng. Đúng tình cảm phải xuất phát từ trong tim. Nhưng tôi cũng cảm nhận được vẻ như Lam Ngọc đang trách móc tôi đã thay đổi, đã không còn là Phong ngày xưa nữa và quan trọng nhất là em đang ám chỉ rằng trong trái tim tôi chưa bao giờ có hình bóng của em. Rồi đột nhiên Lam Ngọc cười lớn, vỗ vai tôi bồm bộp: -Thôi đừng khẩn trương như thế! Nãy giờ Ngọc chỉ đùa một tý thôi mà! -Ơ, đùa…? -Ừ chỉ là đùa thôi! Ai mà để tâm đến lời hứa trẻ con đấy chứ! -À, ừ! Chắc vậy rồi! Kể từ lúc đó tôi cũng nhận ra một điểm yếu của Lam Ngọc là em diễn rất dở. Có vẻ một người ngay thẳng, trung thực như Lam Ngọc thì khái niệm kịch đối với em cứ như mặt trời với mặt trăng vậy, không bao giờ có thể kết hợp với nhau được. Bởi vì trong cái vỗ vai của Lam Ngọc, tôi đã cảm nhận được ít nhìu sự bối rối trong đó. Và ngay trong giọng nói của em cũng ẩn chứa những giọt lệ u sầu khiến nó cứ run lên, nhão thành từng tiếng ngọng nghệu đặc trưng của người đang khóc. Có lẽ em đã cố kìm nén rất nhiều mới nói được những câu bông đùa như vậy… Chẳng bao lâu chúng tôi cũng đến nơi. Tụi thằng Toàn thì đã ổn định chỗ ngồi trong quán tự lúc nào rồi chỉ chờ chúng tôi đến cho đủ danh sách thôi. Xét thấy mọi người đã có mặt đông đủ, nó bắt đầu trưng cầu dân ý: -Mọi người muốn ăn món gì nào? Lập tức, một loạt các món ăn được đưa ra với đủ loại hương vị từ các nườm sành ăn cho đến các cô nghiệp dư nhìn menu mà góp vui cho thêm phần inh ỏi. Sau một hồi trưng cầu chẳng tìm được món nào nhất trí, thằng Toàn liền chuyển thành chế độ độc tài tự đưa ra món ăn cho cả nhóm: -Ở đây có 20 người chia ra 5 người ăn một nồi lẩu đi! Vậy kêu 4 nồi lẩu hải sản nhe? Có ai ý kiến gì không? Phần vì nó là chủ xị cầm tiền, phần vì nó gọi món ăn quá hợp lí nên chẳng đứa nào tranh cãi về món ăn nữa cả. Thằng Toàn đúng là chuyên gia ăn chơi thứ thiệt, chuyện gì về ăn chơi nó đều có thể quán xuyến được, độ này mà mai một nó làm quản trị kinh đoanh là số dzách luôn nè, ghê thật! Chừng nửa tiếng sau, 4 nồi lẩu nghi ngút khói đã được bày trước mặt chúng tôi nhìn gợi miệng không thể nào tả được. Cứ mỗi lần thấy bọt nước lèo nổ bong bóc trong nồi lẩu là tôi chẳng thế nào kìm được nước bọt cứ ứa ra đầy miệng. Cảm tưởng như chỉ cần tôi vừa mở miệng ra thôi thì nước bọt sẽ trào ra ngập cả quán vậy, ngon kinh hồn! -Kính thưa quí vị và các bạn. Tôi Nguyễn Nhật Toàn với tư cách là chủ xị của hội FA 10A4 xin tuyên bố khai mạc buổi party đêm noel năm nay… Chẳng để chúng tôi phải chờ đợi lâu, thằng Toàn đã đứng lên dõng dạc khai mạc buổi tiệc với sự hô hào nhiệt tình bọn con gái lẫn cả bọn con trai chúng tôi. Theo như phân chia lúc nãy là một nồi 5 người. Tôi, thằng Toàn, Khanh khờ, Lam Ngọc, bé Phương dùng chung một nồi lẩu. Quả thật là bé Phương chọn quán này không sai chút nào, nước lẩu chua chua, ngọt ngọt ngon đáo để. Đã thế còn có thể xin bún thêm miễn phí nữa. Thảo nào quán này hôm nay lại đông như thế. Chúng tôi mà không đến sớm thì chắc đã không còn chỗ ngồi rồi. Hôm nay quán đông nườn nượp, chậc nít người, còn một số đang nấng ná ở ngoài không chịu đi nữa. Dường như đang chờ một nhóm nào đó vừa ăn xong là bọn họ lao vào liền vậy, tội ghê! -Chẹp, bé Phương là số 1 luôn! Thằng Toàn vừa chép miệng vừa tấm tắc khen bé Phương. -Sao lại khen mình? -Chọn quán ngon như thế mà, kiểu này kêu thêm một nồi lẩu nữa vẫn còn thèm đó! -Hi, có gì đâu mà! Mọi người vui là được rồi! Bé Phương vẫn vậy, lúc nào cũng nghĩ cho mọi người hết. Thảo nào tất cả con gái trong lớp đều yêu thích bé Phương đến thế. Đi đâu cũng rũ em theo, riết dần bé Phương cứ như là biểu tưởng của lớp 10A4 vậy. Đương nhiên là biểu tượng hòa bình của 10A4 rồi, còn biểu tượng địa ngục chẳng ai có thể so bì với Lam Ngọc được cả. Mà nhắc đến Lam Ngọc thì nãy giờ mới để ý, em có vẻ trầm, chỉ lo ăn phần của mình ít khi tham gia nói chuyện chung cùng với mọi người lắm. Tôi biết tính em lạnh lùng, nghiêm nghị nhưng một khi đã tham gia vào nhóm rồi thì phải nhập gia tuy tục chứ, đâu có lững lưng như thế được. -Lam Ngọc này, tích cực hoạt động với mọi người đi! Tôi xoay qua em nói nhỏ. -Không quen, Ngọc không thích đông người! -Đăng kí vào hội rồi thì phải cùng vui chứ? -Lúc đầu Toàn bảo mình đăng kí đi chơi, cứ tưởng là ít người nên Ngọc cũng đăng kí cho vui! Ai ngờ đâu đông người thế này, không thích! Như để miêu tả thêm cảm nghĩ của mình, Lam Ngọc nhìn một lượt đám con gái xung quanh rồi nhăn mũi lắc đầu. Với lí lẽ như thế thì tôi đành chào thua. Ai chứ cô bé Ngọc này cứng đầu lắm. Đã bao lần tôi khuyên em như thế này, thế kia trong lớp mà em có bao giờ chịu sửa đổi đâu. Nên mặc nhiên tôi cứ để em làm theo ý thích của mình. Đúng là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời! Thưởng thức nồi lẩu chừng được mươi phút sau thì thằng Khanh khờ lại làm một động tác hết sức quen thuộc mà tôi đã thấy nó làm nhiều lần vào những bữa tiệc trước đó. Đó là thò tay xuống dưới bàn, lôi lên một chai nước ngọt có màu đục đục kèm theo là một khuôn mặt gian xảo không thể nào tả được. Mỗi lần như thế là cái mặt của tôi lại nhăn lên, giật bặc bặc theo những sợi gân bởi lẽ đó chính là rượu. Lần nào cũng vậy, cứ hễ có tiệc tùng là có mặt nó mà hễ có mặt nó là có nhậu nhẹt. Và lúc nào cũng lấy lí do: “Tiệc tùng mà không có rựu bia thì còn gì là tiệc tùng?” Nên chả đứa nào có thể từ chối được cả. Nhưng hôm nay đột nhiên nó giảm số lượng người nhậu nhẹt xuống hẳn. Chắc có lẽ do thấy đông người quá, phần vì toàn là con gái nên nó cũng ngại phải năn nỉ từng đứa uống theo kiểu bắt ép nên qui mô nhậu nhẹt chỉ được khoanh vùng trong bàn của tôi mà thôi! Nhưng kế hoạch này đã sớm bị Lam Ngọc phản đối: -Không được! Tôi không uống rượu đâu! -Thôi nào bà Ngọc! Noel mà xõa đi! -Không, tôi không thích! Em vẫn lắc đầu ngoày ngoạy từ chối uống rượu cho đến khi tôi mở miệng thuyết phục: -Ngọc này, lâu lâu mới có một lần mà! Cứ vui chơi đi! -Không được là không được! -Sao lại không được? -Vì… Em đột nhiên nhỏ giọng làm tôi phải ghé sát tai để thu âm thanh tốt hơn: -Sao nào nói đi! -Vì…Ngọc không biết uống rượu! Lời trần tình nho nhỏ của Lam Ngọc đã khiến tôi suýt phì cười vì độ ngây ngô của em của em trong chuyện nhậu nhẹt. Quả thật Lam Ngọc chưa bao giờ nhậu. Vào tiệc sinh nhật 4 tháng trước của Hoàng Mai em chỉ nhấp môi một ly rồi từ đó cự tuyệt không uống nữa. Ấy là lúc đông người. Còn giờ đây khi quy mô đã được thu nhỏ xuống còn 5 người thì tần suất uống rượu đương nhiên sẽ tăng gấp nhiều lần rồi. Đó là điều Lam Ngọc e sợ từ nãy đến giờ, buồn cười ghê! -Thôi không sao, nếu như uống nguyên ly không được thì uống nửa ly được không? Tôi kề tai hỏi khẽ Lam Ngọc. -Ừm, chắc là được, để xem sao! Và thế là Lam Ngọc cũng đã đồng ý tham gia vào tiệc nhậu của riêng bàn tôi. Hình thức rượu sẽ được phân chia như thế này. Thằng Khanh và thằng Toàn do đô mạnh nên uống nguyên ly. Lam Ngọc, bé Phương sẽ uống nửa ly vì là con gái. À còn tôi nữa, chúng nó sợ tôi nhậu say rồi quậy lung tung nên chỉ cho tôi uống nửa thôi. Cuộc nhậu bắt đầu… Vẫn y như lúc trước, từng ly rượu được chuyền xoay vòng theo thứ tự kim đồng hồ đến mỗi người trong nhóm. Đến lượt người nào sắc mặt người đó cứ gọi là nhăn như khỉ cắn ớt. Cũng không hẳn là hầu hết đâu chỉ có bé Phương với Lam Ngọc là biểu hiện như thế thôi. Còn hai thằng ôn Toàn phởn với Khanh khờ thì uống như cái máy vậy. Chỉ có mình tôi là trung lập uống không quá nhanh, cũng không quá chậm. Còn mấy nường ở bàn khác tuy không uống nhưng được cái miệng khích tướng rất hiểm độc. Như lúc bé Phương vừa uống xong ly rượu bọn nó đã la ó lên rằng bé Phương chừa long đền (còn một lớp rượu mỏng dưới đáy ly) rồi bắt em phải uống lại nữa chứ. Nếu không có thằng Toàn gỡ rối thì chắc em đã uống thật! Bữa tiệc tối noel cứ trôi hết món này đến món khác. Khi thì ngập tràn mùi than khói với món thịt xiên nướng. Khi thì ngào ngạt mùi thơm với món hủ tiếu xào thịt bò. Chung quy thì tối hôm nay thằng Toàn đã giữ lời hứa của mình, cho chúng tôi ăn nhậu tới bến mà không kêu ca một lời nào cả. Tôi biết 20 người, trừ tôi và bé Phương ra thì còn 18 người, mỗi người đóng 50 nghìn, tổng cộng lại là 900 nghìn. Số tiền đó sẽ không bao giờ đủ cho từng này món chúng tôi ăn nào là lẩu hải sản, thịt xiên nướng, hủ tiếu xào thịt bò…mỗi món lại kêu đến 4-5 phần. Riêng lẩu hải sản 130 nghìn một nồi, 4 nồi đã ngốn hết 520 nghìn chứ chẳng chơi. Bình sinh ra tôi rất ghét mấy thằng nhà giàu làm phách nhưng thằng Toàn là một dạng khác. Nó rất hòa đồng với mọi người, đặc biệt với khiếu hài hước bẩm sinh của mình thì tôi chắc chắn đến hơn 50% những thành viên nữ trong lớp đã bị đổ đốn trước nó rồi, sát gái thứ thiệt là đây! Đến khoảng 10h đêm, đường phố đã bắt đầu thưa người qua lại. Những ánh đèn pha mỏi mệt đang tìm nơi nghỉ ngơi sau cuộc vui vô bờ bến. Những bàn tay cũng đã rệu rã không còn nắm chặt nhau trong đêm noel nữa. Giờ này là lúc mọi người trở về mái ấm của mình để được thưởng thức đêm noel trọn vẹn trong không khí gia đình. Còn không thì chắc đã tập trung ở nhà thờ để làm lễ hết rồi. Cảm tưởng rằng noel chỉ bắt đầu sau 10h đêm vậy, một không khí lạnh lẽo, tĩnh mịt trên đường phố. Nó có thể làm cho bất cứ ai lạc quan nhất cũng phải man mác buồn về một thứ gì đó không xác định. 10h cũng là lúc nhóm tôi chia tay nhau sau cuộc vui hả hê đầy tiếng cười. Và tôi chắc một điều rằng nếu chưa hết bình rượu mà thằng Khanh mang theo thì có chết tụi nó cũng chẳng đòi về. Khanh khờ, Toàn phởn xem ra vẫn còn tỉnh táo lắm, bé Phương thì hơi ngà ngà một chút nhưng còn đi lại bình thường được. Duy chỉ có Lam Ngọc là bước chân hơi liêu xiêu, mặt mày đã đỏ gây như quả dâu vào mùa, xem ra đã hơi thắm rượu rồi. Bất chợt Lam Ngọc bụm miệng, lao đến bên chiếc thùng rác nôn ra từng đợt từng đợt trông đến phát sợ. Thấy thế, bọn con gái liền chạy đến kê dép dìu em ngồi xuống xoa dầu, bắt gió hệt như đang bị trúng gió vậy. Tôi lúc đó cũng lo cho Lam Ngọc lắm, nhưng vì em là con gái nên tôi không tiện chăm sóc, chỉ biết đứng ngoài cùng thằng Toàn và thằng Khanh quan sát tình bình qua cử chỉ của tụi con gái mà thôi. Chừng một lúc sau, tụi con gái dìu Lam Ngọc đến chỗ tôi nét mặt có vẻ hoang man lắm: -Tại ông đó Toàn, tự dưng ép Lam Ngọc uống quá làm gì? -Ẹc, ai mà biết Lam Ngọc uống kém thế đâu. Xét thấy nét mặt tội nghiệp của thằng Toàn, bọn con gái chẳng biết làm gì hơn ngoài lắc đầu chịu trận rồi nhăn nhó mặt: -Bây giờ ai chở Lam Ngọc về đi, tụi này chẳng ai biết nhà của Lam Ngọc cả. -Bọn tôi cũng đâu ai biết nhà đâu! – Khanh khờ nhún vai. Chợt bé Phương nhìn tôi reo lên: -À phải rồi, có Phong biết nhà Lam Ngọc này! -Ẹc, Phương cũng biết mà! – Tôi hốt hoảng. -Nhưng Phương không có xe! Phong giúp Lam Ngọc một lần này đi! Quả thật, lúc trước khi hỏi bé Phương số điện thoại nhà Lam Ngọc, em đã cho tôi luôn cả địa chỉ nhà. Ngay cái hôm tôi ở công viên đợi điện thoại, nếu như Lam Ngọc không hồi âm lại cho tôi thì chắc tôi đã đến nhà của em theo địa chỉ để kiếm rồi. Giờ đây khi nhìn những ánh mắt hi vọng của tụi con gái lẫn đám con trai trông về phía tôi. Làm sao có thể từ chối được đây, khổ gì đâu!