Cánh Cửa

Chương 21 : Chiếc áo màu xanh

Tôi mặc một chiếc áo màu xanh da trời và đi ra ngoài. Chuyện ấy vốn cũng chỉ bình thường nhưng ai ngờ, tất cả mọi người trên thế gian đều mặc một chiếc áo đỏ trơn. Tôi trông họ mà ngây người, họ thấy tôi cũng ngây người. Ngay lập tức, tất cả bọn họ đều trở nên đùng đùng dữ dằn. Cánh tay bị cắt lìa kia cứ bấu chặt năm ngón vào mặt đất, từ từ lần mò tới chỗ gã nhà văn. Trải qua một loạt các cú sốc, gã chẳng khác nào quả cà càng ngày càng héo quắt vì dầm sương. Hôm đó, gã nhận được tin “Chương trình Nửa Đêm” đã leo lên vị trí thứ hai về tỉ lệ người xem trên đài truyền hình Tây Kinh, chỉ xếp sau một tiết mục giải trí khác. Tâm trạng vừa sáng sủa lên được chút ít thì gã lại nhận được một tin nhắn không có số: “Thưa thầy, Em là Mục Phân Mục Phân. Thầy tiến lên phía trước 575 bước, rẽ trái 180 bước, sẽ thấy bên đường là một tòa nhà bốn tầng, ở đó có một người con trai mặc áo xanh da trời. Trong mắt mọi người anh ta là một ác ma nhưng lại là quý nhân trong số mệnh của thầy. Thầy tiến tới bắt tay anh ta thì gặp dữ hóa lành. Nếu không làm vậy, vận xấu sẽ thêm phần xấu, hậu quả sẽ ngoài sức tưởng tượng.” Thời điểm nhận được tin nhắn là vào ngày 28 tháng 3. Nhớ lại lần trước, bên đường không dưng bỗng xuất hiện hai đứa trẻ con giống nhau như đúc, một đứa đang gào khóc ầm ĩ, đứa kia nhìn gã cười nghềnh nghệch… Một tháng trôi qua, gã lại nhận được thông báo: “Có quý nhân tới”. Cái gọi là “quý nhân” chưa chắc đã là người lãnh đạo giúp ta thăng quan tiến chức, cũng chưa hẳn là đối tác giúp ta phát tài. Mà thực chất, có thể ta và người đó suốt đời không chạm mặt, hoặc chăng, ta và anh (hay cô) ta chỉ lướt qua vai nhau một lần giữa ga tàu nháo nhác. Người này có thể thấp kém hơn ta, thậm chí chỉ là một kẻ ăn mày lang bạt đầu đường… nhưng sự tồn tại của họ tất lẽ dĩ ngẫu lại ảnh hưởng lên vận mệnh của ta. Sự ảnh hưởng này thuộc về một tầng logic hoàn toàn khác biệt, như thổ sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh thổ vậy. Bây giờ gã nhà văn đang rất cần một quý nhân để gột sạch vận đen. Vừa bước ra khỏi công ty gã liền phóng mắt nhìn về phía xa, thấy thiên hạ đi qua đi lại chắn hết tầm mắt, chẳng thấy bóng áo xanh da trời nào hết. Trên vệ đường dành cho người đi bộ, có một con chó hoang đang quỳ phủ phục. Trời không mưa mà mình mẩy con vật ướt nhẹp, có thể nó vừa chui lên từ cái cống nào đó. Nó nhìn gã chăm chú bằng một ánh mắt quái đản, vẻ mặt gã nhà văn cũng tỏ ra kinh tởm nó thấy rõ, gã lượm một miếng bê tông ném về phía con vật. Nó thản nhiên nghiêng đầu né rồi tiếp tục dõi theo gã. Mặc kệ con chó hoang, gã nhà văn lững thững bước về phía trước. Một bước, hai bước, ba bước… 575 bước. Rẽ trái, đi tiếp 180 bước. Gã dừng chân trước bệnh viện cách ly Tây Kinh. Trước cửa bệnh viện, người ta đang chen chúc thành một đám, hình như vừa có sự vụ gì đó xảy ra. Bên trong xem chừng rất hỗn loạn, vô số bác sĩ, y tá đang nhốn nháo kéo nhau chạy ra ngoài. Một tòa nhà màu xám gồm bốn tầng và một cửa sổ, bên trong có một thanh niên mặc chiếc áo màu xanh da trời. Một chân anh ta đạp lên bệ cửa số, hai tay gồng lên toan bẻ gãy song sắt. Tấm song sắt không xê xích gì, anh ta bèn lấy đầu mà chọi khiến máu chảy ra rơm rớm khắp mặt. Anh ta gào rú từng hồi, từng hồi như con mãnh thú bị giam cầm trong cũi sắt. Đứng cạnh gã nhà văn là một y tá có khuôn mặt vuông vức. Gã bèn bắt chuyện với cô. Qua lời kể, gã mới biết đầu đuôi câu chuyện là như sau: “Bệnh nhân này mang họ Tưởng, là nhân viên một công ty nhà đất. Đêm qua, anh ta bỗng dưng phát sốt. Ngỡ chỉ là cảm cúm thông thường, người vợ liền cho anh ta uống ít thuốc rồi cũng không để ý thêm nữa. Đến nửa đêm khi đang ngủ, người vợ thấy chồng bò lên người mình và cứ ngửi môi cô khìn khịt. Lúc ấy, cô vợ ngái ngủ, tưởng chồng đang muốn nên chỉ trở mình mà không đoái hoài gì. Một lúc sau, anh ta lại bò lên người vợ, ngoạm vào bầu ngực vợ và cắn chặt không buông. Cô vợ đau quá bèn đẩy chồng ra rồi nhảy khỏi giường. Lúc bật đèn, nhìn thấy bầu ngực mình rớm máu, chị bèn lớn tiếng cật vấn chồng. Người chồng tần ngần, một lúc sau mới bảo là mình gặp ác mộng. Sáng hôm sau khi ngủ dậy, chị vợ thấy thần kinh chồng mình có vẻ rất bất thường. Ngồi trước bàn ăn, anh ta luôn né tránh ánh mắt của vợ. Hai bàn tay anh lúng túng không biết nên đặt vào đâu, khi thì xoa cằm, lúc thì rờ rẫm hai đầu gối… Chị vợ nâng mặt chồng lên và tiếp tục hỏi han sự tình. Người chồng vẫn không chịu nhìn vợ mà dứt khoát đẩy tay cô ra. Anh gằm mặt xuống, vùi đôi bàn tay vào tóc và bới tung lên, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két vẻ chừng đang phải chịu đựng một nỗi đau đớn tột cùng… Chị vợ hoảng hốt liền vội vội vàng vàng gọi cấp cứu. Và thế là anh chàng họ Tưởng được đưa vào bệnh viện cách ly Tây Kinh. Cách đây mấy tháng, trời hãy còn đang lạnh. Một buổi tối, anh Tưởng với mấy đồng nghiệp bắt được một con chó hoang, cả toán lôi nó về công ty định làm một bữa cho ấm người. Lúc giết chó, anh sơ ý làm đứt ngón tay nhưng chỉ dán sơ sơ một chiếc gạc mà không hề hay biết mình đã nhiễm virus bệnh dại… Và cho đến chiều hôm nay, Tưởng đã lên cơn điên loạn cực độ. Anh vùng vẫy thoát khỏi hai bác sĩ, lao khỏi phòng bệnh, xông vào một văn phòng trong tòa nhà hành chính của bệnh viện. Lúc đó trong phòng có hai bác sĩ nam và một y tá nữ. Anh túm lấy cô y tá và cắn một nhát vào cánh tay. Cô y tá kêu lên thảm thiết và giãy giụa liên hồi. Một bác sĩ nam đã chạy thoát ra ngoài, người còn lại do dự một hồi bèn nhào tới ôm chặt lấy Tưởng từ đằng sau và gồng hết sức lực giằng anh ta ra. Nữ y tá nhân cơ chạy thoát nhưng một miếng thịt của cô đã bị Tưởng gặm đứt. Thấy đồng nghiệp đã chạy, bác sĩ nam cũng thả Tưởng ra và tháo chạy khỏi căn phòng. Anh ta nhanh tay đóng chặt lớp cửa sắt và nhốt Tưởng bên trong. Mọi người vừa thở phào được một chút thì ai ngờ, vì cơn dại phát tác, sức khỏe Tưởng đột nhiên tăng vụt, anh ta tháo tan cánh cửa sắt đã khóa chỉ bằng hai tay rồi vùng chạy ra ngoài, vừa chạy vừa gào rú. Người đàn ông họ Tưởng giờ đây đã mất hết lý trí, trở thành một con quỷ hút máu, hai mép anh ta ri rỉ máu, trông thấy ai liền lao vào cắn xé. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân, gia quyến đều nháo nhào bỏ chạy khỏi bệnh viện. Một bác sĩ trong phòng hành chính trên tầng bốn đang chuẩn bị chạy thoát thân thì trông thấy Tưởng lao tới từ dãy hành lang trống không liền vội vàng rụt đầu lại sau cánh cửa. May thay kẻ lên cơn dại kia không trông thấy bác sĩ mà xông thẳng vào trong phòng tài vụ. Bác sĩ nọ khẽ khàng nhón chân bước ra toan nhanh tay khóa cửa để nhốt Tưởng bên trong. Phòng tài vụ vốn lắp cửa chống trộm nên cực kỳ kiên cố. Chẳng rõ là tại phòng tài vụ không có người hay vì nghe thấy tiếng động sau lưng nên Tưởng quay ngoắt đầu lại, đôi mắt trừng lên đỏ đòng đọc. Bác sĩ nọ vừa dừng bước tại cửa phòng tài vụ liền bắt gặp ánh mắt của Tưởng, chân tay anh ta lúc này không còn nghe lệnh nữa. Khi anh ta đang run rẩy đóng cánh cửa chống trộm lại, Tưởng dường như đọc ra ý đồ ấy bèn réo lên một tiếng rồi bổ nhào tới… Nếu cánh tay của Tưởng vươn qua được kẽ hở, cánh cửa chống trộm sẽ không thể đóng lại. Mọi thứ chỉ cách nhau trong gang tấc. “Cạch!” Cuối cùng bác sĩ nọ cũng làm được, rồi loạng choạng chạy khỏi tòa nhà. Kẻ mắc bệnh dại đã bị giam cầm trong lao cũi. Anh ta lại càng trở nên điên loạn, hết hất đổ bàn ghế, kéo sập tủ đựng, đập vỡ cửa kính rồi lại dùng chân đạp cửa, lấy đầu thụi tường. Và rồi, anh ta xông rạ cửa sổ và giằng tấm song sắt điên cuồng… Y tá, bác sĩ, bệnh nhân, gia quyến hoảng loạn chạy khỏi bệnh viện. Toàn bộ bệnh viện đã trống không, chỉ còn lại kẻ mang căn bệnh đáng sợ trong mình. Cảnh sát 110 vội tới hiện trường, niêm phong toàn bộ toàn nhà, căng dải phân cách để đề phòng người đàn ông họ Tưởng bất chợt xông ra hại người. Đội lính cứu hỏa cũng được cử tới tiếp viện, tất cả đều được vũ trang và mặc quần áo chống hóa học. Vì bệnh nhân họ Tưởng quá nguy hiểm nên cả bệnh viện lẫn cảnh sát đều không dám khinh suất tiến gần. Tất cả mọi người đang vây kín xung quanh, hướng mắt về khung cửa sổ tầng bốn. Màu ráng chiều khiến ô cửa sổ tối càng thêm tối, khuôn mặt của Tưởng trắng càng thêm trắng. Anh ta cứ tru lên từng hồi, từng hồi. Thế rồi khi sức lực đã tiêu hao, anh ngồi bên cửa sổ, hai chân thò ra ngoài song sắt, nhìn đám người đang quan sát dưới kia bằng đôi mắt đỏ ngầu. Anh tiếp tục gào thét, cổ họng dần khàn lại đến độ không còn phát ra tiếng nữa. Anh bị chính đồng loại vứt bỏ. Tất cả đều đang chờ cho anh chuyển từ cơn cuồng loạn sang giai đoạn suy kiệt để rồi chết. Đứng xem được một hồi, gã nhà văn bỏ đi, vẻ mặt gã sa sầm lại. Gã nào đủ dũng khí để bước qua dải phân cách, tiến vào tòa nhà hành chính vắng ngắt, leo lên tầng bốn, bước vào căn phòng giam và bắt tay kẻ đang điên loạn đó. Cho dù hành động ấy thật sự có thể cứu vớt cho vận mệnh gã lúc này. Một người phụ nữ mặc áo xanh da trời hớt hơ hớt hải chạy tới trước mặt gã. Gương mặt chị ta tiều tụy, mái tóc rối xác xơ, thấy gã bèn lớn tiếng hỏi: – Có phải anh vừa từ bệnh viện cách ly về đây không? – Đúng thế! – Gã đáp. – Bệnh nhân kia thế nào rồi. – Người phụ nữ sốt sắng hỏi. – Vẫn bị nhốt trên tầng bốn. Cô là gì của anh ta? – Gã hỏi. – Tôi là vợ anh ấy. – Người phụ nữ đáp. Gã nhà văn trân trân nhìn người phụ nữ không chớp mắt. Không để tâm tới điều đó, chị ta vội vã chạy về phía bệnh viện. Nhìn từ đằng sau, dáng chạy của người phụ nữ ấy có gì đó thật khác thường.