Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 242 : Hai bản thánh chỉ

Sáng sớm tinh mơ! Trong khi đất trời vẫn còn mờ mịt tranh sáng tranh tối thì tại một nơi sơn dã như thôn Vĩnh Thái, người dân đã bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Từ những nóc nhà đơn sơ mộc mạc, từng sợi khói trắng nhẹ nhàng bay lên cao, mãi cho đến khi gặp được những cơn gió đông lạnh lẽo mới tan ra, hòa mình vào trong thiên nhiên bao la rộng lớn. Cuối năm, thời gian bỗng trở nên dư giả hẳn. Chờ cho qua bữa cơm sáng vốn cũng chẳng lâu la gì, người dân trong thôn mới lục tục ra khỏi nhà. Có người tranh thủ ra đồng xem qua vụ lúa mới cấy, có người thì ra chợ bày hàng buôn bán, lại có cả những kết bạn vào rừng săn bắt một phen. Chẳng qua, dù rằng họ không trực tiếp biểu hiện ra ngoài thì bầu không khí rạo rực đón tết vẫn đã lan tỏa khắp cả thôn xóm. Vào những ngày cuối cùng của một năm cũ này, người ta đi làm vốn đã không phải là để làm, mà là để gặp gỡ nhau, để chia sẻ với nhau chút niềm vui rạo rực đầy mong chờ, cùng với những nỗi lo về một năm mới sắp đến. Người nông dân thì tụ tập lại bàn luận về chuyện thời tiết, về vụ mùa sắp tới sẽ được hay mất. Người bán hàng thì đon đả tán chuyện với khách, cũng chẳng còn cảnh mặc cả gắt gao như ngày thường. Và có lẽ, đến ngay cả đám dã thú trong rừng giờ đây cũng trở nên dễ tính, bởi những người thợ săn kia đi vào rừng chẳng bao lâu thì đã trở về, tuy rằng thu hoạch không đầy bao giỏ đầy bao, nhưng cũng coi như là đủ cho một mùa Tết. Mà cũng vì thế nên mấy quán nước lại được dịp đắt hàng, bởi những anh thợ săn còn trẻ tuổi đều đã ghé vào đây mà nghỉ ngơi, mà lắng nghe những kinh nghiệm xưa của người thợ săn lão làng nhất trong hội. Từ những chuyện như bất ngờ gặp phải gấu lớn, hay là lần đặt bẫy săn vua lợn rừng, cho đến chuyện bị lạc trong rừng mà gặp được thuốc quý, qua lời kể trầm trầm của người thợ săn già đều trở nên hấp dẫn đến lạ, khiến cho cánh thanh niên ngồi xung quanh chỉ biết trầm trồ xuýt xoa. “Lộp cộp, lộp cộp…” Gần trưa, phiên chợ cũng đã sắp tan. Trong chợ giờ này chỉ còn lưa thưa một vài hàng quán là vẫn chưa dọn, cùng với gần chục vị khách mà đa phần là cánh thợ săn còn đang ngồi tán gẫu. Bất chợt, một tiếng vó ngựa đột ngột vọng về, khiến cho ý định dọn hàng của mấy bà chủ quán, cũng như ý định rời đi của nhóm thợ săn lập tức bay đi đâu mất. Ai nấy giờ này đều cố gắng nán lại thêm một lúc nữa, để mà xem cho rõ người sắp đến là ai, bởi ở cái thôn Vĩnh Thái chơ vơ giữa núi rừng này, một năm có lẽ cũng chẳng được đến ba bận nghe thấy tiếng vó ngựa ấy chứ! “Hí hí híííí!” Con tuấn mã đang phi nhanh đột nhiên bị người khách lạ ghìm chặt cương lại, khiến cho nó không khỏi phải hí lên một tràng dài để phát tiết nỗi uất ức. Mà người khách lạ dường như đã quen với tính của con ngựa, khẽ vỗ về nó mấy cái rồi lập tức rời yên. Buộc dây cương ngựa vào một gốc hồng trước cổng chợ, người khách lạ tiến vào một quán nước đông khách nhất, lên tiếng hỏi: “Bà chủ, cho tôi một chén chè nóng nào.” “Có đây, có đây. Xin mời quan ngồi xuống đây uống chén nước.” Vừa nói, bà chủ vừa rót cho người khách lạ một chén nước chè nóng hổi. Chè pha từ sáng, đến giờ cũng đã bốn năm tiếng đồng hồ, lại thêm tiết trời cuối đông còn se se lạnh, ấy vậy mà chẳng biết bà chủ quán làm sao vẫn giữ được cho nước chè nóng thơm như vừa mới pha. Vị khách lạ đưa tay đón lấy chén chè, sau khi uống thử một ngụm mới tấm tắc khen: “Chè ngon, chè ngon! Uống một ngụm mà ấm cả bụng!” Giọng nói của người khách vốn chẳng phải giọng vùng Kinh Bắc này, mà nghe cái cách người ấy nói chuyện còn có mấy phần nhã nhặn, thật giống với người vốn quen ở chốn xa hoa. Đến tận lúc này, dân làng còn nán lại trong chợ mới để ý đến trang phục của người khách này. Bộ áo gấm mà người khách đang mặc dù rằng đã bám đầy bụi đường thế nhưng vẫn toát ra được vẻ trang nghiêm, quyền uy. Chiếc mũ mà hắn đang đội lại rõ ràng là mũ quan, tuy chỉ khảm một viên ngọc tượng trưng cho chức quan cửu phẩm, nhưng như vậy cũng đã đủ để cho những người dân làng chất phác này phải kính sợ. Uống hết chén chè, viên quan nọ mới lại lên tiếng: “Này bà chủ, bà có thể chỉ cho tôi đường đến nhà trưởng thôn được chăng?” “Ồ, chuyện này thì đơn giản thôi. Quan cứ đi thẳng đến cuối con đường này rồi rẽ phải, đến lúc nào nhìn thấy một tòa nhà có cổng sơn màu đỏ thì chính là nhà của trưởng thôn đấy.” “Thì ra là thế, cảm ơn bà!” Nói rồi, viên quan nọ liền lấy ra mấy đồng tiền đặt lên trên bàn nước, miệng thì nói: “Tôi còn có việc không tiện ngồi lại đây lâu, tiền này là để trả cho chén nước chè vừa rồi. Chào bà!” Dứt lời, người khách lạ liền xoay mình ngồi lên ngựa, phóng thẳng về phía nhà trưởng thôn, mặc cho bà hàng nước gọi mấy lần cũng không buồn quay lại lấy tiền thừa. Chờ cho bóng ngựa đã khuất sau ngã rẽ, dân làng còn ngồi lại trong quán mới xôn xao bàn tán: “Không biết quan trên đến nhà trưởng thôn làm gì nhỉ?” “Quan trên đến đây có một mình, bộ dáng lại có vẻ vội vã, xem ra có khi là đến báo tin rồi. Không biết là báo tin lành hay tin dữ nữa?” “Chắc là báo tin lành rồi! Nếu không thì quan trên cũng chẳng rảnh rỗi ngồi lại đây uống chè đâu?” “Chưa chắc! Người ta làm quan, anh là dân thường làm sao hiểu được họ nghĩ gì. Có khi là người ta cố ý ra vẻ bình tĩnh như vậy để che giấu mà thôi.” “Gớm, nói cứ như cậu biết rõ sự đời lắm ấy. Chỗ quen biết nên tôi nói thẳng nhé! Ở cái làng này có ai mà không biết cậu suốt ngày cắm mặt vào chuyện chế tạo mấy cái bẫy, nhiều lắm thì cũng được vài bận đi săn với anh em tụi tôi là hết. Đã bao giờ cậu ra khỏi cái làng này đâu chứ? Rõ là được mỗi cái mồm.” “Này, anh bảo ai được mỗi cái mồm đấy hả? Nếu không nhờ có bẫy của tôi thì lần trước anh chả bị con lợn rừng nó húc cho lòi ruột ra rồi ý chứ. Mà tôi vẫn còn nhớ hồi trước anh suốt ngày kể mình biết võ này võ nọ đấy nhé, thế mà đến lúc vào rừng thì anh chỉ giỏi cái ngón võ nấp, cùng lắm là thêm được cái võ miệng mà thôi!” “A, thằng này láo. Mày ăn nói với tao thế đấy hả? Không có tao dẫn mày vào rừng đi săn thì bây giờ mày chả chết đói rồi ý chứ…” “Thôi, thôi, năm hết tết đến đến nơi rồi, các cậu cãi nhau làm gì. Anh em với nhau bao nhiêu năm, chả nhẽ chỉ vì tí chuyện thế mà quay ra đánh nhau à? Đằng nào cũng là người làng với nhau cả, các cậu nghe lời tôi, cứ bình tĩnh ngồi xuống uống chén nước, ăn miếng bánh đi đã rồi bàn tiếp. Mà tôi nói thật nhé, các cậu cứ ngồi đây bàn ra tán vào thì được tích sự gì? Muốn biết thì đi đến nhà trưởng thôn mà xem, chả phải là biết ngay sao?” Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, bà hàng nước vội vàng lên tiếng khuyên can, mà mấy người còn lại trong nhóm thợ săn cũng vội vàng can hai người nọ ra. Chờ một lúc sau khi cả hai đã bình tĩnh lại, bà hàng nước mới lục tục thu dọn hàng, chuẩn bị ra về. Cánh thợ săn thấy vậy thì cũng lần lượt rời đi, chẳng ai bảo ai nhưng tất cả bọn họ đều tiến về phía cuối làng, nơi có một tòa nhà lớn với đôi cánh cửa được sơn màu đỏ rực. Trước cửa nhà trưởng thôn lúc này cũng đã tụ tập không ít dân làng, ai nấy đều cố gắng nhìn vào bên trong xem đang có chuyện gì xảy ra. Chỉ thấy trong sân lúc này đã bày sẵn hương án, trên có ba nén hương dày đang tỏa khói nghi ngút. Còn viên quan nọ lúc này lại đang đứng trước bàn thờ, hai tay cẩn thận nâng một cuộn lụa vàng, bộ dáng vô cùng trang nghiêm kính cẩn. “Xem kìa, thánh chỉ đấy! Xem ra lần này nhà trưởng thôn có việc mừng rồi.” “Tính ngày thì các sĩ tử đi thi chắc cũng sắp về tới đây rồi, giờ lại có thánh chỉ đến tận nhà thế này, xem ra là thánh chỉ ban công danh đây.” “Mấy cái bà này, nói be bé thôi. Trong sân người ta còn đang làm lễ, ngoài này lại rì rào bàn tán như thế thì còn ra cái thể thống gì?” Người vừa lên tiếng chính là một vị bô lão trong làng, lời nói của ông lập tức khiến cho mọi người bình tĩnh lại, tiếng xì xào bàn tán cũng vì thế mà lắng xuống. Mà ngay lúc này, viên quan nọ đột nhiên mở thánh chỉ ra, lớn tiếng đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết. Nhân khi nước nhà gặp phải cơn nguy nan, ba người Nguyễn Phong, Trần Duy, Văn Thái đã ra sức cống hiến cho quốc gia, giúp ngăn chặn mối hiểm họa to lớn ấy. Xét thấy công lao của ba người rất đáng trân trọng, nay trẫm sắc phong cho Nguyễn Phong làm Đại Việt giám quan tuần sử, sắc phong cho Phạm Văn Thái và Trần Duy làm Đại Việt giám quan phó tuần sử. Đồng thời, ban thưởng cho thôn Vĩnh Thái một tấm bia công danh, vĩnh viễn lưu truyền sự tích công lao của cả ba người. Khâm thử!” Thánh chỉ vừa tuyên, không chỉ có người nhà trưởng thôn kinh ngạc, mà ngay cả những người dân đang đứng ngoài cửa cũng sững sờ. Họ bất ngờ vì công danh của ba người Nguyễn Phong, lại càng bất ngờ hơn vì danh tiếng mà hoàng thượng ban thưởng. Thế là từ nay, cái tên Vĩnh Thái đã mang trên mình cả một đoạn giai thoại, và đó cũng là niềm tự hào cho mỗi người dân trong làng, để cho bọn họ có thể kể với người đến từ nơi khác rằng: “Lãng Vĩnh Thái chúng tôi đã sinh ra ba vị anh hùng.”. Đối với những người dân quê chất phác, danh tiếng ấy thật đúng là to lớn hơn bất cứ phần thưởng hiện vật nào khác. Phải mãi đến khi viên quan nọ khẽ hắng giọng một tiếng thì tất cả mọi người mới chợt bừng tỉnh. Thế rồi, không chỉ có gia đình Nguyễn Bảo, mà toàn bộ dân làng Vĩnh Thái đang có mặt tại đây đều quỳ xuống đồng thanh hô: “Tạ ơn hoàng thượng ban thưởng.” Tin vui này đã đủ để cho cả làng mở hội ăn mừng, ấy thế nhưng chuyện lại không chỉ có vậy. Không chờ cho Nguyễn Bảo kịp đứng lên tặng lễ cho vị quan truyền chỉ, viên quan nọ đã lại lên tiếng: “Mọi người khoan hãy đứng dậy đã. Lần này bề trên truyền xuống hai thánh chỉ cùng một lúc, thế nên bây giờ tôi xin được tuyên đọc bản thánh chỉ còn lại.” Dứt lời, vị quan nọ khẽ hắng giọng một tiếng rồi mới mở cuộn thánh chỉ tiếp theo ra đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết. Để thể hiện sự trân trọng của trẫm đối với những công lao của Nguyễn Phong, cũng là để tác hợp cho mối lương duyên giữa Nguyễn Phong và công chúa Ngọc Thanh, nay trẫm ban cho hai người được kết thành phu thê. Lễ cưới sẽ được tổ chức vào ngày mồng một tháng sáu năm Ất Mùi, tin mừng được truyền đi khắp nước Đại Việt. Khâm thử!”