Từ trong rạp chiếu phim thị trấn vẳng ra tiếng nhạc câm nén. Nhà nhà đã lên đèn. Sương nhẹ như hơi samovar lơ lửng trên những khu vườn. Đằng sau những cành trần trụi đã lấp lánh những vì sao. Một nỗi bồi hồi khó hiểu làm lòng tôi se lại và tôi nghĩ rằng vì đất đai tươi đẹp này, hay hơn nữa, vì chỉ riêng một thiếu nữ như Polina thôi, cũng đủ để ta phải kêu gọi con người đấu tranh cho một cuộc sống vui tươi và có ý nghĩa. Tất cả những gì đè nén con người, làm cho con người buồn khổ, những gì làm nhỏ ra dù chỉ một giọt nước mắt, cũng phải nhổ đến tận rễ. Cả sa mạc, cả chiến tranh, cả bất công, cả sự dối trá và cả sự miệt thị tâm hồn người. Polina đi với tôi đến tận những ngôi nhà đầu tiên của thị trấn. Ở đó tôi từ biệt cô. Polina nhìn xuống, đưa tay gỡ bím tóc, và bất thần cô nói với tôi: - Giờ tôi sẽ đọc thật nhiều, ông ạ! Cô ngước mắt lên, bối rối nhìn tôi, đoạn chìa tay cho tôi bắt, rồi rảo bước về nhà. Tôi trở về Moskva trên một toa ghế cứng chật ních. Ban đêm tôi ra đầu toa hút thuốc. Tôi hạ kính cửa xuống và thò đầu ra ngoài. Tàu hỏa phóng nhanh trên con đường sắt xuyên qua những khu rừng rụng lá. Hầu như không trông rõ rừng. Nhưng có thể đoán ra rừng ở bên ta nhờ tiếng động, cái tiếng vang vội vã xuất hiện trong rừng rậm giội lại tiếng bánh xe ầm ầm chuyển động. Trên tuyết, không khí dường như bị tê cóng, tụ thành hạt, phả vào mặt người mùi lá ủng. Bên trên rừng, bầu trời thu lúc nửa đêm như bốc khói bởi những vì sao sáng chói cũng phóng nhanh, không chịu thua con tàu. Những cây cầu kêu ầm ầm ngắn ngủi. Mặc dầu tàu chạy nhanh ta vẫn có thể nhìn thấy bên dưới cầu ánh sao phản chiếu vụt hiện ra rồi vụt biến đi trên mặt nước tối đen, không ra là nước đầm lầy, mà cũng chẳng ra nước sông. Con tàu phóng ào ào, rầm rĩ trong hơi nước, trong khói. Những ngọn nến cháy nốt mẩu cuối cùng, tỏa sáng trong những chiếc đèn lồng run rẩy. Bên ngoài cửa sổ, những tia lửa đỏ thẫm bay theo đường đi của con tàu. Đầu máy hân hoan la hét, say sưa vì tốc độ vùn vụt của chính nó. Tôi tin rằng con tàu đang phóng nhanh đưa tôi đến với hạnh phúc. Ý sáng tác cuốn sách mới đã tràn ngập óc tôi. Tôi tin rằng tôi sẽ viết được cuốn sách ấy. Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ, hát lên những lời không mạch lạc về đêm tối, về chuyện trên thế giới này không có nơi nào thân yêu đối với tôi hơn là nước Nga. Gió, giống như những bím tóc thiếu nữ xổ tung, thơm mát mơn man trên mặt tôi. Tôi muốn hôn những bím tóc ấy, làn gió ấy, mảnh đất lạnh lâu đời ấy. Nhưng tôi không làm thế được, mà chỉ hát lung tung như một người điên và ngạc nhiên trước cái đẹp của bầu trời phương đông mới rạng lên một chút sác xanh yếu ớt và dịu dàng. Tôi ngạc nhiên trước vẻ kiều diễm của bầu trời ấy, trước ánh hào quang yếu ớt và trong trẻo của nó, cho đến khi hiểu ra rằng một buổi bình minh mới đang ló dạng. Tất cả những gì tôi nhìn thấy bên ngoài cửa sổ, tất cả những niềm vui hỗn độn đang lồng lộn trong ngực tôi, không hiểu bằng cách nào đã hợp lại với nhau thành một quyết định: viết, viết và viết! Nhưng viết cái gì kia chứ? Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi chẳng hề bận tâm đến chuyện rồi đây những ý nghĩ của tôi về vẻ kiều diễm của đất đai, cũng như ý muốn thiết tha bảo vệ nó, cho nó khỏi bị kiệt quệ, khỏi trở nên cằn cỗi, sẽ xoay quanh cái gì, sẽ gắn với đề tài nào như sắt với nam châm. Đối với tôi giờ đây tất cả những cái đó đều bất thành vấn đề. Ít lâu sau, những ý nghĩ đó hòa vào nhau thành ý sáng tác cuốn Kara-Bugaz. Chúng có thể chuyển thành ý sáng tác một cuốn khác; nhưng bất kể là thế nào cuốn sách đó nhất thiết phải bao hàm đầy đủ nội dung chính và những tình cảm đã choán lấy tôi lúc đó. Rõ ràng là ý sáng tác bao giờ cũng từ trong tim mà ra. Từ đó trở đi bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn mà người ta gọi là thời kỳ "thai nghén" ý sáng tác, nói cho đúng hơn, thời kỳ tích lũy chất liệu thực sự cho sáng tác.