Buổi đi chơi cuối cùng rồi cũng có những người còn lại trong danh sách của Ẩn sau khi Đông đã tẩy xóa thêm bớt. Khôi, Ẩn, Đông, Thục, Hạnh, Kim, Thủy, Uyển. Phương tiện di chuyển bằng xe đạp như đã dự đinh. Nhưng thật không ai ngờ phía con trai chỉ có ba mống, phía con gái những năm người. Ẩn cười bảo Đông: - Như thế thì mình yếu cơ hơn rồi mày à. Âm thịnh dương suy, một điều đáng lo ngại. Tôi cười ngó một vệt máy bay qua đầu nói: - Chưa hẳn. - Tao lo quá, phải kêu thêm mấy đứa nữa may ra mới đủ lực lượng. - Như thế này vui vẻ rồi. Khôi đứng dựa chiếc xe đạp của mình: - Như thế này vừa rồi, đông quá tao không thích. Tôi cười: - Tụi nó hiền, trong đó có dì Hạnh tao hiền nhất. Tao xử như thế này nhé, Khôi chở dì Hạnh, Ẩn chở "cà phê" Thủy, tao chở Thục, Kim chở Uyển, được không? Ẩn nhăn mặt: - Tại sao tao lại chở "cà phê" Thủy, mày chứ? - Tao hết thích uống cà phê Thủy rồi. Mày ra đó hoài, nhường lại cho mày. - Bắt nạt anh em hả? Tôi cười: - Thủy cũng có vẻ thích mày. Thôi, làm công việc của một người sắp sửa vì một người đi. Than thở hoài, mai mốt gặp nhau lại cười bẽn lẽn. Quay qua Khôi, tôi hỏi: - Còn mày, phản đối không? - Tao đang chán đời, sao cũng được.. - Dì Hạnh tao hiền lắm, trông buồn buồn. Hai nỗi buồn gặp nhau thành một nỗi vui lớn chăng? Khôi cười đấm tôi một phát. Tôi nhìn những chiếc xe đạp được đánh bóng sạch sẽ từ hôm qua mà tức cười. Bình thường chẳng đứa nào chăm sóc tới. Bây giờ chiếc nào chiếc ấy trông như mới, bóng loáng, mấy con ốc sút được vặn chặt, cái gì cũng được thay ngay. Đoạn đường ba mươi cây số nếu chỉ có ba đứa đi chạy vèo là tới, nhưng hôm nay chở thêm mấy vị con gái ở phía sau, bắt buộc phải chạy chậm. Đông đề nghị khởi hành sớm, lúc tám giờ. Và bây giờ mọi người lần lượt tới chỗ hẹn, một quán phở gần chân cầu dẫn vào thành phố. Thục, dì Hạnh, Thủy đi bộ từ hướng bờ hồ tới. Kim chở Uyển trên chiếc xe đạp sơn hai màu qua cầu vồng xuống. Tôi nhìn đồng hồ cười: - Cũng khá đúng hẹn đấy. Kim còn ngồi trên xe đạp kêu: - Kiến bò trong bụng tôi Đông ơi. - Kiến lớn hay kiến nhỏ? - Kiến lớn. - Uyển có bị không? Uyển cười: - Uyển bị cua kẹp bao tử chứ kiến bò thì nói chi. Ẩn chạy ra, cười tươi nói: - Thôi, dựng xe đằng gốc cây kia vào trong này giải quyết nạn đói một chút. Tụi này cũng kiến bò trong bao tử nãy giờ. Kim cười, trêu lại: - Kiến lớn hay kiến nhỏ? - Một tổ kiến lửa. Cả bọn cười ầm. Kéo nhau vào quán phở. Quán này mang tên "Phở Tím" còn một tên thơ mộng và thông dụng hơn nữa là "Phở dưới chân cầu". Thu hút phần lớn cũng là học trò trong tỉnh. Ở đây "chuyên trị" một món tái sụn, bọn tôi đùa là tái sún. Quán phở này có lẽ là ngon nhất trong tỉnh hay ngon nhất đối với bọn học trò cũng không biết. Người ta tới đây trong những buổi sáng, những buổi tối, ăn phở và nhìn nhau, những đôi mắt là những cọng rau thơm, những cọng ngò gai, những múi chanh đầy nước. Quán phở Tím hay là quán phở thân tình nhất của học trò. Người ta có thể vì một hôm ngẫu nhiên tới ăn phở rồi quen nhau, yêu nhau, những bộ đồng phục màu này rồi sẽ nhớ thương những bộ đồng phục màu kia. Những cổng nhà xa lạ trở thành thân quen, nở rộ rã một mùa hoa nhớ đời, thương đời và... chán đời. Tám người kéo nhau vào chiếm gọn hai chiếc bàn. May quá, chủ nhật học trò nghỉ học nên không gặp người quen nhiều. Tuy vậy mấy vị con gái cũng gặp lại lai rai những người quen. Họ hỏi thăm nhau, cười đùa, quên cả gọi thức ăn khiến Ẩn sốt ruột phải nhắc: - Ăn gì cho biết đi quý vị? Kim cười: - Như thường lệ. - Nghĩa là gì? Tôi phất vào vai Ẩn: - Tái sún mày ơi, tái những chiếc răng sún ấy. Kim đỏ mặt kêu: - Ơ, người ta không có chiếc răng sún nào hết đấy nhé. - Tôi có, ai mượn cho đấy. Và tôi quơ một bàn tay của mình quanh miệng, điệu bộ như lấy mấy chiếc răng ra bỏ trên bàn khiến Uyển la: - Đông làm gì thấy mà ghê. Thục ngưng nói chuyện với bạn, quay qua hỏi: - Cái gì mà vui vẻ vậy, hả? - Thục xòe tay ra thì biết. Thục cười ngó tôi, xòe bàn tay của mình ra. Tôi đặt bàn tay của mình vào đó. Thục hốt hoảng rụt tay về kêu: - Cái gì thế? - Cho Thục mấy cái răng sún. - Lãng òm, Đông dị ghê. Mặt Thục đỏ lên, cả bọn cười khúc khích. Ẩn nhắc lại: - Quý vị ăn gì cứ việc tự do gọi. - Mỗi người ăn mấy tô, phải nói rõ ạ. - Bao nhiêu cũng được, nhưng liệu Kim ăn được mấy tô? - Ít nhất là ba tô. - Rồi, gọi cho Kim một lúc ba tô nhé. Kim cuống lên: - Ấy người ta nói đùa, gọi thế chắc Kim chết trước khi ăn. Tôi nói: - Bây giờ nói tổng quát, tám người ăn cùng một thứ cho tiện sổ sách. Nhưng nhanh để mình còn lên đường nữa chứ. - Đồng ý. - Đông gọi cả đi. Thục bỗng nói: - Riêng Thục thì khác nhé. Thục không ăn sụn được, ăn tái thôi. Tôi quay vào trong gọi lớn bảy tô tái sụn và một tô tái. Khi quay lại mọi người đã dành nhau từng chiếc muỗng, từng miếng chanh, tôi cười: - Tôi không có gì hết sao? - Có người lo, yên chí lớn. Nụ cười hóm hỉnh của Kim làm tôi chột dạ. Một chiếc muỗng và đôi đũa được lau sạch trao từ tay Kim qua cho tôi. Kim hỏi: - Đố biết ai lo cho Đông những thứ này? - Ai lo cũng được hết, bổn phận đối với nhau, chứ bộ. - Nói thế cũng nghe được. Một người thôi, một người có bổn phận với một người. - Ai? - Phải đoán biết, khờ quá Đông ạ. Tôi dụm đầu trước mặt Kim hỏi nhỏ: - Ai thế Kim, nói nhỏ nhỏ nghe thôi. - Không có nói gì hết trơn. Tôi tức quá muốn cốc lên đầu nhỏ Kim này một cái. Dì Hạnh ngó tôi cười. Nãy giờ dì Hạnh không nói gì, Khôi cũng không nói gì. Họ ngồi trong đám đông mà như ở đâu. Khôi im lặng hoàn toàn, còn dì Hạnh chỉ góp chuyện bằng nụ cười của mình. Tôi bỗng bàng hoàng nhận ra sáng hôm nay tất cả các cô gái đều đẹp. Mỗi người đẹp một cách, một nét riêng và một màu áo để làm chìm mất màu trời. Tự nhiên rồi tôi với Thục cũng nhìn nhau. Trong đáy mắt của Thục tôi biết rõ cả những điều Kim nói. Bữa ăn sáng kết thúc với những cây tăm xỉa răng và những cốc nước. Tôi dồn hết ống tăm xỉa răng vào túi Ẩn bảo: - Cất đi, trưa có chỗ dùng, quí lắm đấy. Ẩn cười, Kim thêm: - Cho nhỏ này gửi chiếc muỗng. Chiếc túi của Ẩn lại có thêm một chiếc muỗng cà phê xinh xắn. Tôi gọi tính tiền trong khi tất cả mọi người kéo hết ra cửa đứng chờ. Như tôi sắp đặt, mỗi người chở một người ngồi phía sau. Tôi nhìn đồng hồ lúc qua cầu: tám giờ mười bảy phút. Tôi quay lại nói cho Thục biết, Thục cười: - Sao không tám giờ mười lăm mà lại tám giờ mười bảy phủt? - Thời gian luôn luôn có con số lẻ. - Tình thương có con số lẻ không? - Chắc có, nhưng với tôi, không có con số nào gọi là con số lẻ. Tôi thích tràn đầy, tròn trịa và chẵn chòi, không dư cũng không thiếu. - Như vậy trái tim của Đông chắc đầy tràn. - Đầy tràn những gì? - Những hình bóng. Thục cười phía sau. Bốn chiếc xe đạp giăng hàng ngang gần hết con đường. Mấy chiếc xe đò ra khỏi bến nôn nóng bóp kèn inh ỏi. Cả bọn không thèm tránh, đua nhau cười khi chiếc xe leo lề trái vượt qua. Khôi chở dì Hạnh đi phía trong cùng. Hai người không nói gì, dì Hạnh nhìn cây lá hai bên đường. Kim với Uyển cười luôn miêng. Ẩn và Thủy còn e ngại. Con đường còn xa lắm, rồi sẽ quen nhau, nói chuyện với nhau đến không còn lời. Thục bỗng ấn ngón tay vào lưng tôi: - Nói nghe, sao lại có buổi đi chơi này? - Ẩn rủ. - Biết không, Thục sợ nhất những cuộc vui. - Sao thế? - Vui rồi buồn, không mấy hồi rồi chán. - Sao không nói hợp rồi tan luôn cho đủ nghĩa. - Trêu người ta, phải không? - Kẻ thấm nhuần triết lý nhà Phật mà. Ở hiền thì gặp lành. Ai ác độc kỳ thi này trợt vỏ chuối đấy. - Trù người ta trợt vỏ chuối hả, Thục đã thi đậu vì đã coi bói rồi. - Các cô chỉ làm giàu cho các ông thầy bói, các ông đạo không biết xuất thân từ núi nào? - Con gái ngoài công dung ngôn hạnh, còn có một môn nữa là coi bói. - Sao Đông bôi bác mấy ông thầy bói thế? Thục biện minh hăng hái và tôi biết không nên xen vào chuyện "coi bói" của con gái. Tôi không dại gì làm Thục giận và nhảy khỏi xe để tôi phải đi cu ky một mình. Tôi cười: - Con trai ít khi tin thầy bói. - Con trai mà mê coi bói thì còn gì là con trai. - Tôi lại không tin ai ngoài tin tôi. - Như thế là Đông yêu mình hơn yêu người khác. - Cũng có thể như thế. - Lớn lên Đông sẽ bạc tình. Tôi lắc đầu cười: - Không bao giờ. Tôi rất thích được chung tình cho tới chết. - Chung tình với một người hay từng người? - Một người hay từng người, cái tình nó cũng vẫn thế mà thôi. - Khéo lắm. - Tôi còn vụng về lắm. Chắc hôm tới nhà, chị em Thục tha hồ mà cười, phải không? - Không ai dám cười Đông đâu. - Tôi về ngủ không yên, nhảy mũi cả triệu cái. Thế nào hai chị em cũng đem tôi ra luận bàn, phân tích, bình giảng. - Ai làm như thế bao giờ. - Tôi nghi quá. Thục cười nhỏ: - Đông đa nghi như thế sao? - Đã bảo không tin ai hết, chỉ tin một mình mình thôi. Kim chở Uyển sắp tới. Uyển dúi vào tay Thục mấy cái hoa mắc cỡ hái ven đường. Uyển hỏi: - Mắc cỡ chưa? Thục đáp: - Rồi. - Vậy mi chết, bắt đầu chết. - Nghĩa là gì? Uyển cười lớn: - Mọi ngày mi thông minh, làm toán nhanh như chớp, sao hôm nay ngờ nghệch thế? Kim nhìn trời bảo: - Tại hôm nay nó bị mây ám. Thấy không, mây nhiều quá. - Hai đứa nói cái gì vậy? Uyển và Kim cùng cười: - Thôi mai mốt rồi hiểu? Kim bỗng vọt xe nhanh về phía trước. Tôi lái xe lại gần Khôi. Dì Hạnh nói chuyện với Thục và bỗng dì Hạnh cười khi bắt gặp một chiếc xe bò chở đầy rơm, đứa trẻ con ngồi lọt trên đó như một con chim nhỏ ló đầu ra khỏi tổ. - Liệu mưa không Đông? Dì Hạnh hỏi tôi. Nhưng Khôi đã đáp: - Không mưa đâu. Tôi cười: - Mưa càng thích chứ sao đâu. - Mưa mất vui, mình sẽ bị ướt hết và lạnh run. - Không ai mang áo mưa cả sao? - Hình như không ai cả. - Vậy là thiếu sót lớn. Khôi nói nhanh: - Nhưng trời không có mưa, tin đi. Ẩn đi khoảng giữa, Thủy nói gì đó và hai người cùng cười. Thục ném những cái hoa mắc cỡ xuống đường. Có những cánh đồng đã xong vụ gặt. Cũng có những cánh đồng lúa còn xanh. Ở đây người ta trồng lúa hai mùa. Có ra ngoại ô mới biết xung quanh ta còn một khoảng trời rộng, còn một bầu không khí bao la muôn trùng. Buổi sáng nắng thả dài trên lá cây, trên cỏ ướt. Sương lóng lánh đậu trên những cọng lúa xanh chưa tan hết. Hương đồng nội thơm ngát. Hương trời đất phả lên từng sợi tóc dạt theo chiều gió cuốn. Tôi nói với Thục: - Thục có nghe thấy mùi hương. - Vâng, Thục đang nghe đây. - Ngoại ô đẹp hơn thành phố nhiều. Nhưng quê của tôi còn đẹp hơn nữa. Trời đất còn thơm hơn thế này nữa. - Bao giờ Đông về đó? - Mùa hè, mùa hè của những năm đó đã qua rồi. Bây giờ không còn về được nữa. - Tại sao? - Có phải tại bây giờ mình đã lớn? - Tôi cười. Giọng Thục như sắp khóc: - Không phải đâu, Đông đừng nghĩ như thế. Tự nhiên tôi thấy ngậm ngùi. Đã mấy mùa hè trôi qua tôi không còn được trở về quê nhà nữa. Nhiều lúc tôi nhớ như điên, hàng phượng thả bông đỏ ối trên đường. Một con sáo nhỏ ngơ ngác bay qua cánh đồng lúa chín với một tràng kêu êm đềm. Rồi bóng dừa xanh, bóng cây cau oằn trong nắng chiều vàng, những đám bụi mù mịt khuất mấy bờ tre gai. Tiếng gà nghe thật xa xôi trong xóm vắng. Tôi muốn nghỉ học bay về đó, sống lại những buổi chiều trong vườn, những buổi sáng lang thang, những buổi trưa đầy tiếng ve sầu và hoa phượng đỏ. Tôi thấy tuổi nhỏ tôi bay bằng cánh lớn, bay bỗng, đẹp ngàn trùng. Và tuổi nhỏ cũng mất đi là những ngày không thể kéo lại. Bây giờ tôi đang lớn, đang sống đời sống của một gã thanh niên, rồi tôi cũng từ giã bàn tay rẽ những sợi tóc bay trước cổng trường. Tôi cũng cởi áo học trò một ngày nào đó. Tôi bước xuống đời. Tôi buồn quá. - Thục vừa trông thấy một con bướm vàng thật đẹp, nhỏ bé quá, nó bay ngang qua nhưng Thục không bắt được.. - Loài bướm cái đấy. Quê nhà tôi thiếu gì bướm này. - Ở đây là quê ai, Đông? Câu hỏi của Thục làm tôi tức cười. Tôi bảo: - Chắc là quê của Ẩn. - Không, của những người đi ăn trái cây đầu mùa. Câu nói củ Thục làm tôi rộn ràng. Tôi nghe tiếng hát từ trong những cơn gió lồng lộng. Tiếng còi xe bóp thật vui lúc vượt qua. Không còn những chuyến xe đò nào đưa tôi trở lại quê nhà cả. - Đông chạy sát vào lề đi. Thục sợ quá. - Sợ gì? - Những chiếc xe đò kia, họ chạy như bay. Tôi tấp xe sát vào lề. Bây giờ những chiếc xe đạp nối nhau thành một hàng dài chạy dọc theo đường. Khôi chở dì Hạnh chạy phía trước. Thục thúc vào lưng tôi hỏi: - Tại sao Đông là "cháu" của Hạnh? - Tại họ hàng lớn từ hồi nào, ai biết được. - Đông có thương "dì" Hạnh không? - Thương. - Hai người sống trong một căn nhà như vậy có thường gây gỗ nhau không? Tôi cười: - Dì Hạnh chỉ thấy toàn nước mắt. - Còn Đông làm tàng lắm hả? - Sao Thục nói thế? - Hạnh nói. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp dì Hạnh. Những lần xích mích với nhau những chuyện nhỏ nhặt tôi thường đi chơi suốt ngày và tôi biết dì Hạnh ở nhà với những giọt nước mắt. Căn nhà đó êm đềm quá. Nếu một ngày nào đó tôi hay dì Hạnh phải bỏ nó mà đi hay người này đi bỏ người kia ở lại, chắc là buồn lắm. Tôi đạp xe nhanh hơn một chút để đuổi theo Khôi. Khi sát tới phía sau dì Hạnh, tôi hỏi lớn: - Vui không? Dì cười, gật đầu. Tôi cũng cười: - Vui mà sao thấy mắt dì buồn quá vậy? Thục cười khúc khích: - Tại có khói bốc lên, khói lam cuộc tình đấy. Tôi thấy dì Hạnh ngượng, đỏ mặt. Dì trả đũa. - Thấy mắt ai hay là thấy mắt mình đấy Thục. - Mắt người ta không có khói, bồ ơi. - Không có khói, nhưng có màu. - Màu gì? - Màu của tình yêu vừa chớm. oOo Tôi hỏi lớn: - Có ai khát nước? - Nước đâu mà uống bây giờ? Tôi đưa mắt hỏi Ẩn, nó chỉ tay về phía trước. - Chịu khó chạy một khoảng nữa, trên đó có quán nước. - Phải tốn bao nhiêu calori nữa mới được uống nước? - Phải hy sinh thêm mấy lít mồ hôi, bà con ơi. - Đi chơi thì đừng có than. Tôi ngồi xuống bên cạnh Thục. Những cọng cỏ trổ bông trắng lơ thơ giữa đám cây dại xanh mượt. Tôi nghe một mùi thơm dịu dàng của đất. Thục ngắt một bông cỏ hỏi: - Đông biết tên không? Tôi lắc đầu, ngó giọt mồ hôi đang rịn ra trong chân tóc Thục. Những sợi tóc mai non nớt ấy có vẻ tội tình khi ướt những giọt mồ hôi. Tôi muốn dùng khăn chậm cho Thục, nhưng tôi biết, tôi chưa có đủ can đảm để làm việc đó. Tôi hỏi nhỏ: - Thục mệt không? Thục lắc nhẹ đầu, mỉm cười. Kim và Uyển bây giờ mới tới. Kim dừng xe thở dốc. Uyển nhảy xuống xe ngồi bệt xuống đất ôm lấy ngực thở phì phì. Kim cự: - Mấy ông mấy bà chạy đi đâu mà lắm thế. Nhắm mắt nhắm mũi mà chạy chả chịu chờ người ta. - Kim khoẻ lắm mà. - Người ta là con gái. Ẩn lè lưỡi trêu Kim. Uyển dáo dác hỏi: - Nước, khát nước quá trời. - Nhịn một chút nữa, lên kia tha hồ uống. - Còn xa không? - Không xa lắm đâu. Uyển thất vọng ôm lấy vai Thục. Kim lững thững xuống xe, dắt vào đứng trong bóng mát. Ẩn nói: - Nghỉ năm phút rồi lên đường. - Mệt quá. Nghỉ tới chiều cũng được. - Chiều chỉ có nước quay về. - Lên đó ăn trả thù, có bao nhiêu trái cây trong vườn Ẩn vậy? - Nhiều lắm. - Tụi này sẽ ăn hết. Ăn no hái bỏ vô bao đem về bạn. Kim lại pha trò. Tôi nhìn mặt Kim đỏ rần vì nắng, cái vẻ mặt mệt mỏi ngơ ngác đến tức cười. Uyển đưa cho Thục chiếc khăn chậm mấy giọt mồ hôi. Dì Hạnh và Khôi nói gì đó tôi không nghe rõ. Tôi đứng lên nhình những bóng cây cao lừng lững trong bầu trời. Thủy đi tới hỏi: - Còn xa không Đông? - Gần tới rồi. Thủy im lặng. Tôi cười: - Ẩn nó mến Thủy lắm đấy. - Đông ác quá. - Tôi lại nghĩ tôi hiền nhất thế giới. - Đông ác theo nghĩa khác cơ. - Nghĩa nào mới được chứ, Thủy? - Trong tình cảm. Nói xong Thủy quay về với Ẩn. Tôi nhìn cái bóng của Thủy ngã xuống mặt cỏ. Cái bóng nhỏ nhoi, màu xám. Thủy đứng u buồn như một con chim đứng nhìn trời mưa bụi. Tôi biết làm sao hơn. Những cơn gió thở dài phía sau lưng tôi, làm rì rào hàng cây bên đường. Tôi đi loanh quanh một lúc. Dì Hạnh bỗng hỏi: - Đông mệt à? - Không, chỉ có nắng làm chói mắt thôi. - Đông quên mang theo kính. - Quên. - Cho Đông cái này. Dì hạnh thảy cho tôi những trái muối chín đỏ dì mới hái được. Những trái muối trông ngon lành nhưng ăn chát đắng. Tôi nói: - Nếu có ít muối chấm ăn thì ngon hơn. - Tưởng Đông khỏi cần muối. - Người ta vẫn thích ngọt, chứ bộ. Khôi hái ở đâu được mấy trái nhãn lồng tới cho dì Hạnh. Những trái nhãn lồng đỏ trông ngon lành. Tôi hỏi: - Dì Hạnh nhớ câu hát ru em không? - Nhiều lắm, nhớ làm sao nổi. - Câu hát có nói tới trái nhãn lồng. - Đông nhắc lại xem? Tôi cười, đọc: - Chim khuyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. - Như vậy dì không ăn nhãn lồng nữa. Dì Hạnh bối rối ném những trái nhãn lồng về phía tôi. Tôi bắt hết, bóc vỏ ăn ngon lành. Bây giờ dì Hạnh mới biết tôi lừa dì để dành ăn những trái nhãn lồng đó. Dì tiếc: - Đông chuyên lừa người ta. - Tại dì sợ ăn nhãn lồng chứ bộ. Dì đỏ mặt, quay đi. Ẩn la lớn: - Thôi lên đường bà con ơi. - Đạp xe không nổi nữa. Mặt Kim thểu xuống. Nhưng khi mọi người leo lên xe Kim cũng lên theo. Ẩn dỗ dành: - Ráng lên trên kia có quán nước. Cho Kim uống hai trái dừa. Kim cười. Tôi với Thục đi sau cùng. Tôi muốn ở riêng với Thục trên một khoảng đường. Và buổi sáng con đường như còn hương thơm bay mãi trong gió.