Bộ Bộ Sinh Liên
Chương 356
Dương Hạo "hừ" một tiếng rồi nói: " Sứ giả của quý quốc có người chết… điều này thì có liên quan gì đến người Tống chúng tôi? Tự dưng quay ra cắn càn, bản quan đây cũng đang định nhờ vua Đường điều tra cho rõ ràng chuyện đó. Thi thể của tên thị vệ đó ở đâu? Mau cho mang lên đây, bản quan sẽ kiểm chứng, ta tuyệt đối không làm chuyện gì xấu xa, không sợ ai kiểm tra".
Gia Luật Văn khẽ nhíu mày, hô to: "Tốt! Thi thể vẫn đang được chờ ở ngoài điện, mời Quốc vương sai người đem vào trong".
Hai tên lính buông vũ khí, chạy xuống điện khiêng di thể đó lên, Gia Luật Văn chỉ vào thi thể đó mà nói lớn: "Quốc vương, đây chính là thị vệ cường tráng của tôi, người này bị chết ắt hẳn là do bị ám sát, mà hung thủ thì nhất định là bọn người Tống".
Dương Hạo vòng quanh di thể vài vòng, thi thể đó đã được thay một bộ quần áo bình thường chứ không phải là bộ quần áo tối hôm qua, quần áo xộc xệch, tóc tai rối bời. Gia Luật Văn ắt sẽ không thay quần áo cho tên thị vệ, điều đó chỉ gây cho hắn thêm phiền phức. Dù sao hắn cũng muốn sinh sự, huống hồ thực sự đã có một người chết.
Dương Hạo ngồi xổm xuống bên cạnh xác chết, nói: "Quốc vương, trên người nạn nhân bốc lên toàn mùi rượu, có lẽ là chết do uống quá nhiều rượu".
Gia Luật Văn thoáng giật mình, hắn chỉ nghe nói người mà hắn phái đi đã bị biến thành một xác chết vứt sau vườn, liền ra lệnh đi kiểm tra, toàn thân nạn nhân không có vết thương, hắn thiết nghĩ dù không dò la ra được chút thông tin có ích nào từ dịch quán của nhà Tống nhưng ít nhiều cũng có cái xác chết này làm công cụ để chiếm ưu thế, do vậy hắn mới đem theo cái xác đến đây. Người Khiết Đan rất có tôn ti trật tự, thân là hoàng tộc, hắn không thể tự mình đi kiểm tra một cái xác chết được.
Vừa nghe thấy Dương Hạo nói trên thi thể có mùi rượu, Gia Luật Văn không khỏi tức giận trong lòng: "Cái tên hỗn tướng này, hôm qua ta phái hắn đi làm việc cho ta, thế mà hắn còn dám đi uống rượu. Tiêu rồi, ta bảo hắn cố ý để bị giam trong ngục của nhà Tống để làm bằng chứng quân Tống bắt giam người vô cớ, khiến bọn chúng hết đường chối tội. Thế mà tự dưng lại không cẩn thận thế này".
Gia Luật Văn ngoan cố: "Người Khiết Đan chúng tôi rất giỏi uống rượu, một ngày ba bữa, không bữa nào là không uống rượu, có mùi rượu thì có gì là kỳ lạ?"
Dương Hạo cười cười, hắn ngẩng đầu quay sang Hoàng Phủ Kế Huân vẫy tay, Hoàng Phủ Kế Huân thấy Lý Dục không tỏ ý từ chối bèn vội vã chạy lại hỏi: "Dương trái sứ, có chuyện gì thế ạ?"
Dương Hạo thò tay lấy tấm vải che người nạn nhân ra một bên, trên mặt nạn nhân dính đầy bùn, cỏ dại đã bị dẫm nát và vài cánh hoa, nói với Hoàng Phủ Kế Huân: "Đại nhân thử ngửi kỹ xem, xem có mùi gì?"
Hoàng Phủ Kế Huân ngửi ngửi rồi nói: "A… là mùi rượu"
Dương Hạo nói: "Thi thể đã cứng ngắc, chết từ lúc nửa đêm mà bây giờ vẫn còn mùi rượu thì ắt là đã uống không ít phải không"
Kỳ thực mùi rượu cũng không nồng, nếu không ngửi kĩ thì cũng khó phát hiện, nhưng Hoàng Phủ Kế Huân cũng không biết người chết đã chết từ bao giờ, nếu như trước khi chết mà uống nhiều thì trên người đương nhiên là sẽ có mùi rượu, cho nên hắn gật đầu lia lịa mà nói: "Dương trái sứ nói có lý, người này ắt hẳn là đã uống không ít".
Gia Luật Văn cả giận: "Rút cuộc các ngươi muốn làm gì?"
Dương Hạo không thèm để ý đến hắn, nói với Hoàng Phủ Kế Huân: "Ngài thử ngửi kĩ xem, còn có mùi gì khác không?"
Hoàng Phủ Kế Huân lại ngửi ngửi, không có mùi gì khác cả. Hắn lại tiến lại gần sát để ngửi, mũi gần như đã dí sát vào mặt người chết, ngửi kĩ, mặt của Hoàng Phủ Kế Huân lộ ra một nét mặt kỳ quái.
"Thế nào? Hoàng Phủ đại nhân có cảm nhận được là mùi gì không?"
"Cái này… không tiện nói. Dường như là… rất giống… mùi nước tiểu"
"Bộp bộp" Dương Hạo vỗ mạnh vào vai hắn khen: "Oa, đúng là anh hùng như nhau, ta cũng ngửi thấy mùi nước tiểu".
"Hức hức", Hoàng Phủ Kế Huân nghĩ lại lúc nãy mặt mình vừa dí sát vào mặt người chết mà ngửi liên tục, không khỏi cảm thấy kinh.
Dương Hạo quay người sang nói với Lý Dục: "Quốc vương, võ sĩ Khiết Đan vóc người cao to lực lưỡng, nếu như có người thử tấn công thì trên người ắt hẳn phải có vết thương, do vậy, không có khả năng hắn bị ám sát"
Gia Luật Văn nghiến răng cười nói: "Không phải là ngươi giết thì lẽ nào hắn tự sát?"
Dương Hạo giống như một thầy sư đi đến trước mặt thi thể, chậm rãi mà nói: "Người này uống rượu… lại chết trong vườn hoa lúc nửa đêm, trên mặt còn có bùn và cánh hoa, Hoàng Phủ Kế Huân đại nhân cũng đã cẩn thận kiểm tra, trên cổ hắn ta còn có mùi nước tiểu, như vậy, bản quan có thể đưa ra kết luận, người này không phải là bị giết, cũng không phải do ngộ sát, mà là một chuyện xảy ra ngoài ý muốn".
Lý Dục nghe thấy vậy liền vội hỏi: "Ngoài ý muốn? Mời Dương trái sứ nói rõ ràng hơn xem, rốt cuộc là chuyện ngoài ý muốn như thế nào?"
Dương Hạo nghiêm trang chắp tay nói: "Qua việc khám nghiệm của bản quan và Hoàng Phủ đại nhân, mùi rượu trên người nạn nhân không nồng, hơn nữa trên mặt còn có mùi nước tiểu. Căn cứ vào dấu vết, bản quan thiết đoán… người này ắt hẳn uống nhiều nên say, nửa đêm tỉnh giấc, muốn ra ngoài tiểu tiện, do uống quá nhiều mà bị ngã và hôn mê bất tỉnh. Do mũi và miệng bị ngập trong đống nước tiểu của mình mà bị tắc thở. Đây là giải thích hợp lý, cũng là gần với sự thực nhất".
Lời Dương Hạo vừa dứt, cả triều đình liền xôn xao. Gia Luật Văn tức giận như nhất Phật xuất thế, nhị Phật thăng thiên, lớn tiếng gào lên: "Người không thể vô sỉ đến mức này, quá mức vô sỉ… Vô sỉ quá! Đổi trắng thay đen, chỉ hươu nói ngựa, ngôn từ bừa bãi, quá ư là vô liêm sỉ… tất cả những lời này lại có thể xuất phát từ miệng của sứ giả nhà Tống".
Lối dùng từ của Gia Luật Văn thật cũng không đơn giản, một câu chửi mà đến Lão Tử và Tôn Tử đều có mặt, Dương Hạo ung dung cười: "Đừng có nghe theo cái nhân nghĩa đạo đức của Lão Tử, đạo đức kinh đều là do Lão Tử viết ra thôi".
Gia Luật Văn nổi trận lôi đình, đoạt lấy binh khí từ tay một tên lính, đứng ở tư thế như đang dùng hoành thương nhảy ngựa. Dương Hạo trông thấy liền vội vàng rút thanh bảo kiếm ra, tay trái nắm chặt kiếm quyết, hét lớn: "Nghèo lý lẽ nên phải động thủ sao?"
Lý Dục thấy hai bên đang chuẩn bị đánh nhau, không khỏi mừng thầm trong lòng, trên mặt thì giả bộ cuống quýt, đứng lên hô lớn: "Mau mau kéo hai vị sứ giả ra, có gì từ từ nói, đừng có để mất hòa khí đôi bên".
Khi hai bên chuẩn bị lao vào nhau, Lý Dục cho người kéo họ ra, dùng lời nói để điều đình, sau đó bày tiệc rượu mời hai vị sứ giả mỗi người ngồi một bên cùng uống rượu, vừa lấy thân phận Quốc vương ra trợ cấp cho nạn nhân kia, đồng thời ẻm chuyện này đi.
Đợi tiệc rượu tàn, Lý Dục mới nói: "Hai vị sứ giả từ xa tới Đường Quốc, đều là khách quý của ta, ta không hy vọng chúng ta vì những hiểu lầm nhỏ nhặt mà làm hỏng quan hệ hòa hảo của Khiết Đan và nước Tống. Hai vị sứ giả đều là những bậc thâm minh đại nghĩa, hy vọng có thể lấy việc nước làm trọng, hóa giải mọi hiểu lầm. Sáng mai ta sẽ đi Kê Minh Tự, lễ phật dâng hương, mời hai vị cùng đi, hy vọng dưới đất Phật từ bi thanh tịnh, với trái tim từ bi của Đức Phật chúng ta sẽ hóa giải được mọi tức giận trong lòng hai vị."
Dương Hạo và Gia Luật Văn liếc nhau, đồng thanh "hừ" một tiếng, sau đó nhất tề chắp tay nói: "Quốc vương đã mời, ngoại thần cáo từ". Nói rồi hai người cùng nhau quay lưng bỏ đi.
Lý Dục nhìn bóng hai người đi khuất, mép nở ra một nụ cười hoan hỉ, ngoắc tay gọi một tên thị vệ dặn dò: "Đi, mời Gia Luật Văn đến Thanh Lương điện cùng ta"
Lúc này, Trần Kiều đang lẳng lặng đợi tại Thanh Lương điện…
*************************************************
Gia Luật Văn vừa quay trở lại dịch quán, Đinh Thừa Nghiệp đã lập tức chạy lại nghênh đón: "Đại nhân, ở Thượng Kinh có tin rồi".
"Hả?" Gia Luật Văn vội vàng hỏi: "Là thư của phụ vương? Nói gì?"
"Tiểu nhân không dám bóc thư của Lão Vương gia, thư vẫn còn đây, mời đại nhân xem".
Gia Luật Văn vội vã nhận lấy lá thư, trở lại phòng, bóc phong bì lấy ra một lá thư mỏng, xem cẩn thận. Sau một hồi mới đứng dậy, đi lại trong phòng.
Đinh Thừa Nghiệp không đợi được nữa, tiến đến hỏi: "Đại nhân, Lão vương gia nói thế nào?"
Gia Luật Văn cười lạnh nói: "Không như ta dự liệu. Trước khi ta rời kinh Tiêu Xước hoàng hậu đã bắt đầu khai trừ tay chân vệ quân trong cung của ta rồi."
Đinh Thừa Nghiệp thất kinh: "Bà ta đã ra tay trước rồi? Vậy ta nên làm thế nào đây?"
Gia Luật Văn nói: "Không sao, Tiêu Xước chỉ dám trực tiếp khống chế tay chân của ta trong cung, còn quân bộ tộc… bà ta vẫn không dám ra tay. Trong thư Phụ vương ta cũng đã nói, bà ta đã dẹp hết những thân tín trong cung của ta, sợ rằng chúng sẽ tạo phản, do đó lúc này không thích hợp để thực hiện kế hoạch xóa sổ bọn thủ lĩnh, hãy chiếm lấy Thượng Kinh trước đã".
"Ý của Phụ vương là tạm thời cứ để bà ta tung hoành, loại bỏ hết thân tín trong cung của ta, để cho bà ta lơ là… Sau đó, đợi thời cơ thích hợp các đại thần của bộ tộc sẽ tiến đến Thượng Kinh, đợi đến Phóng Thâu nhật, khi Hoàng đế xuất cung vi hành sẽ tiến hành tập kích, tiêu diệt hết đám Gia Luật Hiền, Hàn Đức Nhượng, Gia Luật Thể, Tiêu Thác Trí… rồi điều quân binh vây Thượng Kinh. Sau đó đích thân ta sẽ ở nơi này phát động, kích động quân Tống Bắc phạt, nội ngoại bức bách, buộc Tiêu hoàng hậu phải bỏ ngai vàng, tôn ta làm vua, sau đó ta sẽ lấy bà ta làm hậu".
Đinh Thừa Nghiệp thất vọng hỏi: "Phóng thâu nhật? Tức là vào ba ngày 13, 14, 15? Vậy là chỉ còn nửa tháng nữa…"
Gia Luật Văn mỉm cười nói: "Không sai, chỉ còn nửa tháng nữa thôi. Ngươi còn vội hơn cả ta cơ à, được làm Hoàng đế là điều không đơn giản, nửa tháng nữa mà còn chê dài sao?"
Đinh Thừa Nghiệp nói: "À… thần không có ý như thế, chỉ là những tên sứ thần nhà Tống kia dám làm nhục đại nhân, tiểu nhân thật bất bình, chỉ muốn ngay lập tức chém cho hắn trăm nhát… để trút giận cho đại nhân".
Gia Luật Văn nhận được tin của Thượng Kinh, trong lòng đang vui sướng, nghe thấy vậy liền cười hi hi mà nói: "Ngươi thật tận tâm với ta. Hừ, cái bọn đó dám làm nhục ta, ta sẽ không để cho bọn chúng sống. Đợi thời cơ đến, ngày đó, ta sẽ nhẫn nại đợi, nửa tháng nữa… rất nhanh thôi, sẽ đến rất nhanh thôi…"
Hôm sau, sứ giả nước Tống cùng sứ giả Khiết Đan cùng đi với Lý Dục đến Kê Minh Tự lễ phật.
Trong vườn trồng rau, từng bó rau tươi non được đặt trên xe, Đức Hạnh đại sư phẩy tay nói: "Được rồi, các ngươi đem quần áo đã được giặt sạch lại đây, một lát nữa phải đưa đến Tĩnh Tâm Am…"
"Rõ ạ, tiểu sư thúc", vài tên tiểu hòa thượng chắp tay rời đi, Bích Túc quay đầu lại đã thấy bọn chúng đi xa, liền vội vàng lôi kéo Tĩnh Thủy Nguyệt đến dưới một gốc cây to, lôi từ trong áo ra một quả lê vàng mọng, đưa cho nàng ta mà rằng: "Này, rất tươi ngon đấy nhé, ta đã rửa rồi, nàng ăn đi."
Tĩnh Thủy Nguyệt mỉm cười, nhẹ nhàng lắc đầu, nhưng Bích Túc đã cố dúi vào tay nàng, kéo nàng ngồi xuống phiến đá gần đó mà nói: "Đây là chút lòng tốt của ta, nàng thử xem đi mà, ngọt lắm ấy, ăn đi, thử một miếng thôi cũng được."
Tĩnh Thủy Nguyệt chần chừ đôi chút rồi cũng đón lấy quả lê, cắn một miếng nho nhỏ.
"Có ngon không?"
Tĩnh Thủy Nguyệt nhai khẽ, gật gật đầu. Bích Túc như cởi tấm lòng, nắm chặt tay nàng nói: "Nếu như nàng thấy ngon thì lần sau ta sẽ mang cho nàng ăn, để cho nàng mỗi ngày đều được ăn".
Tĩnh Thủy Nguyệt bị kéo tay, mặt đỏ lên vì xấu hổ, nàng vội vã rút tay lại, chỉ chỉ vào chuỗi tràng hạt đeo trước ngực, rồi lại chỉ ra phía vườn sau, trừng mắt nhìn hắn.
Bích Túc cười hì hì nói: "Ta xuất gia cũng là vì nàng, Phật tổ cũng biết là ta thích nàng, Phật sẽ không trách tội chúng ta đâu".
Tĩnh Thủy Nguyệt luống cuống, vội vã thả quả lê ra, chắp tay, miệng lắp bắp dường như đang ăn năn hối cải trước Phật tổ.
"Thủy Nguyệt, trước kia ta là một kẻ vô sỉ, cũng là kẻ lãng tử thâu hương thiết ngọc, cho dù nhà ta là đại gia cũng không hề có ý hướng thiện. Cho đến khi ta gặp nàng, Thủy Nguyệt, nàng là Bồ Tát sống của ta, ta càng ở gần nàng thì Phật càng ở gần ta. Phật không phải là người phổ độ chúng sinh hay sao, nàng từ bi như vậy, hãy chiếu độ cho ta đi, chỉ cần nàng lấy ta nàng đã biến một người xấu thành người tốt, tích được biết bao công đức, còn nhiều hơn nàng ngồi niệm kinh cả đời".
Lời nói ngọt ngào của Bích Túc khiến Tĩnh Thủy Nguyệt động lòng, từ bé đến lớn chẳng có ai nói với nàng như thế, nàng muốn nghe, nhưng lại sợ, muốn chạy trốn, nhưng lại không nỡ để hắn bị tổn thương, thế là chỉ còn biết lấy tay bịt kín hai tai, nhắm chặt mắt, dáng điệu đáng yêu vô cùng.
"Ta đã nói rồi, ta nói rất nhiều mà, dẫu cho nàng không nói được, chúng ta thành thân trong nhà cũng không sợ bị tĩnh mịch". Bích Túc kéo tay nàng: "Thủy Nguyệt tốt, tiểu sư thái, nghe niệm kinh cũng là niệm kinh, chỉ cần nàng thích, sau này nhà chúng ta sẽ bố trí giống phật đường, mỗi ngày nàng đều có thể niệm kinh, Kim Cương Kinh, Pháp Hoa Kinh, Lăng Nghiêm kinh… nàng muốn nghe bao lâu ta cũng đều có thể niệm cho nàng nghe, nhà chúng ta sẽ treo một cái chuông thật to, mỗi ngày ta sẽ là quan nhân của nàng, giúp nàng đánh chuông, đợi chúng ta có con ta cũng sẽ cạo đầu cho chúng thành tiểu sa di, ta sẽ là phương trượng, nàng là chủ trì…"
Tĩnh Thủy Nguyệt nghe đến mức hai mắt mở to ra, lắc đầu quầy quậy, Bích Túc liền cười nói: "Sao hả? Nàng không muốn con cái chúng ta mới ra đời đã làm tiểu hòa thượng sao? À… nói cũng đúng thôi, chúng là cục cưng của chúng ta, nhất định sẽ khôi ngô tuấn tú, làm sao nỡ mà gọt đầu chúng".
Tĩnh Thủy Nguyệt xấu hổ, mặt đỏ rần, Bích Túc nhẹ nhàng nói: "Thủy Nguyệt, nàng có biết không, nàng là người phụ nữ đẹp nhất hạ giới, đợi tóc nàng mọc dài ra, nhất định sẽ càng đẹp hơn…"
Tĩnh Thủy Nguyệt không thể ngồi được nữa, nhét trả Bích Túc quả lê, nhảy dựng lên chạy mất.
"Này!" Bích Túc gọi với theo, nhìn theo bóng nàng khuất dần, mỉm cười nói: "Tiểu sư thái của ta khi cười giống như Bồ Tát vậy, thật mê hồn". Hắn nắm chặt quả lê, cắn một miếng thật to ở chỗ Thủy Nguyệt vừa ăn, chạy theo hướng Thủy Nguyệt vừa đi".
************************************************** ****
Kê Minh Tự, trong Phật đường, đại sư Bảo Kính mặc áo cà sa đỏ cùng với một vài đại sư khác đang ngồi bên Lý Dục. Lý Dục vừa dâng hương và tiền dầu cho chùa, đang ngồi cùng các vị hòa thượng, đích thân dùng dao cắt "xí giản" cho các hòa thượng. "Xí giản" chính là giấy vệ sinh dùng khi vào nhà tiêu, lúc đó giấy vệ sinh tương đối hiếm nên các hòa thượng phải làm sạch bằng những mảnh trúc nhỏ, nên giấy vệ sinh có nhu cầu rất lớn.
Bảo Kính đại sư nhìn thấy trong tự có chuyện chướng mắt, lại nằm ngay trong tầm mắt của nhà vua, liền không chịu được mà quát lên: "Đức Hạnh, ngươi đang làm gì vậy?"
Bích Túc đuổi theo Thủy Nguyệt, đang ngọt ngào dưới bóng cây, nói đến đoạn cao trào nên không phát hiện ra có người đang đến gần, nghe thấy phương trượng quát, hắn mới giật mình nhảy dựng lên, muốn tìm một lý do để lấp liếm đi nhưng chợt nhìn thấy Dương Hạo đang đứng đó nên bất giác ngẩn ra, quên cả trả lời.
Lý Dục vốn là một tín đồ của Phật tử, đồng thời cũng là một tài tử đa tình, hắn nhìn lén sang vị ni cô đang đứng đó, thấy cô là một người khá xinh đẹp. Với hắn, dù cô ta đã xuất gia với hắn cũng không có ý nghĩa gì mấy, bởi đã từng có chuyện hòa thượng lén cưỡng hiếp ni cô, sau khi sự việc xảy ra đã bị trừng trị nặng. Lý Dục thấy vậy mới nói vài câu giải vây cho đôi uyên ương: "Nơi này không phân định rõ quy định giữa hòa thượng với ni cô, Phật tâm không kiên định, bọn họ tư thông tâm tình, các ngươi nếu như muốn trừng trị họ thật nghiêm, sau đó đuổi họ ra khỏi tự thì chẳng phải đã cho họ đạt được tâm nguyện đó sao? Theo ý Trẫm, đối với những tăng nhân không tịnh như vậy thì hãy phạt họ đi bái Bồ Tát ba trăm lần là được".
Hoàng đế nói như vậy, các nhà sư trong tự cũng không dám không nghe, do đó, trước mặt tăng nhân Giang Nam và rất nhiều người ở đó, chuyện quyến rũ con gái nhà lành cũng không được coi là chuyện lạ nữa, như sách nói: "Gian lạm công hành, vô sở cấm chỉ" (Làm việc sai trái ngay giữa ban ngày ban mặt mà không bị cấm).
Nhưng Kê Minh Tự là đệ nhất phật tự, đứng đầu nước Đường, Bảo Kính đại sư có yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, hơn nữa quan trọng nhất là hôm nay đệ tử của ông đã làm sai quy định, lại còn ngay trước mặt bao huynh đệ, trước mặt ông ta, hơn nữa còn ngay trước mắt vua Đường, tất nhiên không giận sao được.
Bích Túc lúng ta lúng túng không nói nên lời, Dương Hạo nhìn thấy hắn cũng không ngạc nhiên, cho tên tiểu tử này an phận trong thành Kim Lăng để chờ nghe ngóng tin tức, thế mà hắn lại khoác áo cà sa trốn trong chùa. Tên này đúng là hết thuốc chữa, Dương Hạo cũng nhất thời không biết nên giải vây cho hắn thế nào.
Lý Dục có chút bực mình, nhìn cẩn thận tên tiểu sa di và vị ni cô kia, nam thanh nữ tú, thật đúng là một cặp trời sinh. Lý Dục hiểu rõ nhất cách thưởng thức người đẹp, trong lòng cũng có phần thích thú, nhưng mặt không dám biểu lộ, liền cuời nói với Bảo Kính đại sư: "Tự chủ cần chi phải phẫn nộ, tôi thấy đôi này dung mạo thanh tú, làm sao lại có thể làm những chuyện nhơ bẩn được, để ta đi hỏi bọn chúng xem sao".
Lý Dục tiến lên hai bước, Bảo Kính đại sư đi theo sau, cẩn thận dò xét hai người. Tĩnh Thủy Nguyệt đã quá sợ hãi mà đứng nép vào một bên, mặt trắng bệch, Lý Dục thấy có chút đáng thương liền làm mặt ôn hòa mà hỏi: "Sư phụ này ở đây cùng vị nữ nhi này làm gì?"
Dương Hạo vội ho một tiếng, nhắc nhở: "Tiểu hòa thượng, vị này là vua Giang Nam, làm sao mà ngươi lại không biết lễ nghĩa, mau hành lễ đi"
Bích Túc vốn không sợ hãi, nếu như Bảo Kính đại sư thực muốn đuổi hắn ra khỏi tự cũng chẳng sao, mục đích của hắn chủ yếu là tiếp cận Thủy Nguyệt mà thôi… Thủy Nguyệt tuy không từng bày tỏ thái độ với hắn, nhưng rõ ràng thái độ đối với hắn cũng khác, khi nghe hắn nói còn đỏ mặt mỉm cười, dù có chút cáu giận nhưng cũng chứng minh rõ là nàng cũng thích hắn, không sợ không có cơ hội đi tìm nàng nói chuyện. Nhưng khi nghe nói người đứng trước mặt mình chính là vua Đường, hắn mới bắt đầu thấy bối rối.
Dương Hạo cũng sốt ruột thay hắn, thấy Bích Túc cứ lắp bắp không thể mở miệng ra nói được, mặt Lý Dục cũng đã bắt đầu lộ vẻ khó chịu, Bích Túc lúc này đây chợt nghĩ đến khi giả mạo làm cao tăng Tây Tạng ở Khai Phong Dương Hạo đã từng nói: "Cao tăng mà, đều thích những lời nói sắc bén. Người khác nói những gì, chỉ cần ngươi cảm thấy không cần trả lời thì cứ trả lời nước đôi như không biết gì, ngươi yên tâm, càng nói chuyện không đâu thì càng giống Thiên Cơ, người ta càng cảm thấy nhà ngươi Phật học uyên bác. Người ta không hiểu thì đến hỏi cũng không dám hỏi ngươi, càng nói nữa, ngươi vốn là hòa thượng giả trang, có những điều ngươi nói không giống người xuất gia, nhưng cũng cứ kệ đi".
Nghĩ tới đây, Bích Túc đột nhiên ưỡn ngực nói: "Người xuất gia nhảy ra khỏi Tam giới, không ở trong Ngũ hành, không bái Phật không bái tục, trước mặt Quốc vương, tiểu tăng cũng không cần phải bái. Mà thật ra Quốc vương mới là người cần bái tiểu tăng đây".
Bảo Kính đại sư nghe thấy vậy đột nhiên giận dữ, Tĩnh Thủy Nguyệt thấy hắn nói vậy với Quốc vương cũng sợ hãi run rẩy, Lý Dục thì lại cười hỏi: "Tiểu sư phụ học những lời này ở đâu?"
Bích Túc cuống lên nói bừa: "Cái này… Kính tăng tức là kính phật, kính phật tức là kính pháp, tức là cung dưỡng tam bảo, mới được hưởng phúc. Tiểu tăng tuy chỉ là một vị tăng nhân bình thường nhưng lại là tín đồ của Phật, Quốc vương nếu như muốn ta hành lễ thì chẳng khác chi bắt Phật hành lễ, vậy là Quốc vương đã tạo tội rồi".
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
12 chương
119 chương
31 chương
70 chương
33 chương
18 chương