Biên Hoang Truyền Thuyết
Chương 1
Ở giữa vùng Hoài Thủy và Tứ Thủy, có một dải đất lớn hoang phế, trải dài hàng trăm dặm, toàn thành tan làng nát, quang cảnh như địa vực, người Hán ở phương Nam gọi nó là Biên Hoang, còn người Hồ ở phương Bắc gọi là Âu Thoát.
Tên gọi tuy kỳ dị, nhưng nhất định là một vùng độc nhất vô nhị thời bấy giờ. Nó vừa là nơi phơi xác lương dân, vừa là nơi những kẻ lưỡi đao nhuốm máu chen nhau cướp lấy; nguy hiểm tuy đầy rẫy, nhưng cơ hội cũng trùng trùng; là nơi anh hùng hào kiệt chết không có đất chôn, cũng là võ đài cho những kẻ bạt mạng liều lĩnh thành danh lập nghiệp; càng là một vùng đất lý tưởng để chính quyền các nơi tiến hành những vụ ngoại giao bí mật. Lúc này nó có thể là Đào Nguyên thời loạn, lúc khác lại biến thành địa ngục Tu La giữa trần gian. Không có nơi nào đáng sợ hơn Biên Hoang, nhưng cũng không có nơi nào khác đáng yêu như nó. Biên Hoang là nơi ông trời tạo ra cho những người có bản lĩnh, triết lý và pháp quy để sinh tồn ở đó không giống bất kỳ vùng đất nào trên cõi đời này.
Sự tồn tại kỳ lạ của Biên Hoang có một lịch sử lâu đời và nhiều nhân tố khách quan, mỗi đoạn sử chương đều được viết bằng máu của những chiến binh và nỗi lầm than của dân chúng.
Từ khi tôn thất nhà Hán sụp đổ, hào kiệt các nơi nổi dậy, chiến sự kéo dài lan rộng triền miên, sản xuất đình trệ dẫn đến nạn đói, cái ác hoành hành khiến miền trung thổ vốn dĩ đã phát triển được nghìn năm bỗng chìm vào cảnh xương trắng phơi ngoài nội, ngàn dặm không có một ánh lửa thổi nấu.
Thời Tam Quốc, nước Ngô của họ Tôn và nước Ngụy của họ Tào, mỗi lần chiến sự hầu hết đều bạo phát ở vùng Hoài Tứ, khiến cho thành quách nơi đây bị phá hủy, đồng ruộng hoang hóa, nhân dân lưu lạc bốn phương, nhà cửa bỏ trống không ai ở, hàng trăm dặm lạnh ngắt không một bóng người.
Đến khi họ Tư Mã nhà Tây Tấn thống nhất thiên hạ, dân cư vùng này lẽ ra đã được sống vui vẻ, đáng tiếc loạn Bát Vương, họa Vĩnh Gia theo nhau bùng phát, ngũ đại Hồ tộc là Hung Nô, Tiên Ti, Khương, Đê, Hạt hợp nhau nổi dậy chống Tấn, tạo một cơn phong bạo lớn trong lịch sử, lại làm cho trung thổ thêm tàn tạ. Đến khi Hoài Mẫn nhị đế của nhà Tấn phải đào vong, tôn thất nhà Tấn bị bức dời qua Nam, hình thành cục diệnNam Bắc đối lập, vùng Hoài Tứ vẫn là một hung địa chiến tranh, chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất. Hoài Thủy và Tứ Thủy trở thành biên giới bất thành văn của chính quyền Nam Bắc triều, Biên Hoang chính là "vùng đất không có người" nằm ở biên giới đó.
Tình trạng đặc biệt của Biên Hoang được tạo nên trong một hoàn cảnh như vậy.
Đối với những người Hồ xuất thân từ dân du mục phương Bắc, theo tập tục tất phải chừa một khoảng cách gọi là Âu Thoát ở nơi giáp ranh giữa hai tộc, coi như vùng tạm hoãn xung đột, những lúc nhàn sự hai bên Hồ và Hán đều không được xâm nhập, cấm chỉ với cả khách vãng lai, ngược lại sẽ coi như khơi bờ gây chuyện. Còn đối với chính quyền phương Nam, mảnh đất địa đầu này cũng không thích hợp để dân cư trú, chỉ hữu ích khi thực thi chiến lược "thành không nhà trống", ngăn cản vó ngựa Hồ tràn xuống phía Nam. Những lý do ấy khiến cho vùng đất rộng lớn, trải dài hàng trăm dặm dần dần hoang liêu tàn tạ.
Biên Hoang đã hình thành trong tình hình kỳ quái đặc biệt, được các thế lực Nam Bắc mặc nhiên thừa nhận như vậy. Ở trung thổ, Biên Hoang là nơi hoang vu nhất, nhưng điều mâu thuẫn là Biên Hoang Tập - nằm giữa vùng Hoài Thủy và Tứ Thủy, thuộc trung tâm của Biên Hoang, bên bờ tây Dĩnh Thủy - lại chính là vùng hưng vượng nhất của trung thổ. Nó là đầu mối chuyển vận duy nhất giữa Nam và Bắc, là cây cầu thông thương của hai miền, là nơi các thế lực hào cường trong thiên hạ tranh quyền đoạt lợi, là địa bàn hành sự cho những bang hội buôn lậu và làm ăn phi pháp. Chỉ cần bảo đảm được tính mệnh để rời khỏi đây, bất luận là thương nhân, kỹ nữ, thợ thầy, hay bất kỳ ai đều có thể kiếm được số tiền tài nhiều gấp mười lần nơi khác. Điều này khiến Biên Hoang trở thành một địa phương đầy sức thu hút ma quỷ, là vùng mà trời đất tạo nên để dành riêng cho những kẻ có bản lĩnh và tốt số.Ở đây, vương pháp không tồn tại. Những kẻ xâm nhập vùng này được gọi là "Hoang nhân", không thuộc nhà Tấn ở phương Nam, cũng không thuộc chính quyền Hồ tộc ở phương Bắc.
Hạng Thành, tiền thân của Biên Hoang Tập, vốn là một thành đô lớn bị khói lửa chiến tranh làm cho tan phế. Nhiều năm gần đây, Biên Hoang Tập không bị bạo loạn càn quét, sự hưng vượng của nó đạt tới đỉnh cao chưa từng thấy từ trước tới giờ, đáng tiếc một trường chiến tranh hung tàn mờ mịt lại đang manh nha ở phương Bắc, đe dọa tràn qua để xuống phương Nam, trước mắt Hoang nhân đại họa gần bức đến.
Phù Kiên, thủ lĩnh Đê Tần, gò ngựa lại trên một mỏm cao, lướt nhìn xuống đội tiên phong khí thế đỉnh thịnh, tinh kỳ phần phật. Đại cử tiến công chỉ còn lại địch thủ cuối cùng - nhà Tấn ở phía Nam, mà mục tiêu của đợt ra quân đầu tiên là Thọ Dương, một trấn có tầm quan trọng chiến lược vùng nam ngạn Hoài Thủy. Cảm xúc phấn chấn đắc ý trong lòng ông ta lúc này, quả thực khó mà diễn tả thành lời.
Bảy năm về trước, Phù Kiên điều binh khiển tướng phá diệt kình địch là Đại quốc của Tiên Ti, thống nhất phương Bắc dưới vó ngựa sắt của mình. Năm tộc lớn là Hung Nô, Tiên Ti, Khương, Yết, Hán đều cúi đầu xưng thần với Phù Kiên, kết thúc bảy mươi hai năm (tính từ "họa Vĩnh Gia" của Tấn triều khiến tôn thất nhà Tấn phải dời xuống Nam) các bộ tộc tranh giành trục lộc ở tái nội và tái ngoại, ổn định được cục diện hỗn loạn như quần long mất đầu, công nghiệp cái thế chấn động cổ kim. Hiện tại tất cả mọi điều kiện để nam chinh đã hội đủ, hai châu Lương, Ích của nhà Tấn và một trấn quan trọng là Tương Dương đều đã lọt vào tầm kiểm soát của Phù Kiên, khả năng thống nhất thiên hạ sắp đến lúc có thể thò tay là nắm được, còn ai đủ lực đứng ra tranh cường với ông ta đây?
Chuyến này tiến quân xuống phương Nam, Phù Kiên cho thân đệ là Phù Dung làm soái, đại tướng Mộ Dung Thùy và Diêu Trường làm phó, xuất động sáu mươi vạn bộ binh, hai mươi bảy vạn kỵ binh, ngoài ra còn có tám vạn thủy sư từ Ba Thục xuôi dòng Trường Giang và Hán Thủy xuống phía đông, phối hợp tác chiến, thực lực đủ để nghiến nát bất kỳ sự kháng cự nào của quân Tấn vốn tướng ít binh thưa.
Phù Kiên năm nay bốn mươi lăm tuổi, thân thể khang kiện của người vốn quen dãi dầu nắng mưa nơi tái ngoại, sinh lực sung mãn, khuôn mặt vuông vức, râu ria lởm chởm xồm xoàm quanh miệng, kết hợp với sống mũi cao và cặp mắt sâu, diện mạo thật nổi bật, ngồi trên lưng ngựa tràn đầy khí độ quân chủ. Lúc này ông đang ngưng thần vọng về nơi xa, mắt lấp lánh sáng, tựa như đã nhìn thấy trước cái suy sụp thất thế của nhà Tấn, thê thảm bại vong dưới bước tiến của đạo quân hùng sư liên hợp các bộ tộc Hán, Đê, Khương, Tiên Ti và Yết của ông.
Mười mấy viên tướng lãnh quây quanh bên trái bên phải, sau lưng Phù Kiên như chúng tinh ủng nguyệt, đại diện cho những nhân vật lãnh tụ kiệt xuất nhất của các bộ tộc Bắc phương, một lòng theo ông thực thi chính sách "hợp nhất tứ hải", là thành quả kiêu hãnh mà ông luôn lấy làm tự hào, khiến cho sự hưng khởi cường thịnh trước mắt đây trở thành sự thực. Trước kia, người thất bại trong chiến tranh luôn khó thoát khỏi cảnh thê thảm vong quốc diệt tộc, nhưng đến lượt mình, Phù Kiên khéo léo đối đãi với những kẻ đã rơi vũ khí, mỗi lần diệt một nước, ông đều ban quan hàm cho quân thần ở đó, lại ra lệnh cho những bộ thuộc thống lĩnh cũ duy trì "vương đạo". Đối với Phù Kiên, đó là phương pháp đối nhân xử thế tất yếu trong việc thống nhất thiên hạ.
Trong số tướng lãnh ấy, người có thanh danh nhất là viên đại tướng đang đứng hàng đầu bên trái ông, Mộ Dung Thùy tộc Tiên Ti. Người này võ công cái thế, tay cầm cây thương Bắc Bá quán thế vô địch, là một thống soái tung hoành bất bại trên chốn sa trường. Y tập hợp dưới tay nhiều chiến binh Tiên Ti kiêu dũng thiện chiến, đã lập được vô số công lao hãn mã, uy chấn cả vùng tái nội và tái ngoại. Thu dụng được y là phúc khí lớn nhất của Phù Kiên, nếu không đó sẽ là một đối thủ vô cùng đáng sợ.
Mộ Dung Thùy kém Phù Kiên mười tuổi, thân hình hùng vĩ như núi, cao hơn Phù Kiên ít nhất nửa cái đầu, diện mạo tuấn vĩ, mái tóc dài đen nhánh phủ xuống vai, một vòng sắt bọc quanh trán, cặp mắt có thần, sâu thẳm không đoán được, lưng thẳng, thân hình toát ra khí thế bức nhân uy nhiếp chúng sinh, như một ma thần từ âm phủ hiện lên giữa chốn trần gian.
Bên phải Phù Kiên là Diêu Trường, mãnh tướng của Khương tộc, thanh danh chỉ xếp sau Mộ Dung Thùy, tuy tướng ngũ đoản, thấp hơn người thường đến một khúc, nhưng cổ to lưng dày, mặt như sắt đúc, cái đầu báo đặc biệt lớn, cặp mắt lấp lánh như chuông đồng, lại thêm đôi huyền thiết đoản mâu nặng cỡ năm mươi cân, chẳng ai còn dám xem thường y. Hiếm người nào có thể chịu đựng được hậu quả của việc đó.
Những tướng lĩnh khác thì mỗi người một dạng, nhưng đều dẻo dai dũng mãnh, đã trải qua bao sóng to gió lớn của chiến trường.
Phù Kiên thu ánh mắt, nhìn lướt hai bên trái phải, khóe môi phớt một nụ cười, nhận xét với đôi chút trào lộng: "Người ta nói An Thạch bất xuất, tương như thương sinh hà? Hiện tại An Thạch đã ra mặt, lo việc quân chính cho Tư Mã Diệu, để xem lão có thể biến hóa đến mức nào trong bàn tay trẫm?
".
Đại tướng Lữ Quang của Đê tộc đang đứng bên kia Mộ Dung Thùy cười khẩy: "Tạ An đáng gì? Thần xem bất quá cũng thuộc hạng như Ân Hạo, tự xưng phong lưu danh sĩ, những chuyện đạo giáo thì không ai nói lại, nhưng đối với chiến trận sa trường cùng lắm chỉ biết vuốt ve thanh kiếm". Lữ Quang có ngoại hiệu "Long Vương", kể về công phu dưới nước thì được xưng tụng là quán quân Hoàng Hà, binh khí sử một đôi Hồn Thủy Thích.
An Thạch là tên gọi khác của Tạ An, tể tướng nhà Tấn ở phương Nam, được tôn xưng đệ nhất danh sĩ Trung Nguyên, nhưng ẩn cư ở Đông Sơn mười sáu năm, từ chối con đường hoạn lộ, nên mới có câu "An Thạch bất xuất, tương như thương sinh hà", hàm ý bộc lộ sự kỳ vọng và ngưỡng mộ của người Tấn đối với ông ta. Ân Hạo cũng là một danh sĩ đức cao vọng trọng của Đông Tấn, tuy học đủ năm xe sách, nhưng không hiểu quân sự, không tự lượng sức cũng mon men nối bước những danh tướng nhà Tấn như Tổ Địch,Dữu Lượng, Dữu Dực dẫn quân bắc phạt, sau thảm bại quay về, vừa phụ tiếng thơm danh sĩ, vừa chuốc lấy sự đả kích của người trong thiên hạ. Lữ Quang coi Tạ An như Ân Hạo, đó cũng là thái độ chung của các tướng lĩnh Hồ tộc, khinh khi và xem thường loại danh sĩ tự nhận thanh cao như Tạ An.
Chư tướng nhao nhao phụ họa, phấn hứng vô cùng, duy chỉ có Mộ Dung Thùy và Diêu Trường thì im lặng không nói gì hết.
Phù Kiên thấy lạ, chau màu hỏi với vẻ không vui: "Hai vị khanh gia phải chăng có suy nghĩ khác? Mau nói thật với trẫm!
".
Diêu Trường nghiêm túc bẩm lên: "Tôn thất Tấn tuy yếu, nhưng chỗ dựa là Trường Giang hiểm trở, Giang Nam trù mật. Ngày nay chúng ta dẫn quân xuống, người phương Nam nhất định sẽ đoàn kết một lòng, nên thần chưa dám khinh địch".
Phù Kiên lạnh lùng, ngạo mạn nói: "Người phương Nam xưa nay ăn trắng mặc trơn, chìm đắm trong hoan lạc, không chuyên cần võ bị; lại thêm sự khuynh loát lẫn nhau giữa thế gia đại tộc thiên di về Nam và các thế tộc lâu đời ở bản địa, cho dù thấy quân đến dưới thành nên đoàn kết, cũng đã quá muộn rồi. Còn cái gọi là thế hiểm của Trường Giang, với bách vạn hùng sư của chúng ta, chỉ cần quật roi xuống nước là đủ ngăn dòng chảy. Mấy tên oắt con phương Nam đó, có đáng nhắc đến không?
".
Bọn họ đều nói tiếng Hán, thời ấy là ngôn ngữ thông dụng thịnh hành nhất, không một thổ ngữ Hồ tộc nào sánh bằng, là ngôn ngữ chính thức để chứng minh cho thân phận cao quý trong các dân tộc. Đê Tần là quốc gia bị Hán hóa sâu sắc nhất trong các tộc người Hồ, Phù Kiên luôn cho mình là hiểu biết tôn chỉ "vương đạo" của Nho gia còn hơn người Hán, thường cảm khái "đã ổn định bốn phương, duy có vùng đông nam chưa nhiễm vương hóa", hiện tại cuối cùng cũng đã đến thời khắc lịch sử để trừ bỏ mối di hận ấy.
Khi Phù Kiên đưa mắt nhìn Mộ Dung Thùy, viên đại tướng võ công và binh pháp kiêm toàn đệ nhất phương Bắc ấy bình thản thưa: "Binh lực của người phương Nam đúng là kém xa chúng ta, nhưng do Tạ An một tay ráo riết thành lập. Bắc Phủ binh, do cháu ông ta là Tạ Huyền đôn đốc huấn luyện, tuy không quá mười vạn quân, nhưng không thể xem thường, mong chúa thượng minh xét".
Phù Kiên gật đầu tán thưởng: "Nói hay lắm, Tôn Tử có viết: biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng. Bắc Phủ binh sớm đã nằm trong dự tính của trẫm, chuyến này chúng ta xua quân xuống thẳng đô thành Kiến Khang của người phương Nam, họ chỉ có hai chọn lựa, một là phải lao ra dốc hết sức quyết chiến, một là đóng cửa thành tử thủ. Mà bất luận lựa chọn thế nào, cũng đều không còn hy vọng. Trẫm nén lòng chờ đợi nhiều nămnay, đến lúc này thần phục Bắc cương, lại lo lắng bị tập hậu, mới dốc hết lực lượng, dùng binh uy áp đảo, quyết một trận nghiến nát giấc mộng dẹp yên của bọn Tư Mã Diệu, Tạ An. Còn Tạ Huyền tuy được xưng tụng là đệ nhất kiếm thuật đại gia của phương Nam, thượng thượng phẩm cao thủ trong hàng ngũ cửu phẩm, đáng tiếc kinh nghiệm hành quân tác chiến còn non kém, có thể chiến thắng nhiều trận đều là do chưa gặp qua cường địch. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của Nam Triều, chỉ có Hoàn Xung còn tạm coi là một nhân vật, thừa hưởng được mấy phần bản lĩnh của người cha là Hoàn Ôn, đáng tiếc lại bị trẫm kềm chế ở Kinh Châu, đành tử thủ Giang Lăng, không cựa quậy gì được nữa".
Rồi ông gọi lớn: "Chu khanh gia, trẫm nói vậy khanh thấy thế nào?
".
Một Hán tướng đứng ở hàng cuối cùng, tên là Chu Tự nghe gọi giật mình, vội vàng ứng tiếng: "Chúa thượng thông hiểu tình hình phương Nam, mọi việc đều nắm rõ trong lòng bàn tay, vi thần bội phục sát đất".
Chu Tự vốn là đại tướng của nhà Tấn, bốn năm trước trấn thủ Tương Dương, thất bại đầu hàng, được Phù Kiên trọng dụng, Phù Kiên cũng thông qua y tìm hiểu cặn kẽ phân bố, điểm mạnh điểm yếu của binh lực Nam Triều. Nhưng đó là chuyện bốn năm về trước.
Phù Kiên ngửa mặt lên trời cười dài, thần tình đắc ý vô cùng, một luồng tráng chí trào thấu tâm can: "Chu khanh gia yên tâm, trẫm xưa nay tiến hành chuyên chính theo vương đạo, lấy đức thu phục lòng người, coi bốn bể là một nhà, tuyệt không lạm sát dân tình vô tội. Bình định được phương Nam rồi, người của Nam Triều sẽ được cân nhắc sử dụng, Tư Mã Diệu có thể làm Thượng thư Tả bộc xạ, Hoàn Xung làm Thị trung, Tạ An thì có thể giữ chức Lại bộ Thượng thư, dựa theo cách chia xếp cửu phẩm của họ, trẫm sẽ chọn được chỗ sử dụng người hiền".
"Xoẹt!
".
Phù Kiên tuốt bội kiếm, trỏ thẳng vào vầng triêu dương vừa nhô lên từ đường chân trời ở phương đông, sau đó nhích dần kiếm sang hướng nam, chỉa về phía đô thành của nhà Tấn, thét lớn: "Quân ta tất thắng!
".
Chúng tướng nhao nhao tuốt binh khí, Diêu Trường gõ chéo cặp đoản mâu, tiếng kim loại giao nhau vang lên chát chúa nhất tề rầm rầm hưởng ứng.
"Đại Tần tất thắng! Đại Tần Thiên Vương vạn tuế!
", tiếng tung hô thoạt tiên vang lên từ đám thân binh đứng xung quanh hộ vệ, tiếp theo lan ra cả bình nguyên Tứ Thủy, dập dồn như tiếng triều lên với sự hô ứng của đoàn quân hàng vạn chiến binh.
Trải dài bất tuyệt, đằng trước không thấy hàng đầu, đằng sau nhìn không hết đội ngũ, đại quân Đê Tần được tập hợp từ các binh chủng, rầm rập tỏa về hướng Hoài Thủy, đợi đến lúc họ công hãm Kiến Khang Thành, Hán tộc ở Trung nguyên sẽ mất đi căn cứ địa cuối cùng, toàn bộ sẽ chìm vào vòng nô lệ mất nước, biến thành thần dân bị ngoại tộc xâm lấn thống trị.
Đô thành Kiến Khang của nhà Tấn, tọa lạc ở nam ngạn vùng hạ du Trường Giang, chẹn cứng lấy cửa khẩu dẫn ra biển, là trung tâm quân sự, chính trị và kinh tế quan trọng nhất của khu vực này. Ngoài ra, nó còn là yếu địa giao thông then chốt của cả đường sông, đường bộ và đường biển, là thành thị chuyển vận đường thủy và đường bộ giữa hai miền nam bắc.
Kiến Khang nằm trên rẻo đất cao của Kê Lung Sơn và Phúc Chu Sơn, phía đông nam nối sang bình nguyên Thái Hồ và lưu vực sông Tiền Đường bằng phẳng rộng lớn, đất đai phì nhiêu trải dài ngàn dặm. Trường Giang bắt nguồn từ hướng tây nam lượn qua thành quách chảy về phía đông bắc, Tần Hoài quanh co uốn khúc từ phía nam đổ vào Trường Giang, địa hình hiểm hóc, ưu việt, có thế rồng cuộn hổ ngồi. Diêu Trường nhận xét "Trường Giang hiểm yếu, Giang Nam trù phú", thực không phải lời nói giả.
Khi Tây Tấn bị Hung Nô tiêu diệt, Lạc Dương biến thành vùng đất cháy xạm tro tàn, thì Tư Mã Duệ, tằng tôn của Tư Mỹ Ý hoàng đế khai quốc nhà Tấn, đang trấn thủ đô thành Kiến Nghiệp - đô thành được xây dựng bởi Tôn Quyền thời Tam Quốc, nắm đại quyền quân chính ở Dương Châu, Giang Nam. Phương bắc chìm trong tang tóc, Tư Mã Duệ dưới sự phò trợ của bọn Vương Đạo, Vương Quách lưu vong sang phía nam, tự lập làm Tấn Vương ở Kiến Nghiệp, năm sau đó xưng đế. Đến thời Tấn Mẫn Đế, chính thức đổi tên Kiến Nghiệp thành Kiến Khang.
Kiến Khang Thành chu vi hai mươi dặm mười chín bộ, ngoại vi có một loạt các thành thị như Đông Phủ Thành, Thạch Đầu Thành và Chu Dương Quận Thành, hình thế to lớn, như đám sao vây quanh mặt trăng, tạo nên một quần thể thành thị với Kiến Khang là trung tâm. Đặc biệt Thạch Đầu Thành, nằm ở thượng du phía tây Kiến Khang, là một ấp lũy quân sự kiên cố, vai trò như thần hộ vệ, nếu không công hãm được Thạch Đầu Thành, đừng nghĩ đến chuyện làm tổn hại một mảy may của Kiến Khang.
Khi đoàn quân Đại Tần của Phù Kiên tiến nhập khu vực Biên Hoang ở Hoài Tứ, tướng quân Hồ Bân của nhà Tấn, đang đóng chốt ở trọng trấn Thọ Dương vùng nam ngạn Hoài Thủy, liền nhận được phi cáp truyền thư của thám tử tiền tuyến đã cài sẵn trà trộn trong Biên Hoang Tập, biết được bách vạn đại quân của Đại Tần, đang vượt qua Hoài Thủy tiến thẳng tới đây.
Biên Hoang Tập là vùng mà tin tức nhanh chóng nhất, hai miền nam bắc dù có chút gió lùa cỏ động, bất luận là sự thực hay đồn đãi, đều được truyền ra đầu tiên ở đó. Lâu dần hình thành một tổ chức gọi là "Phong Mai" chuyên môn buôn bán tin tức, người làm "Phong Mai" phải tinh thông ngôn ngữ các dân tộc, tư chất nhạy bén, biết phân tích độ khả tín của nguồn tin, không phải là hình thức làm ăn mà ai cũng nhào vào được.
Hồ Bân nhận được tin thất kinh, sau khi kiểm chứng kỹ càng, lập tức phi báo về Kiến Khang, nhấn mạnh điều này có liên quan đến sự sinh tử tồn vong của tôn thất nhà Tấn. Tấn Đế Tư Mã Diệu kinh hoảng đến mức hồn bất phụ thể, lại sợ tin tức truyền ra khiến lòng người hoang mang, quần thần đào vong, vội vàng mật triệu ba vị trọng thần là Tạ An, Vương Thản Chi, Tư Mã Đạo Tử, vào Thân Chính Thất trong nội đình Kiến Khang để thương nghị đại kế giữ nước.
Tạ An làm Trung Lang Lệnh cho nhà Tấn, là nhân vật ngồi ghế thứ hai dưới Tư Mã Diệu, tổng quản triều chính, năm nay sáu mươi tư tuổi, thời trẻ có ra làm quan một dạo ngắn, sau lui về ở ẩn tại Đông Sơn, mãi đến năm bốn mươi tuổi dưới sự thiên hô vạn hoán bắt đầu xuống núi, kế thừa chính sách an dân "Trấn chi dĩ tĩnh" của Thừa tướng khai quốc là Vương Đạo, khiến cho đất nước yên ổn. Tạ An cùng với đại tướng Hoàn Xung, một văn một võ, là hai cột trụ lớn của triều đình, được gọi là "Giang Tả Vĩ Nhân".
Lúc này nhà Tấn chỉ còn nắm quyền kiểm soát ở vùng hạ du Trường Giang và lưu vực Dân Giang, Châu Giang, trong đó hai châu Kinh, Dương, cả về hai mặt quân sự và chính trị đều có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Dương Châu là tiền trạm ở mặt bắc kinh đô Kiến Khang, tầm quan trọng của nó không nói cũng biết. Kinh Châu nằm trên trung du Trường Giang, hình thế hiểm yếu, cũng là một trọng trấn chiến lược ở mặt tây của nước Tấn. Thứ sử Kinh Châu lại kiêm quản luôn việc quân sự của các châu phụ cận, để ứng phó với rợ Hồ hung mãnh ở phương Bắc, do vậy dưới tay y là đất rộng binh cường. Phàm những người nhậm chức thứ sử Kinh Châu, thường có thực lực phân quyền mạnh mẽ nhất. Vì vậy dưới thời nhà Tấn, thế lực trung ương và địa phương đấu tranh ngang ngửa, phần lớn là có liên quan đến việc tranh chấp Kinh Châu và Dương Châu. Kinh Châu đời trước do Hoàn Ôn chủ sự, quyền nghiêng triều dã. Cũng may Hoàn Xung hiện nay, tuy là con trai của Hoàn Ôn, nhưng không có dã tâm như cha, Kinh, Dương dần dần đi vào ổn định. Trong ba ngườimà Phù Kiên xem trọng, ngoài Tấn Đế và Tạ An, còn tính thêm cả Hoàn Xung, qua đó có thể thấy được phần nào vai trò của y.
Tể tướng Tạ An, người được xưng tụng là đệ nhất danh sĩ đương thời, tuy đã hơn sáu mươi, nhưng tướng mạo tinh anh, thâm trầm, linh hoạt và tuấn lãng, tay cầm quạt lông vũ, dáng vẻ như Gia Cát Võ Hầu tái thế, râu dài năm nhánh, thân hình cao lớn, phong tư tiêu sái ung dung, cô ngạo bất quần.
Vương Thản Chi là con trai Thừa tướng Vương Đạo, giữ chức Tả tướng, là đại thần có vai trò quan trọng nhất, ngoài Tạ An, ở triều đình Kiến Khang. Năm nay năm mươi hai tuổi, luận về tướng mạo thì kém xa Tạ An, lại thêm nỗi thấp lùn, tóc đã điểm bạc, cũng may khuôn mặt thường tươi cười, giọng nói điềm đạm rõ ràng, cằm dày và đầy đặn, béo nhưng không phệ phạc, vẫn có tư thái tự tin và cởi mở của thế gia vọng tộc, không gợn chút hiềm khích.
Hai họ Vương, Tạ là thế gia đại tộc nổi danh nhất vùng Giang Tả. Từ khi tôn thất nhà Tấn thiên di về Nam, họ càng hết lòng phò tá, thay nhau nắm giữ các vị trí cốt cán trong triều đình. Nhà Tấn chủ trương "tìm người hiền không ngoài thế tộc, dụng tài năng không đâu bằng quyền quý", khiến hai họ Vương, Tạ càng như cá gặp nước, càng được trọng vọng tôn sùng. Trúc môn đi lại với trúc môn, hai gia tộc xưa nay quan hệ vốn thân thiết, lại dựa vào nhân duyên để thắt chặt thêm tình cảm, cùng nhau phụ giúp việc triều chính.
Tư Mã Đạo Tử là thân đệ của Tấn Đế Tư Mã Diệu, được công nhận là đệ nhất nhân tài của vương tộc, đứng trong danh sách "cửu phẩm cao thủ", hiện đang giữ chức Lục Thượng thư lục điều sự, tổng quản các bộ phận lo việc triều chính, quyền chức lớn đủ để kềm chế Tạ An, là một quân cờ do hoàng tộc đặt ra để giám sát Tạ An, vì vậy từ xưa đến nay quan hệ giữa y và ông ta không được tốt.
Tư Mã Đạo Tử năm nay ba mươi tám tuổi, thân hình dài mà gầy, sống mũi thẳng đứng như cái quản bút, trên mép để ria, mái tóc dày rậm, mình mặc võ phục, tướng mạo cân đối, tràn đầy khí độ cao quý của hoàng tộc. Chỉ có đôi mắt thỉnh thoảng híp lại như hai rãnh hẹp, để lộ bản chất lãnh khốc vô tình trong tim. Bên hông y đeo thanh trường kiếm Vong Ngôn, là vũ khí sắc bén nhất và đáng sợ nhất của vương tộc, trong thành Kiến Khang, ngoài Tạ Huyền và con trai của Vương Thản Chi là Vương Quốc Bảo ra, không có ai xứng mặt địch thủ.
Thân Chính Sảnh là nơi xử lý sự vụ của Tư Mã Diệu trong nội đình, hội nghị quân sự quan trọng nhất kể từ khi ông ta tự mình khai quốc đã trải qua hai canh giờ. Bên ngoài cung, thân đệ của Tạ An là Tạ Thạch bồn chồn chờ đợi, từ chính ngọ đến lúchoàng hôn, mới thấy Tạ An ung dung đi ra, nét mặt vẫn một vẻ tự nhiên nhàn nhã, nhưng Tạ Thạch xưa nay hiểu rõ con người Tạ An, đã nhanh chóng nắm bắt thần tình bối rối trong ánh mắt huynh trưởng. Y chưa từng thấy Tạ An như thế bao giờ, có thể ức đoán buổi thương nghị đã diễn ra trong không khí nặng nề và gay gắt.
Tạ Thạch tiến lên đón. Tạ An thoắt đứng sững lại, trầm giọng nói: "Tìm Tạ Huyền về đây cho ta!
".
Truyện khác cùng thể loại
116 chương
29 chương
38 chương
820 chương
3 chương
70 chương
694 chương
52 chương