Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 94
Mới sáng tinh mơ, Hiền và bà Mão gánh hai gánh khoai tây nặng trĩu đã có mặt ở phố huyện.
Hiền vừa thở vừa nói:
- Bà Nến bảo phiên chợ hôm trước nhiều người tìm mua khoai tây quá. Gánh khoai của bà ấy hơn bốn mươi cân mà chỉ nhoáng một cái chưa tàn điếu thuốc đã hết sạch. Không biết bác và em hôm nay thế nào đây.
Bà Mão trở vai gánh khoai từ vai trái sang vai phải đáp lại:
- Cái anh khoai tây trông thế mà dễ ăn cô ạ. Xào nấu hấp độn gì cũng được tất nên dân phố huyện người ta chuộng lắm. Tối qua tôi gặp chú Dậu định nhờ cái xe cải tiến của Hợp tác bỏ khoai lên đấy vừa được nhiều lại đỡ cho cái vai nhưng chú ấy nhất định không cho mượn.
Hiền bảo:
- Bác có mượn được em cũng chẳng chung với bác. Nhà em bây giờ đã nằm trong Ban quản trị rồi nên cũng phải giữ tiếng cho nhà em bác ạ. Nhỡ ra người ta bảo ông phó chủ nhiệm lấy xe Hợp tác cho vợ đi bán khoai tây thì chẳng biết ăn nói thế nào.
- Cô nghĩ thế cũng phải. Nghĩ thấy vô lí thật cô Hiền nhỉ. Xe Hợp tác thì để trong kho cho rỉ nát, trong khi xã viên è cổ ra gánh. Giá như Hợp tác đưa ra bán quách cho xã viên hóa hay.
- Làm thế có mà chết. Ai dám đem của công đi bán hả bà.
- Ấy là tôi ước thế thôi. Tôi bán xong cái vụ khoai tây này rồi gom góp thêm một ít tiền mua lấy cái xe cải tiến mà dùng thôi cô ạ. Cũng có ối việc dùng đến xe cải tiến đấy.
- Không có đành phải chịu chứ có thì cũng đỡ sức nhiều lắm.
Bà Mão và Hiền đang cắm cúi nói chuyện không để ý đến chiếc xe con màu ghi nhạt láng bóng đang chạy chầm chậm về hướng hai người. Một khuôn mặt béo mỡ màng với đôi mắt sùm sụp hé cửa kính xe nhìn ra. Sau đó chiếc xe chạy vút đi. Người vừa nhìn bà Mão và Hiền là Bao. Sau khi đọc lá đơn tố cáo và những lời kể của Lịch, Bao không nói lại cho ông Ẩn và ông Sắc biết. Ông Sắc có quan điểm trái ngược với Bao thì rõ rồi, riêng ông Ẩn đang từ một người lúc nào cũng tâm đầu ý hợp với Bao trong những nhận định về việc làm vô nguyên tắc của một số Hợp tác xã nông nghiệp được sự đồng tình và khuyến khích của ông Kim, tự nhiên quay ra lừng khừng khó hiểu. Thậm chí đôi lần phản bác ý kiến của Bao và đứng về phía ông Sắc. Vì thế lần này Bao lặng lẽ xuống Tam Bình một mình quyết làm rõ trắng đen. Nếu ông Ẩn không chịu nghe ý kiến của mình, ông Bao sẽ trực tiếp báo lại với ông Trung Chính.
Bao xuống xe bước xăm xăm vào cơ quan huyện ủy. Gặp một phụ nữ còn trẻ từ trong đi ra, Bao hỏi:
- Bí thư huyện ủy và chủ tịch có nhà không cô?
Người phụ nữ nhìn lướt qua ông Bao rồi đáp:
- Dạ thưa, chủ tịch và bí thư đang làm việc với mấy cán bộ Hợp tác xã Đạo Thắng ở trong phòng họp. Bác có cần gặp ngay không để cháu vào báo.
- Tôi nhờ cô vào báo với bí thư huyện ủy là có đồng chí Bao, phái viên của Ban bí thư xuống làm việc.
- Cháu mời bác vào phòng khách uống nước. Cháu sẽ đi báo cho chủ tịch và bí thư biết.
Người phụ nữ dẫn Bao vào phòng khách, rót nước mời đâu vào đó rồi đi qua phòng họp ra hiệu cho Chi là mình cần gặp. Chi đi ra, hỏi:
- Có việc gì đấy Luyến?
Luyến đáp:
- Có một bác xưng tên là Bao, bảo mình là phái viên của Trung ương xuống làm việc.
- Một mình ông Bao hay có ai nữa không?
- Chỉ một mình ông Bao và người lái xe thôi. Em mời bác ấy vào phòng khách và pha nước mời bác ấy rồi.
- Được rồi. Chị sẽ về tiếp bác ấy.
Chi vào phòng họp bảo Thanh:
- Có ông Bao, phái viên của Ban bí thư xuống làm việc. Có khi anh tiếp tục làm việc với các đồng chí ở Đạo Thắng, tôi qua xem ông ấy xuống có việc gì.
Thanh thắc mắc:
- Sao ông ấy xuống mà không gọi điện báo trước mà cũng chẳng nghe tỉnh ủy nói gì nhỉ?
- Có khi ông ấy muốn xuống kiểm tra đột ngột để ta không có thời gian chuẩn bị trước. Anh cứ làm việc đi nhé. Nếu ông ấy cần gặp cả chủ tịch thì tôi sẽ cho người qua báo.
Chi vào phòng khách cất tiếng chào niềm nở.
- Chào bác. Chúng tôi đang làm việc với một số đồng chí lãnh đạo của xã và Hợp tác xã của Đạo Thắng nên không biết bác xuống để đón tiếp, mong bác thông cảm.
Bao ngồi thẳng dậy hơi lắc lư người cho tư thế thoải mái, sau đó mới đáp lại lời Chi:
- Tôi xuống đột xuất nên không báo trước cho các đồng chí biết. Đồng chí chủ tịch có ở nhà không?
- Dạ, đồng chí chủ tịch đang làm việc với lãnh đạo xã Đạo Thắng ạ.
Bao hỏi kênh kiệu:
- Nội dung làm việc những gì?
- Báo cáo với bác, chúng tôi đang bàn việc củng cố lại Hợp tác xã và triển khai công tác chuẩn bị cho vụ Đông Xuân.
Bao thắc mắc:
- Sao không họp triển khai với các Hợp tác xã trong toàn huyện mà chỉ làm việc với xã Đạo Thắng thôi?
Chi bắt đầu thấy không cảm tình với lối hỏi trịch thượng của Bao nhưng Chi vẫn nhẹ nhàng đáp:
- Báo cáo với bác, Đạo Thắng có hai Hợp tác xã vào hàng yếu nhất trong huyện. Đặc biệt có Hợp tác xã Gia Đạo đứng vào hàng cuối bảng của huyện nên chúng tôi tập trung vực nó lên cho bằng các Hợp tác xã khác.
Bao nghe cái tên quen quen nên hỏi:
- Hợp tác xã Gia Đạo có phải là cái Hợp tác xã bầu lại Ban quản trị giữa nhiệm kỳ nhưng bầu không trúng ý của lãnh đạo nên huyện ủy và đảng ủy ra quyết định hủy bỏ kết quả và bắt bầu lại không?
Chi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bác đã biết việc Hợp tác xã Gia Đạo bầu Ban quản trị hai lần mới xong rồi ạ?
Bao cười khẩy:
- Không những tôi biết chuyện hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị một cách độc đoán của các đồng chí đã gây dư luận không hay trong quần chúng xã viên mà còn biết cả việc các đồng chí cho giải tán trại lợn của tập thể đưa về cho đội sản xuất nuôi để chia nhau hưởng lợi, cho nông dân bán lương thực tự do ngoài thị trường. Ngoài ra còn lấy ruộng của tập thể khoán cho hộ xã viên nuôi lợn nữa kia.
Chi ngạc nhiên:
- Ai phản ánh với bác như vậy?
- Thế những việc làm mà quần chúng đã phản ánh cho chúng tôi là không đúng sự thật à?
Chi nói rành rọt:
- Những điều ai đó phản ánh cho bác đều có cả, không thiếu điều nào. Chỉ khác ở chỗ bản chất sự việc đã bị xuyên tạc theo một ý đồ không có thiện chí.
Bao hỏi:
- Vì sao đồng chí cho rằng những điều quần chúng phản ánh cho chúng tôi là xuyên tạc bản chất của sự việc với một ý đồ thiếu thiện chí?
Chi không trả lời vào câu hỏi của ông Bao mà nói:
- Tôi trả lời sợ rằng không khách quan. Nhân tiện có các đồng chí lãnh đạo xã và Hợp tác xã ở Đạo Thắng lên họp, bác có thể trực tiếp hỏi họ xem những điều người ta phản ánh với bác đúng hay không đúng. Nếu bác có thì giờ xin mời bác về Gia Đạo hỏi bà con xem quyết định hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị lần đầu đúng hay sai. Nhân thể bác cũng hỏi bà con xem nếu như không có chỉ thị cho bà con bán khoai tây tự do ngoài thị trường thì hơn một trăm tấn khoai tây ấy vứt đi đâu, trong khi tình hình thiếu lương thực của bà con trong huyện, trong tỉnh đang diễn ra trầm trọng. Nếu dân bảo tất cả những việc làm của chúng tôi là sai, là phản bội Chủ nghĩa xã hội, tập thể huyện ủy chúng tôi xin chịu kỷ luật trước Đảng.
Ông Bao hơi bị bất ngờ trước những lời lẽ của Chi. Một phụ nữ có thân hình mảnh khảnh nhưng giọng nói thì sắc sảo, chắc chắn và tự tin. Bao nhìn Chi như thăm dò đối thủ rồi nói với cái giọng giảng đạo quen thuộc:
- Phải dựa trên cơ sở đường lối chính sách mới phân định chính xác được những việc nào làm đúng, việc nào làm sai. Dựa vào ý kiến của quần chúng cũng tốt. Nhưng không thể nói là hoàn toàn chính xác. Chúng ta bước vào xây dựng cơ sở vật chất của Chủ nghĩa Xã hội mới trên mười năm. Tư tưởng tư hữu còn rất nặng trong đầu óc của mỗi người chúng ta. Vì vậy có những việc làm trái với đường lối chính sách, nhưng một số cán bộ và đảng viên có tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội muốn lấy lòng quần chúng, ban hành những văn bản bất hợp pháp. Nông dân thấy họ làm những việc có lợi cho mình thì vỗ tay hoan nghênh chứ không cần phân biệt việc làm ấy đúng sai chỗ nào. Dựa vào quần chúng là một quan điểm đúng đắn. Nhưng nghe lời quần chúng không thông qua lăng kính lập trường quan điểm có khi phạm phải sai lầm.
Chi tự ái:
- Tôi nghĩ tập thể huyện ủy chúng tôi không ấu trĩ đến nỗi không nhận ra quần chúng nói cái gì là đúng, nói cái gì mang tư tưởng tự tư tự lợi.
Bao nâng giọng mình lên một cung bậc:
- Hôm nay tôi xuống làm việc với huyện ủy của các đồng chí cũng chỉ xung quanh mấy vấn đề này. Tôi thấy những việc làm của các đồng chí với một số Hợp tác xã trong huyện Tam Bình đang có những chiều hướng sai lầm. Dù không cố ý nhưng do chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường trước mắt, các đồng chí vô tình đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể, mầm mống của Chủ nghĩa Tư bản…
Chi ngắt lời với giọng mỉa mai:
- Xin lỗi bác, cho phép tôi ngắt lời bác. Bác bảo thóc gạo, ngô khoai, gà lợn là những vật chất tầm thường vậy thì thứ gì là vật chất không tầm thường với cái bụng của người nông dân? Có phải rau dại và nước lã không? Nạn đói năm Ất Dậu tôi đã ở tuổi mười hai. Cả làng Phúc Xá của tôi đã được hưởng rất đầy đủ cái vật chất không tầm thường như bác nói là rau má với nước lã. Từ già đến trẻ sống vật vờ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Giá như lúc ấy chỉ cần mấy thúng cám lợn là có thể cứu được mấy chục người không phải chết đói. Có bốn gia đình chết gần hết, thảm thương lắm. Bây giờ cảnh ấy chắc chắn không bao giờ diễn ra nhưng vụ đói giáp hạt thì hầu như năm nào cũng rình rập đe dọa người nông dân nhiều vùng ở huyện tôi. Muốn dân yêu mến Chủ nghĩa xã hội, trước hết hãy làm cho dân no đã bác ạ. Dân đói thì mọi lí thuyết chỉ là thứ lí thuyết suông mà thôi.
Bao tức sôi lên:
- Tôi hết sức sửng sốt khi nghe những lời nói vừa rồi từ miệng một bí thư huyện ủy nói ra.
Chi vẫn giữ giọng mỉa mai của mình:
- Có phải thật lòng quá không ạ?
Bao lại rao giảng:
- Không phải thật lòng mà rất vô nguyên tắc. Lí thuyết về Chủ nghĩa xã hội là một lí thuyết hết sức khoa học về cuộc đấu tranh giai cấp, tiến tới xây dựng một xã hội không còn giai cấp bóc lột. Vì sao đồng chí coi lí thuyết đó như một thứ lí thuyết suông?
Chi thấy không cần nể nang, nhân nhượng gì con người này nên nói thẳng băng:
- Tôi không biết bác xuất thân từ thành phần nào. Nhưng với người nông dân chúng tôi thường có câu tai nghe không bằng mắt thấy. Hợp tác xã xập xệ như một ngôi nhà vô chủ mà cứ nói với xã viên rằng Hợp tác xã là ưu việt thế này, tốt đẹp thế kia thì chỉ làm trò cười cho bà con mà thôi. Muốn khẳng định với nông dân con đường làm ăn tập thể là một chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm đưa lại cuộc sống ấm no cho nông dân, điều quan trọng không phải là lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể. Hiện nay huyện ủy chúng tôi đang quyết tâm làm tươi sáng lại bộ mặt của Hợp tác xã nông nghiệp trong toàn huyện. Cuộc họp hôm nay với lãnh đạo của xã Đạo Thắng là cũng nhằm mục đích ấy.
Trong lúc Chi và ông Bao đang tranh luận gay gắt thì Thanh và một số cán bộ lãnh đạo của xã Đạo Thắng vào.
Thanh chào niềm nở:
- Nghe báo bác xuống thăm và làm việc với huyện, nhưng anh em chúng tôi đang họp dở nên không vào chào hỏi được bác, mong bác thông cảm. Xin giới thiệu với bác. Đây là đồng chí Luận, bí thư đảng ủy xã Đạo Thắng. Còn đây là anh Dậu và cô Bích, Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo. Anh Kình và cô Vi là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm của Hợp tác xã Nhân Đạo.
Bao đứng lên bắt tay từng người, hỏi.
- Đã họp xong chưa?
Thanh đáp:
- Báo cáo bác, xong rồi.
Bao lấy lại bộ mặt tươi tỉnh của mình:
- Không hẹn mà gặp. Tiện thể gặp tất cả các đồng chí ở đây, các đồng chí có thể nán lại một ít, tôi muốn trao đổi với các đồng chí một số vấn đề có được không?
Dậu mừng rỡ:
- Mấy khi chúng tôi được gặp cán bộ từ trên Trung ương xuống, có ở lại vài ba tiếng đồng hồ để nghe ý kiến chỉ đạo của trên, đồng thời chúng tôi cũng muốn đề đạt một số nguyện vọng để Trung ương nắm được thì còn gì bằng ạ.
Chờ mọi người ngồi yên chỗ, Bao hỏi:
- Tôi nghe đồng chí bí thư huyện ủy nói cuộc họp hôm nay có vấn đề củng cố lại Hợp tác xã. Vậy Hợp tác xã có chuyện gì mà phải bàn củng cố và củng cố vấn đề gì?
Thanh đáp luôn:
- Bác là phái viên của Ban bí thư được cử về Phước Vĩnh theo dõi phong trào Hợp tác xã để giúp cho Ban bí thư chỉ đạo, chắc bác đã nắm được tình hình của tỉnh nói chung và huyện Tam Bình của chúng tôi nói riêng rồi. Tôi…
Bao ngắt lời:
- Không những nắm được mà chúng tôi còn dự đoán cả những gì đã, đang và sẽ diễn ra với tỉnh và huyện của các đồng chí.
Thanh chưa biết Bao là người thế nào nên nói hết sức vô tư:
- Nếu thế thì may cho chúng tôi quá. Cuộc họp hôm nay chúng tôi bàn về những việc làm cụ thể trong thời gian sắp tới để đưa Gia Đạo từ một Hợp tác yếu kém trở thành một Hợp tác xã khá để rút kinh nghiệm cho toàn huyện. Nếu có được vài ý kiến chỉ đạo của bác thì may cho chúng tôi quá.
Bao đặng hắng mấy cái, sau đó nuốt nước bọt òng ọc rồi nói giọng căng như dây đàn:
- Vừa qua các đồng chí đã cho phép nông dân giải tán trại lợn tập thể chuyển về cho đội sản xuất nuôi để chia nhau hưởng lợi, đã cho phép gánh khoai tây đi bán tự do, lấy đất hợp tác khoán cho hộ xã viên nuôi lợn. Sắp tới còn định làm gì nữa? Trả lại trâu bò cho nông dân, tiếp theo là trả ruộng đất và bảo với nông dân rằng Hợp tác xã là sai, làm ăn tập thể là sai. Bà con hãy quay về con đường làm ăn cá thể để đua nhau làm giàu. Có phải các đồng chí đã họp bàn như vậy không?
Mọi người ngỡ ngàng đưa mắt nhìn nhau và thấy như bị ai ném cát vào. Giới hạn nhũn nhặn của Chi gần như tụt xuống ở nấc cuối cùng. Giọng Chi đanh lại:
- Đúng là chúng tôi đang bàn cách làm giàu. Nhưng không phải làm giàu cho cá nhân mà làm giàu cho tập thể. Tôi xin khẳng định với đồng chí, chủ trương chúng tôi cho phép nông dân bán khoai tây ra thị trường tự do là hoàn toàn chính xác. Việc giải tán trại lợn tập thể khoán về cho đội sản xuất và khoán cho hộ xã viên nuôi lợn là một sáng kiến táo bạo và cũng rất hợp lí nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm đó của Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo. Tôi bảo đảm với đồng chí trong thời gian tới đây, nhờ những sáng kiến ấy, sản lượng lợn của Gia Đạo cân cho Nhà nước sẽ tăng lên gấp đôi hoặc hơn nhờ khoán lợn cho đội và hộ xã viên.
Bao nén cơn tức giận đang trào lên tận cổ. Lần đầu tiên bị một người đàn bà dám ngang nhiên cãi tay đôi với mình. Cố lắm Bao mới giữ được giọng bình tĩnh:
- Giữa nhận thức và việc làm của các đồng chí hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Tiện thể gặp các đồng chí ở cơ sở lên đây để họp, tôi muốn nói với các đồng chí một số vấn đề chung quanh việc các đồng chí đã làm và chắc có dự định làm trong thời gian tới. Tôi lần lượt nói từng vấn đề một. Việc đầu tiên là chuyện bầu Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo. Tôi được nghe phản ánh lại Ban quản trị cũ không chịu tuân theo những việc mà các đồng chí gọi là đổi mới trong sản xuất nên các đồng chí tổ chức bầu Ban quản trị khác vào giữa nhiệm kỳ. Khi xã viên tín nhiệm vẫn bầu những người cũ thì các đồng chí ra một quyết định độc đoán, hủy bỏ kết quả và yêu cầu tổ chức bầu lại. Lần bầu này các đồng chí phạm phải một sai lầm không thể chấp nhận được là đưa cả quần chúng vào nắm quyền lãnh đạo Hợp tác xã…
Thanh hơi bị bất ngờ nên ngắt lời Bao:
- Ai phản ánh với bác như vậy?
Bao vẫn giữ được giọng điềm tĩnh của mình:
- Đồng chí bình tĩnh để tôi nói hết đã. Các đồng chí nhận thức hết sức mơ hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chi nói:
- Chúng tôi nghĩ tổ chức Hợp tác xã là một tổ chức quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là chi bộ Đảng của Hợp tác xã ấy. Các thành viên trong Ban quản trị không nhất thiết là đảng viên mà rất cần những người có kinh nghiệm về nghề nông và năng lực điều hành sản xuất. Còn việc gạt bỏ những người lười biếng, quan liêu, bảo thủ, không chịu thay đổi lề thói làm ăn lạc hậu là việc làm hoàn toàn cần thiết và đúng đắn của tất cả mọi tổ chức.
Ngồi nghe đối thoại giữa Bao và Chi, bây giờ thì Luận đã phần nào hiểu Bao là con người như thế nào nên Luận nhảy luôn vào cuộc:
- Tôi xin báo cáo với đồng chí chính tôi là người ký quyết định không công nhận kết quả bầu Ban quản trị của Gia Đạo lần thứ nhất và yêu cầu tổ chức bầu lại. Ai đó phản ánh với đồng chí xã viên vẫn tín nhiệm với Ban quản trị cũ nhưng chúng tôi không công nhận kết quả, vẫn tổ chức bầu lại là muốn đưa những người chịu nghe lời của chúng tôi vào Ban quản trị mới là không đúng sự thật.
Từ lúc bước vào và nhìn thấy Bao, nhất là nhìn thấy đôi mắt hùm hụp, mi trên kéo xuống lấp hết nửa vành mắt, Bích chẳng lấy gì làm cảm tình với con người này rồi. Bây giờ lại nghe cái giọng trịch thượng bảo Ban quản trị mới được bầu là những người dễ bảo của lãnh đạo, Bích thấy tự ái. Bích nói:
- Thưa bác. Cháu là phó chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo vừa mới được bầu. Vừa rồi bác có nói một câu khiến cháu rất tự ái. Bác bảo lãnh đạo cố tình gạt những người được dân tín nhiệm ra để đưa những người dễ vâng lời lãnh đạo vào Ban quản trị mới cho dễ điều khiển…
Bao ngắt lời:
- Nếu đồng chí nghĩ câu nói của tôi theo nghĩa đồng chí hiểu và thấy mình bị xúc phạm thì tôi xin lỗi đồng chí. Nhưng tôi cũng xin nhắc đồng chí. Tuổi trẻ hăng hái là tốt nhưng cũng phải hết sức đề phòng tính bồng bột vốn có ở tuổi thanh niên.
- Cháu cám ơn lời khuyên của bác. Thưa bác, cháu đang là bí thư chi đoàn thanh niên và là khẩu đội trưởng của khẩu đội nữ dân quân bắn máy bay. Nhưng khi nghe các chú các bác khuyên cháu nên tham gia vào Ban quản trị Hợp tác xã, vì nghĩ đến cuộc sống của bà con, nghĩ đến con đường phát triển của Hợp tác xã nên cháu đã đồng ý tham gia. Trong việc đề nghị giải tán trại lợn để chuyển về khoán cho đội là do cháu đề xuất và được các anh các chú trong Ban quản trị tán thành. Cháu nghĩ việc làm ấy chỉ tăng thêm số thịt lợn cân hàng năm cho Nhà nước chứ chẳng có hại gì đến Hợp tác cũng như đường lối chủ trương cả.
Bao lại nói giọng rao giảng:
- Những vấn đề tôi vừa nói chỉ là những gợi ý để các đồng chí suy nghĩ. Bây giờ tôi muốn nói đến vấn đề khác. Đó là việc các đồng chí để cho bà con nông dân đem lương thực đi bán tự do trên thị trường. Đây là việc làm hết sức sai trái. Như các đồng chí đã biết, Đảng ta rất nghiêm ngặt trong việc quản lí thị trường, triệt để loại trừ tư sản thương nghiệp ra khỏi thị trường nông thôn và thành thị. Vậy mà các đồng chí ra một quyết định tiếp tay cho thương nghiệp tư nhân phát triển. Các đồng chí có thấy việc làm của mình là đi ngược lại chủ trương của Đảng không?
Chi vẫn giữ thái độ đối đầu của mình:
- Tôi nói đồng chí đừng giận. Các đồng chí ở quá xa nông dân nên giải quyết những bức xúc của nông dân bằng sách vở và công văn, chỉ thị xa lắc xa lơ chứ không biết nông dân nghĩ gì, muốn gì. Còn chúng tôi hàng ngày ở bên cạnh nông dân nên chúng tôi nhìn tận vào nồi cơm của họ. Đồng chí bảo chúng tôi ra một quyết định tiếp tay cho thương nghiệp tư nhân phát triển. Hóa ra tất cả những người nông dân gánh khoai bán chạy cho khoai khỏi thối, bỗng chốc biến thành những nhà thương nghiệp tư nhân. Mai đây lợn nuôi thừa, Nhà nước không thu mua hết. Nếu chúng tôi có một quyết định cho nông dân mổ lợn đem đi bán kẻo để lại thì lợn già, thịt dai. Liệu hàng hóa có giá trị như thịt lợn có biến nông dân thành những nhà tư sản thương nghiệp không? Tôi nghĩ đã đến lúc cấp trên phải có cái nhìn thực tế hơn về nông dân và nông thôn trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu như hiện nay. Đáng ra các đồng chí phải thông cảm cho chúng tôi vừa lo cung cấp người, lương thực, thực phẩm cho mặt trận, vừa lo cho cuộc sống thường nhật của bà con nông dân để có những quyết sách giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn hiện tại. Đằng này các đồng chí chỉ biết phê phán sai chỗ này, khuyết điểm chỗ kia, còn để mặc cho nông dân sống ra sao thì sống.
Bao nhìn Chi với đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa tức giận.
- Đồng chí phê phán chúng tôi là quan liêu đấy à?
Chi chẳng hề một chút đắn đo đáp lại luôn:
- Tôi đâu dám phê phán cấp trên. Tôi chỉ mong muốn cấp trên hiểu cho chúng tôi, hiểu cho nỗi khổ của nông dân, có thế thôi.
Bao cầm chén nước đưa lên uống rồi ngước mắt nhìn trần nhà. Không khí căn phòng họp của huyện ủy căng như mặt trống phơi nắng. Có thể nghe cả tiếng vỗ cánh của con tò vò đang bay quẩn quanh trong phòng.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương