Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 43
Chi đi ra sân Hợp tác rất sớm. Hôm nay cô định đi gặt cùng bà con để nắm bắt tình hình làm ăn của Hợp tác xã. Ngọ và Lấu đang ngồi hút thuốc lào và tán gẫu với nhau, thấy Chi đến, liền đứng dậy.
- Bí thư huyện ủy định đi gặt với bà con hay sao mà ra sớm vậy? – Ngọ hỏi thay cho lời chào.
- Bây giờ mấy giờ rồi mà anh bảo sớm?
- Tôi chẳng có đồng hồ nên chỉ áng chừng. Mấy giờ rồi chị?
Chi đưa tay xem đồng hồ rồi đáp:
- Bảy giờ.
Ngọ giật mình:
- Thôi chết rồi. Mấy đám mây che khuất không thấy mặt trời nên cứ ngỡ là sớm.
Nói xong Ngọ vớ lấy cái búa đứng lên vội vàng đi ra đánh kẻng. Lấu cũng mở cửa kho lôi ra nào xe cải tiến, liềm hái, quang gánh và đòn xóc, lạt đem vứt ngổn ngang ra sân.
Chi hỏi:
- Sao không giao quang gánh, liềm hái, đòn xóc đòn càn cho xã viên quản, khi đi làm người ta đem theo có phải đỡ mất thì giờ ra sân kho để nhận không?
- Chị bảo giao cho họ rồi họ đem của công đi làm ruộng phần trăm của mình thì lấy đâu cho đủ – Lấu trả lời.
- Thế không có của hợp tác, bà con đi làm ruộng phần trăm của mình bằng tay không à?
- Nhà nào cũng sắm đủ dụng cụ sản xuất cả. Nhưng có của Hợp tác trong tay thì họ dùng của Hợp tác chứ ai dại gì bỏ của nhà mình ra mà dùng.
Ngọ xách búa trở lại và cằn nhằn một mình:
- Đã bảo trích quỹ của Hợp tác ra mua cho cái đồng hồ “Bôn dốt” để biết thì giờ đánh kẻng mà chẳng chịu mua. Cứ đánh kẻng tù mù kiểu này thì chẳng biết đâu mà lần.
- Biết thế sao một số bà con đề nghị cứ giao công việc hàng ngày cho người ta tự quản lấy nhau để khỏi đánh kẻng đi kẻng về mà các anh không chịu? – Chi hỏi.
- Quản chặt thế này mà còn vừa làm vừa chơi nữa là tự quản lấy nhau thì có khi còn đưa chiếu ra ngoài ruộng để ngủ.
- Thế anh quản kiểu này thì làm sao biết được ai làm tích cực, ai lười biếng?
- Làm gì mà không biết. Công điểm đã có rồi. Ai gặt nhiều thì nhiều điểm, ai gặt ít thì ít điểm.
- Làm thế nào mà biết người này gặt nhiều người kia gặt ít?
- Tối họp bình xét là ra hết.
- Thế nhỡ người ta thông đồng với nhau, gặt ít mà nói nhiều để hưởng công điểm thì sao?
- Phải kiểm tra lúa đưa về sân Hợp tác chứ. Gặt ít nói nhiều thì lòi ra ngay.
Dậu, vợ chồng Tế và vài người khác lần lượt đến sân Hợp tác. Nhìn thấy Chi đứng nói chuyện với Ngọ, Dậu hỏi:
- Bí thư huyện ủy định đi gặt với bà con hay sao mà ra sớm thế?
- Cũng định đi gặt để xem bà con ta làm ăn ra sao anh ạ.
Tế cười hỏi:
- Đội trưởng sản xuất đã khoán công điểm hôm nay cho chị chưa?
- Tôi vừa nói chuyện với đội trưởng sản xuất xong. Anh Ngọ chỉ cho tôi hưởng công lao động Xã hội Chủ nghĩa chứ không có công điểm của Hợp tác. Bảy rưỡi rồi mà xã viên chưa ra đủ thì khi nào gặt được?
Kẻng đánh hơn nửa tiếng đồng hồ xã viên mới lục tục kéo ra đồng theo sự phân công của Ngọ.
Chi gặt cùng với vợ chồng Tế và Dậu. Hiền nhìn thấy chiếc liềm trong tay Chi đưa thoăn thoắt khen:
- Em không ngờ chị lại gặt giỏi như thế. Có khi còn nhanh hơn chúng em.
- Tôi tham gia lao động đồng áng với bố mẹ tôi từ khi mới mười ba tuổi.
Hiền cười:
- Chị gặt khéo đến nỗi chẳng sót bông nào nên trẻ đi mót phải bỏ qua những nhóm khác.
- Các cháu không đi học hay sao mà đi mót đông thế?
- Vụ gặt nào, nhà trường cũng cho các em nghỉ vài tuần để tham gia gặt với gia đình.
- Các cháu đã biết gặt hái gì đâu mà cho nghỉ để gặt?
- Cho nghỉ để đi gặt chỉ là cách nói thôi, chứ nhà trường biết không cho nghỉ thì phần lớn các em cũng nghỉ để đi mót. Mặt khác nhân cơ hội các em nghỉ mấy tuần, các thầy cô giáo cũng bươn chải kiếm việc này việc khác để bù vào đồng lương phụ cấp quá ít ỏi của giáo viên chị ạ.
- Chết thật. Không biết phòng giáo dục huyện có biết chuyện này không.
Tế nói:
- Chị cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của các thầy cô chị ạ. Nhiều khi thấy các thầy cô nói khô cả họng thương lắm. Nhưng thương cũng chỉ biết để ở trong lòng chứ ốc chưa mang nổi mình ốc, còn mang được cho ai nữa.
- Lúa má thế này, theo các anh mỗi sào được bao nhiêu cân?
- Không biết có được ba lăm, bốn mươi cân không – Dậu đáp.
Chi nói giọng lo lắng:
- Vụ vừa rồi mỗi công được một lạng tám thóc. Không khéo vụ mùa này cũng thế.
Dậu:
- Có khi không được đâu chị ạ. Vụ vừa rồi được một lạng tám là do chưa đóng thuế nông nghiệp. Nợ vụ trước, vụ này phải đóng trả nên may lắm mới được một lạng rưỡi thóc một công. Thiếu đói vài ba tháng là cái chắc. Làm được vụ xen canh như chủ trương của trên còn đỡ. Nếu không thì không biết lấy cái gì cho vào bụng để chờ đến vụ gặt sau. Tôi đang bàn với ông Tế gặt xong hai anh em nhảy tàu lên Tuyên mua một ít sắn về thái phơi khô để chống đói đấy chị ạ.
Tế đứng lên nhìn khắp lượt rồi bảo Dậu:
- Có khi anh Dậu phân công người chuyển lúa dần về sân kho đi. Kẻng nghỉ sắp đánh rồi đấy.
Chi ngạc nhiên:
- Sáng đến giờ đã gặt được bao nhiêu đâu mà đã đánh kẻng nghỉ?
Tế cười:
- Dùi kẻng trong tay anh đội trưởng sản xuất, muốn đánh lúc nào mà chả được hả chị. Gọi là một công lao động, nhưng có khi làm chưa được sáu tiếng đồng hồ một ngày.
Chi đứng lên vươn vai bảo:
- Các anh gặt đi, tôi đi qua các tổ khác xem bà con làm ăn ra sao.
Nói xong Chi bỏ đi về phía đám ruộng bà Ngật đang gặt.
Thấy bà Ngật hì hục chất lúa lên đến ngọn quang. Ông Mẫn bảo:
- Bà chất đầy thế gánh sao nổi?
- Một công đi về gánh cho vừa vai chứ gánh nhẹ người ta lại bảo mình lười.
Ông Mẫn cười ranh mãnh:
- Ai cũng tích cực như bà chắc Hợp tác xã của mình lần này giàu to. Có điều không biết khi về đến sân Hợp tác, gánh lúa có còn đầy đến tận đầu quang như thế này không?
- Lúa chạy đi đâu mà ông bảo không đầy?
- Lúa làm gì có chân mà chạy. Nó chỉ bay vào trong vườn nhà bà thôi.
Bà Ngật chữa ngượng bằng cách nhắc đến chuyện cũ của ông Mẫn:
- Chuyện gì ông cũng biết. Thảo nào mà con lợn nhà ông bị dìm vào nước cho chết để mổ thịt lại đổ thừa là nó say lá sắn. Ông còn quái quỷ gấp tôi đến mấy chục lần, còn nói gì nữa.
- Tôi nói đùa với bà cho vui thôi. Ai làm được gì cho mình thì cứ việc lẳng lặng mà làm. Trông chờ vào Hợp tác thì chỉ có việc xách bị đi ăn xin.
Chi cầm cái liềm trong tay đi tới chào mọi người.
Ông Mẫn hỏi:
- Gặt với bà con, cô bí thư huyện ủy đã thấy đau lưng chưa?
- Chưa bác ạ. Có đau, tối về ngủ mới thấy đau. Tổ ta gặt được mấy sào rồi bác?
- Dễ đến năm, sáu sào gì đấy rồi cô ạ.
Chi nhìn gánh lúa của bà Ngật bảo:
- Sức chừng nào gánh chừng ấy chứ bác chất đầy như thế này gánh sao nổi.
Ông Mẫn cười mỉa:
- Bà con thực hiện khẩu hiệu Hợp tác xã là nhà xã viên là chủ mà cô. Cô thấy đấy, các bà đều sắp hết tuổi lao động đến nơi rồi mà gồng gánh có kém gì thanh niên trai trẻ.
- Ai cũng có ý thức làm chủ như các bà thì Hợp tác xã đâu đến nỗi làm ăn lụn bại như hiện nay bác nhỉ.
- Vâng.
Chi đi đến chỗ mấy người đang cho lúa lên xe cải tiến. Ông Mẫn bảo bà Ngật:
- Bà có tham cũng tham vừa vừa thôi. Lợi bất cập hại. Bà mà sụn lưng bỏ cả vụ gặt thì bà có đưa về nhà mình hàng chục nắm lúa cũng chẳng lại đâu.
- Tôi lượng được sức mình, ông không phải lo. Tôi về đây.
Bà Ngật gồng mình nhấc gánh lúa lên vai bước loạng choạng.
- Tôi nói thật đấy – Ông Mẫn bảo – Bà bỏ bớt ra mấy nắm chứ tham thì thâm đấy.
Bà Ngật không nói gì, gò lưng gánh lúa đi.
Bà Quy cũng ì ạch gánh một gánh lúa đầy ngọn đi theo bà Ngật.
Chi nghe Tế bảo bà con thường chất lúa lên cho đầy quang để khi đi qua nhà mình lấy bớt vứt vào sân nên Chi định đi về trước đứng ở sân kho xem thử có đúng như vậy không. Khi nhìn thấy gánh lúa của bà Ngật xếp hàng chờ Ngọ cân vơi đi gần một nửa, Chi thở dài não ruột.
* * *
Cuối chiều. Lúa đập xong được vun thành từng đống nhỏ. Mấy xã viên đang chia rơm ra thành hàng chục đống, nằm rải rác khắp sân. Những người khác sau khi đập lúa xong ngồi thành từng nhóm, chuyện trò với nhau.
Dậu hỏi Chi:
- Chị đập lúa cả buổi có mệt không?
- Lâu rồi không làm lao động nặng, sáng nay đi gặt, chiều đập lúa tưởng chừng như xương xóc mỗi cái rời đi một nơi.
Hiền cầm tay Chi đưa lên xem:
- Tay chị phồng cả rồi. Em tưởng chị tham gia lao động để động viên bà con, ai hay chị còn làm hăng hơn chúng em mà lại còn khéo tay nữa.
- Cái tính của tôi xưa nay thế. Làm ra làm, chơi ra chơi. Tôi ghét nhất là những người làm không ra làm, chơi không ra chơi.
Hoang góp chuyện:
- Cán bộ đảng viên ai cũng như chị cả thì dân được nhờ. Chị thấy đấy. Xã viên gặt đã hai hôm nay mà có thấy mặt ngang mặt dọc ông chủ nhiệm và mấy ông phó chủ nhiệm ở đâu đâu. Cứ vào vụ là các ông bày ra đủ các kiểu họp để khỏi ra đồng. Ấy thế mà công điểm bao giờ cũng nhiều gấp mấy lần xã viên.
- Sao trong các cuộc họp, bà con không góp ý kiến? – Chi hỏi.
Hiền nói giọng chán nản:
- Ngoài việc họp các tối để bình điểm, có thấy Hợp tác tổ chức họp bao giờ đâu mà góp ý ạ. Mà có góp ý thì các ông ấy cũng có trăm ngàn lí do để thanh minh thanh meo.
- Có xuống ở lâu ngày với bà con, mới thấy Hợp tác xã có nhiều chuyện để bàn. Chị Hoang này. Người ta bảo chị nấu rượu lậu có đúng thế không?
Hoang thú thật:
- Đúng đấy chị ạ. Em nấu đã hơn hai năm nay rồi. Biết là sai và cũng cực nhục lắm, nhưng không làm chẳng biết lấy gì để nuôi con. Công việc của Hợp tác em làm không thiếu buổi nào, nhưng công điểm thì chị biết rồi đấy. Vụ chiêm vừa rồi em làm được một trăm hai mươi công. Hợp tác xã cân đối cho nhà em được một tạ tư thóc. Một tạ tư thóc mà bốn miệng ăn. Ăn từ khi thu hoạch vụ chiêm cho đến giờ, đến nấu cháo cũng không đủ chứ nói gì đến ăn cơm.
- Hoàn cảnh chị Hoang đúng như thế đấy chị ạ – Dậu nói – Anh ấy ốm nằm liệt giường đến hai năm mới mất. Hai năm lo thuốc thang cho chồng. Đến khi chú ấy mất, trong nhà chỉ còn mấy cái bát sứt và mấy cái xoong méo. Nuôi ba đứa con chỉ một mình chị ấy xoay xở.
- Một tạ tư thóc mà bốn mẹ con ăn trong vòng hơn bốn tháng thì đúng là khó khăn thật. Thu nhập nấu rượu lậu có thêm đủ vào nuôi các cháu không?
- Chẳng giấu gì chị. Nấu rượu kiếm gấp đôi công lao động của Hợp tác chị ạ. Mấy đứa con em không bỏ học cũng nhờ mấy nồi rượu.
Đứng ở giữa sân Ngọ nói rất to:
- Rơm đội đã chia xong rồi đấy. Hôm nay có hai mươi hai suất. Ưu tiên cho những hộ nuôi trâu của Hợp tác nhận trước. Để khỏi ganh tị nhau nhà nhiều nhà ít, chú Lấu sẽ viết tên từng người vào giấy gấp bỏ vào đống rơm. Bốc tên ai thì người ấy nhận. Bây giờ chú Lấu đọc tên những người được nhận rơm hôm nay. Bà con chú ý lắng nghe.
Lấu cầm một tờ giấy đọc to:
- Những người nhận rơm hôm nay gồm: Ông Mẫn, anh Thống, bà Xoan, bà Ngật, ông Thường, bà Quy…
Chi hỏi Dậu:
- Vì sao phải viết tên những người được nhận rơm bỏ vào đống rơm như bỏ phiếu kín thế?
- Một hình thức chống lại việc bà con đập dối đập dá đấy chị ạ. Chị còn lạ gì kiểu cách tính toán của nông dân. Trước đây, rơm ai đập thì người ấy nhận, nên nhiều người chỉ đập qua loa để gánh rơm về nhà vò lại. Làm thế này, ai cũng cố đập thật kỹ để nhà khác nhận rơm về không còn gì để mà vò.
- Nhân tiện anh nói đầu óc tính toán của nông dân, tôi nhớ đến chuyện gánh lúa của bà Ngật và bà Quy hôm qua, nghĩ lại thấy buồn cười quá.
Hoang:
- Em đói thì em trốn nhà nước nấu rượu lậu để nuôi con chứ em không làm như các bà ấy được chị ạ. Ăn cắp của Hợp tác có khác gì đi ăn cắp của nhà mình.
Hiền đứng lên:
- Chị ngồi đây nói chuyện với anh Dậu, em về lo cơm nước đây.
Hoang cũng đứng lên:
- Em cũng về lo cơm nước cho các cháu.
Hiền và Hoang đi. Còn lại Chi và Dậu. Dậu bảo Chi:
- Này, chị chú ý xem bà Ngật nhé. Bà ta đứng cạnh đống rơm phần mình đang nhìn láo liên thế kia, thế nào cũng xúc thóc cạnh đống rơm của bà ta đổ vào đống rơm của nhà mình cho mà xem.
Chi chăm chú nhìn về chỗ bà Ngật đang đứng. Bà Ngật cầm cái nón phe phẩy quạt nhưng mắt vẫn không rời đống lúa để cạnh đống rơm nhà mình và nhìn những người chung quanh. Lát sau, bà vẫn cầm nón vừa quạt vừa đi lần về đống lúa. Bà lại liếc nhìn quanh. Bất thần bà cầm cái nón vục rất nhanh vào đống thóc rồi bước nhanh về đổ thóc trong nón vào đống rơm nhà mình, tiếp tục đứng quạt như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Dậu hỏi:
- Chị thấy bà Ngật ăn cắp thóc bợm không?
- Giỏi thật. Đúng là không thể để tình trạng này kéo dài thêm được nữa. Để nó tồn tại không những làm cho nông thôn thường trực nguy cơ đói kém, mà nó còn hủy hoại cả bản chất thật thà, chăm chỉ cần cù, tắt lửa tối đèn có nhau của người nông dân anh ạ.
- Nhiều lúc cũng buồn lắm chị ạ. Làm anh đảng viên mà chân tay mình như bị trói buộc, chỉ biết đứng nhìn chứ chẳng biết làm gì hơn. Chắc chị còn nhớ chuyện có lần tôi viết đơn xin ra khỏi Đảng chứ?
- Tôi còn nhớ. Tôi hỏi thử anh. Nếu như được ở vị trí của chủ nhiệm Hợp tác xã, anh sẽ làm gì với tình hình hiện nay?
- Chị hỏi đột ngột quá nên tôi chưa nghĩ ra, nhưng nhất định tôi có cách làm cho Hợp tác xã có một bộ mặt hoàn toàn khác với hiện tại.
- Hôm họp để bàn vụ gặt, anh chẳng đề nghị để cho nhóm tự quản công việc và bỏ cái lệ đánh kẻng và họp đêm để bình điểm là gì?
- Đó chỉ là những giải pháp tạm thời thôi chị ạ. Vấn đề cơ bản là làm sao bà con thiết tha gắn bó với Hợp tác. Thực hiện đúng với câu khẩu hiệu Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Mà muốn thế thì trước hết Hợp tác xã phải đưa lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Có tiếng cãi nhau ở cuối sân Hợp tác. Chi đứng lên:
- Có chuyện gì thế nhỉ?
- Lại chuyện rơm rạ thôi. Đến khổ. Cứ có chuyện chia bôi là có chuyện cãi cọ. Chị về ăn cơm đi kẻo nhà Tế chờ, tôi đến xem có chuyện gì.
Nói xong Dậu đi về phía có tiếng cãi nhau.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương