Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 37
Xe của ông Kim chạy thẳng vào ủy ban tỉnh. Đến phòng làm việc của ông Quốc thấy vắng vẻ, ông hỏi người ở phòng bên cạnh:
- Ông Quốc đi đâu?
- Dạ, bác Quốc đi xuống các khu vực bị đánh phá sáng nay rồi ạ.
Ông Kim vội vã đi ra xe bảo Hành:
- Xuống các trận địa bảo vệ cầu Gia Liễn.
- Kiếm cái gì ăn cho ấm bụng rồi đi bí thư ạ. Em thấy đói quá.
- Cậu có cầm theo tem phiếu trong túi không?
- Em bao giờ cũng phòng thân chứ không như anh đâu.
- Vậy cậu ghé vào cửa hàng nào đó mua hai cái bánh mì, ta vừa đi vừa ăn.
- Trên đường đi ở cuối phố Trưng Trắc có cửa hàng mậu dịch ăn uống. Có khi ghé vào đấy làm bát mì không người lái cho ấm bụng chứ ăn bánh mì nóng ruột lắm anh ạ.
- Mì không người lái có phải nộp tem phiếu không?
- Anh cứ như người từ trên trời rơi xuống. Cái gì dính dáng đến lương thực mà không phải cắt tem phiếu.
Ông Kim cười:
- Tớ tưởng mì đong sổ gạo mới tính vào tiêu chuẩn lương thực chứ mì đã cán thành sợi nấu bán cho mọi người sao cũng phải tính tem phiếu?
- Chuyện ấy thì em chịu. Lát nữa xuống đơn vị cao xạ pháo trước hay xuống Đạo Thắng trước ạ?
- Xuống đơn vị trước và xem cầu cống bị đánh sập kiểu nào. Ông Quốc chắc đã điều Trưởng ty giao thông cùng đi xuống đó rồi. Ở Đạo Thắng có cô Chi ở đó chắc đã giải quyết chuyện thương binh liệt sĩ đâu vào đó rồi.
Ông Quốc và Thông, đại đội trưởng cao xạ đón ông Kim tại trận địa. Ông Kim hỏi:
- Tình hình thiệt hại sau trận đánh thế nào?
- Báo cáo bí thư, có hai đồng chí hy sinh. Sáu đồng chí bị thương và một khẩu 37 li bị hỏng nhẹ – Thông báo cáo với ông Kim.
- Giải quyết thương binh liệt sĩ đến đâu rồi?
- Những đồng chí bị thương nặng đã cho xe kéo pháo đưa lên bệnh viện của quân khu ngay. Còn liệt sĩ thì ban chính sách của tỉnh đội đang chờ xin chỉ thị của quân khu.
- Vẫn để anh em nằm ở trận địa? Thế nhỡ máy bay địch quay lại đánh phá tiếp thì sao? Trưởng ban chính sách đâu rồi ông Quốc?
- Các cậu ở tỉnh đội đi qua Đạo Thắng rồi.
- Bên tỉnh đội anh nào xuống?
- Tay Minh đi họp ở quân khu, chỉ có tay Lộc, tỉnh đội trưởng và các cậu ở Ban chính sách.
Ông Kim đi đến chỗ hai liệt sĩ được đặt nằm ngay ngắn ở trong một cái lán. Ông ngồi xuống vuốt tóc từng người. Chúng nó chắc chỉ bằng tuổi của thằng Tuyên con ông. Nếu người nằm trước mặt ông là thằng Tuyên thì sao nhỉ. Chắc ông cũng đau đớn trước nỗi mất con như bố mẹ của hai liệt sĩ này. Nỗi khắc nghiệt nhất của chiến tranh có lẽ là chết chóc. Đó là sự mất mát không gì bù đắp được. Ông Kim đưa tay vuốt tóc của hai liệt sĩ lần nữa rồi ngẩng lên nói với ông Quốc:
- Lấy xe kéo pháo đưa anh em về để ở hội trường ủy ban tỉnh cho đàng hoàng ông ạ.
- Tôi cũng định thế. Chờ cậu Lộc qua Đạo Thắng trở lại sẽ cho đưa anh em về hội trường ủy ban, đồng thời cho xe đi đón gia đình của anh em lên.
Ông Kim quay sang hỏi Thông:
- Hai cậu này người huyện nào?
- Một đồng chí ở Thạch Sơn, một đồng chí ở Yên Lộc ạ.
Đi đến một khẩu đội, thấy một chiến sĩ băng ở trên đầu vẫn ngồi trên mâm pháo, ông Kim cười hỏi:
- Mảnh bom Mỹ đã hỏi thăm vẫn không sợ hay sao mà ngồi chờ đánh nhau tiếp đấy đồng chí?
- Cháu phải trả thù cho cậu Khương và cậu Cận bác ạ.
Thông nói với cậu chiến sĩ:
- Bác chủ tịch tỉnh khi nãy đến thăm, tớ đã giới thiệu với các cậu rồi. Còn đây là bác bí thư tỉnh ủy.
Ông Kim hỏi:
- Cháu quê ở đâu?
- Cháu ở xã Cao Sơn, huyện Linh Sơn ạ.
- Cháu là con thứ mấy?
- Cháu là con cả ạ.
- Các cháu hôm nay chiến đấu dũng cảm lắm. Đã bắn một máy bay Mỹ rơi tại chỗ, bắt sống được phi công. Bác sẽ nói với bác chủ tịch thưởng cho các cháu.
Các chiến sĩ vỗ tay hoan hô. Ông Kim thấy lòng mình nhẹ nhõm phần nào.
- Cầu đường sắt bị bom sập có nặng lắm không? – Ông Kim hỏi ông Quốc.
- Gần như sập hoàn toàn – Ông Quốc trả lời.
- Gay nhỉ. Cậu Phóng trưởng ty giao thông có mặt ở hiện trường không?
- Cậu ấy đi xe với tôi đang cùng các đồng chí bên đường sắt bàn cách khôi phục lại cầu.
- Cầu đường bộ thì sao?
- Một quả bom rơi gần sát mố cầu khiến cầu hư hại nhẹ.
Thông nói:
- Từ khi chúng cháu nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu đến nay, chưa khi nào địch tập trung nhiều máy bay đánh phá ác liệt đến như vậy. Hết tốp này lại đến tốp khác thay nhau ném bom và phóng rốc-két liên tục gần nửa tiếng đồng hồ liền.
Ông Kim nói:
- Tình hình mỗi ngày càng thêm ác liệt. Anh em động viên nhau chiến đấu cho tốt. Trước mắt, tỉnh sẽ thưởng cho đơn vị hai con lợn một tạ để anh em bồi dưỡng sức khỏe.
- Vâng. Bí thư hãy tin ở đơn vị chúng tôi.
Ông Kim quay sang nói với ông Quốc:
- Ông qua Đạo Thắng xem tình hình ra sao và động viên anh chị em dân quân bên đó. Tôi đi ra ngoài cầu xem sao. Nếu cần có khi phải xin lực lượng công binh của quân khu chi viện. Cậu Thông lo giải quyết việc đưa hai chiến sĩ hy sinh về hội trường ủy ban và dùng xe tỉnh đội đi đón gia đình của anh em lên nhé. Đợi tớ và ông Quốc về sẽ bàn việc lễ tang và chôn cất anh em ra sao. Nếu gia đình muốn đưa về quê thì cũng phải tạo điều kiện tốt nhất, tổ chức đưa về cho chu đáo.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương