Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 29
Như thường lệ sau bữa cơm chiều là ông Kim, bà Thường và bà Lê ngồi quanh bàn uống nước nói đủ thứ chuyện, từ chuyện máy bay Mỹ ném bom vào dân thường cho đến hàng hóa khan hiếm.
Bà Thường hỏi:
- Chủ nhật tới cô có về thăm các cháu ở chỗ sơ tán không?
- Có chị ạ. Em vừa đong được mấy chục cân gạo phải đưa về cho các cháu nộp cho nhà bếp.
- Ăn cơm nhà bếp ở khu sơ tán chắc chẳng có gì. Tôi còn mấy lạng phiếu thịt cô cầm lấy, hôm nào đi ghé qua cửa hàng thực phẩm mua đem xuống làm cho chúng nó ăn một bữa.
Ông Kim bảo:
- Mọi người chịu được thì chúng nó chịu được. Không việc gì phải ưu tiên chúng nó hơn người khác. Đừng để chúng nó có ý nghĩ con bí thư tỉnh ủy là phải được hơn người, rồi dần dần sẽ coi thường người khác.
- Chú nghiêm khắc với chúng nó quá.
- Em cũng thường bảo anh ấy như vậy nhưng anh ấy bảo phải rèn luyện chúng ngay từ bé thì khi lớn lên chúng mới thành người có ích cho xã hội. Cứ làm như con cái nhà người khác lớn lên thành ăn cướp cả.
- Nếu không cho chúng nó sống cuộc sống của những người lao động, không chóng thì chày chúng nó sẽ hỏng. Đấy, chị xem tấm gương con anh Thống đấy. Dựa vào cái thế bố là thứ trưởng, chống lại lệnh gọi nhập ngũ. Khi Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố cho người xuống bắt lên định đưa ra toà án binh để xử thì anh ấy ngang nhiên can thiệp, đành phải thả ra. Rút cuộc cậu con trai anh ấy trở thành tên du thủ du thực, không tháng nào là không bị công an mời vào bốt, lại phải cạy cục đi xin.
- Tôi thấy mấy cháu con nhà cô chú chúng nó ngoan lắm. Cho ăn gì thì ăn, mặc gì thì mặc. Cháu Dương sắp thi vào đại học đến nơi rồi mà vẫn mặc cái quần xanh mẹ may cho bằng vải bao bột mì nhuộm xanh đến trường một cách tự nhiên. Tôi thấy yêu chúng nó lắm.
Ông Kim thở dài:
- Nhiều khi nhìn thấy lũ trẻ thiếu thốn cũng thương chị ạ. À, có chuyện này, hôm nay cô Chi vừa gọi điện kể chuyện cho tôi nghe về tình hình Hợp tác xã Gia Đạo chị ạ. Tức không chịu nổi.
Bà Thường thấy lạ hỏi:
- Sao thế?
- Hôm vừa rồi tôi bảo cô Chi về Gia Đạo bàn xem có tổ chức làm vụ xen canh để chống cái đói giáp hạt được không nhưng mấy tay trong Ban quản trị không chịu làm với lí do chuyển canh từ vụ chiêm qua vụ mùa thời gian ngắn, không trồng được cây gì cho thu hoạch kịp. Cô Chi đề nghị cứ chia đất tạm thời cho bà con tự lo giống trồng khoai tây hoặc khoai lang. Thời gian ngắn có đào củ ăn non còn hơn là ngồi ôm bụng chịu đói thì chúng nó lại lấy lí do lấy đất tập thể giao cho cá thể là vi phạm chủ trương, chúng nó không dám làm. Cô Chi cũng không thể dùng mệnh lệnh để ép buộc chúng nó được, chị nghĩ có tức không. Lần trước tôi đã trị cho chúng nó một trận ở ngoài ruộng rồi mà vẫn còn láo. Mấy thằng này không trị không xong với chúng nó.
Ông Kim vớ lấy điếu cày. Bà Thường giật lấy:
- Để tôi hút xong đã rồi chú hút. Cứ có chuyện gì là rít thuốc lào vô tội vạ, có ngày sặc khói tắc thở thì đừng có kêu.
Ông Kim ngồi yên một lúc, bỗng nhớ ra câu chuyện ông Sắc nói với ông chiều nay, ông bảo bà Thường:
- Có chuyện này tôi nói với chị luôn kẻo lát nữa lại quên.
- Chuyện gì thế?
- Chiều nay anh Sắc gặp tôi và báo cho biết tổ phái viên sắp xuống Hồng Vân để kiểm tra việc Hợp tác cho dân thầu cá ở ao nhà mình và chia đất cho xã viên làm vụ xen canh.
- Ai báo mà các ông ấy biết?
- Tay Đình.
- Sao chú Đình lại làm thế nhỉ?
- Chị gặp hắn mà hỏi chứ tôi chịu. Có lẽ sáng mai chị xuống Vĩnh Hòa ngay để báo cho tay Bằng và tay Mích biết để chuẩn bị đối phó. Còn khi nào tổ phái viên xuống thì chị và tôi sẽ xuống đó hỗ trợ chúng nó. Phải bằng mọi cách bảo vệ cho được cách làm ăn của Hồng Vân chị ạ. Để cho các ông ấy dập tắt nó là khó vực dậy lắm. Tôi định nếu tổ chức cho thằng Hồng Vân và Đằng Xá làm ăn thành công, tỉnh ủy sẽ ra Nghị quyết về đổi mới phương pháp làm ăn trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Bà Thường ngăn:
- Chú làm thì cứ lặng lẽ mà làm. Còn việc ra Nghị quyết bằng văn bản thì chú nên tính toán cho kỹ. Không khéo là mang hoạ vào thân đấy.
- Tôi có phản Đảng đâu mà sợ mang họa vào thân.
- Không phản Đảng, nhưng thế nào chú cũng bị quy là đi ngược lại đường lối của Đảng. Phải hết sức thận trọng khi nói và làm về một vấn đề gì đó trái với suy nghĩ của số đông. Tôi đã từng chứng kiến một số đồng chí có nhiều công lao cống hiến cho Đảng, nhưng chỉ vì khăng khăng giữ lập trường cá nhân của mình mà đi đến chỗ thân bại danh liệt.
Bà Lê góp lời:
- Chị Thường nói đúng đấy anh ạ. Anh thương nông dân thì cứ việc lặng lẽ mà làm. Đến một lúc nào đó việc làm của anh được chứng minh là đúng thì để cho cấp trên ra Nghị quyết chứ anh đừng có nhúng tay vào.
- Cầu an. Cầu an. Toàn những người cầu an – Nói xong ông Kim bỏ đi ra ngoài.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương