Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 140
Cuối cùng thì ông Kim vẫn viết xong bản tự kiểm điểm và bài báo đăng ở Tạp chí Học tập theo chỉ thị của ông Trung Chính. Khi đưa cho ông Côn đọc, đọc xong ông Côn cười bảo:
- Hoá ra anh cũng có tài nói dối.
- Tớ nhớ đến câu nói xưa nay trong dân gian một điều nhịn chín điều lành ông ạ. Trong chiến thuật quân sự đôi khi cũng phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Thôi thì một người chịu mang tiếng với Đảng nhưng thành quả của Nghị quyết 68 không mất là coi như mình chịu hy sinh để cho bà con nông dân được no ấm, không lo cái đói thường niên là tốt rồi.
Nhưng rồi cây muốn lặng gió chẳng đừng. Một buổi sáng ông Kim đang ngồi nói chuyện với ông Côn về việc mở thêm nghề phụ cho các Hợp tác xã nông nghiệp thì Phương vào.
- Báo cáo bí thư, có công văn của Ban bí thư vừa gửi xuống.
Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông Kim hỏi Phương:
- Cậu đã đọc chưa?
Phương đáp:
- Tôi chưa đọc.
- Đã quy định các công văn gửi tới chánh văn phòng có trách nhiệm đọc trước khi chuyển cơ mà.
- Công văn này có đóng dấu mật nên tôi không dám tự tiện đọc.
Ông Kim cầm lấy chiếc phong bì:
- Được rồi. Xin cám ơn cậu.
Phương ra khỏi phòng, ông Kim bóc công văn ra xem. Nét mặt ông trở nên nhăn nhúm, đau khổ. Ông Kim nói thì thào:
- Thế là chúng ta bị dồn đến tận chân tường rồi ông ạ. Ban bí thư ra Thông tri yêu cầu ngừng ngay công tác khoán hộ trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Nói xong ông Kim quẳng tờ Thông tri cho ông Côn. Đọc xong ông Côn nói:
- Thông tri này và bài nói chuyện của anh Trung Chính là một. Chỉ thêm phần biện pháp sửa chữa cụ thể. Đòn đánh bồi hiểm quá, không biết mình có gượng dậy nổi không.
Ông Kim ngồi trầm ngâm mãi mới hỏi ông Côn:
- Theo ông, ta làm gì bây giờ?
- Chỉ thị đã thành văn bản rồi thì chỉ có việc chấp hành chứ chẳng có cách nào hơn.
- Như thế thì bỏ mặc cho nông dân muốn ra sao thì ra à? Không được. Phải tìm mọi cách bảo vệ cho được những thành quả do Nghị quyết 68 đem lại.
- Anh tính bảo vệ bằng cách nào?
- Bằng cách nào sẽ tính sau, nhưng phải bảo vệ cho bằng được. Không thể để nông dân mất niềm tin vào Đảng.
- Tôi nghĩ bà con nông dân hết sức hoang mang khi biết tin này đấy ạnh ạ.
Ông Kim qua chỗ Đô bảo Đô báo cho các ủy viên thường vụ chiều họp rồi trở về nhà nằm ra giường thở dài. Bà Thường vào thấy vậy hỏi:
- Chú mệt à?
Ông Kim ngồi dậy:
- Chán quá chị ơi. Ban bí thư vừa gửi Thông tri xuống yêu cầu chấm dứt ngay việc khoán hộ và tổ chức xã viên học tập lại điều lệ của Hợp tác xã bậc cao để chấp hành cho tốt. Thế là coi như bao nhiêu công sức của cán bộ đảng viên từ cấp tỉnh cho đến cơ sở tan thành mây khói.
- Thông tri đến khi nào?
- Tôi vừa nhận xong cùng đọc với ông Côn rồi trở về đây.
Bà Thường bực mình thốt lên:
- Quá đáng quá đi mất. Bây giờ chú tính sao?
- Chỉ thị bằng văn bản hẳn hoi thì phải chấp hành chứ biết làm sao. Tôi định chiều nay hội ý Ban thường vụ để thông báo thông tri này và bàn biện pháp chấp hành. Ngày kia sẽ triệu tập chủ tịch và bí thư huyện ủy lên họp để thông báo và bàn kế hoạch sửa chữa.
Bà Thường chợt nghĩ ra điều gì đó nói giọng vui vẻ:
- Chú Kim này, hay là để tôi về gặp anh Trung Chính lấy tình thân quen trước đây nói thiệt hơn với anh ấy xem sao. Biết đâu anh ấy sẽ nghe ra.
- Chẳng ăn thua gì đâu chị ạ, chị có đi cũng chỉ mất công thôi. Chị thấy thái độ anh ấy hôm làm việc với Ban thường vụ, sau đó là buổi nói chuyện với các tỉnh ủy viên và cán bộ đầu ngành của tỉnh, đến bây giờ lại ra bản thông tri này thì biết thái độ của anh Trung Chính kiên quyết như thế nào rồi.
Bà Thường thở dài:
- Cũng là người Cộng sản mà vì sao suy nghĩ và tình cảm lại không có tiếng nói chung mới lạ. Ngày trước ông ấy viết những bài báo nói về nông dân hết sức sâu sắc, vì sao bây giờ lại quay lưng lại với cái đói nghèo của họ là thế nào?
- Nói rằng anh Trung Chính không quan tâm đến cuộc sống của nông dân cũng không đúng. Nhưng có lẽ anh ấy sống xa với thực tế hiện tại quá. Hoàn cảnh sống của anh ấy bây giờ cũng khác xa. Ngày xưa còn mặc quần áo nâu ngồi ăn cơm với nông dân, ngày nay sống trong bốn bức tường của biệt thự. Ngày trước anh ấy chống gậy băng rừng lội suối với chị em mình. Bây giờ đi đâu cũng rùng rùng có người bảo vệ, dân không được đến gần. Làm việc thì chủ yếu thông qua báo cáo của cấp dưới mà cái loại cấp dưới quan liêu và cơ hội như tay Bao, tay Đỗ còn ối. Rút cuộc thì cái anh nông dân vẫn là loại đầu chày đít thớt. Có kêu cũng chẳng đến trời. Không biết làm cách nào để duy trì được phương thức khoán hộ đây. Bỏ khoán hộ cũng có nghĩa từ bỏ no ấm để quay trở về với đói nghèo chị ạ.
Bà Thường không nói gì mà chỉ kêu lên:
- Chán quá đi mất!
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
72 chương
23 chương
49 chương
610 chương
1033 chương