Ông Mẫn cầm lá đơn đi vào phòng Chủ tịch xã Đạo Thắng. Noãn, Chủ tịch đang làm việc ngẩng đầu lên hỏi: - Có việc gì đấy bác? Ông Mẫn cầm lá đơn có xác nhận của ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo đặt xuống bàn: - Thưa ông Chủ tịch. Ngày kia nhà tôi có công việc trọng đại là sang cát cho ông cụ nhà tôi. Tôi có lá đơn xin phép Hợp tác xã và ủy ban cho tôi mổ con lợn khoảng năm mươi cân, mong ông xét cho. Noãn mời ông Mẫn ngồi rồi cầm lá đơn lên đọc. Ông Mẫn ngồi đưa mắt lo lắng nhìn từng cử chỉ của Noãn. Lát sau Noãn đặt lá đơn xuống bàn: - Trường hợp của bác xem ra rất khó giải quyết. Hợp tác xã đã xác nhận như thế này rồi, nếu ủy ban linh động giải quyết cho bác, thế nào Ban quản trị Hợp tác Gia Đạo cũng phê bình chúng tôi là coi thường chữ ký xác nhận của họ. - Miễn sao ông Chủ tịch ký lệnh cho phép nhà tôi mổ lợn. Còn chuyện ở Ban quản trị, ông cứ để tôi lo. Toàn là anh em trong nhà trong họ cả mà. Chỉ vì sợ ủy ban phê bình tự ý cho phép tôi mổ lợn nên mới có lời xác nhận chi tiết như vậy để cho tình ngay mà lí cũng ngay thôi. - Chữ nghĩa là chữ nghĩa bác ạ. Thôi thế này, tôi phê vào lá đơn của bác là tùy Hợp tác nghiên cứu để giải quyết. Bác thấy thế nào? Ông Mẫn thấy không thể nhịn nhục được nữa liền lớn tiếng: - Hợp tác bảo lên ủy ban, ủy ban bảo về Hợp tác. Tôi có phải quả bóng đâu mà các ông đá qua đá về chơi với nhau. Các ông hành dân cũng hành vừa vừa để cho dân thở với chứ. Sang cát bố người ta mà không cho mổ lợn, có đời thủa nhà ai như vậy không. Nói xong, ông Mẫn đứng lên đùng đùng bỏ ra khỏi phòng. Noãn gọi với theo: - Bác ơi, bác còn quên lá đơn xin mổ lợn của bác đây này. - Ông Chủ tịch xé hộ tôi – Nói nhưng ông Mẫn không thèm ngoái đầu lại. Về đến nhà vừa bước vào sân ông Mẫn đã gọi to: - Thằng Quýnh có ở nhà không ra tao bảo. Quýnh nghe bố gọi chạy ra: - Bố bảo gì con ạ? - Mày qua gọi chú Cẩm qua đây cho tao. Bảo chú ấy tao có việc gấp cần bàn với chú ấy. Quýnh chạy đi. Lát sau, Quýnh trở về nhà cùng với ông Cẩm. - Có chuyện gì mà bác cho gọi em sang gấp thế? – Ông Cẩm hỏi. - Không xong rồi. - Việc gì không xong? - Mổ lợn. Ban quản trị đùn đẩy lên ủy ban, ủy ban lại đùn về Hợp tác. Lí do họ nói là hai năm nay tôi chưa nộp đủ lợn nghĩa vụ nên không cho mổ lợn. Tôi cho cháu cho gọi chú sang để bàn nên làm thế nào. Chú chuẩn bị mọi việc sáng ngày kia xong chưa? - Em và cháu Quýnh đã chuẩn bị hòm hòm rồi. - Có thuê được đèn măng-sông không? - Thuê được một chiếc thôi bố ạ. Con đã đưa về đây rồi. - Có mua thêm được dầu không? - Dầu người ta bán tem phiếu, mua làm sao được hả bố? - Mua chui là có tất. Cũng phải chuẩn bị thêm nhiều đuốc vào. Đang làm mà đèn đuốc thiếu là bỏ mẹ đấy. Bây giờ ta bàn chuyện mổ lợn nhé. Tôi tính đêm nay bắt lợn đưa qua nhà chú để thịt. Ông Cẩm ngạc nhiên hỏi: - Ngày kia mới làm cỗ sao đã mổ lợn tối nay? - Trên đường từ ủy ban về đây tôi tính hết cả rồi. Biết nhà ta có công việc mà không được mổ lợn, tối mai thế nào cũng có những đứa nỏ mồm rình mò xem ta có mổ lợn chui không. Nếu chúng nó biết mà báo cho Hợp tác, chúng nó cho dân quân đến ngăn cản là hỏng hết. Trời rét này lợn mổ xong có để đến dăm bảy ngày cũng chẳng ươn thiu gì đâu mà lo. Cẩn tắc vô áy náy. Đêm nay ta mổ bố đứa nào ngờ được. - Bác tính như vậy là quá chu đáo rồi. Nhưng bắt lợn khiêng từ đây qua nhà em thế nào mà nó chẳng kêu ầm ĩ lên, giấu làm sao được? Ông Mẫn cười khùng khục trong mồm: - Tao học được cách khác rồi. Năm ngoái cho sặc nước lợn vẫn kêu nên ối đứa biết tao mổ lợn chui đem đi bán chợ đen. Nói lợn chết do say lá sắn có đứa nào tin đâu. Sáng nay tay Doanh, phó chủ nhiệm còn nhắc chuyện lợn say lá sắn khiến tao ngượng chín mặt. Quýnh hỏi: - Bây giờ bố học được cách gì? Ông Mẫn thì thào làm như sợ người khác nghe: - Cho tro bếp vào nửa bao tải đựng phân đạm rồi trùm vào đầu lợn. Chỉ cần lợn định ngoác mồm ra kêu là bao nhiêu tro vục vào miệng chỉ còn biết ặc ặc, có ghé tai vào cũng chẳng nghe được tiếng lợn kêu. Hai chú cháu Quýnh cười khoái trá. Quýnh hỏi: - Bố học đâu được cách bắt lợn trộm giỏi thế? - Tao ngồi uống nước chè xanh ngoài quán bà Đót nghe mấy khách đi đường ngồi uống nước kể chuyện bọn trộm đi trộm lợn nên nghe lỏm được. Các cụ nói [bad word] sai. Đi ngày đàng học sàng khôn. Nói vậy thôi nhưng cũng nên cẩn thận cho ăn chắc. Chiều nay hai chú cháu lấy tranh tre nứa lá che cái bếp cho thật kín, đừng để một ánh lửa như que diêm lọt ra ngoài. Tối chờ họp bình điểm xong ai về nhà nấy đắp chiếu ngủ ngon, đường làng vắng tanh vắng ngắt mới bắt đầu đỏ lửa đun nước hành sự. Có công có việc động viên mọi người vất vả thức khuya một tí. Rã thịt xong cho vào buồng lấy nong đậy lại, dọn sạch đâu vào đó đừng để lại một vết tích gì bấy giờ mới đi ngủ. Hai chú cháu nhớ chưa. Thím Hoa cái mồm hay bép xép lắm đấy. Bảo thím ấy xong việc của ông bấy giờ muốn nói gì thì nói. Đường nào sau khi bày cỗ xong, thấy nhiều thịt lợn người ta cũng biết mình mổ chui. Bất quá chịu phạt như ông Ngũ năm ngoái là cùng. Phạt mà việc của ông êm ấm đâu vào đó cũng là thoả tấm lòng. Xong việc, tôi làm đơn xin ra Hợp tác, thế là khoẻ. Cơm mình, mình ăn, ruộng mình, mình cày. Muốn làm gì thì làm chẳng phải xin phép xin tắc thằng đếch nào cả. Ông Cẩm can: - Vào Hợp tác thì dễ, xin ra khó lắm bác ạ. Người ta có cho bác ra bác cũng chẳng làm riêng rẽ được. Nước Hợp tác quản, bác có nước đâu mà cho vào ruộng. Phân bón, thuốc trừ sâu cũng nằm trong tay Hợp tác. Những thứ đó đều bán cung cấp, bác mua đâu ra để bón ruộng, diệt sâu? Không trói mà giống như trói. Bác vùng vẫy thì chỉ có trầy da róc xương của bác chứ chẳng được cái gì. Ông Mẫn than: - Chó má thật. Thôi, bây giờ chú và cháu Quýnh về bên nhà chú che bếp lại cho kín đi. Tôi chạy lên phố huyện xem thuê thêm được cây măng-sông nào không rồi lùng con phe mua thêm ít dầu hoả. Ai đi việc của người nấy.