Bí Mật Một Gia Tài
Chương 10
Cuộc đụng độ với nước lửa thế mà gây hậu quả cho hai người liên quan. Đứa bé bị sốt nặng ngay trong đêm ấy, còn Fêlixitê sáng hôm sau thức dậy đầu đau dữ dội. Tuy vậy cô vẫn làm đủ mọi việc thuộc phần mình, cánh tay bị thương không làm cô lúng túng, vì thứ cao đặc biệt đã công hiệu ngay từ lúc đêm.
Giáo sư về đến nhà vào buổi chiều. Anh vừa thành công trong một ca phẫu thuật mắt mà cho đến lúc ấy chưa một nhà giải phẫu nào tiến hành. Trong dáng đi của anh vẫn thể hiện vẻ lười biếng thật bình thản, vô tư, không gì có thể làm mất thăng bằng, căn cứ theo bề ngoài. Màu da khoẻ mạnh của anh không đậm sắc hơn, nhưng người nào quen thuộc với cái nhìn của anh tất phải ngạc nhiên vì ánh mắt khác thường dưới đôi mày rậm. Cặp mắt xám lạnh hình như được tạo ra chỉ để thăm dò không xúc động cuộc sống tâm lý người khác cũng có những lúc toả ra ấm áp và hài lòng nội tâm.
Anh đứng lại bên cửa sân hỏi thăm sức khoẻ Vêrônic, tay xách xô nước đang đi vào tiền sảnh.
- Tôi thì lại khỏe rồi, thưa giáo sư, – bác trả lời và đặt xô nước xuống. – Nhưng ở đằng kia, – bác chỉ cái cửa sổ tầng dưới phía bên kia sân, – ả Carôlin đã ốm đau làm sao đó vì vụ lửa cháy hôm qua. Tôi gần như không nhắm mắt được vì ả nói mê suốt đêm, hôm nay ả đi đi lại lại với bộ mặt đỏ gay gắt...
- Đáng lẽ phải nói việc ấy sớm hơn, bác Vêrônic ạ – giáo sư ngắt lời, giọng nghiêm khắc.
- Tôi đã thưa với bà chủ rồi, ý bà là cứ để mặc rồi sẽ khoẻ: Đã bao giờ mời thầy thuốc cho Carôlin đâu, thế mà ả vẫn cứ lớn... Cỏ dại có bao giờ chết đâu, thưa giáo sư! Vả lại cũng chẳng có ích gì nếu muốn tỏ ra tốt bụng với nó, – bác nói thêm như để thanh minh cho mình, khi thấy anh sa sầm mặt, – ngay từ bé, nó đã là đứa cứng cổ, luôn có những kiểu cách riêng, cứ như bà hoàng... Lạy chúa, con gái người làm trò rong là cái thá gì...! Nhiều lần có món quay ngon hay miếng bánh ngọt làm cho bà chủ, tôi để lại cho nó vài miếng... Trời ơi, ai thì cũng có một trái tim chứ! Tưởng rằng nó động đến! Không đời nào, thế là tôi lại phải dọn đi. Thưa giáo sư, cậu thấy đấy, lúc còn bé mà nó đã cư xử như vậy! Từ khi ông nhà mất, có bao giờ nó được ăn no, thế mà nó vẫn lớn lên như thổi có lạ không?... Mọi sự chỉ do bướng bỉnh và kiêu căng một cách tội lỗi, không bao giờ nó nhận quà tặng, tuyệt đối không! Chính tai tôi nghe thấy nó nói với Hăngri rằng: “Khi nào ra khỏi cái nhà khủng khiếp này, tôi sẽ đem hết sức lực ra làm việc và gửi hết tiền kiếm được cho bà chủ cho đến bao giờ trả xong từng miếng bánh tôi ăn ở đây”.
Bác bếp già không nhận thấy trong lúc bác tâm sự thì mặt người nghe mỗi lúc máu càng dồn lên đỏ bừng. Bác chưa kịp nói hết anh đã đi qua sân, không một lời đáp lại, tiến về phía cửa sổ vừa chỉ. Đây là một cửa sổ to hình vòm cung, khuôn cửa ốp đá cho đến tận dưới khung, đây là gian phòng Vêrônic và Fêlixitê ngủ. Hai cánh cửa mở toang, lộ rõ những bức tường trần trụi, trát vôi vữa và các đồ đạc tồi tàn...
Cô gái đang ngồi bên cửa sổ ấy, con người bị đày ải, bướng bỉnh, không bao giờ ăn no trong khi hầu hạ người khác, muốn làm đến kiệt sức để có thể kiêu hãnh vượt qua mọi ràng buộc, thứ kiêu hãnh tồn tại một cách sắt đá như ở nam giới giữa cảnh bị nhục mạ tệ hại, một tâm hồn cương nghị với sức mạnh vô tận, tất cả những thứ ấy lại tập trung trong cô gái đang ngồi co lại trong một dáng điệu còn non trẻ và duyên dáng. Có vẻ như cô đang ngủ. Đầu cô gục xuống cánh tay đặt trên bàn, da mặt mịn màng và bộ tóc bóng mượt lộng lẫy nổi bật trên nền đá xám đã bị mòn vì thời gian. Nét mặt trang nghiêm thanh khiết, có vẻ như đang ốm với đôi môi hơi mím lại và vết hằn ở khoé môi trễ xuống một cách buồn bã. Cặp mi đen che đôi mắt thường loé lên những tia chớp cay đắng và oán ghét.
Giáo sư rón rén lại gần, anh ngắm nhìn cô một lúc không động đậy rồi anh cúi lại gần cô.
- Fêlixitê! – giọng nhẹ nhàng và thương hại, anh gọi.
Cô giật mình và không thể tin được mắt mình, cô nhìn người mới đến. Tên cô, do anh ta thốt ra, làm cho cô như bị sét đánh. Nhưng cô ngồi thẳng lại và đứng lên ngay lập tức, từng cơ bắp căng thẳng, như để đẩy lui một đòn tấn công thù địch.
Giáo sư làm như không trông thấy biến đổi ấy.
- Tôi nghe Vêrônic nói cô ốm, – anh nói giọng quen thuộc, điềm đạm và ân cần của người thầy thuốc.
- Tôi cảm thấy khoẻ rồi, – cô trả lời, – được nghỉ ngơi không bị phiền phức, bao giờ tôi cũng chóng khỏi.
- Hừ! Nhưng nét mặt cô...
Anh không nói hết câu, chỉ giơ tay muốn cầm cổ tay cô. Cô lùi lại vào trong mấy bước.
- Hãy biết lẽ phải, Fêlixitê! – Anh nói tiếp, giọng vẫn trang trọng và ân cần nhưng cau mày lại khi thấy cô gái không động đậy. Dù râu anh rậm nhưng vẫn nhìn thấy môi anh bực tức mím lại.
- Vậy thì tôi sẽ không nói với cô như người thầy thuốc mà như người bảo trợ – anh gay gắt nói – với tư cách ấy tôi ra lệnh cho cô lại đây ngay lập tức.
Cô không nhìn lên, đôi mi hạ thấp hơn nữa xuống, hai má đỏ gay, ngực cô phập phồng do xung động mạnh trong nội tâm, nhưng cô thong thả tiến lại và không nói một lời, quay đầu đi, cô giơ tay và anh nhẹ nhàng cầm bàn tay ấy trong tay mình. Bàn tay ấy nhỏ, thon, chai lại vì làm lụng vất vả, rung bần bật đến nỗi lòng trắc ẩn lộ rõ trên nét mặt khắc khổ của người thầy thuốc.
- Thật như một đứa trẻ bướng bỉnh và điên rồ, một lần nữa cô buộc tôi phải tỏ ra nghiêm khắc với cô! – anh nói, – trong khi tôi muốn cô không có một hành động hằn thù nào... Đối với mẹ tôi và tôi, cô không có cách nhìn nào khác ngoài lòng căm ghét không nguôi ư?
- Người ta chỉ hái gặt được cái gì họ gieo trồng – cô trả lời giọng nghẹn ngào. Cô vẫn cố rút tay ra và mắt cô gắn vào những ngón tay đang nắm cổ tay mình, vẻ kinh hoàng như đấy là sắt nung đỏ.
Bàn tay ấy, anh đột ngột buông xuống. Vẻ khoan dung và thương xót không còn trên nét mặt anh, anh cáu kỉnh gõ đầu can xuống nền nhà, Fêlixitê thở nhẹ, anh phải như thế chứ, gay gắt và tàn nhẫn, giọng thương hại của anh làm cô ghê sợ.
- Lúc nào cũng lời trách móc ấy – sau đó anh lạnh lùng nói – tính kiêu căng thái quá của cô chắc thường bị xúc phạm, có đúng rằng chúng tôi có nhiệm vụ phải đưa cô đến với những ý muốn khiêm tốn nhất không?... Tôi có thể chịu sự oán ghét của cô không áy náy, vì tôi chỉ muốn điều tốt cho cô. Còn mẹ tôi... khó mà chiếm được tình cảm của bà, tôi không chối cãi điều ấy, nhưng bà công bình trong mọi trường hợp, và lòng kinh sợ Chúa của bà cũng đủ để tránh cho cô mọi đau khổ thực sự... Cô đã đến lúc chuẩn bị bước vào đời và bay bằng đôi cánh của chính mình, vì vậy, trong hoàn cảnh của cô, trước hết phải biết nghe lời, phải mềm mỏng... Làm thế nào cô giao thiệp được với mọi người bằng những ý nghĩ lệch lạc cố duy trì tính bướng bỉnh như vậy. Làm thế nào cô chiếm được dù chỉ một trái tim thôi với cặp mắt cao ngạo như thế?
Cô ngước mặt nhìn anh một cách bình thản và cương quyết:
- Nếu có người chứng tỏ rằng các ý nghĩ của tôi không phù hợp với đạo đức và lý trí lành mạnh, tôi sẽ từ bỏ chúng không khó khăn, – cô trả lời, giọng nói trầm và diễn cảm – Nhưng tôi biết rõ điều này, tôi không phải là người duy nhất chắc chắn rằng không một ai, dù người ấy là gì, có quyền buộc tội người khác phải chết về mặt trí tuệ, tôi biết hàng nghìn người khác cũng như tôi rằng thật bất công và đáng trừng phạt khi từ chối không cho tâm hồn của một con người được quyền có khát vọng vươn cao, bởi vì tâm hồn ấy ngụ ở trong một cơ thể có nguồn gốc thấp kém... Tôi sẽ ra đi không chút sợ hãi giữa mọi người, vì tôi tin ở họ và hy vọng chắc chắn rằng đối với họ tôi sẽ không cần phải tỏ ra kiêu ngạo... Một đứa trẻ bất hạnh như tôi, bắt buộc phải sống giữa những người không có lòng nhân ái, không có thứ vũ khí nào khác ngoài vẻ kiêu ngạo của mình, không có chỗ nương tựa nào khác ngoài nhận thức mình cũng là một đứa con của Chúa, một linh hồn thoát ra từ khí thiêng của Chúa. Tôi biết rằng, với Người, được tồn tại các cấp bậc, các bức chắn của xã hội loài người, đó chỉ là do con người tạo ra và tâm hồn nào càng nhỏ nhặt, thảm hại càng bám chặt lấy nó.
Cô thong thả quay đi và khuất sau cửa phòng gần bếp. Anh đứng bên ngoài nhìn theo cô bằng cặp mắt kinh ngạc. Rồi anh ấn mũ lên đầu và đi về nhà. Có gì đã xảy ra trong cái đầu cúi xuống ấy? Chắc không ai đoán được, nhưng có điều chắc chắn là ánh mắt của anh lúc mới về đã tan đi chỉ còn những ý nghĩ đè nặng trên đôi lông mày cau lại.
Trong phòng tiền sảnh có cả luật sư và Hăngri. Bác sĩ ngước mắt lên và hình như vừa ra khỏi một giấc mơ khi tiếng của họ vang đến tai anh.
- Này, giáo sư, cậu có khách hàng ngay trong nhà đấy à? – luật sư hỏi và chìa tay – Vụ hoả tai đã để lại hậu quả ác liệt, theo như mình biết... đứa bé...
- Bị ốm nặng, – bác sĩ bổ sung một cách lạnh lùng.
Anh có vẻ như không muốn giải thích gì thêm nữa.
- Ôi, thưa giáo sư, điều ấy có lẽ không hệ trọng lắm! – Hăngri nói – con bé ấy vốn là đứa bé bệnh hoạn, rên rỉ suốt tối ngày... Nhưng khi một cô gái như Fê, cả năm không hề đau ốm mà phải cúi đầu thì thật đáng sợ.
- Hừ, tôi không hề thấy cô ta cúi đầu, – giáo sư nói bằng giọng khắc nghiệt lạ thường, – đầu cô ta ngẩng lên rất vững vàng giữa hai vai, bác có thể tin chắc như thế, Hăngri ạ!
Anh bước lên thang gác cùng với luật sư. Từ những bậc trên cao, Annet chạy đến với họ, nó đi chân không, mặc áo ngủ, mặt nó đỏ ửng vì sốt, và hai mắt sưng húp vì khóc.
- Mẹ đi rồi, Rôda đi rồi, Annet muốn uống nước – Nó nói với Giôhanex.
Anh bế nó lên đem trở lại phòng ngủ. Không có ai ở đấy. Bực tức, anh gọi người hầu gái. Cánh cửa ở phía xa mở và mặt đỏ bừng, bàn là cầm tay, Rôda chạy đến. Ở phía ấy, trong gian phòng khác, trên chiếc bàn để là lồng bồng một đám mây vô tận vải tuyn trắng.
- Chị chui vào chỗ nào thế? Sao chị lại có thể để con bé một mình? – anh mắng người hầu.
- Ôi, thưa giáo sư, tôi làm sao có thể cắt mình làm đôi được, – chị hầu cãi và khóc vì tủi giận – Bằng bất cứ giá nào bà chủ cũng phải có một cái áo mới giặt và là vào sáng mai... việc giặt, là, làm mãi không xong, nếu ông biết rõ rằng, một chiếc áo loại này là một công việc cực lớn...
Chị dừng lại, luật sư cười giòn tan:
- Ôi, người đàn bà trong chiếc ao tuyn trắng giản dị – Anh nói và ôm bụng vì nhìn bộ mặt cau có và lúng túng thật hài hước.
- Bà chủ bảo rằng – Rôda tiếp tục biện hộ, – Annet chỉ bị sốt nhẹ, bé hoàn toàn có thể một mình trong nửa tiếng đồng hồ, bà đã để đủ thứ đồ chơi trên giường cho nó...
- Thế cô em họ tôi đâu rồi? – giáo sư cáu kỉnh ngắt lời.
- Bà ấy đến hội bảo trợ với bà nhà.
- À, ra thế! – anh thịnh nộ thốt lên – Đi làm nốt việc của chị đi, – anh ra lệnh và chỉ ra cái cửa chị hầu đã đi vào. Rồi anh gọi Vêrônic. Nhưng bác bếp tay đang đầy bọt, bác bảo Fêlixitê lên.
Cô gái bước lên thang. Má cô vẫn còn hồng lên vì nội tâm xáo động, nhưng mắt cô lướt nhìn một cách lạnh lùng nghiêm trang bộ mặt nổi nóng của giáo sư. Cô đứng lại, thái độ vững vàng và bình tĩnh, lặng lẽ đợi lệnh của anh. Trông rất rõ là anh miễn cưỡng phải nói với cô.
- Con bé Annet không có ai trông nom... cô có thể ngồi với nó cho đến lúc mẹ nó về không? – anh hỏi, ai thính tai có thể xác nhận rằng anh cố tạo cho lời nói có giọng ôn tồn...
- Rất sẵn sàng – cô trả lời – nhưng tôi thấy có trở ngại: bà nghị, không muốn nhìn thấy tôi ở bên con bà. Nếu ông bằng lòng chịu trách nhiệm thì tôi sẵn sàng.
- Được, tôi bằng lòng.
Cô bước vào phòng ngủ và khép cửa lại. Luật sư nhìn cô đi qua bằng cặp mắt sáng ngời.
- Kỳ lạ thật, Hăngri gọi cô ta là Fê, – anh nói với giáo sư khi bước lên tầng trên với anh – tuy nghe có vẻ lạ khi cái tên ấy được thốt ra bằng giọng thô thiển của bác đầy tớ, nhưng nó phù hợp tuyệt vời với sự xuất hiện ấy... Mình thú thật điều này, mình không hiểu nổi bà mẹ cậu và cậu lấy đâu ra thứ can đảm để đặt cô gái kỳ diệu ấy ngang hàng với bác bếp già và đứa hầu phòng ngu ngốc dưới kia.
- À, theo cậu thì chúng tôi phải phủ nhung lụa lên cô ta hay sao? – giáo sư kêu lên một cách nóng nảy bạn anh chưa từng thấy. – Và vì gia đình Hêluy không được ban cho một đứa con gái thì chỗ trống ấy, theo quan điểm của cậu, có thể dành cho cái cô Fê ấy hay đúng hơn là con nhân sư, như mình gọi... cậu lúc nào cũng là người mơ mộng vẩn vơ... Vả lại, – giọng anh rung lên vì nội tâm bối rối – cậu có thể tự do chọn con gái người làm trò rong làm bà Frăngcơ, mình chấp nhận cho cậu nhân danh người bảo trợ.
Bộ mặt thanh nhã của luật sư đỏ đến mang tai. Anh nhìn phố Chợ qua cửa sổ một lát – trong khi trò chuyện, họ đã vào phòng giáo sư – rồi anh mỉm cười quay lại:
- Như mình hiểu, con người cô ta thì không hề băn khoăn đến sự chấp nhận của cậu. Mình sẽ chỉ cần đến sự quyết định của chính cô ấy, – anh đáp lại với vẻ giễu cợt, – và nếu cậu tưởng làm cho mình hoảng sợ khi nghe tiếng “con gái người làm trò rong” thì cậu nhầm to rồi, giáo sư rất thân mến của tôi ạ... Cậu thì đúng thế đấy, với các nguyên tắc của cậu, cậu không thể hiểu thấu triệt được một quan niệm như thế mà thần kinh không bị lay động mạnh. Con một người làm trò rong có một trái tim ấm áp và dòng máu lạnh của các đại thương gia danh giá chảy trong huyết quản cậu chắc chắn không thể hài hoà với nhau được!
Fêlixitê ngồi được nửa giờ với con bé thì bà nghị về. Mặt bà sầm xuống khi trông thấy cô gái.
- Sao cô lại ở đây, Carôlin? – bà hỏi giọng sắc như dao, – ném ô, nóng nảy tháo bao tay,
– chắc chắn là tôi không nhờ cô giúp việc này!
- Nhưng tôi, tôi đã yêu cầu cô ấy! – Giáo sư nói một cách gay gắt và đột ngột xuất hiện trên ngưỡng cửa, – con cô cần người trông nom. Nó đi chân đất đến với tôi ở cầu thang.
- Sao lại thế được! Này Annet, tại sao con lại không vâng lời như thế?
- Ađen, có thật cô còn lưỡng lự chưa biết rõ vấn đề ai là người đáng trách ở đây không?
– Giáo sư nói và vẫn cố tự chủ, nhưng giọng anh đã nổi nóng.
- Trời ơi, em rất phiền muộn vì sai sót của cái con người quên nhiệm vụ, con Rôda ấy... Nó chẳng phải làm một việc gì ngoài trông nom con bé, nhưng em biết mà, chỉ quay lưng đi là nói đã ra đứng tựa cửa sổ, hay đứng trước gương...
- Trong lúc này, chị ta đang tình cờ đứng trước bàn là và đổ mồ hôi trán sửa soạn cho xong bằng bất cứ giá nào cái áo cho cô mặc ngày mai, – giáo sư ngắt lời và nhấn mạnh từng tiếng, giọng nhạo báng.
Bà nghị giật mình. Mặt bà hiện rõ vẻ bối rối cực độ, nhưng bà trấn tĩnh lại rất nhanh.
- Trời ơi, thật ngớ ngẩn chưa? – Bà kêu lên. Trán bà nhăn lại vì bực bội. – Nó lại không hiểu rõ ý em rồi. Em thường bị rủi ro như thế đấy.
- Được, – anh thốt lên – cứ cho rằng có sự nhầm lẫn đi, nhưng sao cô lại giao cho một mình chị ta, người mà cô vừa nói là lơ đễnh, trông nom đứa con ốm đau của cô?
- Giôhanex, một nhiệm vụ thiêng liêng kêu gọi em! – bà goá trẻ ngước cặp mắt sùng tín đến ngây ngất nhìn lên.
- Điều thiêng liêng nhất của cô là nhiệm vụ làm mẹ! – anh cáu kỉnh nói tiếp. – Tôi không gửi cô đến đây để hợp tác với các công việc từ thiện, mà duy nhất chỉ vì đứa bé.
- Lạy Chúa, anh Giôhanex, nếu bác và cha em nghe thấy lời anh nói!... Trước kia anh nghĩ khác.
- Tôi đồng ý với cô như thế. Nhưng sau đó, tôi đã nghĩ theo ý mình. Nếu một ngày kia cô có thể kể lại với Đấng Vĩnh Hằng hàng trăm linh hồn trẻ thơ được gỡ khỏi dị giáo, điều này cũng không thể biện minh cho cô khỏi bị chê trách là trong khi làm việc kia cô đã để cho con cô chết....
Mặt bà nghị đỏ bừng như hạt lựu. Bà ta cố lấy lại bình tình và sự dịu dàng quen thuộc đã thắng thế.
- Đừng quá nghiêm khắc với em như thế, Giôhanex! Hãy nghĩ rằng em chỉ là một người đàn bà yếu đuối nhưng em luôn mong muốn điều tốt... Nếu em có lỗi, chủ yếu là do quý mẹ anh, bác muốn em cùng đi... Điều đó sẽ không xảy ra nữa.
Người thiếu phụ ôm đầu con gái vào hai bàn tay và hôn phớt lên cái trán nhỏ nóng bỏng vì đang sốt.
- Bây giờ tôi có thể tiếp tục trông Annet và cảm ơn cô tận đáy lòng vì cô đã làm thay tôi.
Cô gái đứng lên nhưng đứa bé khóc nức nở và giơ hai tay túm chặt cánh tay cô gái.
Giáo sư bắt mạch cho nó.
- Nó sốt cao, tôi không thể cho phép để nó bứt rứt hơn nữa, – anh nói với Fêlixitê, hoà nhã và lạnh lùng, – cô có thể chịu khó ở lại đây cho đến khi nó ngủ không?
Cô lặng lẽ ngồi vào chỗ cũ. Anh đi ra.
Ngay lúc ấy bà nghị chạy về phòng mình và sập cửa lại, Fêlixitê nghe tiếng bà đi đi lại lại trong phòng riêng chân bước hối hả, bực dọc. Bỗng cô nghe xuyên qua cửa một âm thanh chát chúa, có thể nói là tiếng xé vải. Annet nhỏm dậy, lắng tai nghe rồi run lẩy bẩy, âm thanh kia lặp lại, khoảng cách mỗi lúc một gần hơn.
- Mẹ ơi, Annet ngoan rồi, đừng làm thế nữa! A, mẹ ơi, đừng đánh Annet! – Con bé bỗng như người mê hoảng.
Đúng lúc ấy Rôda bước vào. Bộ mặt tươi tỉnh của chị hầu tái đi và kinh hoàng.
- Đấy, bà ấy lại xé nữa đấy... tôi nghe thấy ở đầu cầu thang. – Chị thì thầm với Fêlixitê vẻ khinh bỉ vô tả. – Nín đi, em bé của chị, – chị thì thầm vào tai đứa bé cho nó dịu lại – mẹ không làm gì bé đâu; mẹ không đến đây và sắp vui vẻ lại rồi.
Cửa đóng ầm một tiếng, bà nghị vừa đi ra. Rôda vào phòng rồi trở lại ngay với một nắm giẻ trắng trong tay, đấy là di tích của cái trước đấy là chiếc khăn tay bằng vải batix.
- Khi điên lên, bà ấy không còn biết cả mình nữa! – Rôda lẩm bẩm, – vớ được gì là bà ấy cũng xé và lấy roi quất không thương xót, không dung tha... Đứa bé tội nghiệp này đã quá biết.
Theo lời yêu cầu của giáo sư, khi Fêlixitê trở lại chỗ mình bên giường Annet, cô không ngờ cô mới chỉ bắt đầu việc trông nom người ốm kéo dài suốt nhiều ngày. Đứa bé ốm nặng không cho cả mẹ nó và Rôda ở bên nó. Chỉ có giáo sư và Fêlixitê mới mó được vào nó và cho nó uống thuốc. Cô gái nhanh chóng thành thạo với nhiệm vụ quá nặng nề ấy vì phải luôn tiếp xúc với giáo sư. Anh cùng Fêlixitê luân phiên trong các buổi trông đêm, nhưng ban ngày anh thường xuyên có mặt. Anh kiên trì ở nhiều giờ bên chiếc giường nhỏ, lần lượt đặt hai tay lên trán đứa bé và nó nằm yên tĩnh không động đậy, hình như ở hai bàn tay này có một sức mạnh kỳ lạ làm nó cảm thấy êm dịu. Cô gái bứt rứt tìm cách thoát khỏi những so sánh buộc trí óc cô phải chấp nhận chúng, mỗi khi ngồi gần đó, cô lặng lẽ quan sát anh. Vẫn những nét mặt không đều đặn khắc nghiệt, vẫn vầng trán dô phía trên có bộ tóc dày vuốt ngược rất cẩn thận, vẫn những con mắt ấy, tiếng nói ấy, những thứ làm cho cô sợ hãi lúc tuổi thơ, nhưng cô không tìm thấy nét khổ hạnh âm thầm khi trước làm cho bộ mặt của người thanh niên này kém trẻ trung, rất dễ sợ... Từ vầng trán đường nét xấu xí, nhưng khác thường, toả ra một ánh sáng dịu dàng, và khi cô nghe anh nói với đứa bé đang trằn trọc bằng giọng nói êm dịu ngọt ngào vô tận, cô không thể không thừa nhận rằng anh hiểu rất rõ cái thiêng liêng trong nhiệm vụ của mình.
Trong những lúc như thế, còn ai nghĩ đến cử chỉ thô thiển, không đẹp mắt, đến sự thô bạo trong thái độ giao tiếp của anh? Ở nơi này, đây là một hiện tượng thật đẹp, một con người có ý thức về quyền lợi, về sức mạnh đạo đức của mình, người trung gian không mệt mỏi giữa hai kẻ thù đối kháng. Sự sống và cái chết... Nhưng các ý nghĩ hoà giải ấy dù có qua lại nhiều lần trong tâm trí cô, kết luận cũng vẫn như trước: “Anh ta cảm nghĩ một cách nhân đạo, động lòng trắc ẩn trước cảnh bất lực của đồng loại dù là người thấp kém nhất, nhưng con gái người làm trò rong bị anh ta bêu xấu có đủ lý do để căm ghét anh ta, đối với cô anh ta là kẻ áp bức tàn nhẫn, là người quan toà bất công, mù quáng vì những định kiến”.
Trong những lúc tiếp xúc hàng ngày, anh không hề nói bằng giọng xúc động mà cô ghê tởm mà luôn chống lại bằng vũ khí của sự kiêu ngạo và lảng xa. Anh giữ vẻ lịch thiệp lạnh lùng đối với cô, và thể hiện trên nét mặt hơn là bằng lời nói, vì ngoài những câu hỏi cần thiết, gần như anh không nói với cô một lời.
Anh đã bị bà nghị gây khó dễ. Lúc đầu ba ta lồng lên như một con quỷ tai quái, dứt khoát không muốn cho Fêlixitê ở chỗ của bà ta và Rôda bên giường người bệnh. Bác sĩ phải dùng toàn quyền quyết định để buộc bà ta phải yên lặng. Ngược lại, anh không thể cấm bà ta chốc lát lại thò mặt nhìn qua ô cửa hé mở, bộ mặt mà đứa bé quá sợ hãi. Điều lạ lùng là cử chỉ ấy luôn diễn ra khi người anh họ của bà nghị và Fêlixitê cùng ở trong phòng đứa bé ốm.
Hôm ấy là buổi tối thứ chín Annet lâm bệnh. Đứa bé ở trạng thái hôn mê thỉnh thoảng mới ú ớ một lời gì nghe không rõ. Giáo sư ngồi rất lâu bên giường, hai tay bóp vầng trán lo âu, bỗng anh đứng lên và ra hiệu cho Fêlixitê theo anh sang phòng bên:
- Cô đã thức suốt đêm vừa qua, cả ngày hôm qua và hôm nay cô chưa được một phút nghỉ ngơi, tuy vậy tôi vẫn yêu cầu cô hy sinh thêm nữa, – anh nói – đêm nay sẽ là đêm quyết định. Tôi có thể cho Rôda hay cô em họ tôi ở bên người bệnh, đúng thế, vì nó không biết gì cả; nhưng tôi cần sự quên mình chân thành và sự bình tĩnh ở cạnh tôi... cô có thể thức thêm đêm nay nữa không?
- Được.
- Cần thấy trước rằng cô sẽ phải chịu đựng những lúc lo sợ và kích thích quá độ... Cô thấy mình còn có đủ sức không?
- Ồ có chứ, tôi mến đứa bé và tóm lại là... tôi muốn làm.
- Cô tin tưởng ở sức mạnh của ý chí của mình nhiều đến thế ư? – Giọng anh lại đầy cảm xúc.
- Cho đến ngày hôm nay, lòng tin ấy chưa hề phản bội tôi – cô trả lời, cho đến lúc ấy mắt cô nhìn vẫn êm ả lập tức bỗng chuyển thành lơ đãng và lạnh lùng.
Đêm đến, một đêm nhẹ nhàng và yên tĩnh của mùa xuân. Đứa bé giãy giụa trong một cơn co giật nặng... Giáo sư ngồi ở đầu giường bệnh nhân, đăm đăm nhìn chân tay nó giãy giụa và bộ mặt bé quắt nhăn nhó đến mức không nhận ra được. Anh đã tận dụng các phương sách trong nghề nghiệp của mình và trong khoa học của con người. Bây giờ là lúc phải bó tay chờ đợi, bất lực, và để cho sức mạnh tự nhiên tự chống chọi trong một cuộc chiến đấu vô vọng.
Bên ngoài, ở nhà thờ, chuông đã báo nửa đêm. Fêlixitê, ngồi lặng lẽ ở chân giường rùng mình, cô tưởng như một trong những tiếng ngân đầy uy lực ấy sắp sửa đem linh hồn đứa bé đi... Thực thế, cái thân thể đang giãy giụa bỗng như kiệt sức, hai tay đang co quắp lại duỗi ra, rơi xuống chăn, bất động; giây lát sau đến cái đầu không động đậy trên gối... Giáo sư cúi xuống giường... mười phút lo sợ trôi qua, rồi anh ngẩng lên khẽ nói giọng cảm động: “Nó sống rồi!”
Cô gái cúi xuống bệnh nhân; cô nghe thấy hơi thở sâu đều, và thấy chân tay bé nhỏ của Annet rã rời đã duỗi dài ra thoải mái. Cô đứng dậy không một tiếng động, đi sang phòng bên và đứng bên một cửa sổ mở rộng. Cô tựa cái đầu mệt mỏi vào khung cửa đá. Mạch cô đập mạnh như đang cơn sốt. Không có gì lạ lùng cả, ở trong kia cái chết đã đi qua rất gần một con người, tình trạng căng thẳng thần kinh trong những giờ cuối đã rất kinh khủng. Không một âm thanh nào đập vào tai cô ngoài những tiếng kêu thét hãn hữu của đứa bé. Cô chỉ trông thấy thân thể co quắp của đứa bé và bộ mặt tái xanh của người thầy thuốc yêu cầu cô giúp việc chỉ bằng dấu hiệu và mắt nhìn. Bốn bức tường hẹp bao lấy cô và anh, chỉ có họ với nhau, họ hợp tác trong công việc nhân ái và từ thiện, tuy cái hố sâu căm ghét và định kiến vẫn chia rẽ họ.
Giáo sư sang theo cô.
- Annet đang ngủ. Tôi sẽ ở lại với nó cho đến sáng. Cô cũng đi nghỉ đi.
Fêlixitê không đợi anh nói hết đã rời ngay khung cửa và đi qua trước mặt anh để ra khỏi phòng.
- Tôi cho rằng hôm nay chúng ta không nên chia tay nhau lạnh lùng như thế – Anh khẽ nói tiếp – Trong những ngày gần đây, chúng ta đã trung thành giúp đỡ nhau như những người bạn tốt để giành lấy từ tay thần chết một sinh mạng... Hãy nghĩ đến việc ấy, – giọng anh sôi nổi hẳn lên. – Trong vài tuần lễ nữa chúng ta sẽ chia tay để không bao giờ gặp lại nhau nữa... Tôi sẽ không từ chối làm cho cô hài lòng vì thú nhận rằng nhờ nghị lực của cô, cô đã đính chính được những ý nghĩ tôi duy trì trong chín năm, hiệu quả của thành kiến và quan niệm xấu của tôi về cô, chỉ còn một điểm khó hiểu là, với tính bướng bỉnh và lòng căm ghét ghê tởm của cô, cô vẫn chỉ là cô bé ương ngạnh trước kia đã khiêu khích tính nghiệt ngã và hà khắc của tôi!
Fêlixitê bước lại gần. Ánh trăng toả trên người cô. Trông cô lúc ấy, đầu kiêu hãnh ngẩng cao, mặt tái đi, môi mím chặt, toàn thân như biểu hiện một niềm thù địch không nguôi.
- Trong các bệnh tật của con người, trước hết ông tìm nguyên nhân rồi mới định bệnh – cô trả lời – nhưng cái gì sinh ra cái gọi là sự ương ngạnh của tâm hồn mà ông muốn chữa, cái đó ông coi như không cần thiết phải tìm... Ông xét đoán mù quáng trên những lời cạnh khoé, nếu như thế ông sẽ mắc tội nặng khi để chết một bệnh nhân vì trễ nải thuốc men... Giành giật lý tưởng của một con người, một tương lai rực rỡ hằng mơ ước, dù lòng sùng tín và đức hạnh của họ như thế nào, họ cũng không bó tay chịu đựng một cách thụ động, một đứa bé chín tuổi lại càng không như thế, khi mắt nó luôn hướng về nơi nó cho rằng sẽ gặp lại người mẹ yêu quý, khi trong tâm hồn nó không một giấc mơ, không một niềm hy vọng nào không gắn bó với sự tái hợp ấy!
Cô dừng lại, không một lời thốt ra khỏi miệng của giáo sư, anh cũng không nhìn cô nữa. Lúc đầu, khi cô buộc tội, anh đã giơ tay một cách nóng nảy như muốn ngắt lời cô, nhưng cô càng nói anh càng im lặng và chăm chú hơn. Anh cũng không giơ tay lên sờ râu như những lúc nghe ai nói.
- Ông bác đã giấu không cho tôi biết để có thể sung sướng – cô nói tiếp sau khi dừng lại giây lát – nhưng ông đã qua đời, và tình thương đã mất đi cùng với ông trong gia đình này. Sáng hôm ấy lần đầu tiên, tôi đến mộ mẹ tôi, mãi tối hôm trước tôi mới biết sự thể khủng khiếp về mẹ tôi... cũng lúc ấy người ta đã bảo tôi rằng vợ người diễn trò là một người bỏ đi, rằng Chúa nhân từ cũng không dung nạp bà trên Thiên đường...
- Tại sao cô không nói với tôi tất cả ngay hồi ấy? – giáo sư thốt lên giọng nặng nề.
- Tại sao tôi không nói từ hồi ấy ư? Bởi vì ngay từ đầu, ông đã tuyên bố rằng cái tầng lớp người mà tôi xuất thân, ông ác cảm đến tuyệt đối, và tôi chắc phải có tính phóng đãng từ trong dòng máu.
Giáo sư giơ tay che mắt một lát.
- Dù còn ít tuổi như tôi lúc ấy, và dù mới chỉ bị một sự nhục mạ bất ngờ và cay đắng như thế, tôi đã biết một cách chắc chắn, ngay từ lúc ấy rằng tôi sẽ không bao giờ tìm được tình thương và thiện cảm... ông đã bao giờ có tình thương và thiện cảm với con gái người diễn trò chưa? – cô hỏi và tiến gần thêm một bước, nhấn mạnh từng lời một cách chua chát vô tả. – Đã bao giờ ông có ý nghĩ rằng con người mà ông muốn đóng ách bằng gánh nặng của công việc, cũng có thể có ý nghĩ chưa? Ông đã chẳng hành hạ một nghìn lần tâm hồn của nó bằng cách chà đạp như cỏ dại những biểu hiện vươn đên lý tưởng, những dấu hiệu độc lập về tinh thần, những khuynh hướng làm cho con người cao quý lên là gì... Tuy vậy, xin đừng tưởng rằng tôi kiếm chuyện với ông bởi vì ông đã giáo dưỡng tôi để làm việc nặng; công việc gian khổ nhất, khắc nghiệt nhất cũng không bao giờ gây ra điều xấu, tôi, tôi làm việc một cách vui vẻ, nhưng ông đã dụng ý biến tôi thành một cái máy thụ động để sử dụng, để phá huỷ hoàn toàn trong tôi yếu tố trí tuệ, khả năng duy nhất làm cao quý một cuộc sống cần mẫn, đấy là điều tôi không bao giờ quên.
- Không bao giờ ư, Fêlixitê?
Cô gái lắc đầu bằng một cử chỉ cương quyết và cau có.
- Vậy thì tôi đành phải chịu như thế không thể khác được, – anh nói và mỉm cười gượng gạo, và dù anh không muốn như thế, cái mỉm cười ấy buồn bã lạ lùng. – Tôi đã xúc phạm cô một cách tàn nhẫn, tuy nhiên tôi vẫn phải nhắc lại rằng tôi không thể hành động khác được... – anh đi qua đi lại trong gian phòng. – Tôi vẫn phải động chạm đến điểm đau đớn trong tâm hồn cô một lần nữa để bảo vệ các nguyên cớ đã làm cho tôi hành động như thế, – anh buồn rầu nói tiếp. – Cô không có chút tài sản nào và thuộc nguồn gốc tai tiếng. Cô bị dồn đến chỗ phải đi làm để kiếm ăn. Nếu tôi để cô được giáo dục ở hướng cao hơn, như thế lại càng độc ác hơn khi đẩy cô xuống vị trí tôi đòi thấp kém, vả lại, tôi cũng không thể làm cách nào khác. Hay cô tưởng rằng có những gia đình đồng ý đưa con gái người diễn trò vào làm gia sư cho con mình?... Cô không biết rằng nếu một người đàn ông, – anh dừng lại giây lát và nghỉ lấy hơi, trong khi mặt anh tái xanh hẳn đi – phải, một người đàn ông thuộc tầng lớp trên có thể phối hợp cuộc đời của họ với cô, người bắt buộc phải chịu đựng nhiều hy sinh cả ở bên trong và bên ngoài không? Đây là điều nhục nhã không nguôi đối với trái tim kiêu căng như vậy của cô. Đó chính là cái quy định xã hội mà cô đã coi thường, nhưng đại đa số người duy trì, thường là bằng giá của sự quên mình vô kể, vì tôn trọng quá khứ và vì cần thiết cho quan điểm chính trị... Vì vậy nên bản thân tôi cũng phải phục tùng... các quy định ấy cũng đòi hỏi tôi sự từ bỏ và ... sự cô đơn trên đường đời.
Rồi anh im lặng. Fêlixitê rùng mình thật kỳ lạ, khi thoáng thấy ở đấy, giữa đêm khuya lặng lẽ, điều bí mật lẽ ra phải giữ kín của trái tim một người đàn ông, bí mật bộc lộ một cách vội vàng, gần như vô ý thức qua đôi môi run run... Chắc anh yêu một người đàn bà thấp hơn anh, theo quan niệm của xã hội. Vừa mới tức giận và căm ghét phản đối anh xong, lúc ấy cô lại thấy tràn ngập một nỗi băn khoăn cho đến bây giờ chưa từng biết... Có thể nào cô lại cảm thấy thương cho anh? Tính cô thay đổi thất thường một cách không thể tha thứ được đến thế ư, cô là người mới đây đã tuyên bố thật rõ rằng: “Nếu có điều không hay đến với hắn, cháu sẽ không phàn nàn cho hắn!” Và dù sao thì anh ta cũng không đáng phàn nàn đến thế, tại sao anh ta lại chịu thụ động trong khi có thể đem hết nghị lực của tuổi trẻ ra để cố gắng đạt được phần thưởng?
- Thế nào, Fêlixitê, cô không trả lời gì hay sao? Hay cô lại cảm thấy bị thương tổn vì lời bày tỏ tôi không thể tránh được?
- Không. – Cô lạnh lùng đáp... Đấy là cách nhìn của ông và còn lâu tôi mới mong ông thay đổi được... Trái lại, ông không thể làm tôi mất tin tưởng rằng có những người nhân hậu không hề có thành kiến biết nhận rõ sự lương thiện của trái tim và sự kiên trì của ý chí dù ở con gái người diễn trò... Tôi còn trả lời ông gì được nữa? Chúng ta sẽ không bao giờ đi đến kết quả nào... Ông đặt mình vào chỗ nhìn của những người gọi là quý tộc tự buộc mình vào các xiềng xích vì sợ ngã gục, còn tôi, tôi thuộc tầng lớp những người vô tín ngưỡng mà đẳng cấp của ông coi khinh... Chính ông đã nói không bao lâu nữa chúng ta sẽ xa cách nhau mãi mãi trong đời để không bao giờ gặp nhau nữa... Vậy thì chúng ta còn xa cách một cách nghiệt ngã hơn do tình cảm và tư tưởng của chúng ta... Ông có ra lệnh gì nữa cho tôi về bệnh nhân không?
Anh ra hiệu là không, và trước khi anh có thể nói thêm một lời, cô đã đi khỏi.
Truyện khác cùng thể loại
12 chương
80 chương
74 chương
96 chương
26 chương
20 chương
270 chương
12 chương