Bên Cạnh Thiên Đường
Chương 21
Dần dần tôi cũng hiểu được thế nào là tình yêu: không có gì là quá đỗi đau thương, không có gì là quá đỗi hạnh phúc, không có gì là bi hoan li hợp, không có gì là lời đường tiếng mật.
Tình yêu, tóm lại chỉ là một kiểu nương tựa lẫn nhau.
Đưa Lông Mi về đến đầu ngõ.
Tôi nhìn em bằng ánh mắt rất tội nghiệp, giống một chú chó nhỏ đang đợi người ta quăng đồ ăn cho vậy. Em nhìn tôi một lát, thoáng do dự rồi bảo tôi xuống xe.
Ngõ rất dài. Hai bên đều là những căn nhà kiểu cũ đặc trưng của khu phố cổ.
Phía sau hai cánh cửa gỗ nặng nề là một cái sân nhỏ. Một cây ngô đồng cao, tán lá xum xuê che rợp cả nửa cái sân. Bức tường âm u được giàn nho phủ kín, những chùm nho cứ đong đưa lắc lư nhè nhẹ. Chiếc kính thiên văn quen thuộc đặt ở giữa sân. Dưới mái hiên có bày giá vẽ, trên chiếc bàn nhỏ vứt một đống đồ vẽ, bên cạnh có một chiếc ghế đu lớn.
Lông Mi lấy chìa khóa trong balô ra, mở cửa đi vào trong, rồi ra hiệu cho tôi thay dép lê đi trong nhà.
Căn nhà này không lớn nhưng rất đẹp, bốn bức tường treo đầy những bức tranh do Lông Mi phục chế.
Một chiếc sofa vải bông to tướng. Trên bàn chiếc bàn nhỏ đặt một bình hoa, cắm mấy bông hoa sen, thứ hoa đã lâu rồi tôi chưa được nhìn thấy, mùi hương lan tỏa khắp phòng. Không có giường, trên sàn gỗ trải một tấm thảm len kiểu Tây Tạng. Ở sát tường có kê một tấm đệm dày và vài cái gối, xem ra đây chính là giường của em. Một chiếc đèn bàn kiểu cũ. Một giá sách đặt ở góc tường, bên trên kê chật đủ các loại sách.
Lông Mi ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế, rồi pha một cốc café hòa tan đưa cho tôi, còn mình thì uống nước cam nóng. Uống nước xong, em bỏ lại tôi một mình, ra ngoài sân mang chăn đã phơi khô ném lên giường, rồi tết mái tóc dài thành hai cái đuôi sam, sau đó thì chui luôn vào căn bếp nhỏ làm cơm.
Tôi uống café nóng, hít hà thưởng thức cái mùi hỗn hợp của hoa sen và ánh mặt trời, ngẩn người ra nhìn những bức tranh treo trên tường.
Có mấy bức là tranh của họa sĩ đại tài thuộc trường phái ấn tượng Mon et, một bức “Ấn Tượng Mặt Trời Mọc”, một bức “Hoa Súng”.
Có thể nhận ra tác giả đã mấy lần xóa đi sửa lại, trên bức tranh vẫn còn rất rõ dấu vết của sự sửa chữa. Hình như tâm trạng của tác giả từ nặng nề chuyển dần sang nhẹ nhàng, phong cách cũng từ trầm trọng dần chuyển sang uyển chuyển mềm mại, cuối cùng thì trở nên hết sức tự nhiên thoải mái. “Hoa Súng” chỉ là hình tượng ban đầu, nhìn từ xa, trông giống như những con ếch đang nằm bò trên đám bèo vậy. Tôi vừa xem tranh vừa cười thầm trong bụng.
Vươn mình lười nhác, đột nhiên cảm thấy không nên ngồi đó chờ hưởng thụ.
Nghĩ vậy, tôi bèn đứng dậy chui vào bếp. Trên bàn đã bày đầy bát đĩa, toàn là những món ăn Nhật tương đối khó làm. Lông Mi mặc một chiếc tạp dề đỏ, trên đầu quấn khăn, một tay cầm chiếc xẻng xào rau, một tay chống lưng, động tác rất thành thục. Em bảo tôi mang các đĩa thức ăn ra chiếc bàn đá ngoài sân. Tôi bày đồ ăn lên bàn, rồi chăm chú quan sát. Một bát trứng hấp kiểu Nhật, hai bát mỳ lạnh, một đĩa cá nướng. Lông Mi bước ra, tay bưng một đĩa cà nướng đậm đà mùi vị đồng quê.
Chúng tôi ngồi ăn ngoài vườn, mỗi người một chiếc ghế băng nhỏ, trên đầu là giàn nho xanh mát, rất có cảm giác đồng quê.
Biết tôi thích ăn thịt cua bên trong món trứng hấp kiểu Nhật, Lông Mi liền khều ra, gắp vào bát cho tôi.
Lông Mi thích ăn ngao, tôi cũng gắp cho em.
Hai người cứ gắp qua gắp lại, rồi cùng nhìn nhau cười xòa.
Cảm giác hạnh phúc quen thuộc của quá khứ chợt ào về.
- Ngon lắm!
Tôi tán thưởng không ngớt.
Lông Mi không thèm để ý, chỉ cắm cúi ăn.
- Có rượu không?
Tôi cố ý làm khó.
Không ngờ em liền đứng dậy vào bếp lấy ra một chai rượu trắng. Thực ra thì tôi cũng không thích uống lắm, nhưng đã bày ra trước mắt, nên đành nhắm mắt uống tạm vậy.
- Có nhạc thì càng hay nhỉ?
Tôi tiếp tục cố ý làm phiền Lông Mi.
Em lại đứng dậy đi vào nhà. Một lát sau thì bước ra, tiếng nhạc cất lên, là bài “Mười năm” đang rất thịnh hành hiện nay.
- Tầm thường quá, không có bài nào hay hơn à?
Lông Mi cắn đũa, nghĩ một lát rồi đáp:
- Tại sao chỉ cần là thứ mà mọi người đều thích là anh lại thấy nó tầm thường? Lẽ nào chỉ có thứ mà một mình anh thích mới đặc biệt, mới hay hay sao? Anh lúc nào cũng muốn từ chối thứ mà mọi người đều thích, từ chối những cảm nhận giống mọi người, từ chối sự đồng cảm, từ chối những gì bình thường nhất, anh sống phiến diện quá rồi đấy!
Nói xong em thở dài một tiếng, cúi đầu tiếp tục ăn.
Trong nhà lại vang lên vài bài hát cũng thịnh hành không kém: “Si tình tuyệt đối” rồi đến “Hương thầm”.
Lông Mi lại nói tiếp:
- Hồi trước em lúc nào cũng muốn sống khác người, siêu phàm thoát tục, càng phiến diện, càng cực đoan càng tốt. Giờ thì hết muốn rồi, giờ em chỉ muốn sống cuộc sống của người bình thường: giản dị mà đơn điệu.
Tôi ngây người ra.
Nếu những lời này là do người khác nói ra, tôi nhất định sẽ phản bác đến cùng, nhưng em nói ra, lại khiến tôi rung động.
Ăn xong cơm, chúng tôi ngồi trong sofa, mỗi người ôm một cốc café, xem phim “Vú và mặt trăng”: một cậu bé rất thích vú của phụ nữ, một hôm cậu nói với một cô gái là muốn xem vú của cô. Cô gái nghĩ một lát rồi cởi áo, để lộ bộ ngực tròn căng, sau đó ấn tay lên đó, một luồn sữa trắng liền bắn ra. Cậu bé lập tức há to miệng, ngẩng đầu đón lấy.
Lông Mi bật cười khanh khách.
Khó khăn lắm tôi mới tìm được cơ hội lấy lòng Lông Mi, bèn vội vàng cười theo em. Lông Mi đã ngưng cười mà tôi thì vẫn há miệng cười một cách ngây ngô. Em liếc nhìn tôi, khẽ chau mày, làm tôi chột dạ, vội vàng ngậm miệng.
Xem xong phim, Lông Mi vươn mình ngáp dài, dụi dụi mắt, nói buồn ngủ rồi, bảo tôi về nhà. Tôi phải nói mãi, mới được ở lại. Em lấy chiếc chăn vừa phơi xong ném lên ghế, như muốn bảo tôi ngủ ở đó, rồi lấy một cái chăn khác trong tủ ra ình đắp.
- Nhìn ra chỗ khác, cấm không được quay đầu đấy!
Tôi ngoan ngoãn nghe lời, quay lưng lại với em, chăm chú xem tivi, nhưng mắt vẫn len lén nhìn vào tầm gương treo trên đầu, quan sát hết mọi động tác thay quần áo của Lông Mi: phần thân trên đầy đặn, chiếc eo thon thả, cặp đùi dài yểu điệu. Đang say xưa ngắm nhìn thì chợt một cái áo bay tới phủ lên đầu, sau lưng bị Lông Mi phát ột cái thật mạnh. Tôi đành nín nhịn, ngồi im trong bóng tối. Một lát sau quay đầu lại thì Lông Mi đã thay xong quần áo và chui vào chăn nằm từ lúc nào, hai mắt nhắm nghiền, phần da mắt vẫn hơi giật giật nhè nhẹ, cặp lông mi dài cũng theo đó mà khẽ động đậy, trông đáng yêu vô cùng.
Tôi đốt một điếu thuốc, ngồi nhìn bức tranh “Hoa Súng” treo trên tường, suy nghĩ về Monet. Monet cũng là một trong những họa sĩ mà tôi thích. Thích một người, phần nhiều là vì thích cái bóng phía sau người đó, cái bóng toát lên một sức mạnh thần bí trải dài trên con đường đời đằng đẵng. Monet đã mua hẳn một mảnh đất, tự mình thiết kế vườn hoa, đào đất làm hồ, sau đó thả rất nhiều hoa súng xuống, để tiện quan sát, thậm chí ông còn cho dựng một chiếc cầu nhỏ. Tổng cộng đã tốn mất hai mươi năm thời gian. Có thứ gì có thể khiến tôi mất hai mươi năm thời gian không nhỉ? Quán rượu? Tình yêu? Hay là không thứ gì? Tôi cũng chẳng biết nữa.
Lông Mi khẽ ho mấy tiếng. Tôi liền vội vàng dập thuốc, tắt đèn, nằm lên ghế.
Trăng hôm nay rất lớn, treo lơ lửng trên bầu trời đêm ngoài cửa sổ.
Không có nhiều sao lắm.
Khu vườn nhỏ rất yên tĩnh, yên tĩnh như những đóa hoa súng im lìm bất động trong tranh vậy. Tôi ôm chiếc chăn bông mềm mại ấp áp trong lòng, hít lấy mùi nắng, len lén quan sát Lông Mi. Dưới ánh trăng mờ mờ, mấy lọn tóc của em lòe xòe trước trán, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn, nét mặt thanh thản như ánh trăng ngoài kia.
Cảm giác hạnh phúc lại dâng trào rồi chạy khắp cơ thể một lần nữa.
Thấm thoắt tôi đã ở nhà em được mấy ngày.
Mở mắt ra, căn phòng lúc nào cũng trống rỗng. Bò dậy, Lông Mi lúc nào cũng đang ngồi dưới mái hiên chăm chỉ vẽ tranh. Trên chiếc bàn nhỏ đặt một cốc sữa, một đĩa bánh mì nướng, một món rau sạch không có thuốc bảo quản. Thấy tôi tỉnh lại, Lông Mi liền cười cười, bưng đồ ăn vào bếp, một lúc sau thì em mang khay đồ ăn nóng hổi đi ra. Hai chúng tôi vừa ăn véo mũi nhau. Ăn sáng xong Lông Mi lại tiếp tục vẽ tranh, còn tôi thì nằm dài trên ghế tắm nắng, cầm một quyển “Bản đồ lịch sử thế giới”, đọc từ đoạn “thập tự quân Đông chinh”.
Lông Mi càng vẽ càng chăm chú, lần nào cũng ngồi một mạch đến chiều tối. Lâu lâu em cũng dừng lại nghỉ ngơi, ngắm nhìn bầu trời một lúc. Ly café đặt bên cạnh lúc nào cũng lạnh tanh. Tôi đã bấm thử, em có thói quen cứ hai mươi phút lại uống café một lần. Vì thế mỗi lần em đặt ly café xuống ta tôi liền vội vàng cầm lên cho vào lò vi sóng hâm lại, sau đó để vào chỗ cũ. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, coi như cũng có việc để làm.
Trong thời gian ở nhà Lông Mi, tôi đến phòng tranh ba lần, hai lần đến sân vận động và một lần tới viện dưỡng lão.
Phòng tranh buôn bán không được thuận lợi lắm. Lần nào đến tôi cũng nghe thấy ông chủ ở đây thở ngắn than dài với Lông Mi, cảm khái thay cho cái thành phố nát bét bên trong nhưng nhìn bên ngoài lại rất văn hóa này, những người yêu tranh thực sự thì không mua nổi tranh, còn những người không yêu tranh lại mua tranh một cách mù quáng, những tác phẩm mới có chút ý nghĩa thì bán không nổi, còn những bức tranh sao chép vô hồn thì luôn được đón nhận nồng nhiệt. Cái gọi là phong cách của người họa sĩ dần dà đã trở thành truyền thuyết bị lãng quên. Ông chủ phòng tranh tốt bụng giới thiệu cho Lông Mi vài công việc khác, ví dụ như thiết kế bìa sách, thù lao rất cao, nói xong liền đưa cho em một quyển sách tương tự để xem thử, ngoài bìa vẽ một cô gái xinh đẹp hầu như không mặc gì, vung đao múa kiếm, ánh mắt khiêu khích. Lông Mi khẽ thở dài, mỉm cười lắc đầu.
Không khí ở sân bóng lại càng âm u hơn. Cổ động viên không ngồi hết nửa khán đài. Trong sân là những cầu thủ gọi là chuyên nghiệp đang ủ rũ đá một thứ bóng đá tẻ ngắt, bên ngoài sân là những cổ động viên trung thành trong gió rét căm căm. Sự đối lập rõ rệt ấy làm tôi cảm thấy vừa phẫn nộ lại vừa không biết phải làm sao. Có lần thậm chí còn chơi bán độ nữa, tôi thì không biết, nhưng có một cổ động viên đã hét lên như thế. Một người to gấp đôi tôi, trông như con hà mã đứng sừng sững trong gió rét, vẫy vẫy lá quốc kỳ đỏ rực như máu, hét lớn: “Bán độ ẹ chúng mày đi! Bóng đá Trung Quốc chết rồi!”, vừa nói nước mắt anh ta vừa trào ra, làm tôi rất cảm động. Hết trận đấu, có rất nhiều người ném chai lọ xuống sân. Tôi cũng ném một cái. Thực ra là vốn định ném hai cái, nhưng lại ngại cô lao công phải vất vả, với lại nhỡ lần sau Lông Mi nhặt bóng đạp phải trượt chân thì sao?
Viện dưỡng lão là nơi duy nhất khiến tôi có cảm giác ấm áp.
Bà lão vẫn ngồi dưới gốc cây quýt, nét mặt trơ như gỗ, nước miếng chảy ròng ròng. Chiếc ra dio bỏ túi của ông già bên cạnh vẫn tiếp tục hát dân ca. Bà lão này chỉ ăn có đậu phụ Nhật. Lông Mi bảo với tôi, bà muốn ăn thứ khác nhưng không nhai được, trong miệng chỉ còn lại đúng hai chiếc răng.
Lần nào chúng tôi cũng đi xe bus.
Đáng lẽ lái xe đi thì tiện hơn, nhưng Lông Mi không thích, em nói giống mọi người thì có gì không tốt, hình như em đang cố ý sửa chữa tật xấu cho tôi? Đành phải chiều em. Có điều ngồi xe bus quen rồi cũng thấy không tệ, ít nhất là một cách hay để tiêu tốn thời gian. Con ngõ ở khu phố cổ, khoảng cách đến trung tâm thành phố tương đối lớn, đến viện dưỡng lão lại càng xa. Một chuyến đi phải mất hơn một tiếng đồng hồ.
Có lẽ tại tuyến đường này tương đối hẻo lánh nên đến giờ vẫn sử dụng một chiếc xe kiểu cũ. Xe rách tả tơi, chỗ nào cũng sứt sẹo, lái đi tới đâu là kêu xình xịch tới đó. Có lẽ động cơ đã quá cũ, cứ tăng tốc là có vấn đề, mỗi lần khởi động thường kêu “lạch cạch” rồi đung đưa đung đưa, sau đó đứng nguyên tại chỗ. Tiếp đó là tiếng chửi ngàn lần như một của tay lái xe. Cửa xe thường xuyên không đóng lại được, lái xe đành phải bò ra hí hoáy chỉnh lại van khí đóng mở cửa. Trên xe chỗ nào cũng hở tuếch hở toác, đặc biệt là lúc đứng ở cửa xe, thật sự chẳng khác gì ngồi xe ba bánh cả, cứ mỗi lần như thế là tôi lại nhớ đến chiếc xe ba bánh trong chuyến đi miền Tây, chẳng biết người ta đã sửa xong chưa nữa?
Lông Mi không thích tranh chỗ ngồi, lần nào cũng đợi đến cuối cùng mới lên xe, nên lần nào cũng hết chỗ, đành phải đứng cạnh ghế của lái xe. Cứ thế, thành ra quen luôn tay lái xe, thỉnh thoảng lại nói chuyện vài câu, cho nhau điếu thuốc. Tay lái xe này ôm đầy một bụng bất mãn, vừa hay gặp được chúng tôi để phát tiết. Anh ta kể mình tính tình nóng nảy, tầm nhìn lại hẹp hòi, nên không quan hệ tốt với thủ trưởng đơn vị, cuối cùng bị phân về lái chiếc xe rách trên tuyến đường hoang vu này. Vợ anh ta thì mất việc, con nhỏ đi học thì tốn tiền, ở nhà còn một người cha già bán thân bất toại, nên đành phải cố nuốt giận, bấm bụng chịu đựng đến giờ. Nếu như không có những gánh nặng này, anh ta thà ra phố bày sạp bán thịt dê nướng cũng không muốn tiếp tục lái xe nữa! Tôi gật đầu lia lịa khen phải.
Có điều đi xe bus cũng có một ưu điểm, chính là khi chen chúc giữa đám đông hành khách, tôi luôn được ôm chặt Lông Mi trong lòng.
Cái lạnh cuối thu đầu đông đẩy hai người lại với nhau. Tôi ôm lấy tấm thân nhỏ nhắn lạnh băng của Lông Mi, cằm gác lên mái tóc dài mềm mại, quấn chung một chiếc khăn len dài, ngửi mùi hương con gái ấm áp mà tanh tanh tỏa ra từ cổ em, cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Người Lông Mi bắt đầu trở nên ấm áp, cả ánh mắt cũng thế.
Một sự thay đổi làm tôi vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ.
Một hôm ăn cơm xong, hai chúng tôi ngồi trên bậc cấp ngắm mây.
- Anh thấy giống cái gì?
Lông Mi chỉ vào đám mây gần nhất hỏi tôi.
- Giống kẹo bông đường.
Tôi vốn định trả lời là giống mông con gái, nhưng không dám.
- Giống ngôi nhà gỗ nhỏ trên đỉnh núi tuyết.
Lông Mi nheo nheo mắt hình dung, thở dài nói:
- Em rất muốn vẽ một bức tranh như vậy, nhưng chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ, chẳng có cảm giác, không đưa bút lên được.
- Cùng đi xem là được rồi, phương Bắc hình như có tuyết rơi rồi đấy.
- Bây giờ á?
- Bây giờ.
Cuộc đời cứ như phim. Trong đó có những trường đoạn giống như đã được dựng sẵn, lúc thì ống kính hướng về đây, lúc thì đã hướng ra xa tận nơi nào.
Hai ngày sau, ống kính của cuộc đời tôi đã từ ngôi nhà của Lông Mi chuyển đến một ngôi làng nhỏ.
Lông Mi cũng thế.
Một ngôi làng nhỏ ở bìa rừng trong khu hang cùng núi hẻm ở dưới chân Trường Bạch sơn.
Tôi đã nhờ bạn làm ở công ty du lịch sắp xếp chỗ nghỉ, ăn uống ngủ nghỉ đều ở nhà một cặp vợ chồng
Lông Mi bỏ balô xuống, kéo tôi chạy lên núi.
Dãy Trường Bạch kéo dài hơn trăm cây số. Chúng tôi đi qua lâm trường, chui vào một cánh rừng Bạch Dương, vượt qua con suối nhỏ, đi một mạch lên tận đỉnh núi. Phóng mắt nhìn xung quanh, cảnh tượng hùng vĩ của phương Bắc đều lọt cả vào tầm mắt. Sau lưng là dãy Trường Bạch hùng vĩ bao la. Vùng bình nguyên trước mắt có rất nhiều ngôi làng nhỏ nằm chi chít như sao trên trời. Đứng từ trên cao, có thể nhìn thấy rất rõ những con đường tỏa đi khắp nơi, đám trâu bò đang cần mẫn làm việc trên đồng, những cái sân nhỏ bên trong hàng rào gỗ, những ngôi nhà gỗ, đống củi đã chặt sẵn chất ở góc vườn. Ở gần triền núi, là từng khoảng rừng lớn. Trên đồng cỏ trống, những người dân du mục đang cưỡi ngựa hò hét lùa đàn dê chầm chậm chuyển động.
Lông Mi kéo tôi ngồi xuống một tảng đá lớn, đầu dựa vào vai tôi, chăm chú ngắm nhìn cảnh sắc yên bình trước mắt, hưng phấn vô cùng. Em quấn mái tóc dài thành hai bùi to, đầu đội mũ len, chân đi giày cao cổ, khăn quàng phất phơ trước ngực, áo len dài tay màu trắng, đôi tay nhỏ giấu trong ống tay áo, hai bàn tay nắm chặt nhau, chống dưới cằm, yên lặng trầm mặc. Thỉnh thoảng lại quay đầu sang nhìn tôi cười cười.
Tối hôm đó chúng tôi ăn cơm cùng hai bác chủ nhà.
Nhà chỉ có hai người, cũng đã năm mươi sáu mươi, không con không cái, hai người nương tựa vào nhau mà sống qua ngày. Bác trai làm nghề mộc, còn bác gái thì bận rộn với việc đồng áng. Hai người từ sáng đến tối lúc nào cũng vui vẻ hồ hởi, cười nói không thôi, cứ như mấy chục năm nay vẫn chưa nói hết những lời trong lòng mình với nhau vậy.
Đồ ăn rất phong phú, toàn là món ăn vùng Đông Bắc nóng hôi hổi: gà con hầm với nấm, món hầm hổ lốn, rau trộn, còn có cả một bát cháo nữa. Ăn xong hai bác gọi chúng tôi lên giường đất ngồi nói chuyện.
Nhà cửa bày biện rất đơn giản, đồ đạc chẳng có mấy, chỉ có một chiếc tivi đen trắng thu được một hai đài mà suốt ngày hỏng, xem một lúc là mất hình, nhưng vỗ vài cái là lại được. Chúng tôi vừa nói chuyện, vừa nhìn bác trai cằn nhằn vỗ bồm bộp vào cái tivi.
Người già thích kể chuyện ngày xưa. Kể hết cả buổi tối mà vẫn chưa hết chuyện
Cả hai bác đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Bác trai đã mất bố mẹ từ nhỏ, được người chú nuôi dưỡng. Về sau cả người chú cũng chết nốt, bác trở thành cô nhi, phải đi khắp nơi xin ăn, tình cờ lạc đến làng này, rồi được một người thợ mộc thu nhận. Năm bác hai mươi tuổi thì người thợ mộc tốt bụng kia lên núi chặt cây bị gỗ đè chết, bác lại cô đơn một mình. Cũng may là hồi ấy bác đã thành nghề, có thể miễn cưỡng sống qua ngày. Về sau, bác gặp được bác gái, lúc ấy cũng là một cô nhi, rồi hai người dựa vào nhau mà sống đến tận bây giờ. Hai bác cũng đừng có con. Đứa đầu tiên được năm, sáu tuổi thì mất tích, nghe nói là bị bọn lừa đảo bắt đi bán. Sau đó hai bác lại sinh thêm một đứa nữa. Đứa trẻ rất xinh xắn dễ thương lại thông minh lanh lợi, nhưng đến năm mười lăm tuổi thì đột nhiên mắc một thứ bệnh lạ rồi qua đời. Từ đó trở đi, họ không sinh con nữa.
- Giờ thì tốt rồi, cuối cùng cũng được sống những ngày tháng tử tế.
Hai bác ngồi xếp bằng trên giường đất cười kha kha, giống như vừa rồi chỉ là kể chuyện của người khác, chứ không phải chuyện của mình vậy.
Câu nói này khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ. Cả tôi lẫn Lông Mi đều ướt đẫm nước mắt. Tôi vòng tay ôm lấy em, nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn. Lông Mi thỉnh thoảng lại đưa tay lên lau nước mắt, vẻ mặt vừa ấm áp lại vừa thê lương.
Nghe hai bác kể chuyện đời mình, mắt nhìn nụ cười lạc quan bao dung tất cả trên gương mặt già nua của họ, đột nhiên cảm thấy tất cả những do dự băn khoăn, hoang mang lạc lối của mình trước đây đều có vẻ giả tạo và thật đáng cười, cứ như không bệnh mà vẫn rên rỉ vậy.
Nhìn hai bác ở bên nhau, dần dần tôi cũng hiểu được thế nào là tình yêu: không có gì là quá đỗi đau thương, không có gì là quá đỗi hạnh phúc, không có gì là bi hoan li hợp, không có gì là lời đường tiếng mật.
Tình yêu, tóm lại chỉ là một kiểu nương tựa lẫn nhau.
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
80 chương
18 chương
21 chương
11 chương
11 chương
21 chương
21 chương
55 chương