Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu
Chương 9
Một lần, vào dịp lễ Giáng sinh, đúng lúc nửa đêm, hai cánh cửa lớn dẫn vào khoa rầm rầm mở toang ra và một kẻ lạ mặt bước vào. Một lão già to béo, râu ria xồm xoàm với cái mũi đỏ như quả cà chua, hai mí mắt đỏ bừng vì lạnh. Bọn hộ lý da đen đã soi đèn tóm được lão trong hành lang. Tôi thấy người lão quấn đầy kim tuyến và dây hoa gã Quan hệ Công chúng treo khắp nơi mà lão vướng phải trong đêm tối. Lão che mắt khỏi ánh sáng và mút mút ria.
"Hô, hô, hô!" Lão nói. "Già cũng muốn ở lại lắm, nhưng già phải đi thôi. Thời gian biểu chật kín rồi, các bạn biết đấy. Hô, hô. Già đi..."
Bọn hộ lý kéo đến với những cây đèn trên tay. Lão bị giữ ở đây sáu năm cho đến ngày được thả ra, râu bị cạo nhẵn nhụi, người khẳng khiu như cái gậy.
Bằng một động tác đơn giản: xoay núm điều khiển trên tấm cửa sắt, mụ Y tá Trưởng có thể bắt thời gian trôi theo ý muốn của mình; kim đồng hồ treo tường sẽ quay tít như những chiếc nan hoa nếu mụ cần tăng tốc cuộc đời. Trên màn hình cửa sổ, khung cảnh thay đổi vù vù sáng trưa chiều tối, các con bệnh quay cuồng trong bão tố của ánh sáng và bóng tối cho kịp với thời gian giả ấy, chen lẫn hỗn loạn trong phòng rửa mặt, trong nhà ăn, trong phòng khám; đêm chỉ dài mười phút, chưa kịp chợp mắt, ánh sáng trong buồng ngủ đã bật lên: lại dậy, ngày mới bắt đầu, hàng chục ngày đêm được lồng vào chỉ trong một giờ tới khi các con bệnh chịu hết nổi, mụ mới ấn nút xả hơi cho thời gian trôi theo tốc độ đã ghi sẵn trên mặt đồng hồ, như một đứa trẻ nghịch ngợm với chiếc máy chiếu phim đã cho cuộn phim quay nhanh gấp hàng chục lần và thấy mọi thứ trên màn ảnh trôi vèo vèo cũng chẳng thú vị gì hơn, nó lại trả máy về tốc độ cũ.
Mụ chỉ khoái tăng tốc độ, chẳng hạn vào những ngày có khách tham quan, hay trên tivi truyền đi cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh ởPortland, đúng những lúc người ta muốn thong thả vươn vai vươn cổ. Những lúc đó mụ cho tăng tốc.
Còn thường thì ngược lại, mụ cho đi chậm. Mụ xoay núm điều khiển về vị trí Stop khiến mặt trời đọng lại trên màn hình hàng mấy tuần lễ, cứ đứng yên tại đó, các tia nắng chết cứng trên lá cây,tôi rên thảm cỏ. Kim đồng hồ dừng lại ở vị trí ba giờ kém hai mươi phút và mụ sẽ để chúng nằm yên ở đó chừng nào chúng tôi chưa rữa thành bụi. Chúng tôi ngồi bất động như tượng, không cựa quậy, không đi lại cho máu lưu thông, không nuốt nước bọt, không thở. Chỉ có hai tròng mắt còn đưa qua đưa lại được, nhưng cũng chẳng có gì để thấy ngoài tụi Cấp tính đang ngồi nhìn nhau như hóa đá đoán xem đây là trò của ai. Ông lão Kinh niên cạnh tôi chết cứng đã bảy ngày, đang phân hủy ngay trong ghế. Và mụ dở chứng không phun mù mà xả vào lỗ thông hơi một chất khí không màu và mọi người bị đông cứng lại khi chất khí ngưng đọng thành một lớp chất dẻo bao quanh.
Có trời mà biết chúng tôi ngồi như vậy được bao nhiêu lâu.
Sau đó mụ xoay ngược núm điều khiển một tí, tình trạng càng tồi tệ hơn. Sự bất động chết chóc đối với tôi còn dễ chịu hơn là cánh tay của Scanlon cứ đưa lên hạ xuống từ từ ở góc phòng bên kia, mất ba ngày mới đánh xong quân bài. Tôi thở vất vả, tựa như trước lúc vào phổi, lớp không khí chất dẻo đặc sệt phải chui qua một lỗ kim. Tôi thử đứng dậy để vào chuồng xí và cảm thấy như có hàng tấn cát chất trên người,tôi quặn bóng dái cho tới lúc trên trán nổ ra những tia sáng xanh ngang dọc.
Tôi lên gân lên cốt gắng đứng dậy vào nhà xí tới khi chân tay tôi run lên, nhức nhối đến tận răng. Tôi cố tí nữa, tí nữa, nhưng chỉ rời khỏi được mặt ghế da nửa xăng ti mét. Tôi buông mình ngồi bệt trở lại, tôi đầu hàng để nước tiểu chảy thành dòng âm ấm xót xót theo ống quần bên trái và các bộ cảm biến đáng xấu hổ rú lên báo động, tiếng còi tiếng rên, tiếng la hét ầm ĩ, tiếng bước chân thình thịch xung quanh, hai đứa hộ lý da đen cao lớn xô đẩy đám đông lao đến tôi, ve vẩy cây bàn chải đang xổ dây đồng bùng nhùng, đánh lửa tí tách do bị nước tiểu làm chập mạch.
Chúng tôi chỉ được nghỉ xả hơi duy nhất trong sương mù, nơi mà thời gian chẳng có ý nghĩa gì. Vì cũng như mọi vật, nó bị sương mù nuốt chửng. (Từ khi McMurphy đến sáng nay, máy phun mù chưa lần nào mở hết công suất. Tôi cá khi đó hắn sẽ rống lên như bò.)
Khi không phải đối phó với chuyện gì khác, chúng tôi cũng thường được hưởng mù hoặc thời gian chạy loạn, nhưng sáng giờ chưa có gì xảy ra: cả hai thứ đó đều chưa dùng đến cả ngày hôm nay, từ giờ cạo mặt. Chiều nay cũng không có gì khác. Hết ca một, đồng hồ chỉ bốn giờ ba mươi đúng như giờ thực tế. Mụ Y tá Trưởng cho tụi hộ lý nghỉ và nhìn lại phân khoa lần cuối trước lúc ra về. Mụ rút chiếc trâm cài đầu bằng bạc từ búi tóc xanh như thép sau gáy, cởi chiếc mũi vải màu trắng và cẩn thận đặt vào một chiếc hộp các tông đựng băng phiến, rồi lại đâm cái trâm vào mớ tóc.
Sau lớp kính tôi thấy mụ tạm biệt tất cả mọi người. Người đến nhận ca là một ả y tá nhỏ nhắn với cái bớt bẩm sinh trên mặt. Trao cho ả mảnh giấy, mụ với tay bật loa phóng thanh trong phòng chung: "Tạm biệt các cậu bé, nhớ ngoan ngoãn nhé". Rồi vặn nhạc ầm ĩ. Mụ xoa mu bàn tay lên tấm kính và ném cho gã da đen béo tốt đang bước vào chỗ trực một cái nhìn gớm ghiếc; và khi mụ còn chưa kịp khóa cửa phòng gã đã với vội lấy chiếc khăn và lau tới tấp.
Tiếng rít của máy móc đặt trong tường yếu đi, vòng quay giảm dần, dường như chúng đang thở ra khoan khoái.
Trước khi đi ngủ, chúng tôi ăn tối, tắm rửa, rồi lại kéo nhau vào phòng chung. Blastic, lão Thực vật già nua nhất ôm bụng rên rỉ. George (tụi hộ lý gọi lão là George Rửa Tay) kỳ cọ đôi tay của mình dưới vòi nước uống. Tụi Cấp tính chơi bài trừ một vài đứa cố lột chiếc ti vi đi khắp phòng chừng nào dây còn tới được tìm chỗ bắt được tín hiệu tốt.
Tiếng nhạc vẫn phát ra từ chiếc loa trên tường. Không phải tiếng đài nên không bị nhiễu trong phòng toàn máy móc. Băng chạy trong máy ghi âm đặt trong buồng kính, chúng tôi đã thuộc lòng nên không đứa nào để ý thấy nữa, trừ những đứa mới đến như McMurphy. Hắn vẫn còn chưa quen nó. Hắn đang chơi bài tính điểm ăn thuốc lá, chiếc loa phóng thanh ra rả ngay trên đầu. Cái mũ kéo sụp xuống tận mũi, để thấy bài, McMurphy phải ngửa đầu ra sau, nhìn qua khe hở giữa mũi và vành mũ. Hắn nói liến thoắng, răng vẩu ra cắn chặt điếu thuốc, giống hệt một gã bán đấu giá súc vật tôi từng thấy ở hội chợ thành phố Dalles.
"... Ê hề - hây! Nào, vô đi, xin mời," McMurphy nói nhanh, the thé. "Qua tiếp đây, hỡi các chàng công tử bột. Thế... dám chơi không? Chơi hả? Chú cầm con mười trên tay chớ gì? Vậy thì chui rồi, cầm lấy một con tám... con chín nữa... lãnh cho đủ, Scanlon, giá có thằng đần nào trong hộp kính tắt hộ cái loa chó chết này thì hay quá! Ối, Harding, suốt ngày cứ ra rả vầy sao? Trong đời chưa bao giờ qua bị tra tấn bởi một mớ âm thanh điên loạn như thế này."
Harding nhìn hắn dò hỏi. "Mớ âm thanh nào vậy, ngài McMurphy?"
"Cái đài khỉ gió này này, suốt từ sáng sớm khi qua mới đến cho tới tận giờ... Đừng vờ vịt nữa, bộ mày điếc sao?"
Harding nghiêng đầu, vểnh tai lên trần nhà. "A, cái thứ âm nhạc ấy à? Bọn tôi chỉ nghe thấy khi nào cố tập trung, mà khi đã tập trung tư tưởng, người ta có thể nghe thấy được cả tiếng tim mình đập ấy chứ." Harding cười, nhìn McMurphy. "Ông bạn hiểu cho, đấy là băng ghi âm. Còn đài tụi này ít được nghe. Tin tức đâu phải lúc nào cũng là thuốc chữa bệnh. Còn chúng tôi nghe thứ nhạc này đã đầy tai đến nỗi không còn nghe ra, cũng như một người sống cạnh thác nước lâu ngày sẽ không còn nghe thấy tiếng chảy của nó nữa. Nếu ngài sống cạnh thác nước, liệu ngài có nghe thấy tiếng ầm ầm mãi không?"
(Tôi vẫn nghe được tiếng thác nước trên dòng Columbia và sẽ nghe thấy mãi... nghe thấy tiếng thét của Charley Bụng Gấu khi anh cầm chiếc đinh ba đâm chết một con cá hồi, tiếng quẫy nước của con cá trước lúc chết, tiếng hò reo của đám trẻ con trần truồng, phụ nữ đứng trên bờ... từ thời đã qua.)
"Ở đây tiếng nhạc cũng không bao giờ dứt như tiếng ồn của thác nước?"
"Trừ lúc ngủ, còn lại thì đúng như vậy," Cheswick nói.
"Mẹ chúng nó. Để qua bảo thằng nhọ, nó không tắt qua đập chết cái một."
McMurphy đứng dậy nhưng Harding đập vào cánh tay hắn. "Ông bạn, lời tuyên bố vừa rồi sẽ bị coi là hung hãn. Ông chưa chi đã muốn thua cuộc sao?"
McMurphy nhìn Harding: "Nghĩa là thế đấy? Hóa ra là trò cân não? Làm cho ta phát điên đầu lên phải không?"
"Đúng thế."
Hắn từ từ ngồi xuống và nói: "Trời đánh thánh vật."
Harding quay sang tụi đang chơi bài: "Thưa các vị, tôi có vẻ đã nhận ra trong người hùng tóc đỏ ý chí cao bồi màn ảnh đã có một sự giảm sút không mấy anh hùng."
Harding nhìn McMurphy ngồi đối diện bên bàn, mỉm cười. McMurphy gật đầu với hắn rồi ngẩng lên nháy mắt, thấm nước bọt vào ngón tay cái. "A ha, giáo sư Harding của chúng ta hình như bắt đầu sủa bậy. Mới thắng một ván đã phổng mũi. Thế, thế... Hắn đang cầm con hai trên tay, cá một gói Marboro qua biết hắn sẽ chui ván này. Ô hô, chưa chịu hả? Thì đây, con ba... ngán chưa? Thêm con hai nữa. Vì chỉ là năm nhé, thưa Ráo sư. Ráo sư sẽ đặt cửa gấp đôi hay chơi nhẹ nhàng thôi? Thêm gói nữa hắn chỉ dám chơi nhẹ nhàng. Ô kìa, Ráo sư đang tính toán. Rõ rồi, tệ quá, một con tám nữa là mày chầu trời..."
Từ loa lại vang lên oang oang một bài hát mới, tiếng đàn phong cầm nghe loạn xạ. McMurphy nhìn lên, không chịu thua chiếc loa, hắn thét:
"... Ê-hề, tiếp đi, quỷ tha ma bắt, mày tính ôm hay tiếp tục chơi? Này, thì cầm lấy..."
Cứ thế đến chín giờ ba mươi, khi đèn tắt hết.
Tôi có thể xem McMurphy chơi suốt cả đêm, nhìn hắn chia bài, nghe hắn hò hét, chỉ thắng sao cho tụi kia đủ ngán nhưng chưa đủ bực mình đến bỏ cuộc chơi, rồi vờ thua vài ván để khích lệ đối thủ rồi lại thắng tiếp. Một lần trong lúc giải lao, McMurphy xích ghế ra đốt thuốc, đan tay sau đầu và nói: "Bí quyết của cờ gian bạc lận là gì? Ấy là phải biết được gã công tử bột ngồi trước mặt mình muốn gì, phải thôi miên làm cho hắn có cảm giác hắn đang nhận được những gì hắn muốn. Qua rút ra điều đó hồi còn làm thuê ở một quán giải trí lưu động. Một gã máu mê đi đeén, chỉ nhìn nó là cảm thấy ngay: à, lại một thằng cha chết nhát muốn được hùng hổ. Và cứ quẳng tiền vào là hắn thua, tất nhiên là bị lừa mãi thì cũng cáu, đến lúc ấy mày phải run như thỏ, sợ tái mặt mày và nói với hắn: ‘Vì Chúa, đừng tức giận, thưa ông. Cứ thử thêm lần nữa xem, ông sẽ thắng đấy.’ Và thế là cả hai bên đều thỏa mãn."
Hắn đổ người về phía trước, hai chân sau chiếc ghế bị nhấc lên khỏi sàn nhà. Cầm lấy chỗ bài, hắn thấm nước bọt vào hai ngón tay, đập nó lên bàn.
"Và với tụi bay, thiết nghĩ phải mồi bằng cả một ngân hàng mới xứng. Đây, mười bao nữa đặt cửa cho trận tiếp. Nào, bắt đầu, ai sợ thì đừng nhìn vào đây..."
Hắn hất đầu ra phía sau và cười hô hố khi bọn kia lao xao đặt phần của mình.
Tiếng cười âm vang suốt cả tối, và vừa chia bài, vừa buông những lời đùa cợt, hắn muốn chúng cười theo. Nhưng không một đứa nào cười thoải mái được. Chúng đánh mất thói quen đó đã lâu. Nhận ra điều này, McMurphy thôi pha trò và bắt đầu chơi nghiêm túc. Vài lần hắn bị cháy túi nhưng lại gỡ được hoặc giành được, đống thuốc lá bên cạnh cứ cao dần lên.
Rồi chỉ ít lâu trước giờ đi ngủ, McMurphy để cho chúng thắng, thắng nhanh đến nỗi chúng quên hết những thất bại ban chiều. Trả nốt hai điếu thuốc cuối cùng, hắn hít một hơi dài, ngả mình ra thành ghế và hất chiếc mũ ra khỏi mắt. Cuộc tàn.
"Thế đấy, tao chỉ thắng chút xíu, còn lại thua," hắn buồn bã lắc đầu, "không thể hiểu nổi, hồi hăm mốt tuổi tao vẫn là một chuyên gia chơi bài tính điểm, nhưng tụi bay còn láu cá hơn tao nhiều. Thật dễ sợ nếu ngày mai phải chơi ăn tiền thật sự với những tay bạc như vậy."
Hắn còn không buồn giả bộ tin chúng mắc lừa vì câu đó. Hắn để cho chúng thắng, tất cả chúng tôi, những đứa đứng ngoài quan sát đều hiểu điều đó, tụi trong cuộc cũng vậy. Những điếu thuốc mà chúng vừa thắng được thực ra chỉ là phần gỡ vì từ đầu buổi vẫn là của chúng, nhưng khi vơ đống thuốc về cả bọn vẫn khoái trá ra mặt, đứa nào cũng tự cho mình là con bạc khét tiếng nhất, gian hùng nhất trên toàn vùng Mississippi.
Gã hộ lý béo và gã da đen thứ hai tên là Geever đuổi tất cả ra khỏi phòng chung và bắt đầu tắt đèn bằng một cái nhìn chìa xỏ vào chuỗi, bóng tối càng dày đặc thì đôi mắt ả y tá có cái bớt bẩm sinh càng mở to và sáng lên trong buồng kính. Cô ả đang phát những viên con nhộng dùng đêm cho tụi Cấp tính xếp hàng thứ tự đi qua, còn ả thì gắng hết sức để không nhầm lẫn là cần đầu độc ai bằng thứ thuốc gì. Ả chẳng biết mình đang rót nước vào đâu vì tâm trí tập trung cả vào gã tóc đỏ với cái sẹo dữ tợn trên mặt và chiếc mũ quái gở trên đầu đang đang đến càng lúc càng gần. Ả đã nhìn từ lúc gã rời khỏi bàn chơi trong phòng tối, những ngón tay chai sạn vân vê túm lông thò ra khỏi cổ chiếc áo tù phanh ngực, và nhìn thấy ả hoảng hốt lùi lại khi McMurphy tiến đến, tôi đoán ngay ra là mụ Y tá Trưởng đã dặn dò, cảnh tỉnh trước cho cô ả. ("À quên, cô Pilbow, trước lúc bàn giao tôi còn một chi tiết nữa muốn nói: bệnh nhân mới, đấy, gã ngồi kia kìa, gã có mớ tóc đỏ rối mù, cáu bẩn và vết sẹo trên mặt chưa liền da ấy, tôi có đủ cơ sở để kết luận gã là một tên cuồng dâm.
Nhận ra ánh mắt đầy sợ hãi của cô ả, McMurphy thò đầu vào và nhoẻn miệng, nở một nụ cười thân thiện làm quen. Luống cuống để rơi bình nước vào chân, ả kêu "á" lên một tiếng rồi nhảy lò cò, tay vung vẩy làm viên thuốc đang chìa cho tôi văng ra khỏi cái cốc chui luôn vào cổ áo ả, nơi cái bớt rẽ xuống tựa như một suối rượu vang đổ vào thung lũng.
"Cô y tá, cô để tôi giúp một tay."
Và cánh tay rám nắng, đầy những vết sẹo với hình xăm thò vào.
"Không được bước vào! Tôi còn hai hộ lý trong khoa."
Ả nhìn sang chúng, nhưng chúng lại ở quá xa, đang bận bịu giằng buộc tụi Kinh niên vào giường. McMurphy bật cười và ngửa lòng bàn tay cho thấy hắn không cầm dao găm hay súng lục. Còn cô ả chỉ nhìn thấy ánh sáng rọi trên lòng bàn tay trươn trượt đầy chai.
"Cô y tá, tôi chỉ muốn..."
"Không được vào! Bệnh nhân không được... Ôi, đừng vào, lạy Chúa, tôi là người Công giáo!" – Rồi ả giật mạnh dây chuyền trên cổ khiến cây thánh giá từ chính trong ngực văng ra, bắn viên thuốc vừa rơi lên trời. McMurphy lao tới huơ tay ngay trước mũi ả. Ả rú lên, đút thánh giá vào miệng và nhắm nghiền mắt lại như bị làm thịt đến nơi, cứ thế đứng đó, người trắng bệch ra như tờ giấy, chỉ còn cái bớt là tím bầm lại tựa như máu trong toàn bộ cơ thể đã dồn cả vào đó. Cuối cùng ả cũng mở mắt ra để thấy trước mặt vẫn bàn tay đầy chai ấy với viên thuốc màu đỏ nằm gọn bên trong.
"... nhặt cái bình mà cô đã đánh rơi."Taykia hắn chìa chiếc bình ra.
Ả cầm lấy và thở hắt ra ồn ĩ. "Cảm ơn. Chúc ngủ ngon! Chúc ngủ ngon!" Cánh cửa đóng lại ngay trước mũi đứa đứng sau. Việc uống thuốc đêm thế là xong.
Về đến phòng ngủ, McMurphy ném viên thuốc lên giường tôi: "Uống cho khỏi bệnh, Thủ lĩnh."
Tôi lắc đầu, hắn búng viên thuốc đi, tựa hồ búng một con sâu gớm ghiếc. Viên thuốc này lách tách trên sàn gạch như một con cào cào. McMurphy cởi quần áo ngoài chuẩn bị đi ngủ. Dưới cái quần lao dịch là chiếc quần đùi lụa đen thêu đầy những chú cá voi trắng mắt đỏ. Thấy tôi nhìn vào đó hắn cười. "Một nữ sinh trường tổng hợpOregontặng đó, một cô bé khoa văn." Hắn lấy tay bật bật chun quần. "Cô ta nói tao là một biểu tượng."
Mặt, cổ và hai cánh tay hắn sạm nắng, thân mình phủ đầy lông màu hung xoăn tít. Vai hắn rộng, chạm trổ nhằng nhịt. Một bên là "Vòng cổ chiến trận" với một con quỷ mắt đỏ, sừng đỏ, tay cầm cây súng trường M-I, còn bên kia là những con át và những con tám xòe thành một thế poker hình cánh quạt. Vo tròn bộ quần áo, để lên mặt chiếc tủ con cạnh giường tôi, hắn vỗ cho chiếc gối phồng lên. Hắn đã được xếp nằm giường cạnh tôi.
Hắn chui vào chăn và bảo tôi tốt hơn cũng nên nằm xuống, bởi thằng nhọ đang đến tắt đèn. Tôi ngoái lại và trông thấy gã hộ lý tí hon Geever đang tới, vừa kịp tháo giày và leo lên giường thì gã tới nơi và dùng một tấm mền trói tôi vào giường như thường lệ. Làm xong việc gã nhìn lại buồng ngủ, cười khì khì và tắt đèn.
Phòng ngủ mờ tối, chỉ có một ít ánh sáng le lói từ phòng trực kính hắt ra hành lang. Tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ McMurphy bên cạnh, thở sâu và đều, tấm chăn phủ trên người dâng lên hạ xuống. Nhịp thở chậm dần, chắc là hắn đã ngủ. Nhưng từ giường hắn, đột nhiên tôi nghe thấy một thứ tiếng phát ra ở sâu trong cổ họng, khe khẽ như tiếng ngựa hí từ xa vẳng đến. Hắn không ngủ mà đang cười rúc rích vì chuyện gì đó.
Sau đó thôi cười, hắn thì thầm: "Thủ lĩnh, mày giật mình khi tao nói có thằng nhọ đang đến. Vậy mà chúng bảo mày điếc."
Truyện khác cùng thể loại
11 chương
63 chương
25 chương
24 chương
19 chương
75 chương
94 chương
30 chương