Bát tiên đắc đạo

Chương 16 : Hiếu tử xuống biển thăm mẹ ốc chốn tiên vào cung yết kiến long vương

Một hôm, Tiên Tứ đang ngồi ngay ngắn dưỡng khí, chợt nghe bên tai có tiếng người nói : - Điền loa tinh đang gặp nạn, sao anh không mau mau tới thăm, đáp đền ơn nghĩa ? Tiên Tứ mở choàng mắt ra. Thì ra là Tam thư tới thăm. Tiên Tứ vội đứng dậy nghênh tiếp, Tam thư nói : - Hiện nay mẹ anh đang bị em trai anh nhấn chìm dưới sông Hoài. Cha anh thống hận thằng con bất hiếu, đã chết vào năm ngoái. Sao anh không tới thăm mẹ anh một phen ? Tiên Tứ nghe nói, lại thảm thiết trong lòng, nước mắt đầm đìa, nói : - Đệ tử từ khi nghe lời răn của thầy, lục căn đều tĩnh, bụi trần chẳng nhuốm. Đôi khi, trong lúc giữ yên tĩnh hoàn toàn, có nghĩ tới một điều gì chăng nữa, cũng chỉ là nghĩ tới cha mẹ mà thôi. Nỗi lòng uẩn khúc của đệ tử chỉ có sư tôn cùng Tam thư chứng giám. Riêng đối với tai nạn của cha mẹ, đệ tử hận không thể mọc thêm đôi cánh, tới thăm hỏi một phen, lòng này mới yên tĩnh trở lại. - Con giao đó thác sinh làm người phàm, chuyên tìm cách chống đối anh. Sau khi anh đi rồi, nó gia nhập tà giáo, luyện tập yêu pháp, đã có thể biến trở lại nguyên thân, hưng yêu tác quái. Mẹ anh chẳng phải là người không có đạo hạnh, nhưng cũng không cưỡng lại nổi câu thần chú của lão giao : "Ngươi từ đâu tới, hãy quay về nơi đó !". Thương thay cho mẹ anh, làm người đã được mấy chục năm, cuối cùng lại trở thành một con ốc nhồi. Hơn nữa, còn bị lời chú cấm đoán, không thể ra vào tự do. Anh tuy học đạo nhiều năm, đạo thuật biết được kha khá, nhưng nếu đối kháng với nó, chỉ như trứng chọi đá, thất bại chắc chắn. Nay anh muốn đi, trước hết phải tìm ra một biện pháp chế phục giao tinh mới được. Tiên Tứ không trả lời câu hỏi đó, trước hết muốn biết việc cha mẹ mình bị hại ra sao. Tam thư nói : - Trong khoảng trời đất, hai khí chính tà đều có thanh thế tương đương. Chính có chính phái, tà có tà đảng, đó là lẽ thường. Tà không thể thắng chính, nhưng ngẫu nhiên gặp số kiếp đưa tới, chính nhân quân tử nhiều khi cũng không thể tự bảo toàn, tà khí thừa cơ khuynh đảo, cũng thường khi đánh bại được chính. Như hiện nay, con giao tinh đó tuy rằng có hành vi bất chính, nhưng nó đã gia nhập một loại tà môn, cũng có số đông phe nhóm bênh vực, như ba ba, rùa, cua đinh…, có thể tùy thời, tùy việc mà chỉ điểm cho nó, hợp tác với nó, để cùng quay về yêu đạo. Chí của bọn chúng đặt ở luyện phép, không biết tới đại đạo. Đạo là gốc, mà phép là ngọn, nên luyện tập phép thuật thì dễ, mà học đạo rất khó. Vì dễ nên luyện tập phép thuật không cần giữ qui củ chặt chẽ cũng đạt được, trong khi học đạo cần phải nghiêm chỉnh, cần phải trịnh trọng. Học đạo chưa thành, cũng như chưa học, mà người chưa học làm sao có thể đối kháng với yêu pháp ? Tiên Tứ chợt hiểu ra, nói : - Đệ tử đã hiểu rồi. Thằng Giao Nhi này nhất định đã được phe nhóm của nó giúp đỡ, chỉ điểm, nên đã sử dụng được yêu pháp, nên mẹ tôi không chế phục nổi phép thuật của nó, trái lại còn bị lời chú kìm giữ. Còn như cha tôi là người không có chút đạo hạnh, tất nhiên không phải đối thủ của nó. Tam thư gật đầu : - Cha anh vì thấy giao tinh ưa giao du với bọn phỉ đồ, việc ác nào cũng dám làm, nên có răn đe vài câu, bị nó đá cho một phát. Người đã lớn tuổi, già yếu, làm sao chịu nổi, nên không quá một ngày, đã vì trọng thương mà chết. Đó là sự việc xảy ra vào mùa đông năm ngoái. Sau khi cha anh chết, mẹ anh vì có phép thuật, luôn giữ được cơ thể tươi tắn như thời trẻ trung, bị yêu tinh nhổ nước bọt vào mặt. Thái độ hỗn láo đó làm sao chấp nhận được, mẹ anh mới cắn vào ngón tay nó. Không biết Giao Nhi học được phép thuật ở đâu, nó tìm được vỏ xác của mẹ anh, đem ra đặt giữa nhà. Đợi lúc mẹ anh bước ra, nó niệm câu chú : "Lão nương điền loa tinh! Mau hiện nguyên hình ! Nếu không, ta chém một nhát, đưa về âm phủ !". Câu chú vừa dứt, lạ lùng thay, mẹ anh biến mất. Thì ra mẹ anh đã bị thu nhập vào trong vỏ ốc. Trong vỏ ốc đó, bà tìm cách bò đi. Con giao ác độc đó vẫn không tha, đem con ốc nhồi bỏ nuôi trong ao. ý của nó là sẽ bắt con ốc, luộc lên mà ăn. Không ngờ ông Trời có cảm ứng, bỗng nhiên đổ một cơn mưa lớn, khiến con ốc bò ra khỏi ao, nhảy vào sông Hoài. Giao Nhi cũng hiểu được ý trời răn đe nó, không dám nghĩ tới chuyện luộc ốc ăn nữa. Nhưng nó dùng lời chú, nhận chìm bà ở dưới đáy sông Hoài, trong vòng một ngàn năm, không được xuất đầu lộ diện. Hiện nay, mẹ anh đang ở đó chịu khổ. Tiên Tứ nghe nói, đau đớn khóc lóc : - Cha mẹ tôi có tội nghiệt gì quá đáng, mà phải chịu báo ứng thảm thương đến thế ? Xin hỏi Tam thư, Tôn Tiên Tứ này có thể gặp mặt cha mẹ được không ? Tam thư nghiêm sắc mặt, nói : - Sao không được ? Không giấu gì anh, hôm nay tôi vâng pháp chỉ của sư tôn, dẫn anh đi, cùng tôi xuống sông Hoài để gặp mẹ anh. - Sau khi thăm mẹ tôi, có thể nhờ thần linh của sư tôn, và pháp lực của Tam thư, cứu mẹ tôi ra khỏi chỗ nguy hiểm được không ? Tam thư lắc đầu : - Việc đó chẳng phải dễ dàng. Sư tôn từng nói : mẹ anh trước đây tác nghiệt không ít, ngày nay phải chịu báo ứng. Cũng may có anh là con giúp đỡ cho bà được nhiều điều. Sư tôn bảo tôi truyền cho mẹ anh một số phép tu luyện, để bà tập luyện, đạt được thể xác có thể lớn, có thể nhỏ, ngay cả việc có thể biến vỏ ốc thật lớn, đến độ trở thành ở động phủ dưới biển , lập một đạo tràng chứa được ngàn người. Dưới biển còn có long vương là chỗ bạn bè, có thể giúp đỡ bà hòan thành đạo hạnh, thoát ly đường súc vật. Bấy giờ bà mới chuyển họa thành phúc, đạt được kết quá tốt. Nhưng sư tôn nói ông với loa tinh chẳng có quan hệ gì, người có thể ra tay giúp đỡ bà ta, chỉ có thể là anh. Anh nên tu thành đại đạo đi đã, sau đó chu du thiên hạ, lập ba ngàn việc công đức, để hóa độ cho mẹ, đền ơn sinh thành ! Như vậy sẽ chậm trễ việc lên thượng giới một ngàn năm, và phải trải qua vòng luân hồi một lần nữa để làm người phàm tục. Nhưng nhờ anh có căn cơ rất dầy, việc thành tiên cũng dễ. Anh có chấp nhận việc làm đó, mới có thể chuyển cấp đại pháp cho mẹ anh, bằng không sư tôn cũng không hơi đâu mà lo cho điền loa tinh như thế ! Anh hãy suy nghĩ kỹ xem sao. Tiên Tứ khóc lóc, khấu đấu lạy tạ, nói : - Chỉ cần cứu được mẹ, Tôn Tiên Tứ này tình nguyện vĩnh viễn làm một du tiên, cứu nhân độ thế, dầu không được lên trời, cũng không một lời oán thán, huống hồ chỉ mất có một ngàn năm ! Tôi còn có một lời muốn hỏi : cha tôi hiện ở tại âm tào, sau này có thể nhờ Tam thư dẫn tôi đi thăm một chuyến, được không ? Tam thư gật đầu : - Cha anh luôn giữ lòng nhân hậu, kiếp này lại không làm một điều gì ác chẳng may tức giận mà chết, là do nghiệt trái từ kiếp trước sinh ra. Khi món nợ đó dứt, tự nhiên được thác sinh vào nơi phúc địa, lại hưởng lộc dồi dào nữa ! Anh bất tất phải bận tâm tới chuyện đó . - Tuy nói vậy, lòng tôi không khỏi nghĩ tới chuyện gặp mặt người cha quá cố một lần, sau đó mới có thể yên tâm. Tam thư trầm ngâm một hồi, nói : - Việc này gay đây ! Hiện thời sư tôn chỉ sai tôi đưa anh đi gặp mẹ anh, chứ không hề bảo tôi dẫn anh xuống âm ti. Tôi vì anh, tạm đưa ra một ý kiến tuyệt hảo thế này nhé ! Tôi có nghe sư tôn nói qua, cha anh tuy là người tốt, cũng không có duyên với tiên, chỉ đáng được hưởng mười lăm kiếp giáng sinh vào nhà phú hậu, lương thiện. Đợi cho anh công hành một ngàn năm đầy đủ, tôi nhất định sẽ xin với sư tôn cho anh được đầu thai vào làm con ông kia, khiến cha con anh sau một ngàn năm lại làm cha con, há chẳng phải một giai thoại thú vị lắm sao ? Như thế, anh trút bỏ được mối tâm sự canh cánh bên lòng, có tốt hay không ? Tiên Tứ vui mừng bái tạ, sau đó lại hỏi tới kết cuộc của Giao Nhi ra sao. Tam thư lắc đầu, nói : - Người đó vốn thuộc loài yêu ma, đã gia nhập tà giáo, mai sau tội ác chất đầy, tự nhiên có người thu phục nó, chúng ta cần gì phải phí tâm sức nghĩ tới ? - Tội nó chất đầy : giết cha, hại anh, dùng bùa chú trấn áp mẹ, chưa thể kể là tội ác cùng cực hay sao ? Hạng người tội lỗi như thế còn để lại dương gian chỉ hại thêm người khác, há chẳng phải thiên đạo quá khoan dung ư ? - Bàn cho kỹ, trong việc này còn có một đạo lý lớn, hiện tại chỉ có thể bàn bạc sơ qua với anh thôi. Như tôi đã nói, kiếp số đã định, chẳng những sức người không thể lay chuyển, ngay cả thiên đạo cũng không tác động tới được. Chẳng hạn như trời có bốn mùa, khí hậu trong ngày và đêm, có nóng, lạnh, mưa, gió. Theo suy nghĩ của người đời, ai cũng thích trời tạnh ráo, không mưa, muốn có thời tiết ôn hòa, không nóng quá, không lạnh quá, muốn có ngày dài vô tận, không đêm. Tuy nhiên, việc tương sinh, tương khắc, qua qua, lại lại đều có định số, ngay cả Ngọc hoàng thượng đế, Nguyên Thủy thiên tôn, Lão Quân tổ sư, và Như Lai Phật tổ bên Tây phương, cũng không thể miễn cưỡng được, huống hồ con người nhỏ bé ? Nay lại nói tới số kiếp, có đạo lý như thế nào ? Hãy lấy ví dụ việc trị loạn trên trần thế mà nói, đời không thể lúc nào cũng yên trị, không có loạn. Như thế đủ hiểu đạo không thể luôn luôn chính, không có tà. Hiện tại, chúng ta thấy giao tinh hung hiểm, tàn nhẫn, nên phải giết, không thể tha thứ, có biết đâu rằng trong khoảng trời đất, hạng yêu ma hung ác như thế nhiều vô kể ! Việc chúng sinh ra vốn do kiếp số, việc chúng hành sự vị tất đã không có đạo lý về nhân quả nằm bên trong ? Tiên Tứ nghe vậy, không còn thắc mắc gì nữa, theo Tam thư ra khỏi cửa động. Tam thư đưa ngón tay ngoắt một cái, từ không trung hai đám mây trắng bay lại, từ từ hạ xuống trước mặt hai người. Tam thư đưa tay đỡ Tiên Tứ lên mây, chỉ cho anh các khẩu quyết điều khiển đám mây, lên cao, xuống thấp , bay đi hoặc dừng lại. Lát sau, Tam thư vỗ lên vai anh, nói : - Kia là sông Hoài. Chúng ta đã từ Hải Nam bay lại, ước chừng đi xa được hơn một ngàn dặm. Anh hãy thử thí nghiệm, niệm khẩu quyết dừng mây, xem thế nào. Tiên Tứ niệm lâm râm, quả nhiên đám mây ngừng lại, từ từ hạ xuống bên bờ sông Hoài. Tiên Tứ mừng rỡ, nhưng lại chợt nhớ tới thân mẫu ở đây chịu tội, chạnh lòng rơi nước mắt. Tam thư đưa ngón tay xuống giữa giòng sông, chợt thấy sóng nổi cuồn cuộn, nước sông tự rẽ ra, giữa lòng sông xuất hiện một con đường bằng phẳng. Tam thư dẫn Tiên Tứ men theo con đường đó mà đi. Đi chừng nửa giờ đồng hồ, Tam thư bỗng lên tiếng : - Trước mặt đây là một tòa cung điện, lấp lánh ánh sáng của vàng và ngọc bích. Đó chính là Thủy Tinh cung, nơi ông bạn thân của anh trú ngụ. Chúng ta trước hãy tới thăm hỏi ông ta, sau nữa nhờ ông ta giúp đỡ, Tiên Tứ biết Tam thư đang nói tới chuyện kiếp trước, và người mà cô gọi là "ông bạn thân" chính là long vương Bình Hòa, mà sư tôn đã nhắc tới trước mặt anh, nên anh vui vẻ nói : - Đã là bạn cũ, tất nhiên phải tới thăm hỏi, huống hồ lại có việc nhờ tới ông ta giúp đỡ. Tam thư bước nhanh lên vài bước, tới chỗ bên ngoài Thủy Tinh cung. Liền có tuần hải 1 dạ xoa tiến lại chặn đường. Tam thư nói rõ ý mình, và chỉ Tiên Tứ, nói : - Ông này là bạn cũ của đại vương. Dạ xoa nghe vậy, không dám chậm trễ, vội chắp tay vái chào hai người, rồi cầm dùi gõ mạnh vào chiếc chuông, treo ở cửa cung điện, để thông báo. Chuông vừa vang lên ba tiếng, bên trong liền bước ra nhiều quan viên thủy tộc, như Quyết, Lý 2 tướng quân, hỏi thăm tên họ hai người, mời vào phòng khách. Hai người ngồi được một lúc, chợt nghe bên trong có tiếng truyền ra : - Đại vương có lời mời hai vị lão hữu ! Tam thư dẫn dắt Tiên Tứ, theo chân mấy vị thủy quan, nghiêm chỉnh tiến lên. Bình Hòa đại vương đã biết Tiên Tứ là ông bạn biển bức ở Quán Khẩu, chuyển kiếp làm người, nên tiếp đãi long trọng, xuống tận thềm nghênh đón. Tam thư và Tiên Tứ cùng thi hành đại lễ. Bình đại vương cười, nói : - Chúng ta trước đây từng là bạn thân, nay lại không phải thuộc hạ của nhau, tôi đâu dám nhận đại lễ ? Sau phần chào hỏi, long vương lui vào hậu cung, truyền dọn tiệc rượu, khoản đãi thượng khách. Trong tiệc, long vương hỏi chuyện Tiên Tứ từ sau khi chia tay. Tiên Tứ đem chuyện lão giao lăng nhục ở Quán Khẩu, được Văn Mỹ chân nhân đưa đi đầu thai, lại bị lão giao chuyển kiếp tiếp tục hãm hại, kể lại từ đầu tới cuối. Là người nghĩa hiệp, vũ dũng, long vương nghe qua tức giận, vểnh ngược chòm râu, tóc tai dựng đứng, vỗ bàn, giậm chân, hét to lên. Lập tức truyền lệnh xuất quân, sai đem mười vạn thủy binh, cùng các tướng thuộc hạ, mau đi điều tra, bắt lão giao về đây, xử tội thật nặng để báo thù rửa hận cho ông bạn ta. Tam thư vội đứng dậy, can ngăn : - Xin đại vương bớt giận. Đối với thứ tiểu yêu đó, cần gì phải phiền tới thần binh của đại vương chịu vất vả ? Sau này, tội ác của nó chất đầy, tự có thiên hình xử trị. Hiện tại, chưa tới lúc nó đền tội, e rằng có huy động ba quân, vị tất đã bắt được nó. Long vương vẫn còn tức giận, nói : - Nếu nói như thế, chẳng hóa ra bọn yêu nhân, vì số thọ còn dài, vẫn được nhởn nhơ hay sao ? Tam thư nghiêm sắc mặt nói : - Yêu nhân tuy nhất định sẽ có lúc đền tội, nhưng tên trời còn có kiếp số định trước. Những bạo quân, loạn thần trên đời, cùng những yêu tinh, quỉ quái ngoài đời, đều ứng kiếp số mà sinh ra. Kiếp số chưa hết, sức người không thể chế phục, kiếp số đã tới, chẳng cần đánh, chúng cũng tự diệt vong, đại vương cần gì phải phí thần trí ? Long vương nghe vậy, ấm ức trong lòng. Tiên Tứ lại phải năm lần bảy lượt trần tình, long vương mới nguôi ngoai, vuốt chòm râu, cất tiếng cười hề hề : - Thôi được ! Hai vị đã nói vậy, quả nhân hà tất phải gây sự với hắn ? Chẳng qua chỉ vì ta làm bạn với Tôn quân đã lâu năm, nay thấy ông bị người khác lăng nhục, mà ta không thể giúp đỡ một tay, làm sao ta yên lòng cho được ? Tiên Tứ và Tam thư vội đem chuyện khác ra nói, long vương mới hết giận, cùng nâng chén mời nhau, uống rất vui. Tam thư mới nhắc tới chuyện Tiên Tứ tới tìm mẹ để thăm hỏi, long vương vội nói: - Việc đó rất dễ. Hai vị bất tất phải đích thân đi thăm, quả nhân sẽ sai người đi tìm bà ta, cứu bà ra thoát chỗ nguy hiểm, đưa về đây để mẹ con gặp nhau, chẳng là diệu kế hay sao ? Tam thư cười : - Thịnh ý của đại vương, chúng tôi vô cùng cảm kích, nhưng loa tinh bị độc giao dùng chú trấn áp, không thể tự do. Vả lại loa tinh tội nghiệp cũng nhiều, đáng phải chịu kiếp nạn. Gia sư từng nói, phải đợi một ngàn năm kiếp số mới mãn. Trong thời gian đó, nên để bà ta tu luyện pháp thân, ở yên trong vỏ ốc, biến thành một động phủ, mời cao nhân thiết lập đạo tràng bảy ngày bảy đêm, cầu nguyện cho bà ta thoát khỏi tai nạn. Ngày nay, chỉ nên để cho bà ta nếm mùi đau khổ. Tuy là khổ trước mắt, thực tình là cơ hội tốt cho bà tu đạo. Tệ sư còn sai tôi truyền thụ khẩu quyết cho bà ta, nên sau này sự thành tựu của bà ta lớn vô hạn, nếu bây giờ cứu bà ấy ra, việc tu trì sẽ bị trở ngại, nên thương yêu bà ta lại hóa ra làm hại cho bà. Hiện nay, bà đang ở dưới quyền cai trị của đại vương, nhưng một ngàn năm dài đằng đẵng như thế, lấy gì bảo đảm bà ta không bị yêu nhân khác xâm lấn, khiến bà không thể chuyên tâm tu đạo ? Đó là điều rất đáng lo ngại. Tôi đặc biệt dẫn Tôn công tử tới yết kiến đại vương là để thỉnh mệnh đại vương ban chỉ dụ cho vị chính thần sông Hoài, tùy thời thiết pháp bảo hộ, Tôn công tử cảm ơn không hết ! Long vương vừa nghe, thuận miệng nói ngay : - Chỉ là chuyện nhỏ, hai vị chẳng cần dặn bảo. Quá nhân sẽ mời ngay hai vị tả hữu thừa tướng, tới gặp hai vị. Long vương liền dặn bảo hai vị thừa tướng giải quyết việc này cho thật tốt, lại sai Quyết đại phu đích thân dẫn dắt tám vị tuần hải dạ xoa hộ tống Tiên Tứ và Tam thư đi. Hai người hết sức cảm kích, rời khỏi bàn tiệc bái tạ, rồi theo Quyết đại phu và các tuần hải dạ xoa, rời khỏi long cung, tiến vế phía sông Hoài.