Bão đồng

Chương 15

Sau sự cố sập hành lang trường học xã làm thằng Lâm, con thứ ba vợ chồng Lận, cháu gọi Thuật, về đằng nào cũng được, bác ruột, bố nuôi, đều được cả. Thế nên, ngay từ khi thầy phó hiệu trưởng, em về đằng vợ của Thuật, chạy đến báo tin một cháu bị rầm xà rơi vào nặng lắm, thì Phượng, vợ Thuật, như có linh tính, vội kêu lên: “Có phải thằng Lâm, học lớp cô Loan không?”. Bởi từ mấy năm nay, tuy thằng Lâm chưa về ở với vợ chồng ông bác giàu của cải lại nghèo con cái, vợ chồng Thuật cũng gần như góp gạo nuôi con chung với vợ chồng Lận. Biết vợ chồng Lận thóc gạo không túng chỉ túng tiền, mà tiền thì ai chứ nhà Thuật cũng không đến nỗi thiếu, Thuật bảo Hoan, vợ Lận, bên này đông trẻ mỏ, vui anh vui em, cháu nó chưa chịu sang ở bên tôi. Thôi thì cứ để nó ở bên này, tháng tháng anh bảo chị dâu đưa ít tiền cho thím tiêu pha cho tiện, chứ thóc lúa gánh đi gánh lại ky cách. Bác tính thế là phải. Vợ chồng em đông con, lớn bé cả thảy năm đứa, còn vợ chồng bác lại hiếm con, đẻ mấy bận chỉ được hai đứa con gái. Cho cháu nó làm con nuôi bên bác cho có người đi lại. Mới lại, sau này hai bác có già cả, ốm đau nằm đấy cũng còn có đứa nó cơm bưng nước rót. Chứ con gái rồi nó đi lấy chồng, về nhà chồng, chứ mấy đứa còn quay lại nuôi dưỡng được bố mẹ đẻ. Vậy mà hành lang dẫy nhà hai tầng trường học xã sập vào đứa nào không vào, lại vào đúng thằng Lâm, khác nào gậy ông đập lưng ông còn gì nữa. Thật quả báo nhỡn tiền. Thế nên, sau cái chết của thằng Lâm ít lâu, Thuật bỗng giở chứng, điên không ra điên, dại không ra dại, mà khùng cũng chẳng ra khùng. Người trông thì không sao, vẫn cái dáng đầm đậm thấp lùn, tạng người ngày xưa các cụ bảo khôn bé người lại, còn ngày nay bảo người lùn là thông minh. Thông minh đâu chưa thấy, chỉ thấy trông người thì không sao, nhưng trong chớp mắt, không hiểu hắn ta vừa nghĩ đến cái gì mà người bỗng đỏ gay đỏ gắt, hét tướng lên, một tay chém vào không khí, gào thốc bộ: “Không.., tao, tao không! Tao không…!”. Không còn hiểu hắn ta hét không đây là không cái gì. Nhưng đúng là chỉ mỗi câu thế, rồi nằm vật ra, hai bên mép sàu bọt, trông rõ khiếp. Nằm vật ra, mép sàu bọt trông rõ khiếp, bất tỉnh nhân sự hàng tiếng đồng hồ, rồi hắn ta lại lớp ngóp đứng dậy. Lớp ngóp đứng dậy là hắn ta đi liêu xiêu như người say rượu trên đường làng, lối xóm. Không hiểu hắn ta còn nhớ đường về nhà, nhưng có đến quá tam ba bận hắn ta liêu xiêu đi thẳng vào nhà bà Bao, như thể người có ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Có lần mới bước chân vào đến giữa nhà, nhìn thấy tấm ảnh ông anh treo trên ban thờ, liền gào thốc bộ lên ới anh ơi là anh ơi, sao ngày ấy anh không đánh cho em chết đi, mà anh lại để em sống đến bây giờ làm gì cho khổ, cho nhục cái thân em, anh ơi hờ anh ơi ơ ơ ờ ờ! Lại có lần, hắn ta mới liêu xiêu vào đến sân liền nằm vật ra trước hiên nhà, rồi cứ nằm phủ phục như thế chắp tay vái lia lịa vào ban thờ ông anh. Hình như từ hôm thằng cháu đi Bắc Cạn mang tấm ảnh ông Bao về, hắn ta vừa nhìn thấy đã ngất xỉu, thì lần nào cũng vậy, hễ đặt chân đến nhà bà Bao là thể nào ông em chồng cũng không chứng nọ thì tật kia, chứ không không. Có lần hắn ta vừa bước chân vào tới cửa nhà, nhìn thấy bà Bao từ trong buồng đi ra, liền chỉ tay vào bà chị dâu gọi như gọi vợ ở nhà, này, mình ơi, mình không nhìn thấy tôi hay sao mà không mau lại dìu tôi vào giường đi hử. Bà Bao mặt cắt không còn hạt máu, nhưng vẫn phải ngáo ngơ trông ra xem có ai đi bên ngoài không, rồi mới ba chân bốn cẳng ra dìu ông em chồng vào trong nhà, kẻo ông ấy cứ đứng mà gào mãi thế kia, xóm láng, trẻ mỏ kéo đến lại rách việc. Nhưng dẫu thế đã rách việc, thì cũng mới chỉ rách việc với xóm láng. Đằng này, lại rách việc với cả hàng huyện, hàng tỉnh nữa, không biết còn tai tiếng đến đâu. Rách việc với hàng huyện thì có thật rồi, còn hàng tỉnh chưa biết đã tới. Không biết có phải vì chỉ gào thốc bộ lên với những người đã quá quen nghe những lời đại loại như thế trong làng, ngoài xã mãi cũng chán, Thuật một buổi vào tầm non trưa, chẳng hiểu nhớ ra việc gì, lại đạp xe lên huyện. Nhưng mới đến trước cổng hội trường huyện, nơi thường diễn ra các cuộc hội họp của huyện với lãnh đạo xã, có tấm biểu ngữ với hàng chữ trắng to đậm dán trên nền vải đỏ căng ngang cổng, Thuật liền nhảy đại xuống, vất tệch cái xe đạp bên gốc cây bạch đàn ven đường, rồi cứ thế gào thốc bộ lên: “Không…, tao, tao không! Tao không…!”. Vì không phải là ở làng, ở xã, với những người ít nhiều biết rõ Thuật, đây là ở huyện, hơn nữa, ngay trước hội trường huyện, hẳn bên trong đang có hội nghị lớn, thấy băng cờ khẩu hiệu treo la liệt và trên sân xe đạp xếp mấy dẫy dài, lại thấy có cả xe máy, ô tô nữa. Không phải là ở làng, đây là ở huyện, cũng tức giữa chốn công đường, nên những người đi đường không ai bảo ai, dừng lại xem đông như kiến cỏ. Nhoáng cái, trước cổng hội trường huyện, gần lối vào uỷ ban, xe đạp và người đi bộ ùn tắc nhốn nháo, ầm ĩ hơn cái chợ vỡ. Nhưng kỳ lạ làm sao, giữa cái chợ vỡ ấy, có ai đó vẫn nhận ra con người điên điên, dại dại, khùng khùng kia, vội kêu toáng lên: “Ô, tưởng ai, hoá ra bác Thuật, anh vợ chủ tịch Trường đây mà!”. Nửa câu sau chắc là nói cho mọi người biết, để đừng có xem thường cái con người này. Nói xong, người kia bước lại, như dỗ dành: “Bác Thuật ơi, bác Thuật à! Bác đừng gào thét lên thế nữa. Để em dẫn bác vào trong này”. Trong này, mà người kia nói đày là nhà ăn tập thể huyện, cũng tức là nơi đại biểu các xã mỗi khi về huyện họp, trưa đều ăn ở đấy. Hôm nay cũng vậy, chỉ lát nữa thôi tan họp là mọi người lục tục từ hội trường kia kéo ra nhà ăn tập thể, còn đông hơn rã đám chợ chiều. Thuật theo Xuê, thì ra người nói như dỗ dành Thuật câu vừa nãy là Xuê, cánh tay phải của Trường, cũng là người cùng với Thuật đẩy cửa bước vào phòng Trường, giữa lúc cả Trường và Hà gần như khoả thân, một người đang xỏ vội một chân vào ống quần, còn một người đang đưa cả hai tay lên ôm lấy bộ ngực thây lẩy, đứng lấp sau tấm ri đô mà bạn đọc đã gặp một lần, hẳn cũng chưa quên. Xuê đưa Thuật ra nhà ăn tập thể, dẫn thẳng vào một gian dành riêng cho chánh phó bí thư, chủ tịch huyện và quan khách trên tỉnh, rồi gọi chị Gấm, chủ nhiệm nhà ăn tập thể vào bảo, đây là thượng khách của uỷ ban, chị cho suất cơm tiêu chuẩn khách vào đây nhá. Chị chủ nhiệm nhà ăn không lạ gì hàng bí thư, chủ tịch xã, tháng nào chả mươi mười năm cuộc họp, ăn đến nhẵn bát nhà ăn tập thể huyện rồi còn gì. Không lạ, nên khi nghe Xuê nói thế, chị Gấm ngớ ra mươi giây, ngỡ Xuê có nhầm với ông nào trên sở nông nghiệp hoặc thuỷ lợi chăng, định hỏi lại cho rõ, nhưng không hiểu sao miệng lại buột ra câu: “Đây là bác Thuật, chủ tịch xã Tiên Trung mà!”. Xuê lập tức nghiêm mặt: “Chủ tịch xã Tiên Trung, nhưng là anh vợ chủ tịch huyện, chị không biết à?”. Tôi biết rồi, chị chủ nhiệm nhà ăn đáp gọn lỏn. Nhưng dẫu chị chủ nhiệm nhà ăn có đáp gọn lỏn thế, chứ gọn lỏn nữa, cũng cứ cách ngày, cách ngày, theo cái vòng tuần hoàn gần như bất biến, huyện lại có một cuộc họp, mà những cán bộ chủ chốt xã như Thuật đã gần như nhập tâm. Gần như nhập tâm, đúng vào quãng giờ ấy, khi trong hội trường người sắp túa ra và trong cơ quan huyện sắp vang lên hồi kẻng hết giờ làm việc buổi sáng, cũng là lúc ngoài nhà ăn tập thể chị chủ nhiệm bảo nhân viên mau mang suất cơm vào cái bàn trong phòng đằng kia, rồi ra mời cái con người giở điên giở dại vào đi, kẻo ông ấy cứ lượn lờ mãi ngoài ấy, hết cửa hội trường lại cổng nhà ăn mà gào thốc bộ lên thế, nhỡ ông Trường ra bắt gặp thì không Gấm cũng Xuê, thê nào cũng có người bị mắng té tát vào mặt. Mắng té tát vào mặt nên cả Gấm và Xuê đều phải dè chừng, hễ huyện có họp hành gì, cứ gần trưa thể nào cũng phải lảng ra ngoài đường, thấy Thuật gào thét ở đâu là y như rằng phải ra kéo bằng được vào nhà ăn, chứ không dám để mặc cái ông con giời ấy vạ vật ngoài đường mà giở điên giở dại giở khùng mãi thế, biết đâu không chỉ rách việc với hàng huyện, mà còn rách việc đến hàng tỉnh nữa thì không biết xấu chàng hổ ai đây! Xấu chàng hổ ai thì chưa biết, nhưng nhiều người biết, thiên hạ cũng đang đồn ầm lên nữa kia, rằng Phượng và Hoan, vợ Lận, qua đò sang bên kia sông xem bói. Bà thầy vừa thắp hương xong, cầm đến lá trầu quả cau hai chị em mang sang, lập tức từ cái mồm dẻo như kẹo mạch nha của bà thầy phát ra toàn một giọng trẻ con, nghe giống y hệt giọng thằng Lâm, cứ liên tha liên thuyên, một điều rằng con chết oan, hai điều rằng con chết oan! Hỏi làm sao oan, oan thế nào, thì vẫn chỉ một giọng bà thầy hỏi, thằng bé cứ xưng xung rằng muốn biết cứ về hỏi bác Thuật và thầy giáo Kha, rồi ông Vĩnh, giám đốc xí nghiệp xây dựng huyện, là khắc rõ hết. Chỉ nghe đã thấy dựng hết tóc gáy. Nhưng dựng hết tóc gáy cũng không kinh bằng cái đận con ma một mẹ chín con ở gốc cây đa quán ông Mận nhập vào bà thầy, nói toàn những lời nửa dương, nửa âm thì hai chị em dâu đều sợ chết khiếp. Đến nỗi người không tin vào tướng số, ma chay như Phượng mà cũng hai tay vái lia lịa, con lạy thầy, con lạy thầy đúng là có thế ạ! Chúng con hậu sinh không biết, mới định san lấp cái chỗ cây đa quán ông Mận đầu làng ngày xưa đi, để lập sinh phần gia tộc Phạm Công nhà chúng con. Nhưng nay thánh đã dạy thế chúng con đâu dám lấy của công làm của tư, tham lam quá đỗi như thế nữa ạ! Con cắn răng cắn cỏ lạy thánh mớ bái, xin ngài phù hộ độ trì, dang tay cứu vớt chồng con là Phạm Công Thuật được thoát khỏi con đường khổ ải, có sống mà không có khôn, có xác mà không có hồn nơi trần thế! Dẫu thế mặc. Bà Phượng có cầu xin thế chứ cầu xin nữa. Bà thầy bói bên kia sông có cao tay thế chứ cao tay nữa. Thì thánh cũng không thể phù hộ độ trì, dang tay cứu vớt chồng bà Phượng khỏi lâm vào cảnh dại dại điên điên, có xác mà không có hồn, sống lắt lay nơi trần thế! *** Đấy, Thuật bây giờ là thế. Chứ có còn ra Thuật quyền bí thư kiêm chủ tịch xã nữa đâu, để một đảng viên già như ông Mải tìm đến nhà, như vẫn đến nhà bí thư Sa trước đây mỗi khi dân tình có gì xôn xao đồn đại, để hỏi xem thực hư lời chị Luân nói chiều nay, đúng sai được mấy mươi phần trăm. Không biết với người khác khi nghe chị Luân nói thì thế nào, chứ với ông Mái thì lời chị Luân nói chiều nay, đúng sai mấy mươi phần trăm chưa thể phân định được. Đầu tiên, ông cụ nghe như nghe một tin đồn. Mà tin đồn thì hay thất thiệt, không đáng để vào tai. Mãi đến khi chị Luân nói xong mới thấy háo cổ, bưng bát nước vối nấu với lá chi chi để nguội, uống vào đến đâu biết đến đấy, dốc cả bát nước vối vào cổ nuốt ực một cái, hà hơi đứng dậy, bảo: “Thôi, con về, còn cơm nước cho cháu nó đã. Tối chú Điền đi học về con sẽ sang, con kéo cả anh Chung, đội trưởng, với chú Thuỵ, đội phó sang nữa, có gì coi như hội ý chi uỷ và ban đội luôn”. Bấy giờ, ông Mải mới cảm thấy cái tin chị vừa nói kia hệ trọng thật rồi. Nhưng cũng không còn ai ngồi lại với ông để mà bàn soạn, hỏi han, trao đổi. Mà đã không bàn soạn, hỏi han, trao đổi cũng tức không nói ra được với ai, cứ để trong bụng nghiền ngẫm một mình, mưu tính một mình, thầm thì một mình, và cũng ấm ức một mình luôn thể. Thế nên, cũng không có gì khó hiểu khi bà vợ hỏi: “Tối nay họp hành gì ở đây, hả ông?”, chỉ có thế, ông cũng nói như gắt với vợ ngay được: “Họp gì đâu. Mà sao bà hỏi kỹ thế. Tôi bảo bà lấy mấy cái bát uống nước ra đây, thì bà cứ lấy”. Khi bà vợ mang mấy cái bát đàn ra để trong cái khay gỗ giữa chiếu ngoài sân, ông Mải cứ ngồi chiêu nước vối và hút thuốc lào vặt chờ đám chị Luân, anh Chung sang và thằng con đi học ngoài tỉnh về. Đành vậy, chứ còn cách nào hơn, khi những tin tức chỉ từ huyện về đến làng còn tam sao thất bản, lúc người này nói thế này, lúc người khác nói thế khác, không còn biết tin vào đâu bây giờ. Đành chờ đợi vậy. Trăng đầu tháng như cái lưỡi liềm treo ngang ngọn tre, vẫn chưa thấy cánh chị Luân sang, anh con đi học cũng chưa về. Ông Mải ngồi lâu mỏi lưng, định vào giường cầm chiếc gối mây ra ngả lưng cho đỡ mỏi, thì nghe tiếng líp xe đạp lạo xạo ngoài ngõ, rồi tiếng cánh cổng tre kèn kẹt. Ông Mải biết là con trai về. Chỉ có con trai về mới có kiểu mở cổng kèn kẹt thế, chứ bà ấy hay con Viên thì cứ mở rẹt một cái, nghe như người kéo rào. Biết con trai về, nhưng ông cũng chưa vội đánh tiếng. Điền dắt xe đạp vào sân, trông thấy ông cụ, hỏi ngay: - Thầy chưa đi nghỉ ạ? - Sao anh về muộn thế, bị nhỡ phà hay vào qua huyện mà giờ mới về? Điền nhấc hẳn chiếc xe mang vào dựng trong nhà. Quay ra, vừa cởi quần áo ngoài vắt lên thành ghế, vừa nói như thanh minh: - Con bị nhỡ phà. Mới lại chiều nay kiểm tra hết môn, làm bài đến năm rưỡi mới được nghỉ. - Vậy mà tôi cứ tưởng anh qua huyện uỷ, chỗ anh Cải cơ đấy. Nghe giọng nói có vẻ khang khác của ông cụ, Điền vội bước ra sân, hỏi: - Có chuyện gì hả thầy? - Vậy là anh chưa biết gì thật. Chị Luân chiều nay được triệu tập cấp tốc lên đảng uỷ, nghe cán bộ huyện về trực tiếp phổ biến quyết định thu hồi nghị quyết của thường vụ huyện uỷ về giao ruộng khoán rồi. Quả là một tin quan trọng, Điền chưa biết một tý gì thật. Không đợi ông cụ nói thêm, mới nghe đến đấy, Điền dồn dập hỏi, cũng chẳng cần biết là đang hỏi ai: - Đâu thu hồi? Ai ký quyết định thu hồi? Mà làm sao lại thu hồi cơ chứ? Nghe anh con hỏi, ông bố mới ngớ ra. Đúng là người già dẫu mưu lược đến mấy, nhưng động đến giấy tờ nhiều khi lại không bằng người trẻ. Ông bố ngớ người ra giây lát, rồi cũng tìm được chỗ tin cậy: - Tý nữa chị Luân sang đây hỏi mới rõ. Hồi chiều chị ấy đi họp về qua, nói thế, thầy lại quên không hỏi kỹ. Mà anh cũng phải tắm rửa, rồi cơm nước đi đã chứ. Ông cụ nói thế làm anh con cũng thấy không có gì phải vội vã nữa, liền bảo: - Tý chị Luân sang nhà mình, hả thầy. Vậy con đi dội ào gáo nước, rồi ăn bát cơm, kẻo đói lắm rồi. Nhưng dẫu Điền có đói lắm, chứ đói đến chết lả cũng không còn lòng dạ nào ngồi vào mâm cơm nữa. Khi anh vừa dội ào gáo nước ngoài giếng xong, quay vào, đang định bê mâm cơm nhà để phần ra sân ngồi ăn cho mát, thì thấy chị Luân, anh Chung, anh Thuỵ kéo sang. Anh Chung vừa vào đã bảo Điền: - Thôi lát nữa ăn. Ra đây xem binh tình thế nào, còn phải tính chứ. Mạ bủi, ruộng nương, cấy hái đến nơi rồi. Chị Luân không biết nói với Chung, hay chỉ trút nỗi lo: - Tôi thấy gay nhất là mộng mạ vụ này cho các hộ gieo cả rồi. Giờ lại mang gộp chung lại thì rồi giống má không biết đằng nào mà lần. Điền đã mặc xong quần dài áo dài, ra ngồi cạnh cái chiếu trải dưới sân, cầm siêu nước vối rót ra đủ năm cái bát đặt trong chiếc khay gỗ, bà cụ mang ra từ chập tối. Ông Mải thấy con xăm xái rót nước mời khách, cũng sởi lởi bưng từng bát nước Điền vừa rót xong, đặt trước mặt chị Luân, anh Chung và Thuỵ: - Nào, chị với hai anh mời nước đi! Chung bưng bát nước để sát lên mũi hà hít, như tận hưởng hương vị đặc biệt của loại nước vối nấu với lá chi chi, rồi mới đặt bát nước kề môi nhấm nhấm từng ngụm như uống trà. Đoạn, Chung quay sang hỏi ông Mải: - Bên ông vẫn còn trồng được cái giống lá chi chi, ủ với lá vối uống vừa ngọt, vừa mát, ngon thế. Cái gì mình đã có thì cứ nên giữ, dù có phải giấu giếm cũng cứ phải giữ, chứ không thể bỏ. Ông có đồng ý với con thế không? Ông Mải biết Chung đang nói đến cái gì, nên tỏ đổng tình ngay: - Tôi nghĩ từ lúc chị Luân họp trên xã về qua báo tin rồi, làng mình cứ làm như mấy vụ nay vẫn làm, có điều, lần này phải giấu thật kín. - Nói đến đây, ông cụ bỗng dừng lại giây lát, rồi như bày tỏ nỗi niềm. - Thôi, cũng đành mang tội thiếu trung thực với đảng một lần nữa, chứ còn cách nào khác! Điền bây giờ đã ngồi hẳn vào chiếc chiếu trải giữa sân, nhìn chị Luân hỏi: - Em vừa mới về, thầy em nói em nghe chưa rõ lắm. Chị nói lại xem tình hình thế nào lại đến nỗi phải thu hồi nghị quyết? Chị Luân xoay lại thế ngồi, không quặt hai chân ra đằng sau như ban nãy, mà ngồi xếp bằng giống bốn người đàn ông đang ngồi xếp bằng trên chiếu. Chị có tướng mạo đàn ông, cao to, béo khoẻ, chân cao, tay dài như tay vượn, không làm thì thôi, đã làm, ngay cả công việc nặng nhọc khuân vác, gánh gồng hay thổ mộc, cánh đàn ông nhiều anh theo được cũng còn khướt. Tuổi ngoài bốn mươi, trình độ đang học trung cấp nông nghiệp tỉnh, nhưng vì có con sớm, nhà bấn người làm nên phải bỏ, chứ son rỗi như người khác, giờ chức gì chứ phó chủ nhiệm kỹ thuật chị làm ngon ơ. Chị Luân giờ làm bí thư chi bộ đội sản xuất Phương Trà, cũng là làng Phương Trà, bị huyện liệt vào “làng lắm chuyện” từ sau cái vụ báo tỉnh đưa lên trang nhất dòng tít giật gân “Cân lợn giả, lấy thóc thật” làm huyện, rồi xã, tiếp không biết bao nhiêu đoàn kiểm tra, thanh tra, phóng viên báo, đài. Chị Luân làm việc thận trọng, nhưng dám quyết, dám chịu trách nhiệm, một khi đã biết việc ấy có lợi, chủ trương ấy hợp lòng dân. Và đấy cũng là chỗ chị và Điền dễ gặp nhau, dễ cộng tác với nhau trong công việc của làng xóm, ngay cả khi Điền còn làm bí thư chi bộ, rồi chủ nhiệm hợp tác, hay bây giờ Điền đang còn gánh trên vai cái án kỷ luật lưu đảng. Thế nên, nghe Điền hỏi, chị Luân nói rành rẽ: - Nội tình trên huyện, trên tỉnh thế nào không biết. Chỉ biết chiều nay đảng uỷ, cụ thể là ông Lận, thay mặt thường vụ, ký giấy triệu tập toàn ban chấp hành và các bí thư chi bộ lên họp đột xuất. Vì giấy triệu tập chỉ thấy ghi chiều ngày, chứ không ghi rõ giờ, nên khi tôi đến đã thấy ông Mà, cán bộ ban kiểm tra huyện uỷ, đang phổ biến chỉ thị của huyện uỷ thu hồi nghị quyết giao ruộng khoán. Ông Mà còn nói rõ là nếu nơi nào không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị này, tập trung toàn bộ ruộng đất về tập thể làm, tập thê phân chia hoa lợi, nghiêm cấm khoán ruộng cho xã viên dưới bất cứ hình thức nào, thì bí thư nơi ấy phải chịu kỷ luật nặng. Chị Luân nói đến đấy, mọi người như chết lặng. Giây lát, Điền phá vỡ không khí tang tóc ấy bằng một câu hỏi mà chính chị Luân cũng phải nghĩ một lúc mới nhớ ra: - Ai ký chỉ thị thu hồi nghị quyết? - Để tôi nhớ xem, vì cuộc họp chiều nay chẳng khác cái chợ vỡ, mọi người xôn xao về cái chỉ thị ấy quá thể, nên cũng chỉ nghe câu được câu chăng. Nhưng tôi nhớ lúc ấy ông Mà còn đọc cả ngày tháng và tên người ký mà lại. À, phải rồi, ông Trường, tôi nhớ ra rồi, thay mặt thường trực, phó bí thư Đào Trọng Trường. Đúng, đúng ông Trường ký, chú ạ. Điền phân vân: - Sao nghị quyết thì bí thư ký, mà chỉ thị thu hồi nghị quyết lại phó bí thư ký là thế nào nhỉ? Chị Luân như bây giờ mới nhớ ra: - À, phải rồi, phổ biến chỉ thị xong, cũng có người hỏi như chú hỏi đấy. Nhưng ông Mà chỉ nói, bí thư đi vắng, việc gấp, phó bí thư ký thay cũng được chứ sao. Nhưng lúc ra đến ngoài, tôi lại nghe có người nói, ông Mà giấu, chứ bí thư bị tỉnh triêu lên, đang ngồi làm kiểm thảo trên ấy. Ông Mải như bây giờ mới thực tin lời chị Luân nói hồi chiều là thực trăm phần trăm, còn như suốt từ tối đến giờ ông vẫn đinh ninh rằng cái điều tệ hại ấy không thể là thực, hoặc có thực cũng chỉ vài chục phần trăm là cùng. Nhưng không những chỉ vài chục phần trăm là cùng, mà còn thực trăm phần trăm thì quả là một tai hoạ thật rồi. Không phải lúc nào người hết lòng tận tuỵ vì dân cũng được trên yêu, dưới kính. Ông Mải bỗng thấy buồn nhão cả người, đứng dậy đi ra ngoài bể nước. Điền thấy bố đi ra ngoài bể nước, ngỡ ông cụ thấy nóng bức, lại ra làm gáo nước mưa cảm thì khốn, vội đứng dậy đi theo. Nhưng đã thấy ông cụ múc gáo nước, vục tay xoa lên mặt, không hiểu để giải cơn nóng bức hay để cho tỉnh ngủ. Điền lại quay vào, cũng đúng lúc ngoài ngõ có tiếng phanh xe đạp, cùng tiếng người nói: - Nhà có việc gì mà ngồi đầy cả ngoài sân thế này? Câu nghi thán không chỉ mang nghĩa hỏi, mà còn hàm chứa cả lời chào. Điền nhận ngay ra người vừa nói đang dong xe đạp vào ngõ là Đĩnh, vội hỏi: - Có việc gì anh vào trong này muộn thế? Đĩnh nói ngay, như thể để trong bụng chỉ nửa giây nữa là nổ ruột mất: - Tôi đi học về cùng với chú, đến nhà vừa ăn xong lưng cơm thì dì Dậm sang bảo, ông Cải bị bắt mà sao anh em mình không biết gì sất nhỉ? - Bị bắt bao giờ? Bắt ở đâu? Ai bắt? - Mọi người chao chác hỏi. Đĩnh khoả tay: - Thì cứ nghe hết đã nào. Hỏi ai nói thì dì ấy bảo chiều nay họp trên xã, nghe ông Mà ở ban kiểm tra huyện uỷ về phổ biến chỉ thị thu hổi nghị quyết giao ruộng khoán, nghe mấy người xì xầm với nhau thế. Chứ cũng không ai dám nói rõ ra bắt bao giờ, bắt vì tội gì, có đúng là tội ra nghị quyết chống lại đường lối hợp tác hoá nông nghiệp, đưa nông dân đi theo con đường tư bản chủ nghĩa như chỉ thị thu hồi nghị quyết nói không? Thế nên hai anh em mới vội vào đây bàn với chú Điền xem binh tình ra sao. Thì may quá, lại gặp được cả ông và chị Luân, anh Chung, anh Thuỵ ở đây rồi. Không biết có phải Đĩnh mang đến tin Cải bị bắt quá đỗi bất ngờ với ông Mải và Điền, rồi chị Luân, anh Chung, anh Thuỵ, nên dường như không ai để ý đến một người nữa, đi vào có phần rụt rè cùng với Đĩnh. Người ấy đi sau Đĩnh mấy bước, dựng xe đạp vào cạnh tường bếp ngay lối cổng vào, lí nhí chào mọi người, rồi xà ngay xuống ngồi nấp sau lưng chị Luân. Dẫu ngồi nấp sau lưng chị Luân, nhưng chiếc áo phin trắng ngắn tay, với mái tóc quấn búi tóc như quả bưởi sau gáy, vẫn làm nổi bật không chỉ về màu sắc giữa mấy người mặc áo dài nâu, áo may ô, mà còn cả về cơ thể sung mãn, hừng hực sức sống, giờ đây đang phải kìm nén, phải ý tứ giữ gìn. Vì biết rằng sự xuất hiện có phần đường đột của mình tối nay ở nhà Điền là việc bất đắc dĩ, hay nói như Đĩnh khi hai người ở nhà Đĩnh dắt xe đi, là vì công việc, chứ đâu phải vì để biết nhà chú ấy mà đi, biết nhà chú ấy thì lúc nào đến chả được. Người ấy là Dậm, bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội Phương Lưu, còn gọi làng Phương Lưu, cái làng bị huyện liệt vào “làng rách việc”, giao hẳn cho huyện công an đặc cách theo dõi. Dậm ngồi nấp sau lưng chị Luân, ý tứ nhìn vào trong nhà, dừng lâu ở nơi đặt ban thờ chiếm gần hết nửa phía trong gian nhà giữa. Bỗng có cảm giác như cái ban thờ kia đang lừng lững đi ra, chụp lên đầu, lên vai, làm toàn thân Dậm như oằn xuống, rồi lại rùng mình gồng lên gắng gỏi vượt qua. Dậm ở nhà chỉ có một mình, không là lớn, cũng không là bé. Cha mẹ Dậm sinh được hai người con gái, thì cô chị lấy Đĩnh, người cùng làng, chỉ còn mình Dậm ở nhà trông nom bà mẹ già, và dẫu là gái vẫn phải hương hoả gia tộc. Nhung hương hoả gia tộc nhà Dậm thực cũng không thờ cúng nhiều, nếu không kể tết nhất thì duy mỗi cái giỗ bố; còn ông bà, cụ kỵ đã có ông anh ruột của bố trông nom hương hoả gia tiên. Còn Điền, bố mẹ cũng chỉ được hai anh em, cô em gái Viên nghe đâu đang yêu cậu Bính, cháu gọi ông Thuật bằng chú ruột. Nên muốn hay không, Điền vẫn cứ là trưởng, không những thế, còn là trưởng của cả dòng tộc, vì cụ sinh ra ông Mải tiếng là có tới bốn người con trai, nhưng ông Mải vẫn là lớn nhất, phải đảm đương việc thờ cúng cả dòng tộc. Trẻ quyền cha, già quyền con, giờ ông cụ còn khoẻ còn trông nom hương hoả, mươi năm nữa răng rụng má rùi, không đến vợ chồng con trai còn ai vào đấy. Dậm thực bụng từ lúc bước chân qua cái cổng tre nhà này, cứ thấy xốn xang thế nào, không phải vì yêu nhau hàng năm nay, đây là lần đầu Dậm bước chân vào nhà Điền. Nhưng cũng từ lúc bước chân qua cái cổng tre nhà này, Dậm bỗng thấy lòng xốn xang, một sự xốn xang rất khó diễn tả, không vui sướng, không vồ vập, cũng không buồn lo, có gì mà buồn khi một cô gái biết chắc mình sớm muộn sẽ về làm dâu nhà người. Còn lo, đúng là Dậm có lo. Lo thực sự khi lần đầu tận mắt nhìn thấy cái ban thờ một nhà trưởng tộc, với đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của cháu con nối dõi tông đường đặt cả vào đó. Dậm đang bần thần nhìn vào trong nhà, nơi đặt cái ban thờ chiếm gần nửa phía trong gian nhà giữa, bỗng nghe tiếng Điền gọi đúng tên mình, cật vấn: - Cô Dậm nhớ lại xem, ai nói anh Cải bị bắt, bắt khi nào, vì tội gì? Cố nhớ lại xem ai nói với cô như thế? Nghe Điền hỏi có phần hơi gắt, nhưng Dậm chỉ nghĩ anh ấy cũng như mình, muốn được biết rõ sự thật. Cũng vì muốn biết rõ sự thật mà mới nghe anh Đĩnh nói, thôi được rồi, muộn thì muộn tôi với dì cũng phải vào Phương Trà bàn với cậu Điền xem có cách gì không, chứ không thể chỉ nghe cái ông kiểm tra bảo thu hồi là thu hồi, đâu có dễ. Nghị quyết của cả ban thường vụ huyện uỷ, chứ đâu phải tờ giấy lộn, mà muốn thu là thu được ngay. Nhưng bảo Dậm cố nhớ lại xem ai nói khi ấy thì chịu, không thể nhớ được, không thể phân biệt được, rằng giọng nói ấy là của ai. Nhưng đúng là Dậm có nghe người xì xà xì xầm ở chỗ họp như thế. Dậm hơi ngẩng đầu lên, một tay tỳ vào vai chị Luân, nhìn Điền, nói: - Nhớ chính xác là ai thì không thể nhớ, vì bấy giờ ở chỗ họp ồn ào quá, nhi chị Luân nhỉ. Không biết chị có nghe thấy không, nhưng em đúng là có nghe thấy người nói bí thư bị bắt rồi còn ký gì được mà phó bí thư chả ký. Người ấy còn nói với mấy người bên cạnh, em nghe câu được câu chăng, rằng đâu như chủ nhật hôm kia, ông Cải về nhà ăn hỏi bà dì về đằng vợ, nhưng vợ chồng chưa kịp đi ăn hỏi, thì ô tô về tân nhà chở đi, cơm trưa cũng không kịp ăn mà lại. Ông Mải nghe đến đấy, vội nói như thét lên: - Không thể như cải cách ruộng đất, muốn bắt ai thì bắt thế được! Còn có dân, có đảng, có chính quyền, pháp luật. Đi! Các anh, các chị đi theo tôi. Lên huyện ngay bây giờ. Hỏi xem một người tận trung với nước, tận hiếu với dân như anh Cải, cớ sao mang tội đến nỗi phải đánh ô tô về tận nhà bắt đi, cơm cũng không kịp ăn là nghĩa làm sao? Nhưng ông Mải và mấy người ngùn ngụt bầu máu nóng sục sôi trong người còn chưa kịp đi, hay đúng hơn còn ngồi lại với nhau người nói ngắn, kẻ nói dài bàn đi tính lại liệu có nên đi ngay bây giờ, hay để sáng mai hẵng đi. Đi ngay bây giờ thì đúng là to chuyện thật, quan trọng thật, chết người đến nơi rồi thật. Nhưng đây lên tới huyện đạp xe nhanh cũng mất hơn một tiếng, vị chi già nửa đêm mới tới nơi. Liệu còn gặp được lãnh đạo nào hay chỉ gặp mỗi báo vệ. Mà chưa biết chừng, gặp bảo vệ nhát gan, thấy đám người kéo vào lại hô hoán lên có cướp vào công đường, công an kéo đến tống ráo vào nhà giam thì còn biết kêu ai, ai kêu cho nữa. Thôi, để đến mai. Mai ban ngày ban mặt, đi từ lúc mới mọc mặt trời, lên thẳng uỷ ban, vào ngay phòng chủ tịch huyện, gặp bằng được ông Trường hỏi cho ra nhẽ, cái nghị quyết ấy, cớ sao khi lấy biểu quyết ông không giơ tay, thì chính tay Quyền, phó ban nông nghiệp huyện, nói ngang đường với anh Đĩnh chứ còn ai nữa, cớ sao khi biểu quyết thì không giơ tay, giờ lại nhanh tay thò bút ký chỉ thị thu hồi là nghĩa làm sao? Nhưng giữa lúc việc đi ngay đêm nay, hay sáng mai hẵng đi còn chưa ngã ngũ, thì bà Mải và cô con gái, không biết bám vai nhau đi, hay dìu nhau từ ngoài ngõ vào, mà Viên như người không xương, dựa hẳn vào người mẹ, tập tững bước thấp bước cao đi vào sân. Ông Mải là người nhìn thấy đầu tiên, vội đi ra, hỏi nhỏ bà vợ: - Con nó cảm ở đâu mà bà đưa về thế? Giọng bà cũng rất nhỏ, như không muốn để mấy người ngồi kia nghe thấy: - Cảm kiếc gì đâu. Ông cứ đi ra ngồi chuyện với mấy anh chị ấy đi, để tôi đưa nó vào giường, rồi thư thả tôi nói cho ông nghe. Nhưng tôi dặn trước, ông phải thật bình tĩnh, không được làm ầm ĩ nên đấy. Tiễn mấy người ra cổng, Điền quay vào sân cất điếu, bát, khay, ấm vào trong nhà, rồi lại ra guộn chiếc chiếu để lên hiên. Bà mẹ từ gian buồng, có Viên đang nằm, đi ra, bảo: - Thôi, anh để đấy mai u dọn sớm, vào đây thầy u bàn với anh việc này. Bà cụ vừa nói xong đã thấy ông cụ cầm cây đèn từ chỗ Viên nằm đi ra. Điền cảm thấy đúng là có việc hệ trọng đang đến thật rồi. Đứng là có việc hệ trọng đang đến thật, nhưng bố con ông phải bình tĩnh mới thu xếp trong ấm ngoài êm được. Bà mẹ nói như răn đe, lại như xoa dịu khi cả ba người đã ngồi xuống bên cái bàn uống nước, ngay trước ban thờ gia tiên, ở gian giữa nhà, nơi vẫn thường diễn ra những cuộc bàn soạn công việc lớn lao trong gia đình. Chỉ khác, giờ thiếu cô con gái, cun? chẳng còn đầu óc đâu ngồi với cả nhà được nữa. Bà nói là nói vậy, chứ ông cũng đã nghe bà vừa nói lõm bõm ở nhà dưới, nên bây giờ, dẫu bực đến chết cũng phải nén, thì con dại cái mang, biết làm thế nào mà chả bực đến chết cũng phải nén. Chỉ có Điền chưa hiểu chuyện gì, hoặc có chăng mới lờ mờ cảm thấy hình như cô em gái với cậu con trưởng dòng họ Phạm Công bên Phương Trì đang có gì trắc trở. Chứ không còn là chuyện ông cụ chưa ưng, vì không muốn làm thông gia với cánh anh em nhà ấy, như hôm Điền đi Bắc Cạn về, một tối bố con chuyện trò thân tình cởi mở, nhớ lời Bính nhờ, Điền đã ướm hỏi bố. Nhưng ông cụ gạt đi ngay, thông gia với bà Bao, cũng tức thông gia với ông Thuật, ông Lận, hạng người ấy không đáng để thù tiếp. Điền như không muốn kéo dài cái không khí nặng nề thêm nữa, nhìn mẹ giục: - Có phải là chuyện giữa cái Viên nhà mình với thằng Bính, con bà Bao bên Phương Trì, - Điền cố tình nhấn vào ba tiếng “con bà Bao”, như để khẳng định thằng Bính chỉ là cháu của ông Thuật và Lận thôi, - thì u cứ nói tuột ra xem nào, sao phải rào l ào đón đón mãi thế. - Nhưng mẹ anh còn sợ tôi làm ầm lên thì làng xóm người ta cười. Sợ người ta cười, sao không biết bảo ban con, lại đế cho nó đưa nhau ra bờ ra bụi, đến nỗi bụng mang dạ chửa mới sợ người ta cười! - Ông nói thế chẳng hoá ra tôi để cho nó đưa nhau ra bờ ra bụi ư? Có người mẹ nào lại dạy con như thế không, hả giời! Thế là Điền hiểu cốt lõi của nỗi buồn mà em gái vừa mang về nhà. - Thôi, con xin thầy u bớt nóng giận. Mà chính u cũng vừa có lời xin thầy con đừng ầm ĩ lên cơ mà, bây giờ u lại kêu gào lên thế phỏng có ích gì. Ông Mải nghe con trai nói cũng tĩnh tâm lại, bảo: - Bà nói lại sự việc cho thằng Điền nó nghe đi, rồi tính. Nhưng tôi nói trước, từ nay bà phải để ý đến con Viên từng ly từng tý, không được để xảy ra chuyện gì nữa đấy. Bà Mải dẫu còn bực bõ với chồng về câu nói như lời buộc tội đồng loã cho con gái đi chửa hoang, nhưng nghe ông dặn thế cũng đủ cảm thấy trách nhiệm của một bà mẹ đối với cô con gái từ nay là cụ thể, thiết thực từng ly từng tý, nhỡ xảy ra chuyện gì nữa thì chỉ còn biết chui xuống đất. Bà với tay lấy chiếc quạt mo trên bàn quạt phành phạch, rồi không nhìn chồng, cũng chẳng nhìn con trai, mắt nhướn xuống tận gian buồng con gái nằm dưới nhà ngang, nói như người hụt hơi: - Theo con Viên nói với tôi từ mấy tháng trước thì hai đứa cũng gắn bó với nhau lắm. Thằng Bính còn nói với con Viên là nó đã hỏi ý kiến mẹ nó và chú Thuật, chú Lận. Còn nhà mình thì, bây giờ có anh Điền đây, u hỏi thật, có phải hôm đi Bắc Cạn mua sắn, anh đã hứa với thằng Bính gả em gái cho nó, đúng không? - Hứa thì con không hứa, vì con cũng không có quyền đồng ý hay không đồng ý cho em nó lấy ai, mà quyền đó là ở thầy u. Nhưng con nghĩ Bính nó cũng tốt, chứ sao. Dẫu là con trưởng trong gia tộc nhà ấy thật, nhưng thằng Bính là con ông Bao, liệt sĩ, chứ không phải là con ông Thuật đẻ ra. Vâng, thầy nói thế thì con chịu, con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh, nhưng có giống, chắc cũng chỉ phần nào thôi, chứ không thể là tất cả. Nên theo con, hai đứa nó thực lòng yêu nhau… Điền mới nói đến đấy, ông bố đã bực bõ cắt ngang: - Thực lòng thực bề gì, tôi đã bảo anh rồi, không gả cho con cháu nhà ấy là không gả. Làng này, xã này hết con trai rồi hay sao, mà phải lấy con cháu nhà ấy. Nghe ông cụ đay nghiến, cả bà mẹ và cậu con trai, chẳng còn biết nói sao. Bà Mải với tay cầm siêu nước rót ra một bát, đặt trước mặt chồng. Ông Mải dáng chừng nói xong cũng háo, đón bát nước vối nấu với lá chi chi để nguội, đưa lên uống ực một hơi, thấy mát đến tận gan ruột. Bỗng có tiếng gà te tác, nháo nhác và tiếng lợn động chuồng kêu ủn ỉn phía đầu hổi nhà. Bà Mải như có linh tính, vụt nhớ ra chai thuốc sâu hôm trước mua về phun mạ còn một ít để ngoài chuồng gà, ngay cạnh cửa chuồng lợn. Thế là ba chân bốn cẳng bà lao ra sân, nói với phía sau bảo Điền, anh cầm cái đèn pin ra nhá. Trong khi anh con trai còn đi tìm đèn pin, thì ông bố đã cầm cây đèn hoa kỳ tất tả ra theo. Trong ánh sáng nhập nhoạng của ngọn đèn nhỏ như hạt đỗ, ông nhìn thấy bà một tay ôm ngang lưng con gái, một tay cầm chai thuốc sâu giơ lên, như để kiểm tra lượng thuốc trong chai có còn bằng cái hôm bà lấy phun cho mạ. Ông thấy thế vội giằng lấy cái chai, giơ thẳng cánh vất vào bụi tre, bảo bà: “Nó không nói đã uống chưa, thì cứ vả vỡ mồm xem có hé răng ra không?”. Điền cũng đã cầm đèn pin chạy ra đến nơi, biết bố nói thế là cụ giận lắm rồi đấy, chứ xưa nay, cụ có quát nạt con cái bao giờ, vội lẳng lặng bước nhanh đến, một tay cầm đèn, một tay cầm cằm em gái hếch lên, rồi nhanh như chớp, đặt cả mồm, cả mũi vào mồm em hít hít, ngửi ngửi. Đoạn, quay ra nói nhanh với bố mẹ: “Không thấy có tý mùi nào. Có khi em nó chưa uống”. Ông Mải bỗng dịu cơn thịnh lộ, bảo: “Thôi, bà đưa con nó vào trong nhà đi”. Rồi quay gót vào nhà, vừa đi vừa như thầm nói một mình, thế cũng còn là may, may cho cái phúc nhà này thật rồi! Quả là phúc hoạ chỉ trong gang tấc. Chậm một tý, nhanh một tỵ đều có thể là phúc, hoặc có thể là hoạ, thật khôn lường. Nhung nhanh, chậm lại ở con người ta. Như bà cụ Mải nghe tiếng gà te tác mà không vắt chân lên cổ chạy ra, biết đâu cô con gái quẫn trí, dốc chai thuốc sâu vào mồm rồi cũng nên. Nhanh, chậm ở con người ta, nên không phải mọi việc đều khôn lường, mà nhiều việc con người có thể lường trước, biết trước được.