Trong tầng hầm những tấm khăn trải giường được căng lên làm vách ngăn ra từng khoang cửa những người đến trước. Bà Nam Phương thong thả đi về chỗ dành cho gia đình, không nhìn thấy những bức tường xám xịt cùng các cặp hồ sơ lưu trữ dày cộm. Công dụng chính của tầng hầm là vậy. Trước hết là các đồ cồng kềnh, tiếp đến hàng dãy két sắt. Mẹ con bà hoàng được thu xếp chỗ ngủ trong một gian rộng có tấm ngăn bằng kim loại dày. Như thường lệ, cậu con trai lớn được ưu tiên một chỗ được bảo vệ chắc chắn nhất, gần tấm vách ngăn kim loại dày nhất, như được bọc kín trong một tấm nệm thép. Gần như một nấm mồ. Ông chủ nhà băng quen gọi nơi đây là “hầm mộ”. Bà hoàng rùng mình khi để con mình ở trong ngăn hầm có dáng một nhà táng. Nhưng còn hơn là trúng mảnh đạn pháo hoặc bị đối phương bắt làm con tin. Lệnh của nhà binh Pháp là phải chuẩn bị chỗ ngủ cho Bảo Long ở góc nầy làm cho ông Fafard mỉm cười. Nhưng bà hoàng thì thấy không có gì đáng cười. Bà chỉ thấy yên tâm hơn. Đúng thế. Con bà được bảo vệ như một bảo vật, như những tờ giấy bạc nhà băng. Thế nào cũng được. Càng tốt.
Một cánh cửa nặng nề, bằng kim loại dày ba mươi phân được đẩy bằng một bánh xe quay tít gần giống như bàn cò quay. Bên trong tầng hầm không cửa sổ nầy, rất ít tường, mà chỉ có sắt thép, như một cái hộp kín chống đạn.
Gia đình bà hoàng đã ổn định chỗ nằm. Mỗi người một hốc làm bằng vải chăng trên dây tạo thành vách ngăn với gian để két sắt. Bà hoàng vẫn chưa hết khó chịu, không phải chỉ vì điều kiện sống thiếu tiện nghi. Một tâm trạng chua xót khi thấy thân phận một mẫu nghi thiên hạ phải chui rúc trong gian phòng chứa két bạc của thực dân.
Tầng hầm không ra dáng một căn phòng. Ngoài gian để két sắt, tường không nhẵn, bóng láng như các trụ sở tài chính hiện đại, nhưng được tô điểm bằng những gờ hình chữ triện. Một cách trang trí, cổ điển, cũ kỹ, lỗi thời theo cung cách phòng khách thị dân.
Cũng như ở trường dòng Chúa Cứu thế, ở đây nước rất ít. Duy nhất chỉ có một vòi nước trong phòng tắm trên tầng một của gia đình Fafard. Để có nước dự trữ, bồn tắm được chứa đầy ắp phòng khi bị cắt nước.
Những người ở tầng trệt đến vòi nước lấy đầy từng xô xách xuống nhà, còn gia đình bà hoàng và ông bà Fafard và các con được lấy nước thẳng từ vòi bao nhiêu lâu cũng được. Để giết thời gian, bọn trẻ chơi bài.
Những lúc ngớt tiếng súng, Bảo Long rời khỏi tầng hầm làm bằng sắt thép nặng nề ấy chạy ra sân chơi với lũ bạn cùng lứa, đôi lúc còn chọc ghẹo bọn con gái, tất cả đều hơn tuổi, có đứa đã đến tuổi 17, 18. Bà Nam Phương chẳng ưa gì sự chung đụng thân mật thái quá như thế của bọn trẻ, nhưng vì hoàn cảnh buộc bà phải công nhận thái độ gia đình ông chủ nhà băng quả là tận tình. Thỉnh thoảng bà trò chuyện với mấy người Âu lân la làm quen với bà. Trong giao tiếp bà giữ vẻ đoan trang, giữ gìn mà vẫn uy nghiêm quý phái. Riêng với ông Fafard, có hôm bà nói chuyện tay đôi đến gần một tiếng đồng hồ. Bà giảng giải thái độ của chồng bà. Bà chăm chỉ cẩu nguyện. Dẩn dần bà tham dự những buổi lễ chầu trong phòng khách của tầng một. Bà có chỗ riêng cho bà, lùi sâu trong một căn phòng riêng của bà, cửa để ngỏ.
Thời gian trôi qua, Bảo Long quen dần cuộc sống dưới tầng hầm. So với những ngày ở trường dòng, cậu thấy được rộng cẳng hơn, chạy nhảy nô đùa trong hành lang và cầu thang. Thích nhất là giữ nguyên mái tóc.
Khi ở trường dòng các cha xứ đã dự định cạo trọc đầu cậu bé để giấu tung tích nếu lỡ bị bắt, nhưng chưa kịp thực hiện thì bà hoàng đưa các con chạy theo Pháp. Chung quanh nhà băng tường bao kín mít, các ô cửa sổ tầng hầm đều đã lấp kín để ngăn mảnh đạn không văng vào trong. Tia sáng mặt trời không thể lọt qua các bức tường kín. Tuy vậy bên trong nhà băng không đến nỗi tối quá. Máy phát điện vo vo suốt ngày đêm. Mỗi ngày qua đi được đánh dấu bằng các biến cố. Trước tiên là ổ khoá cửa phòng để két sắt bị hỏng hóc. May mà lúc đó không có ai bên trong. Bảo Long đang chơi ngoài sân.
Một hôm một ngọn nến rơi xuống khăn trải giường và bốc cháy. Mọi người phát hoảng. May chị hầu phòng vớ được bình nước, dập tắt được ngay. Mặc dù nơi trú ẩn ở hầm ngầm, tiếng nổ của đạn súng cối và đại bác vẫn dội vào Bảo Long chỉ mơ thấy đại bác bắn vào thành phố. Cậu ta chẳng sợ gì, chỉ tiếc không được nhìn gần hơn. Vũ khí vẫn là thứ luôn luôn quyến rũ thái tử Bảo Long.
Ông Fafard, từng ngày một, ghi lại các sự kiện xảy ra trong ngày vào cuốn sổ tay của ông, với nét chữ thanh và chính xác: “24 tháng giêng. Đêm yên tĩnh. Hạ sĩ Petit cho biết tối qua từ phía đông thành phố Việt Minh đã áp sát một đồn tiền tiêu của Pháp ở An Cựu chỉ cách 300 mét rồi đặt pháo 75 ly bắn thẳng vào đồn làm một người chết mười bị thương, một mất tích. Quân Pháp phải bỏ đồn rút chạy. Người ta nói một máy bay Pháp bị trúng đạn, đã hạ cánh xuống bên kia kỳ đài, viên phi công đã kịp phá huỷ máy bay và chạy thoát vào trường dòng Chúa Cứu thế. Kllông biết có đúng như thế không!
Khoảng mười một giờ, ba máy bay tiêm kích đã dội bom xuống cung An Định, để yểm hộ cho máy bay thả dù tiếp tế cho các đơn vị lính Pháp đang bị Việt Minh bao vây.
Buổi tối yên tĩnh. 22 giờ có tiếng nổ lớn ở phía đông.
Mười sáu giờ chôn cất ông Van Vuick, chết vì trúng thương ở đùi cách đây mười lăm ngày. Tôi cũng ghé vai khiêng quan tài. Lúc hạ huyệt, đạn nổ trên đầu, mảnh đạn tung tóe xuống sân. Có tiếng huyên náo ầm ĩ của bộ đội Việt Minh bên kia sông. Mấy phát súng cối của quân Pháp làm cho họ im bặt. Những loạt đạn súng cối khác rót vào thành nội. Cuộc pháo kích ngắn ngủi không thấy Việt Minh phản ứng gì. Đại uý P. cho bắn liên thanh sang bên kia bờ sông. Có tiếng tiếng người lao xao. Ngốc thật. Không nên bắn từ đài quan sát, vì rất dễ lộ mục tiêu. Hơn nữa bắn súng máy ban đêm mà không xác định rõ mục tiêu và tầm bắn thì làm sao có hiệu quả. Chúng tôi có vinh dự đặc biệt được đón cha Urutia đến nhà đọc kinh thánh. Chúng tôi rất lo lắng cho số phận của các cố đạo và các nữ tu còn đang bị kẹt trong vùng do Việt Minh kiểm soát“.
Nam Phương giữ kín không thổ lộ cho ai biết dự định của bà. Chẳng hiểu vì sao. Bà có thể báo cho ông giám đốc nhà băng biết nay mai hết phong toả, may mà không bị Việt Minh bắt và bà cũng sẽ không trở lại trường dòng. Bà vẫn coi ông như người thân tín có thể tâm sự được và ông cũng là một con người đàng hoàng luôn luôn tôn trọng và có nhiều thiện ý với bà. Hoặc với giáo sư người Italia, cũng là một người đến lánh nạn ở tầng trệt của nhà băng. Ông nầy luôn gần gũi bà, quan tâm đến lo lắng của bà, đón trước các mong muốn của bà. Đến nỗi những người Âu khác chế nhạo ông là “đại nội thị thần”.
Một ông khác nguyên là Khâm sứ Trung Kỳ cũng không nề hà công việc. Không quản đêm tối, ông liều mạng đi kiếm rau xanh, củ cải đỏ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thực đơn ở đây, thường đơn điệu, chủ yếu là cơm theo khẩu phần của người lính.
Nhà băng Đông Dương ở Huế trong những ngày chiến tranh chẳng khác gì con tàu chòng chành giữa biển khơi trong cơn bão táp. Lưới lửa của các tay súng Việt Minh trùm lên đầu những người đang trú ẩn bên trong. Các vị trí Pháp ở Huế bị bao vây, thiếu đạn được, vũ khí, lương thực nhưng không bị Việt Minh quét sạch cũng là chuyện lạ. Chỉ có thể cắt nghĩa bằng trình độ tác chiến và chỉ huy yếu kém của bộ đội Việt Minh. Như sau nầy chính Bộ chỉ huy Việt Minh cũng phải thừa nhận: “Quân Pháp cố thủ trong các vị trí kiên cố, tuy lực lượng không nhiều nhưng là đội quân nhà nghề có trang bị hiện đại còn lực lượng của ta trí thức quân sự có hạn, trang bị lạc hậu, chưa biết đánh địch trong công sự vững chắc… đánh tràn lan, phân tán không tập trung binh lực để giải quyết dứt điểm…”(1).
Trung tá Costes, chỉ huy quân Pháp ở Huế, dù do dự và thiếu tự tin, dần dần cũng chặn được các cuộc tiến công của bộ đội Việt Minh cho đến ngày được giải vây. Chiến sự tại đây khá ác liệt. Quân Pháp bị bao vây mở nhiều cuộc tiến công để nống ra đều thất bại. Một chiếc máy bay tiêm kích Spitfire bị pháo phòng không của bộ đội Việt Minh đóng trong hoàng thành bắn hạ. Phi công bị thương và bị bắt, đã chết trong khi bị giam giữ. Tại thành phố Vinh, xa hơn về phía bắc, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũng bị bao vây.
Ở Huế, một lần tàu chiến tàu Pháp neo trên sông Hương bắn pháo tới tấp vào hoàng thành. Đạn pháo réo qua nóc nhà băng, phá huỷ các lâu đài, cung điện Nhà vua trong đại nội ẩn sau các bức tường thành kiểu Vauban. Bảo Long kể lại: “Cuộc nã pháo rất ấn tượng. Như tiếng ầm ầm của một con tàu tốc hành. Mọi người trong nhà khấp khởi mong sao cho binh đoàn Burgonde (mang tên vị tướng chỉ huy), sẽ sớm đến giải thoát họ”.
“Các cuộc pháo kích sau đó còn tiếp tục làm cho tôi thích thú nhận thấy quân Pháp có nhiều vũ khí hiện đại hơn so với Việt Minh và cả quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng có mặt ở Huế trước đây [...]. Chiến tranh đối với tôi lúc đó như một trò chơi. Thấy được hiệu lực của vũ khí mà không nhìn thấy người bắn. Những ngày đó, tôi rất thích mỗi khi được nghe thấy tiếng súng nổ“.
Truyện khác cùng thể loại
46 chương
80 chương