Bảo bọc khiết an

Chương 3 : Sai chỗ dung thân? 3

Cuộc sống trôi qua êm đẹp được ít năm thì cuộc hôn nhân của bố mẹ Khiết An đến hồi lung lay. Một người đàn ông đã đến và làm choáng ngợp tâm hồn mẹ Khiết An. Ông ta là bác sĩ, tên là Vượng. Khiết An hay xuyên tạc gọi ông ta là bác sĩ “Vượn”, không một chút tôn trọng người đàn ông có vẻ nho nhã này. Ông ta ước chừng hơn cả tuổi bố Dương, nhưng sự nghiệp và địa vị xã hội thì hơn nhiều lần. Ông không chỉ là phó giám đốc của một bệnh viện lớn mà còn sở hữu khối tài sản kếch xù nhờ giỏi đầu tư kinh doanh. Có không ít những người đàn ông từng chết mê chết mệt mẹ của Khiết An, vì như đã nói bà là người phụ nữ đầy thu hút. Nhưng ông ta đặc biệt khí chất hơn người, phong thái nho nhã của ông ta nhiều khi đã làm Khiết An có chút cảm thông với sự dao động của mẹ, rồi lại ngay lập tức xua nó đi khi nhìn thấy bố Dương ngồi cọc cạch bên máy may tới khuya để may hàng cho khách. Ông ta có thể thực sự tốt đẹp ngoài xã hội nhưng chỉ riêng việc ông ta phá hoại gia đình người khác đã là một hành động bỉ ổi- Khiết An đinh ninh là như vậy. Dù đã nhiều lần khuyên can một cách rất nhẹ nhàng bằng giọng điệu có phần “nhu nhược” ( Khiết An nghĩ vậy vì chưa từng nghĩ là một người đàn ông có thể nhẹ nhàng đến vậy khi khuyên vợ không nên tiến xa với người đàn ông khác), nhưng có lẽ chính điều đó khiến cho mẹ cô không hề thấy có lỗi mà vẫn tiếp tục mối quan hệ bất chính này. Người mẹ lý trí và kiêu ngạo của Khiết An thay đổi hoàn toàn. Bà thường xuyên lén lút gặp mặt ông ta, nấu những món ăn ngon và may những chiếc áo đẹp để mang đi, chăm lo cho ông ta như thể đó mới chính là chồng mình. Khiết An nghĩ rằng mẹ cô đã hoàn toàn mờ mắt và bị một thứ ma lực của quyền thế địa vị nào đó quyến rũ. Đối diện trước tình cảnh này của gia đình, Khiết An không có đủ thời gian để kịp đau khổ. Cô còn một em trai Khánh An ngây thơ chỉ mới học lớp 4. Cô dùng hết thời gian ngoài giờ học để ở bên em, phòng khi bố mẹ có cãi nhau về vấn đề nhạy cảm cô sẽ ngay lập tức xách xe đạp mang e đi ra ngoài chơi. Hành động của Khiết An mang tính bộc phát và đơn thuần là bảo vệ cho một cá thể bé nhỏ hơn mình. Cô không còn tâm trí để buồn bã hay suy sụp, mọi sự lơ là của cô đều có thể khiến cho em trai Khánh An rơi vào trạng thái trầm cảm nếu nó hiểu được những gì đang diễn ra. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến, đó là ngày mà Khiết An biết trước, nhưng vì không mấy quan tâm đến diễn biến mà chỉ chú tâm vào em trai, sự việc nhanh chóng có kết thúc khiến cho Khiết An không khỏi giật mình, ngây người tự nhắc nhở: “thì ra là hôm nay rồi!” Bố Dương sau khi ly hôn, thù hận vợ. Người vợ này trước kia đã vì mình chịu ủy khuất không ít, nên bố đã bỏ lại gia đình phía sau để đi theo tới xứ người, chịu bao vất vả. Nay khi đã ổn định thì cô ta lại một lòng nhất quyết rũ bỏ mình mà đi theo người đàn ông khác, sự tôn nghiêm của bố Dương dường như sụp đổ. Bố Dương nóng lòng đưa con trai Khánh An ngay lập tức rời khỏi Sài Gòn bay về lại quê hương. Đối với bố Dương lúc này, tách con cái ra thật xa là cách trả đũa sâu sắc nhất. Còn con gái Khiết An cũng đã 19 tuổi, và là một đứa trẻ hiểu chuyện, cô nhất định sẽ có thể tạm thời tự lo cho mình. Nghĩ như vậy ông liền sắp xếp đi ngay không chần chừ. Chỉ để lại cho Khiết An một lời nhắn nhỏ trên bàn ăn:” Con gái thu dọn quần áo, khóa cửa nẻo cẩn thận. Tối nay 7h bác Dư sẽ qua đón con. Con tạm thời ở bên đó một thời gian. Khi nào ổn định việc chuyển trường của em ngoài này bố sẽ về đón con. Bố gửi cho con 5 triệu vào tài khoản, con cầm đỡ đóng tiền học kì này, chi tiêu tiết kiệm con nhé. Qua nhà bác ở nhớ phụ giúp bác gái và giữ ý tứ.” ...... Cầm mảnh giấy nguệch ngoạc bố Dương để lại trên bàn, Khiết An ngồi thừ ra và không chạy nổi một suy nghĩ rành mạch nào trong đầu. Giờ phút này chắc bố Dương và Khánh An đang ở trên máy bay hoặc đã về tới nhà ở ngoài Bắc. Cô hận vì đã không theo lời bố mẹ dùng điện thoại di động. Bạn bè đều đã có điện thoại di động riêng từ hồi cấp 3, riêng Khiết An vì gia đình không cho sử dụng một phần là sợ ảnh hưởng tới việc học, 1 phần cũng sợ cô ham mê và giấu bố mẹ các mối quan hệ tuổi mới lớn. Bố mẹ đã không ngờ rằng Khiết An nằm ngoài sự lo lắng của mình rồi, cô cũng không hề bất bình với quyết định đó, cô quen với việc mình không hề có điện thoại di động. Mỗi lần muốn tìm gặp bạn bè cô đều xách xe đạp hì hụi chạy qua nhà bạn tìm gặp, nếu bạn không có nhà cô lại vui vẻ đạp về như vừa đi một chuyến tập thể dục. Cho đến khi cô đi học đại học, bố mẹ mới lờ mờ nhận ra sự bất thường của con gái khi Khiết An vẫn không hề đòi mua điện thoại mà chỉ có ý mua một chiếc xe đạp leo núi thật tốt(chắc là để đạp qua nhà bạn bè đỡ mệt hơn hả cô =.= ). Rồi đến khi bố mẹ không nhịn được việc chờ cô đòi hỏi mà đi mua cho cô 1 chiếc điện thoại, Khiết An bỗng cảm thấy sợ tiếng chuông điện thoại di động và giật bắn mình mỗi khi nó reo lên cắt đứt luồng suy nghĩ của một người hay ở trên mây như cô. Cô quyết định không dùng đến nó dù cho bố mẹ có khuyên bảo thế nào. Cô trở thành một người rừng trong mắt bạn bè khi không dùng điện thoại di động vào thời buổi này. Và người rừng đang hối hận vì lỡ sống xa công nghệ quá. Cô vô thức nhìn đồng hồ, đã 6h30 phút. Sực nhớ ra về lời dặn của bố, Khiết An vội vã lên phòng chọn 1 ít quần áo thường mặc, mang theo một ba lô sách vở, một thùng carton đựng thiệp chúc mừng của các bạn cho những dịp lễ hằng năm. Đối với cô thì như vậy là tạm đủ. Những thứ còn lại cô sẽ quay lại lấy sau. Nhắc đến bác Dư. Bố Dương và bác Dư là hai người bạn thân cùng đi bộ đội ngày xưa, cùng nhau vào sinh ra tử thời chiến tranh khiến giữa hai người đàn ông tồn tại một thứ tình đồng đội đặc biệt, đối đãi với nhau như anh em ruột thịt. Ngày hòa bình lập lại bố Dương trở về quê hương miền Bắc, còn bác Dư ở lại lập gia đình với một cô gái miền Nam. Cho nên khi bố cần đến sự giúp đỡ những ngày đầu vào Nam thì bác Dư là sự lựa chọn số 1 và bây giờ cũng vậy, vì xét về tình thân thì không ai thân thiết và đáng tin cậy với bố Dương bằng người anh em này. Bác Dư chính là Nguyễn Bá Dư, người khá nổi tiếng trong giới bất động sản Sài Gòn vì sự linh hoạt và nắm bắt thời cơ. Những năm địa ốc Sài Gòn rơi vào lao đao gia đình họ Nguyễn Bá vẫn trụ vững và phát triển trước tình hình thụt lùi của các đối thủ, từ đó ông được không ít người trong giới kiêng dè kính nể và có rất nhiều người muốn xin lời khuyên của ông khi có ý định đầu tư lớn về địa ốc. Nguyễn Bá Dư hiện đang sở hữu không ít đất đai và nhà cửa, nhưng thay vì để cho Khiết An tùy tiện trú ngụ tại một nơi nào đó của gia đình, ông nhất quyết đem Khiết An về nhà để có thể chăm sóc Khiết An chu đáo nhất. Bác Dư có hai người con trai, một người hiện đang làm việc tại nước ngoài và một người vừa mới kết thúc du học trở về, lại có thêm một người cháu gái họ xa đang sống cùng để tiện việc đi học đại học. Đó cũng là lý do dù có đôi lần bố Dương cho lên nhà bác Dư thăm hỏi, cô cũng không hề gặp mặt các con của bác mà chỉ gặp người vợ là bác Vân. Lần này đến ở cùng cô không khỏi lo sợ là các anh chị sẽ không thích một đứa kém hiểu biết như mình, vì đa phần con cái nhà giàu thì thường không thích người cổ lỗ. Nhưng dù sao cũng chỉ là ở tạm một thời gian, Khiết An cố gắng trấn an bản thân mình như vậy. Đang suy nghĩ miên man thì có tiếng còi xe ô tô bấm tinh tinh ở ngoài cửa, Khiết An vội vàng chạy ra. Không phải là bác Dư đến đón cô mà là bác gái.Vợ của bác Dư tươi cười bước xuống từ ghế sau của xe hơi, khẽ mỉm cười thân thiện gọi tên cô: - Khiết An, con chuẩn bị xong chưa? Để anh Khôi vào mang đồ cho con nhé? Bác Dư đang đi Hà Nội sắp xếp ít công việc bên họ hàng, nên bác đi đón con đây! - Dạ.. dạ.. con xong rồi, đồ đạc cũng nhẹ để con mau chóng mang ra ạ..- Khiết An luống cuống đáp lời. Cô vẫn là chưa quen với suy nghĩ mình sẽ chuẩn bị qua nhà người lạ cậy nhờ. Nhưng sự thân thiện dịu dàng của bác Vân làm cho cô cảm thấy có chút ấm áp. Chưa kịp tự thân xách đồ đạc ra tới nơi, người tên Khôi theo lời bác Hương nói liền đi vào trong và đỡ lấy mọi thứ trong tay Khiết An một cách dứt khoát không kịp để cô giằng co lại thứ gì đỡ cho anh. Nhưng vẻ mặt anh thì không tìm được mấy phần vui vẻ hay khó chịu, là một gương mặt vô cảm điển hình. Khiết An thiết nghĩ chắc đây là tài xế trẻ tuổi của gia đình Nguyễn Bá. Hôm nay hẳn là anh đã trải qua một việc gì đó khó khăn nên mới trưng ra bộ mặt không chút thân thiện nào với khách của gia đình chủ. Nghĩ vậy nên Khiết An cũng không quá để tâm, cô khẽ cảm ơn anh rồi thuận theo cái vẫy tay của bác gái mà nhanh chóng ngồi vào ghế sau cùng bác, để yên cho anh Khôi sắp xếp đồ đạc rồi quay lại ghế lái xe. Cô khẽ quay đầu nhìn về căn nhà nhỏ đã đóng cửa im lìm và tắt đèn tối thui. Trong lòng bỗng cảm thấy chua xót trước tình cảnh lạnh lẽo này, không biết cô còn có thể tiếp tục được sống ở đây một lần nữa hay không. Nếu biết sớm sáng nay cô đã ngủ nướng một giấc trên chiếc giường quen thuộc của mính mặc kệ chuông báo thức hò reo inh ỏi. Khiết An bây giờ mới vừa vặn thấy tủi thân, không khí từ máy lạnh trong xe phả vào làm cô thêm phần chỉ muốn rơi nước mắt. Bác gái vui vẻ thao thao bất tuyệt về một vấn đề gì đấy mà cô nghe không lọt tai nổi, cô chỉ biết dạ vâng theo nhịp kể của bác. Nhận ra Khiết An có phần ủ rũ, Bảo Vân bỗng thấy xót thương đứa trẻ này. Vốn đã định không nói gì đến việc đang diễn ra mà chỉ nói những chuyện không liên quan, hỏi thăm về trường lớp của Khiết An để con bé tạm quên đi tình cảnh rối ren hiện tại. Nhưng dù có nói gì thì Khiết An cũng chỉ cúi đầu dạ vâng không ăn khớp, Bảo Vân liền thay đổi giọng điệu đi vào vấn đề chính: -Khiết An, con có biết là bác thèm có một đứa con gái đến thế nào không, khi nghe gia đình con gặp chuyện. Bác rất tiếc nhưng cũng không thể nói không thấy hồi hộp mừng vui vì nhờ sự rối ren tạm thời này mà bác có cơ hội được chăm sóc con. Còn bao nhiêu điều bác chưa được làm cùng con gái của mình bởi vì không có phước sinh con gái, ở bên lại chỉ có hai thằng con trai cục mịch và bác trai con đi đi về về suốt mà thôi. Chán muốn chết à..!! Bảo Vân cao giọng than vãn, lộ rõ một phần ích kỉ trẻ con nhưng hàm ý là để cho Khiết An biết bà vui mừng thế nào khi Khiết An đến ở, để cô không phải cảm thấy gượng gạo ngại ngùng. Liền sau đó nhìn lên phía ghế lái xe liếc một cái sắc lẻm. Bởi vì những gì bà nói cũng không phải là nói sai, hai đứa con trai của bà một thì vẫn còn đang mải mê với công việc bên nước ngoài, một thì đã trở về mấy tháng nay nhưng tính khí lại không hòa nhã ôn nhu nếu không muốn nói là có phần khó bảo ngang ngược. Tính khí không khác gì Bá Dư hồi còn trẻ. Khiết An nghe bác Vân nói vậy liền ý thức được mình đang lơ là nên vội vã đáp lời: -" Dạ..con tạm thời phiền gia đình mình ít hôm.."- nhận thấy lời nói của mình có vẻ khách sáo trước thái độ nhiệt tình của bác gái, Khiết An liền đế thêm một câu bàn vào chuyện gia đình mà trước đó bác Vân vừa đề cập- " là các anh quen sống ở nước ngoài, con nghe nói mấy người nào ở bên nước ngoài lâu về nhà sẽ bị rối loạn ngôn ngữ một thời gian. Kiểu như nghe không vô tiếng Việt mình nên tâm tính khó chịu đó, như tuổi dậy thì vậy đó bác" Khiết An hùng hồn đưa ra những lý do mình nghĩ ra được để an ủi bác Vân, ý muốn Bảo Vân không phải buồn về sự cục mịch của con trai làm gì. Về khoản tưởng tượng xuyên tạc này, Khiết An là nhất. Cô không biết rằng những lời của mình đồng thời làm cho những hai người muốn phun trào. Một bên là Bảo Vân bị khoái chí vì có người ngoài mắng con trai mình thay mình. "Đúng đúng, lý do này thật hợp lý ha", bà thầm nghĩ rồi tán thưởng gật gù và rôm rả bình luận tiếp với Khiết An, lúc này đã lấy lại vẻ láu lỉnh tiếp chuyện. Còn một bên là nhân vật chính vừa bị bình luận kia, dù trong lòng khá khó chịu khi nghe tới câu "rối loạn ngôn ngữ" và "như tuổi dậy thì", cậu ta chỉ khẽ siết lấy vô lăng rồi lại trở về trạng thai bình ổn, yên lặng lái xe. Nhưng trong lòng thầm nghĩ:" con bé này biết rõ thế nào là tuổi dậy thì của đàn ông sao?"