Ảo Ma Bộ Pháp
Chương 13 : Về chốn cũ phá bỏ Loạn Thạch cước Bước kiên trình nhi nữ tỏ tình thâm
Mải miết trên bước đường phiêu bạt vô định. Cứ hễ thấy đường là Cao Nhẫn cứ đi. Tối tìm khách điếm trú chân, sáng bạch lại lên đường.
Cao Nhẫn không biết phải đi về đâu? Tâm tư ngổn ngang, duy chỉ có hai điều khiến Cao Nhẫn bận tâm nhất.
Điều thứ nhất, biết tìm bọn Tam tú Thần Ưng ở đâu? Đến địa sở của Kim Ưng bang không tìm được, vì Kim Ưng bang đâu còn tồn tại!
Tìm bọn Hiệp Thiên bang thì càng khó khăn hơn, vì chúng dễ gì chịu xuất đầu lộ diện, nói đây là nói bọn từ Chuyên sứ trở lên. Chứ bọn ngân, thiết Lệnh chỉ toi công, chúng không biết gì để nói. Đành phải trông chờ sự may rủi.
Điều thứ hai, lúc này lại nổi lên khiến cho Cao Nhẫn mất ăn mất ngủ.
Đó là thân thế và lai lịch của mình. Ngoài má má họ Cao, mà Cao Nhẫn tự nhận lấy làm họ của mình, thì Cao Nhẫn đâu còn ai là thân quyến để hỏi han.
Quê hương xứ sở thì má má lại chưa có dịp nói đên. Cao Nhẫn chỉ biết là, vì mối huyết thù của thân sinh nên má má mới đến Loạn Thạch cước, đến để mong qua đó tìm được, học được một thân võ học, mới mong trả được thù. Ai là kẻ thù? Thù ra làm sao? Càng nghĩ, càng thấy bế tắc. Do đó, Cao Nhẫn cứ đi, đi mãi...
Vô tình, Cao Nhẫn lại đi đúng đường để đi ngược về quá khứ, vì trước mặt lúc này lại là Tuần Dương phủ.
Trở lại con đường cũ, bước vào tửu điếm xưa, nơi bọn người giang hồ bàn bạc về cái chết toàn gia của nhà họ Đinh, nay chỉ còn một mình Đinh Phượng sống sót. Tâm tư của Cao Nhẫn thấy bồi hồi.
Chàng một mình ngồi độc ẩm. Quên cả thời gian, quên cả hiện tại.
Chàng đang sống lại thời đã qua, năm năm về trước.
Bỗng, một làn hương nhẹ thoáng phất qua mũi, Cao Nhẫn ngẩng đầu lên. Một giai nhân đang đứng đấy nhìn chàng, thấy Cao Nhẫn đã nhìn thấy mình, giai nhân mở miệng nhỏ xinh, thỏ thẻ nói lời thanh tao :
- Công tử, tiểu thơ của tiểu nữ có lời mời công tử, mong công tử hạ cố gia ân. Tiểu tỳ xin đa tạ!
Ngạc nhiên, Cao Nhẫn hỏi lại :
- Tiểu thơ của cô nương là ai? Hiện đang ở đâu? Mời tại hạ có việc gì?
Giai nhân không đáp, chỉ đưa mắt nhìn xéo về một phía. Vỡ lẽ, Cao Nhẫn nhìn theo, thấy ở một bàn mãi tít phía trong, có một giai nhân nữa đang ngồi đó. Thấy Cao Nhẫn nhìn đến, giai nhân tươi cười gật đầu.
“Mặc kệ”, trong bụng nghĩ, Cao Nhẫn nói với cô tiểu tỳ :
- Được, mời cô nương dẫn đường!
Đến trước bàn, nơi vị cô nương đang ngồi, Cao Nhẫn thấy nàng ta đã đứng lên. Không để thất lễ trước người ngọc, Cao Nhẫn nói :
- Tiểu thơ cho vời tại hạ! Không biết có việc chi?
Vị tiểu thơ cười thật tươi, đưa tay chỉ chiếc ghế :
- Mời công tử ngồi đã, rồi hãy nói chuyện sau!
- Không dám! Nếu tiểu thơ không nói rõ ý thì tại hạ đành thất lễ, không dám quấy rầy tiểu thơ.
Thấy Cao Nhẫn chưa gì đã có ý thối thác, vị tiểu thơ đành nói :
- Công tử nói quá lời! Nào có chi đâu, tiện nữ thấy công tử một mình độc ẩm, có vẻ hẩm hiu, đúng với tâm sự của tiện nữ. Tiện nữ muốn cùng công tử đối ẩm vài chung rượu, gọi là chung chia cảnh ngộ.
Cao Nhẫn thấy nàng để lộ định ý, đành ngồi xuống, đoạn hỏi :
- Tiểu thơ là ai? Tiểu thơ biết tại hạ? Nếu không sao lại cho là biết tâm sự tại hạ?
- Tứ hải giai huynh đệ, tiện nữ có tâm sự buồn chán, dễ hiểu được tâm tư của công tử, thế thôi! Cần chi phải là quen biết mới ngồi lại được với nhau?
- Thôi được! Cao Nhẫn này được tiểu thơ thương tưởng, xin được cạn một chung rượu, nói như tiểu thơ đã nói, gọi là chia cảnh ngộ. Mời!
- Mời!
Thấy cả hai không quen biết, cùng uống cạn chung rượu, cô tỳ nữ thấy vậy, cũng thấy vui lây. Không đợi sai, đã rót đầy hai chung nữa. Cao Nhẫn lại nói :
- Nếu không cho là đường đột, tiểu thơ có thể cho biết quý danh.
Vị tiểu thư trầm ngâm, không đáp, vì nàng không thể tiện xưng danh tánh trước mặt người lạ, mà người ấy lại là một nam nhân, hiểu ý, cô tỷ nữ hớt lời :
- Tiểu thơ của tiểu tỳ họ Vạn, tên gọi là Ngọc Châu!
- Cao Nhẫn này xin mượn hoa hiến Phật, kính chúc Vạn tiểu thơ a... a... muôn phần mãn ý.
Vạn Ngọc Châu cũng nâng chén rượu và nói :
- Đa tạ hậu ý của Cao công tử!
Đặt chung rượu xuống bàn, cả hai đều không biết nói gì, cô tỳ nữ nhanh miệng nói để bầu không khí khỏi ngột ngạt :
- Công tử, tiểu tỳ hỏi điều này, nếu có gì phật ý, công tử bỏ lỗi cho!
- Cô nương cứ hỏi!
- Ấy chết! Cao công tử đứng gọi tiểu nữ như thế, không được đâu.
- Thế tại hạ biết phải xưng hô thế nào đây?
- Mọi người vẫn gọi tiểu tỳ là A Hoa, xin Cao công tử cứ gọi như vậy là được rồi!
- Thôi được! Tại hạ xin được gọi là Hoa cô nương! Hoa cô nương muốn hỏi chi? Xin cứ nói!
- Cao công tử cũng là nhân vật giang hồ? Lệnh sư là bậc cao nhân nào? Công tử có thể nói?
- Tại hạ không dám xưng là người giang hồ! Nhưng cũng có thể nói thế cũng đúng, vì tại hạ cũng mới xuất sơn. Còn xuất thân, thì tại hạ xin lỗi, tiên sư đã mất lâu rồi, nên tại hạ không tiện nêu danh!
- Công tử không tiện nói thì thôi. Nhưng qua dáng cách của công tử có thể nói lệnh tiên sư là bậc thế ngoại cao nhân?
- Không dám nhận lời khen của Hoa cô nương, theo tại hạ biết tiên sư thoái ẩn đã lâu, e rằng trên chốn giang hồ không còn ai biết đến tiên sư. Do đó thật không dám nhận chữ thế ngoại cao nhân. Còn quý tiểu thư đây, chắc lai lịch xuất xứ không phải tầm thường?
Vạn Ngọc Châu nghe Cao Nhẫn hỏi đến lai lịch của mình, có phần khó nói, do đó nàng nói :
- Tiện nữ cũng học qua võ công, cũng là võ vẽ, nhưng không phải sư truyền. Do đó không có sư phụ.
- Vậy thân sinh của tiểu thơ là bậc danh gia nào?
- Tiện nữ xuất thân bần hàn, đâu dám nhận tiếng danh gia. Gia phụ chỉ truyền lại một ít chiêu thức để phòng thân. Lệnh gia nghiêm ngặt, nên không thể nói đên tên người, mong công tử lượng thứ.
- Không sao, biết cũng được mà không biết cũng không sao?
Vạn Ngọc Châu lại lên tiếng :
- Cao công tử! Công tử nhận định thế nào về giang hồ hiện nay?
Do không biết ý chủ tớ Vạn Ngọc Châu như thế nào, Cao Nhẫn giữ ý, chàng chỉ nói qua quít :
- Tại hạ là hạng mạt học võ lâm, sinh sau đẻ muộn biết gì về giang hồ mà dám nhận định về giang hồ!
- Cao công tử đừng quá tự khiêm! Theo công tử cho phe phái nào mạnh nhất hiện nay?
Cao Nhẫn thấy Vạn Ngọc Châu hỏi càng lúc càng rõ, e ngại chàng đành nói như người không biết gì :
- Thiếu Lâm, từ lâu được xem là Thái Sơn Bắc Đẩu, thì mạnh nhất phải kể là Thiếu Lâm?
- Cao công tử có thật sự nói đúng lòng mình hay không?
- Thế Vạn tiểu thơ cho là sao?
- Thôi không nói đến vấn đề này nữa! Giờ đây, rời khỏi nơi này, Cao công tử định tâm đi về đâu?
Không thể nói dối mãi được, Cao Nhẫn bèn nói :
- Tại hạ cũng chưa biết phải đi về đâu! Chỉ thuận theo chân đi về nơi nào cũng được.
- Nghĩa là...
- Nghĩa là tại hạ chẳng có nơi nào để mà đến, chẳng có chỗ nào để mà về. Lang bạt kỳ hồ, vui đâu ở đó!
- Hay! Vậy là đúng ý tiện nữ, phen này tiện nữ cùng A Hoa cũng định đi phiêu bạt khắp nơi, không có ấn định sẵn hành trình, có thể nào...
- Vạn tiểu thơ muốn nói điều chi?
Vạn Ngọc Châu cúi đầu không nói.
A Hoa đúng là tỳ nữ thân tín, một lần nữa lại gỡ rối cho Vạn Ngọc Châu. A Hoa nói :
- Ý của tiểu thơ mong được công tử đáp ứng, nhận lời cho bọn tiểu tỳ theo chân công tử, trước là có bạn đồng hành, sau được tăng thêm phần lịch duyệt!
- Vạn tiểu thơ! Có phải đây là ý của Vạn tiểu thơ?
Vạn Ngọc Châu vẫn cúi đầu, nghe hỏi, ngẩng mặt lên. Nhìn vào ánh mắt nàng, Cao Nhẫn nhìn thấy sự cầu khẩn, mong được chàng thuận tình. Không nỡ nhìn lâu, Cao Nhẫn đành nói :
- Giang hồ là chốn đầy hiểm trá, bẫy rập, Vạn cô nương không thấy ái ngại, khi có ý kết bạn đồng hành với kẻ này? Người mà Vạn tiểu thư không biết là thù hay bạn! Huống hồ... huống hồ tại hạ đến một chỗ ngã lưng cũng không có.
Vạn Ngọc Châu thấy ý của Cao Nhẫn đã xiêu xiêu. Đợi Cao Nhẫn nói xong, nàng mới nói :
- Công tử, nói được điều công tử vừa nói, đủ rõ chánh tâm. Còn việc được đồng hành cùng công tử trên bước đường giang hồ, tiện nữ thấy thập phần mãn nguyện!
Thấy rõ sự quyết tâm của Vạn tiểu thơ, Cao Nhẫn nghĩ thầm: “Không biết cô nàng này có định ý gì khi nhất mực muốn theo sát bước chân ta? Để rồi xem, trước sau ta cũng rõ”.
Nghĩ vậy, Cao Nhẫn nói :
- Thôi được, chỉ mong Vạn tiểu thư không thấy chán cảnh lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu!
Vạn Ngọc Châu được Cao Nhẫn đồng ý, nàng tỏ ra thật sự vui mừng, nên nói nhanh :
- Cao công tử đồng ý? Công tử sẽ giữ lời chứ?
Cao Nhẫn bật cười trước vẻ cuống quít của nàng, nói :
- Vạn tiểu thơ yên tâm, tại hạ tuy không tự cho mình là quân tử, nhưng nhất ngôn như phá thạch.
Cả ba cũng cười rất vui vẻ.
Rời khỏi Tuần Dương phủ, Cao Nhẫn tỏ vẻ ý định là chàng muốn đến Kỳ Liên sơn, chàng nói thác là muốn xem quang cảnh nơi đã từng được gọi là gò Loạn Thạch. Chỉ vô tâm mà Cao Nhẫn nẩy ra ý định này, chứ thật sự Cao Nhẫn không biết quay về chốn cũ có ích gì không?
Từ Tuần Dương phủ, về đến Kỳ Liên sơn, ròng rã hơn mười ngày, đi xuyên suốt trên con đường sơn đạo độc nhất. Cao Nhẫn càng thấy phát sinh hảo cảm với chủ tớ của Vạn Ngọc Châu. Quan sát kỹ lưỡng từ thái độ, ngôn ngữ của họ, Cao Nhẫn đã không phát hiện có gì đặc biệt đáng để lưu tâm, ngược lại, chàng càng lúc càng thấu rõ thành ý của họ. Do đó, tâm tính của Cao Nhẫn càng lúc càng cởi mở.
Đến một buổi chiều, chỉ sót lại chút nắng lưu lại trên những ngọn nói cao. Cao Nhẫn, Vạn Ngọc Châu và A Hoa đã đến chốn xưa. Nơi trước đây từng là tửu điếm của Trương đại thúc, từng là chỗ ăn ở và sinh sống của má con Cao Nhẫn, giờ chỉ còn là một đống hoang tàn, nhìn vết tích để lại Cao Nhẫn cũng dư biết nơi này đã bị hỏa thiêu.
Chậm bước trên đường đi lối lại đã từng là lối đi trong tửu điếm, Cao Nhẫn bồi hồi nhớ lại chuyện trước đây. Chàng mãi lo hồi tưởng, còn Vạn Ngọc Châu và A Hoa sững sờ khi Cao Nhẫn vừa đưa họ đến đây.
Ngỡ Cao Nhẫn cần tìm dấu vết gì đó ở đống hoang tàn này, không đợi Cao Nhẫn nói ra, cả hai cùng lao vào xục cạo, bới tìm.
Chợt A Hoa kêu lên :
- Nơi này có dấu vết.
Vạn Ngọc Châu nhìn vào nơi A Hoa đang đứng, thấy nơi đó còn lại bốn trụ bằng cây, trồng ở bốn góc, tợ như là chân chòi lá hoặc cái gì đó tương tự.
Cao Nhẫn cũng quay lại nhìn khi nghe A Hoa kêu. Cao Nhẫn xúc động mạnh, chàng lao vụt tới, tới nơi, Cao Nhẫn bàng hoàng nói :
- Nơi này là chỗ kê chiếc giường tre, ta và mẫu thân từng ngủ trên chiếc giường này!
Nghe Cao Nhẫn nói thế. Vạn Ngọc Châu và A Hoa sửng sốt, vì không ngờ nơi hoang phế này, trước đây lại là sinh quán của Cao Nhẫn.
Không nói gì, cả hai cùng cảm thấy xúc cảm sinh tình. Bất chợt Vạn Ngọc Châu, tay nắm tay Cao Nhẫn, như muốn chia sớt với chàng, để chàng dịu bớt cơn đau thương.
Được một lúc, Vạn Ngọc châu nhận ra cử chỉ quá thân mật của mình mà giật mình. Rụt vội bàn tay ra, để chữa thẹn, Vạn Ngọc Châu hỏi A Hoa :
- A Hoa, muội vừa nói có dấu vết, là dấu vết gì?
A Hoa được Vạn Ngọc châu nhắc mới nhớ ra và đưa tay chỉ vào một chân cột của chiếc giường tre nói :
- Trong chiếc chân giường này, có một đoạn trúc nhỏ được giấu vào trong.
Kinh ngạc, Cao Nhẫn cúi xuống nhìn. Quả thật sau khi tửu điếm bị bọn Tam tú Thần Ưng đốt cháy, cả chiếc giường cũng thành tro, nhưng do gốc tre quá già, được cắm sâu vào đất, lâu năm, có lẽ nhờ đất ẩm nên gốc tre vẫn sống, sống tiềm sinh, vì vậy gốc tre làm chân giường chỉ bị cháy xém phần trên. Trải qua nắng mưa mấy năm liên tiếp, phần cháy xém mục đi, rã ra, giờ đây đã nứt toát. A Hoa do cố tâm tìm kiếm nên mới nhận thấy giữa thân gốc tre, ai đó đã đặt một đoạn trúc.
Cao Nhẫn không ngờ lại có sự việc này, cẩn thận Cao Nhẫn rút nhẹ đoạn trúc ra khỏi thân tre. Vừa cầm đoạn trúc trên tay, đã nghe tiếng rung động vang ra. Đoạn trúc được nút kỹ ở hai đầu bằng sáp. Gỡ nhẹ sáp từ một đầu, trút nhẹ ra, thì một vật bọc trong một mảnh lụa trong lòng đoạn trúc rơi ra. Cầm được vật lạ đó, Cao Nhẫn bàng hoàng, cứ nhìn mãi vật đó.
Vạn Ngọc Châu thấy vậy, đưa tay cầm lấy và nói :
- Công tử cứ bình tâm! Xem thử xem, đây là vật gì?
Miệng nói chưa dứt câu, tay Vạn Ngọc Châu đã lần mở vuông lụa bạch ra.
Vừa xem thấy vật này, Vạn Ngọc Châu và A Hoa kinh hoàng thốt lên :
- Sao lại là vật này?
Đồng một lúc, Cao Nhẫn khi trông thấy cũng phát ra một câu tương tự. Do đang xúc động, Cao Nhẫn không để ý đên câu nói của Vạn Ngọc Châu và A Hoa, cũng như không lưu tâm đến thần sắc thảng thốt của cả hai.
Vì thật sự, lúc này đây, tâm trạng của Cao Nhẫn cũng bàng hoàng không kém. Cao Nhẫn không thể nào ngờ được, vật mà chàng vừa nhìn thấy lại là mảnh Kim lệnh bài! Hình thù trông khác mảnh thẻ lệnh bài mà Cao Nhẫn đã từng được thấy qua ở Đại Biệt sơn.
Có khác chăng là khác ở màu sắc, một cái là bằng sắt đen, còn ở đây lại được đánh bằng vàng. Mảnh kia, Cao Nhẫn nhớ lại có khắ một chứ ‘Thiết’ thật to. Còn ở đây thì khắc chữ ‘Kim’. Đưa tay cầm lại Kim lệnh bài trên tay Vạn Ngọc Châu, Cao Nhẫn xem xét kỹ. Quả đúng như điều mà chàng vừa thấy. Xem cả mặt bên lại thấy khắc một quần thể núi non cao thấp khác nhau, nhưng tất cả đều quây quần chầu hầu vây quanh một ngọn núi khác cao vút, vượt hẳn lên trên. Trên đỉnh núi ghi một chữ ‘Quân’. Nét khắc tinh xảo, chứng tỏ được làm từ một nghệ nhân lão luyện.
Chực nhớ còn có vuông lụa bạch, Cao Nhẫn bèn lấy mở ra xem kỹ.
Thì trên vuông lụa có ghi:
“Đây là vật bất thường, không biết là vật gì? Ta thấy gia gia con nắm chặt trong tay khi chết. Có thể từ vật này mà truy ra dấu vết của thù gia.
Nhũ mẫu
Cao Thị bút”.
Cao Nhẫn đến lúc này lòng dâng trào từng cơn xúc động mãnh liệt không khác nào sóng dữ ở đại dương! Cao Nhẫn không cầm được nữa, chàng khóc thét lên, miệng gào vang :
- Má má, sao trước đây má má không nói cho hài nhi biết? Hu hu... Má má, gia gia hài nhi là ai? Sao má má không phải là má má? Tại sao? Tại sao?
Mặc cho chàng khóc, Vạn Ngọc Châu và A Hoa cũng không ngăn cản, cũng không an ủi, vì chính bản thân họ cũng đang khóc. Gục vào vai nhau mà khóc. Tại sao lại khóc? Khóc thương cho nghịch cảnh của Cao Nhẫn? Hay khóc cho chính họ? Không biết, không ai biết được điều này, trừ họ!
Khóc mãi rồi cũng đến lúc ngưng. Giọng Cao Nhẫn đã khàn vì gào thét. Cao Nhẫn miệng mím chặt, mắt tóe ra hung quang khiếp người, tay nắm chặt Kim lệnh bài, chàng cố nói thành tiếng, như nói cho chính tai mình nghe, cho má má đã chết cùng nghe :
- Mi, cũng lại là mi nữa! Kiếp số đúng là kiếp số đã định, giữa ta và mi phải có một kẻ chết, lão Quân chủ khốn khiếp kia!
Tại nghe chính lời mình nói, Cao Nhẫn thấy hả dạ, trái ngược nhau, nhìn vẻ mặt kinh hoàng của Vạn Ngọc Châu và A Hoa, nếu ta có mặt ở đấy mà nhìn thì lời của Cao Nhẫn như dao đâm vào ruột, như muối xát vào lòng! Họ đang sợ, sợ cho ai, cho họ hay cho một kẻ nào đó?
Điều này nữa, cũng chỉ có họ biết!
Trời đã tối hẳn, sao đã tỏ rạng, im lặng bao trùm lên vạn vật, ngoại trừ tiếng thổn thức của Vạn Ngọc Châu, A Hoa đang đứng kề bên, cố vỗ về an ủi tiểu thơ mình. Tiếng thổn thức vang trong đêm lặng làm Cao Nhẫn chợt tỉnh hẳn cơn mê.
Cao Nhẫn xạ ánh mắt nhìn về phía Vạn Ngọc Châu và A Hoa, chàng nói :
- Vạn tiểu thơ! Xin thứ lỗi, vì chuyện riêng tư của Cao Nhẫn này, khiến tiểu thơ phải rơi lệ, Cao Nhẫn ta thật lấy làm áy náy.
Vạn Ngọc Châu nghe Cao Nhẫn nói vậy, không biết nghĩ sao lại khóc lớn hơn. Cao Nhẫn thật bối rối, ánh mắt chàng như cố vận hết mục lực để nhìn Vạn Ngọc Châu cho rõ, có lẽ nàng nghĩ, nhìn nàng rõ hơn chàng sẽ hiểu rõ căn nguyên hơn.
Không nghe Cao Nhẫn lên tiếng, Vạn Ngọc Châu giảm dần tiếng khóc, rồi nàng nhìn lại, nhìn về hướng đã phát ra tiếng chàng, nhưng không nhìn thấy được gì! Vì đang giữa đêm đen, chỉ thấy hai luồng nhãn quang sáng quắc của chàng đang xạ chiếu về nàng.
Nhìn luồng nhãn tuyến đó, nàng phát rùng mình kinh sợ. Do quá sợ, nàng nín bặt, không khóc nữa. Cả A Hoa cũng đã nhìn thấy nhãn quang đó của Cao Nhẫn. Họ chạm nhẹ tay vào nhau như thầm bảo võ công của chàng thật kinh khiếp, có lẽ cao đến vô thượng. Nhận đinh như thế, họ càng sợ hãi hơn, họ cố nép sát vào nhau, như cố che chở cho nhau, cũng như được che chở.
Mục lực của Cao Nhẫn tuy không nhìn thấy được những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng tình cảnh hai người, chàng cũng đã thấy, và cũng đủ hiểu, Cao Nhẫn lại lên tiếng :
- Kìa Vạn tiểu thơ! Hoa cô nương! Sao cả hai nhìn tại hạ với vẻ khiếp sợ thế? Tại hạ không sao đâu, giờ thì đã ổn rồi!
Cao Nhẫn lại lẩm bẩm :
- Phải tại hạ đã ổn thật sự, phần lão Quân chủ kia mới là không ổn! Không ổn được đâu.
Chàng thét to hơn :
- Không... ổn... được... đâu...!
Chàng vừa dứt tiếng đã nghe :
- Công tử!
- Cao công tử!
Hai tiếng kêu cùng thốt lên, với âm thanh hòa dịu êm ả, làm lòng của Cao Nhẫn như lắng lại. Một lúc sau, Cao Nhẫn vòng tay thi lễ nói :
- Tạ ơn Vạn tiểu thơ! Cám ơn Hoa cô nương đã có lòng lo lắng cho tại hạ. Tâm tình này, dẫu có đến chết tại hạ cũng không quên!
Đưa mắt nhìn bầu trời đêm đầy sao, ánh trăng hạ tuần, giờ bắt đầu ló dạng ở chân trời! Cao Nhẫn nói với Vạn Ngọc Châu và A Hoa :
- Vạn tiểu thơ, Hoa cô nương, trời đã về khuya, đêm nay chúng ta vậy là không có chỗ trú ngụ rồi.
Đưa mắt nhìn một vòng, Cao Nhẫn lại nói tiếp :
- Nếu nhị vị cô nương có nhã hứng, đêm nay ta lấy trời làm màn, đốt lên một ngọn lửa nhỏ, nhận đất làm chiếu, để qua hết đêm này!
Vạn Ngọc Châu và A Hoa do tâm tình đang bất ổn, họ không trả lời nhưng họ vẫn tán thành, vì họ đã bắt đầu thu thập những đoạn cây khô, vẫn nằm đâu đó quanh đây.
Một lúc sau, một ngọn lửa được thắp lên giữa ánh sáng bập bùng, tỏa ra hơi nóng sưởi ấm thân người và cũng đã sưởi ấm lòng người. Vạn Ngọc Châu lên tiếng :
- Cao công tử, công tử vừa nói đến Quân chủ! Công tử biết rõ Quân chủ?
Giờ đây, lòng của Cao Nhẫn êm dịu như mặt nước hồ thu, nghe Vạn Ngọc Châu nhắc đến lão Quân chủ, Cao Nhẫn thở ra một hơi dài nhè nhẹ, làm như qua hơi thở dài đó, Cao Nhẫn sẽ dễ dàng nhắc đến chuyện lão mà không phải bi thương, chàng nói. một tiếng nói cũng nhẹ như hơi thở :
- Vạn tiểu thơ, tại hạ trước đây thật sự chưa nói đúng lòng mình, như Vạn tiểu thơ đây đã nhận xét. Nay tại hạ nói lại cho rõ hơn. Tuy tại hạ không biết gì về lão Quân chủ, nhưng tại hạ đã biết rõ mộng đồ bá chủ của lão, cũng như tại hạ cũng biết thế lực mạnh nhất hiện nay là Hiệp Thiên bang, là môn nhân thuộc hạ của lão!
- Qua sự căm phẫn vừa rồi của công tử thì giữa công tử và Quân chủ, giữa công tử và Hiệp Thiên bang ắt hẳn có mối thù?
- Đúng thế! Giết má má, thiêu hủy nơi này, truy sát tại hạ khắp nơi và cuối cùng là đả tử minh huynh của tại hạ.
- Đích thân Quân chủ làm việc này?
- Không, mà là bọn đồ tôn đồ tử của lão, và chúng đã làm theo lệnh của lão.
- Duyên cớ gì?
- Điều này, chỉ có lão biết! Mà không, phải nói là có thể vì Loan Thạch cước!
- Loạn Thạch cước? Loạn Thạch cước thì có liên quan gì đến việc này?
- Vạn tiểu thơ đã trông thấy Loạn Thạch cước chưa?
- Chưa từng! Nhưng đã có nghe nói!
Cao Nhẫn mỉm cười hỏi :
- Vạn tiểu thơ nghe nói thế nào?
- Thì tiện nữ cũng như mọi người, tất cả đều nghe nói rằng có những dấu chân in trên đá, ở nơi này, và cũng như mọi người, tiện nữ cũng suy đoán là ắt hẳn có gì bí ẩn ở những dâu chân đó.
- Bí ẩn như thế nào? Có ai hiểu được không?
- Cả trăm năm rồi, bí ẩn này đến nay cũng không nghe có người nào hiểu được!
Cao Nhẫn lại mỉm cười, nụ cười của Cao Nhẫn càng làm cho Vạn Ngọc Châu và A Hoa khó hiểu. Cao Nhẫn ngẩng lên nhìn lại bầu trời đêm, khi thấy vầng trăng đã lộ rõ hơn, ánh sáng dìu dịu trải rộng hơn, chàng nói :
- Nếu Vạn tiểu thơ và Hoa cô nương có nhã hứng, tại hạ xin đưa đường đên xem một lần cho biết Loạn Thạch cước.
Nghe Cao Nhẫn nói vậy, cả hai cùng mừng khấp khởi, đồng thanh nói :
- Thật sao?
Cao Nhẫn lại cười, khẽ gật đầu. Rồi cả ba cùng đi, Cao Nhẫn đi trước làm hướng đạo. Chạy theo phía sau, Vạn Ngọc Châu và A Hoa cùng đưa mắt quan sát thân pháp của Cao Nhẫn. Thân pháp của chàng thật kỳ lạ, khác những kiểu khinh công mà họ đã từng được nhìn thấy.
Người của Cao Nhẫn không linh hoạt, hoa mỹ như người khác, nhưng ngược lại trông rất huyền hoặc, phiêu phiêu, hốt hốt. Hai chân hồ như chỉ lướt trên ngọn cỏ, phiến đá, cứ như thế mà đi, nhưng lại rất nhanh.
Vạn Ngọc Châu và A Hoa đã cố hết sức, mới giữ được khoảng cách đều đều với Cao Nhẫn. Trong khi Cao Nhẫn vẫn ung dung, nhẹ nhàng như người đi dạo trong đêm. Khó mà lường mức độ cao thâm của Cao Nhẫn. Thoạt nhận xét qua, Vạn Ngọc Châu có vẻ mừng nhưng rồi nỗi lo sợ lại ập đến, khó hiểu.
Bỗng nhiên, người của Cao Nhẫn ở phia trước bỗng dừng lại, đưa tay ra dấu, rồi lạng nhanh thân mình vào một gộp đá kề đó. Vạn Ngọc Châu và A Hoa cũng nép vào kề bên, vừa nép kín vào đã nghe lời của Cao Nhẫn nói khe khẽ :
- Loạn Thạch cước ở phía trước. Nhưng ở đấy đang có người...
- Ai?
A Hoa hỏi :
- Chưa biết được! Nhưng không ít...
Sau một lúc lắng nghe, Cao Nhẫn nói thêm :
- Có năm người, họ đang bàn chuyện gì đó, nhưng khoảng cách còn xa, tại hạ không nghe rõ được.
Với khoảng cách trên mười trượng mà Cao Nhẫn nghe và nhận định được số người hiện diện, điều này lại càng làm cho chủ tớ Vạn Ngọc Châu kinh hãi, sau khi chứng kiến thân pháp của chàng.
Người ta thường cho cách mười trượng nghe được tiếng lá rơi thì đã là bậc võ tiên. Nhưng đấy chỉ là một cách nói ví von, chứ chưa từng thấy võ học của người nào đạt đến mức đó.
Ở đây, trời lặng, không gió, Cao Nhẫn có thể nghe tiếng người bàn, đã là hay lắm rồi, nhưng lại nghe qua âm thanh mà nhận định được số người, thì hỏi làm sao mà chủ tớ Vạn Ngọc Châu không kinh sợ.
Cả ba men theo từng gộp đá, tiến dần tới. Đến gần hơn, Vạn Ngọc Châu và A Hoa mới nghe được tiếng người nói, đúng là họ đang bàn bạc gì đó, họ nói rất khẽ, thật khó phân biệt.
Đến gần hơn nữa, ước chừng còn cách ba trượng, đưa đầu lén nhìn. Cả ba thấy rõ, đúng là có năm người. Nổi bật nhất là một người có vóc dáng cao to, giọng nói ông ta tuy cố làm cho nhỏ đi, nhưng vẫn lớn hơn giọng nói của bốn người còn lại.
Lắng tai nghe kỹ, thì ra họ đang nói với nhau về Loạn Thạch cước.
Một người đang nói :
- Đây là một bộ pháp, nhưng không trông rõ được đường lối.
Một người khác chân lời :
- Nói như ngươi thì ai lại không biết. Tốt hơn là ngươi cố tìm cách giải thích khác!
Người nói vừa rồi bị quở mắng, bèn nói :
- Chuyên sứ nói phải, hạ nhân quả lắm lời!
Vừa nghe đên đây, Cao Nhẫn đã thấy người cứng lại, thần thái này không qua được mắt của Vạn Ngọc Châu!
Lại nghe người có vóc dáng cao to nói :
- Bổn Kim lệnh nhận xét thấy, không thể nào có cách giải thích khác ổn thỏa hơn!
Tên Chuyên sứ lại nói :
- Bắc phương Kim lệnh sứ Khương tiền bối nói thế, chắc lẽ đêm nay lại về không?
Thì ra người có vóc dáng cao to lại là Thần Đao Nhất Trụ kình Thiên Khương Hoắc, một danh gia võ học vào hàng đại hiệp ở các tỉnh phía Bắc, Lão lại nói tiếp :
- Đã năm năm rồi, từ khi đứa bé kia đã chết, Quân chủ đã sai phái không biêt bao nhiêu đợt người đên đây thám sát, nào có ai tìm hiểu được gì? Bổn Kim lệnh ta nghĩ phen này chúng ta cũng vậy thôi! Quân chủ đã làm việc này thật là vô ích.
Cao Nhẫn nghe rõ lời này, chàng thật sự sợ cho dã tâm của lão Quân chủ, chàng nghĩ không nên để Loạn Thạch cước này tồn tại, đối với lão, thật khó biết điều gì sẽ xảy ra một khi lão cố tâm tìm hiểu việc này. Nghĩ đên đây, Cao Nhẫn nghe tên Chuyên sứ nói :
- Bản Chuyên sứ cũng nghĩ vậy, có ai mà giải thích được bí ẩn này?
- Có ta!
Tiếng nói phát ra giữa đêm vắng làm cho cả năm người đều giật mình, kể cả Vạn Ngọc Châu và A Hoa cũng giật mình, vì họ không ngờ lúc này mà Cao Nhẫn lại đánh tiếng.
Họ nhìn sững về bóng người vừa xuất hiện. Họ đồng hỏi :
- Kẻ nào vừa xuất hiện?
Cao Nhẫn không vội đáp, chàng đảo mắt nhìn cả năm. Trong bọn họ, chỉ có Khương Hoắc là chàng biết, còn kỳ dư đều là người lạ mặt. Cao Nhẫn nhìn xong mới thốt :
- Các vị đây là người Hiệp Thiên bang?
Khương Hoắc đáp, giọng to vang :
- Kể ra ngươi cũng có chút lịch duyệt! Tiểu tử! Ngươi là ai? Đến đây làm gì?
- Thần Đao Khương Hoắc, không lẽ lão đã quên tại hạ rồi sao?
- Ngươi là kẻ nào? Sao ta biết được?
- Phải rồi! Khương lão nay thân đã là Kim lệnh sứ, chấp chưởng Kim lệnh bài, thì nhớ làm gì đến đứa bé thơ ngày ấy? Phải không Khương kim lệnh sứ?
- Là ngươi?
Thần Đao Khương Hoắc và cả bon còn lại đều ngạc nhiên vì không thể nào ngờ được đứa bé ngày ấy còn có thể sống. Nay lại là một trang nam tử hán, dung nghi tuấn tú, khác hẳn khi xưa. Thần Đao Khương Hoắc lại hỏi :
- Hôm nay ngươi hiện thân nơi đây để làm gì?
Cao Nhẫn vẫn cười to, rồi mới nói :
- Không phải các vị đang tìm cách giải thích bí ẩn này sao?
Thần Đao Khương Hoắc hồ nghi, nhìn Cao Nhẫn hỏi :
- Ngươi biết?
- Ta biết!
- Ngươi chịu giải thích?
- Sao không!
- Ta không tin là ngươi biết! Cũng không thể nào tin ngươi biết mà lại chịu nói ra!
Cao Nhẫn lại cười to thêm :
- Ha ha... việc ấy, không phải ta đã biết cách đây năm năm rồi sao? Vả lại... ha ha... ta giải thích rõ bí ẩn này, đâu có chi là thiệt hại! Ha ha...
Tên Chuyên sứ nghe Cao Nhẫn nói vậy, bèn nói liền :
- Các hạ! Nếu các hạ chịu giải thích rõ bí ẩn nơi ấy. Ắt hẳn là Quân chủ sẽ có trọng thưởng!
- Ha ha... ta cần gì phải nhận trọng thưởng của lão chứ? Ta và lão vô can, ta muốn nói đây là để cho các vị đỡ phải hao tâm tổn lực mà thôi! Thế nào?
Tên Chuyên sứ trả lời nhanh :
- Được, các hạ nếu không màng đến trọng thưởng... thì...
- Sao? - Cao Nhẫn hỏi nữa.
- Nếu các hạ vui lòng, xin hạ cố chỉ giáo!
Gật gù, Cao Nhẫn nhìn tên thuộc hạ, hắn mặc y phục màu đen, có lẽ là một Thiết lệnh sứ, Cao Nhẫn nói :
- Như vị này đây đã nói. Đúng, đây là một bộ pháp, một bộ pháp kỳ ảo, hầu như đó là một bộ pháp chứa đựng tất cả tinh tuý của mọi bộ pháp trên đời này. Xin miễn thứ cho ta không phải nêu tên ra!
- Bộ pháp? Thật sự là một bộ pháp à?
Thần Đao Khương Hoắc trố mắt nghi hoặc nhìn Cao Nhẫn như không tin điều mà tai vừa nghe. Cao Nhẫn lại gật đầu :
- Đúng vậy! Các vị có muốn thưởng lãm qua không?
Tên Chuyên sứ, giọng nói cơ hồ như run lên vì vui sướng, hắn hỏi :
- Các hạ đồng ý diễn lại?
Cao Nhẫn đáp ngay, không chút chần chừ :
- Tất nhiên, nếu không ta không đề nghị!
Mừng đến nỗi chưa có lần nào mừng đến thế, tên Chuyên sứ thay cho cả bọn đáp :
- Đa tạ! Xin các hạ vui lòng chỉ giáo, bọn tại hạ xin tận tâm thưởng thức hầu mở rộng tầm mắt!
Cao Nhẫn nhích tới, đặt hai chân vào vết chân trên đá, đoạn chàng nói :
- Các ngươi hãy xem cho ký nhé! Đây!
Từng bước, Cao Nhẫn di bộ từng bước, lúc đầu thì chậm, sau nhanh dần...
Mọi người nhìn xem, thán phục, càng nhìn càng thấy hoa mắt. bóng của Cao Nhẫn không một ai tài nào nắm bắt kịp, lại nghe tiếng nói của Cao Nhẫn đã đứng sững trước mặt.
Ai cũng thảng thốt, không thể phát ra được, dù chỉ là câu thán phục.
Một lúc sau Thần Đao Khương Hoắc định thần lại trước, lão nhìn lại trên Bàn Thạch sơn, lão trố mắt nhìn, lão lại dụi mắt, miệng lão lắp bắp :
- Lạ quá... mất rồi... mất đâu hết rồi...!
Thấy thần tình của Thần Đao Khương Hoắc kỳ quặc, mọi người đưa mắt nhìn theo lão, nhìn đến Bàn Thạch sơn, nơi có in các dấu chân hàng trăm năm nay. Cả Vạn Ngọc Châu cũng kinh hoàng ngỡ đây là ảo giác!
Vì nơi Bàn Thạch sơn bây giờ lại phẳng lì! Không còn một vết chân nào cả. Phẳng như tự thuở nào Bàn Thạch sơn vốn đã phẳng. Mọi người, miệng há hốc ra, kinh ngạc đến tột độ!
- Ha ha ha...
Lại nghe tiếng cười ngạo thế khinh đời của Cao Nhẫn cất lên.
Sững sờ nhìn Cao Nhẫn, mọi người ngỡ Cao Nhẫn đã mất trí. Cao Nhẫn dứt tràng cười, nói :
- Đấy! Các người đã xem rồi đấy! Về đi! Về mà nói cho lão Quân chủ của các người là Cao Nhẫn ta nhắn với lão hãy vỡ mộng đi là vừa! Ha ha ha...
Thần Đao Khương Hoắc, tên Chuyên sứ và đồng bọn bấy giờ mới hiểu Cao Nhẫn đã vận dụng nội lực vào đôi chân trong lúc di bộ đã ấn đều trên mặt đá, đá vụn ra thành bột, theo cuồng phong mà Cao Nhẫn di động tạo ra, cuốn bay đi. Trả lại nguyên vẹn bề mặt cho tảng đá lớn vốn đã phẳng.
Tên Chuyên sứ thấy sự việc đã xảy ra như thế, thêm nữa là lời nói ngạo mạn của Cao Nhẫn, hắn điên tiết quát lên :
- Tiểu tử, ngươi là kẻ chỉ xem trời bằng cái vung. Để đấy, bổn Chuyên sứ ta không cho ngươi bài học thì ngươi vẫn thói quen mục hạ vô nhân!
- Keng!
Một tiếng khua vang, rồi chớp động, tên Chuyên sứ không biết ở hàng thứ mấy đã rút kiếm ra nhào tới. Kiếm chiêu tuôn ra ào ào như thác lũ, vây kín người Cao Nhẫn.
Đối với võ học của các phái, Cao Nhẫn không biết tý nào, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào võ học Ảo Ma cung. Cao Nhẫn bình tâm tỉnh trí, chân thì sử dụng Ảo Ma bộ pháp, hai tay thoăn thoắt chuyền nhau chụp, gạt và công vào bóng kiếm của đối phương.
Cao Nhẫn lần đầu sử dụng Ảo Ma quyền, tay không đối kháng với kiếm chiêu. Hai mươi chiêu qua đi, Cao Nhẫn càng đánh càng thuần thục, mãi đến lúc này, Cao Nhẫn mới lên tiếng :
- Buông!
Sau tiếng la của Cao Nhẫn, vũ khí của địch nhân đã nằm gọn trong bàn tay của Cao Nhẫn. Tên Chuyên sứ ngẩng người, Cao Nhẫn tay nhịp nhịp thanh trường kiếm, hỏi :
- Các hạ là vị Chuyên sứ thứ mấy trong Thập nhị giá tiền của lão Quân chủ?
Tên kia kinh ngạc khi nghe Cao Nhẫn hỏi, vì y không ngờ Cao Nhẫn lại biết rất rõ về cơ cấu tổ chức của mình, y trả lời :
- Các hạ liên quan thế nào với Hiệp Thiên bang chúng ta?
Cao Nhẫn thấy hắn hỏi có vẻ ngớ ngẩn, chàng đáp :
- Ta đã nói là vô can rồi kia mà. Các hạ đứng hàng thứ mấy?
- Các hạ không liên quan, sao lại hỏi điều này?
- Vì trước sau, ta đã gặp mặt được hai vị Chuyên sứ rồi. Đệ bát và Đệ cửu. À không! Còn một vị nữa ta đã gặp cách đây năm năm.
- Ngươi đã gặp Bát đệ và Cửu đệ của ta?
- Đã gặp, đã động thủ, còn các hạ đây, ta thấy võ công hơn hai vị kia xa. Ắt hẳn các hạ phải đứng ở hàng cao hơn?
- Đúng, ta là Nhị ca của chúng. Bát đệ và Cửu đệ ta giờ sao rồi?
- Vị Đệ cửu thì ta không biết, ta không làm gì hết, còn vị Đệ bát thì ta đã đưa hắn về phục thị cho Diêm Vương.
- Ngươi...!
Hắn giận giữ toan phát chưởng đánh vào Cao Nhẫn nhưng chàng đã chận lại và nói :
- Các hạ chưa xứng đáng đâu!
Chàng đảo mắt nhìn Thần Đao Khương Hoắc và ba tên kia nói tiếp :
- Các vị mà liên thủ, cơ may còn sống có phần vững hơn.
Thần Đao Khương Hoắc nổi cơn thịnh nộ, râu tóc dựng đứng lên, lão rút phát thanh đại đao đã thành danh của lão ra quát lớn :
- Hay cho tên tiểu tử, chưa sạch máu đầu, ngươi dám đại ngôn, ta sẽ cho mi sáng mắt. Đỡ!
Một chiêu ‘Hoành Tảo Thiên Quân’ đã phát ra, tiếng gió rít nghe lạnh người, đao kình cương mãnh, lão chỉ muốn cho một đao phạt ngang người Cao Nhẫn thành hai khúc.
Với thân pháp như ma mụi, Cao Nhẫn lướt ra xa nhường cho đại đao đi qua, đại đao chưa hết đà vụt, Cao Nhẫn đã tiến sát vào người Thần Đao Khương Hoắc.
Vì đại đao vốn nặng và to, phần nữa, Thần Đao Khương Hoắc lại muốn một đao du hồn Cao Nhẫn, nên lão sử dụng cả hay tay cầm vào đốc đao, dùng hết thần lực để đến lúc này, dù lão buông đao cũng không nhảy tránh kịp bóng người Cao Nhẫn áp sát vào.
Lão không nhảy tránh cũng không buông đao, và lão xứng đáng là một tay hảo thủ, kinh nghiệm đối địch khá nhiều. Theo đà cao, lão trụ cứng một chân, còn thân hình xoay theo đao, đao đưa theo thân hình, nháy mắt đại đao như chém vào Cao Nhẫn, lão định bụng: “Phen này tiểu tử khó thoát!”
Nào ngờ Cao Nhẫn lại cười vang, theo tiếng cười Cao Nhẫn tung người lên, dí nhẹ chân vào đốc đao của lão vừa chém tới. Thân hình còn ở trên không, chàng đã đảo nhẹ, thân hình Cao Nhẫn là là rơi xuống đứng đối diện với Thần Đao Khương Hoắc, Cao Nhẫn nói :
- Nghĩ tình lão thành danh không phải dễ, ta cho lão một cơ hội, lão về đi, đừng nói gì tới bọn Hiệp Thiên bang! May ra lão còn sống đến trăm tuổi!
Thần Đao Khương Hoắc thêm phần tức giận :
- Ngươi may mắn thoát được thần đao của ta, hay hớm gì mà nói lời ngang ngược.
Cao Nhẫn thấy cảnh tình lão không xong, không còn gì để bàn nữa, chàng bèn nói :
- Nếu lão quyết tâm muốn chết, ta đành chiều theo ý vậy, có điều...
Thần Đao Khương Hoắc mắt tóe hung quang, quát :
- Có điều gì trăn trối? Nói mau!
Cao Nhẫn cười khinh khỉnh nói tiếp :
- Có điều lão không là đối thủ của ta đâu! Cả năm cùng liên tay, may ra còn hy vọng!
Tên Chuyên sứ đứng ngoài, sợ Thần Đao Khương Hoắc bản thân là Kim lệnh sứ, do cao ngạo mà bỏ qua lời của Cao Nhẫn, nên hắn nháy mắt với đồng bọn, rồi lên tiếng nhận lời :
- Được, nếu tiểu tử ngươi muốn chết bằng cách đó, bản Chuyên sứ cũng không hẹp dạ!
Nói vừa xong, hắn đã ra hiệu cho đồng bọn cùng lên, hắn lại nói với Thần Đao Khương Hoắc :
- Bắc phương Kim lệnh sứ, vào đi, ta hãy chiều ý tiểu tử này vậy! Để hắn chết mà không còn ấm ức.
Thần Đao Khương Hoắc thấy tên Chuyên sứ nhận lời của Cao Nhẫn, vì thể diện, lão không đành liên công vậy thủ. Nay lại nghe tên Chuyên sứ gọi, lão lại nghĩ: “Hay là ta liên thủ tế độ cho gã, gã chết rồi còn ai biết đâu mà chê trách!”
Nghĩ vậy lão liền tiến lên, hợp thế vây công.
Cao Nhẫn thấy cả năm đã tiến lên, Chàng không đợi cho cả năm đứng yên đã, trong lúc đó, chàng nghĩ: “Ta còn chưa biết uy lực của Ảo Ma kiếm pháp! Sẵn dịp này có kiếm đây, ta hãy xem thử Ảo Ma kiếm có hơn được bộ pháp và quyền pháp không?”
Nghĩ thế, thấy bọn họ đã đứng vào vị thế rồi, Cao Nhẫn đưa kiếm lên nói :
- Xem kiếm đây!
Vì bọn người đối phương những năm tên, nên Cao Nhẫn phải ra tay trước, tiên hạ thủ vi cường, mới mong giữ được thế quân bình, chứ không dám nghĩ là thắng!
Kiếm chiêu vừa đánh ra, chàng trích ngay mũi kiếm về hướng Thần Đao Khương Hoắc. Thần Đao Khương Hoắc vì ép buộc nên không thể không vây công, chứ lòng lão thấy không thích, nhưng kiếm của Cao Nhẫn lại nhằm ngay lão, lão giận thật sự, lão hét :
- Quả là tiểu tử muốn chết!
Lão mặc kệ mũi kiếm của Cao Nhẫn nhắm vào lão, lão đưa thần đao từ trên cao bổ thẳng xuống. Với chiêu này, lão đã tính trước, dù Cao Nhẫn thích lão một kiếm, cùng lắm chỉ gây thương tích còn Cao Nhẫn nếu giữ chiêu kiếm thì khó mà thoát được đai đao lão xẻ làm đôi.
Cùng một lúc với Thần Đao Khương Hoắc thì bọn còn lại cũng tung chưởng vào người Cao Nhẫn, có một tên dùng ‘Luyện Tử thương’, hắn hạ thấp người vung Luyện Tử thương quét thẳng vào hạ bàn của Cao Nhẫn.
Thượng hạ, tả hữu đều bị công kích, Cao Nhẫn mới thấy được uy lực của Ảo Ma kiếm pháp. Cùng với Ảo Ma bộ pháp, Cao Nhẫn tràn người tránh được đại đao của Thần Đao Khương Hoắc, chiêu kiếm theo người di bộ, đã thích ngay vào lòng chưởng của tên Chuyên sứ, tên này rụt ngay chưởng về, lúc này Luyện Tử thương của tay kia vừa quét tới, Cao Nhẫn hạ mũi kiếm điểm ngay vào thân Luyện Tử thương.
Với một nội kình phổ vào thanh trường kiếm đã làm Luyện Tử thương chấn động gãy ngang, ngay chỗ mũi kiếm điểm vào.
Nhân cái điểm của kiếm, người Cao Nhẫn lạng nhẹ đi, hai chưởng còn lại lướt qua người Cao Nhẫn, Cao Nhẫn thốt lên :
- Đánh hay lắm! Tiếp thêm kiếm của nữa nào!
Bóng kiếm lại chớp lên, nhân ảnh của Cao Nhẫn loang loáng, thoát tả, thoắt hữu, kiếm như cùng lúc đánh cả vào năm tên.
Thần Đao miệng quát liên hồi, đại đao hết đưa ngang, lại chém dọc, nhưng nào có đánh trúng được kiếm của Cao Nhẫn. Bọn kia cũng không hơn gì, cứ mặc vung chưởng, chưởng vụt vào khoảnh không, nhưng nào có hết đâu, kiếm của Cao Nhẫn hết nhắm vào đại huyệt này, lại nhắm vào bộ vị khác.
Càng đánh, Cao Nhẫn càng thích chí, giống như thuở nào, Cao Nhẫn nhảy nhót giữa năm tay cao thủ.
Thần Đao Khương Hoắc thấy tình hình này, nhớ lại cảnh tình năm năm trước mà các vị Chưởng môn các phái có thuật lại, lúc này, lão mới tin, người đứng trước mặt lão đây chính là đứa bé năm ấy. Mồ hôi lão túa ra, vì sợ cũng có mà vì mệt cũng có. Tình hình này lão muốn ngưng tay cũng không làm sao ngưng được.
Đến lúc cả năm tên đối phương đều mệt nhoài, Cao Nhẫn mới thét lên :
- Dừng lại!
Như được lệnh ân xá, cả năm đều loạng choạng cố dừng lại, mắt hoa, tai ù, tay chân rã rời, cả năm lúc này không thiết gì nữa cả, chỉ muốn xuôi tay mặc cho địch nhân muốn đâm, muốn chém gì tùy ý.
Tên Chuyên sứ và Thần Đao Khương Hoắc có khá hơn đối chút, đã trụ vững thân hình trên đôi chân run rẩy, ba tên còn lại không còn gượng được nữa, đều ngồi cả xuống đất, mất hẳn phong cách của con nhà võ.
Cao Nhẫn buống xuôi kiếm theo thân, chàng đứng sừng sững như một vị thần, sắc mặt tươi tỉnh, thần thái ung dung, nhìn đối phương, chàng cất cao giọng nói :
- May cho các ngươi, hôm nay ta chỉ muốn xem uy lực của kiếm pháp. Thôi! Đứng dậy về đi, mọi chuyện cứ bẩm báo với lão Quân chủ. Lần sau nếu còn gặp lại ta sẽ không dung tình.
Vất nhẹ lại thanh kiếm, trả lại cho tên Chuyên sứ, Cao Nhẫn lướt người như bóng u linh đi mất. Ngang qua chỗ Vạn Ngọc Châu và A Hoa đứng, chàng vẫy tay ra hiệu, tiếp tục lướt đi, lần này chậm hơn, như cố ý để Vạn Ngọc Châu và A Hoa trông thấy mà theo sau.
Đến khi về đến nơi từng là tiểu điếm. Đống lửa đã tàn, nhưng lúc này không cần đến nó nữa, vì trời hầu như đã rạng. Mặt trời bình minh đã hắt lên tia sang đầu tiên vạch thẳng lên nền trời ở đông phương. Cao Nhẫn đứng yên, ngắm nhìn cảnh bình minh như chưa từng ngắm cảnh này, không biết chàng đang nghĩ gì?
Vạn Ngọc Châu và A Hoa cũng đứng im phía sau Cao Nhẫn, không nỡ phá tan cơn xuất thần của chàng.
Mặt trời giờ đã ló dạng, rực rỡ, huy hoàng, Cao Nhẫn như cùng thức giấc với mặt trời thức giấc. Chàng thở ra một hơi dài, quay lại nhìn Vạn Ngọc Châu và A Hoa. Chàng sửng sốt nhìn sững khuôn mặt của cả hai, dưới ánh nắng ban mai, dung mạo cả hai được nhuộm hồng, nhuộm thắm cả khuôn mặt, làm rạng rỡ hẳn lên, đẹp, đẹp như tiên nữ giáng trần.
Cách nhìn trân trối của Cao Nhẫn, lúc đầu làm Vạn Ngọc Châu và A Hoa khiếp sợ, sau hiểu được, cả hai cùng e thẹn, làm ửng hồng thêm gò má vốn đã được ánh ban mai nhuốm hồng, càng đẹp thêm thập phần. A Hoa lấy lại bình tĩnh trước, cô ta nói :
- Kìa! Cao công tử, sao công tử nhìn chúng tôi dữ vậy?
Nghe tiếng gọi của A Hoa làm Vạn Ngọc Châu thẹn càng thêm thẹn, còn Cao Nhẫn vừa lúng túng, vừa bẽn lẽn, Cao Nhẫn chưa thẹn bằng tiếng hắng giọng :
- E hèm! Vạn tiểu thơ, Hoa cô nương, hai người đẹp lắm!
Không nói còn đỡ, nói ra khỏi miệng rồi, Cao Nhẫn, Vạn Ngọc Châu và cả A Hoa nữa, tất cả đều cúi gầm mặt xuống, người thì săm soi nhìn đôi giày vải, kẻ lại mân mê giải áo lụa thắt lưng... im lặng kéo dài...
Dù sao Cao Nhẫn cũng là nam nhân. Do đó, Cao Nhẫn mau bình tâm hơn, ngước mặt lên, Cao Nhẫn nói thật khẽ :
- Tại hạ thốt lời đường đột nên có phần thất lễ, Vạn tiểu thơ và Hoa cô nương xin niệm tình tha thứ.
Vạn Ngọc Châu nghe lời khách sáo mà chân tình của Cao Nhẫn, nên cũng ngước nhìn lại, và nói :
- Cao công tử đâu có lỗi gì, thà là nghe lời nói thật lòng, còn hơn nghe toàn giọng đãi bôi, dối trá! Tiện nữ không trách công tử gì đâu!
Chưa biết gì về tình nhi nữ, Cao Nhẫn nghe Vạn Ngọc Châu không trách, lại có ý chỉ thích nghe lời nói xuất phát tự tấm lòng. Cao Nhẫn lại thấy băn khoăn khi chàng có điều chưa nói thật với nàng.
Vẻ băn khoăn lộ rõ trên nét mặt của Cao Nhẫn, lại làm cho Cao Nhẫn hiểu khác đi, nàng nghĩ: “Hay là ta có ý dễ dãi, làm chàng ngỡ ta kém đoan trang, chàng không thích?”
Và Vạn Ngọc Châu cũng băn khoăn...
Một lần nữa, A Hoa lại chứng tỏ là một người thân tín, đã gỡ rối cho cô chủ, A Hoa nói :
- Kìa Cao công tử, suốt một đêm không nghỉ ngơi, công tử không thấy mệt và đói hay sao?
Cao Nhẫn như người chết đuối vớ được phao, chàng đáp ngay :
- Hoa cô nương và tiểu thư có thấy đói và mệt không? Hai người ngồi đây nghỉ một chút, để tại hạ kiếm ít thú rừng, thử nếm qua mùi dã vị cho biết cuộc sống giang hồ nhé!
Nói xong, Cao Nhẫn nháy nháy mắt, làm Vạn Ngọc Châu và A Hoa cười rộ, trước khi đi, Cao Nhẫn cố nói :
- Nhị vị chờ một chút nhé!
Thấy Cao Nhẫn đã đi khuất rồi, A Hoa bối rối hỏi ngay :
- Tiểu thư! Bây giờ biết tính sao?
Vạn Ngọc Châu đăm chiêu thở dài nói :
- Ta còn phải biết tính gì nữa đây!
- Tiểu thơ nói như thế sao được!
- Chứ ta phải nói sao đây?
- Tiểu thơ, hay là...
- Sao?
- Hay là chúng ta hồi phủ?
- Hồi phủ? Mi không biết là ta đã chán lắm rồi, nên ta và mi mới phải đi lang thang khắp nơi sao?
- Thế tiểu thư định thế nào?
- Hay là...
- Sao? Tiểu thư định làm sao?
- Ta nghĩ... hay là chúng ta rời khỏi hắn?
- Rời Cao công tử? Tiểu thư định đi được sao?
- Sao không đi được? Ai ngăn ta? Hắn à?
- Không phải! Ý tiểu tỳ muốn nói là... là...
- Là sao? Sao mi không nói? Mi lại nghĩ ra cái ý quỷ quái gì đây?
- Là tiểu tỳ nói, con tim của tiểu thư ngăn không cho tiểu thư đi!
- A Hoa? Mi lại nói xàm, ai nói cho mi biết là con tim ta không cho ta đi? Mi ắt không quên tính ta cương quyết như thế nào chứ?
- Còn ai nói nữa!
- Nói mau! Ai nói với mi điều tầm xàm ấy?
- Tiểu thư!
- Là ta? A Hoa, mi thật là quá quắt lắm rồi!
- Chứ tiểu tỳ nói không đúng sao?
- Không!
- Đúng!
- Không!
- Đúng!
...
- Nhị vị đang bàn thảo gì đó?
- Cao công tử!
- Công tử đã về!
Đúng là Cao Nhẫn đã về, trên tay chàng đang giữ hai con thỏ rừng.
Cao Nhẫn ngơ ngẩn nhìn Vạn Ngọc Châu và A Hoa, Cao Nhẫn cũng cười theo. Tiếng cười rộn làm cho cả ba quên đi tất cả những nghĩ vấn còn vấn vương trong lòng.
Một ngày mới lại đến, dưới ánh dương quang soi tỏ, cảnh vật nơi này càng hiện rõ nỗi hoang sơ tiêu điều. Nơi chốn này không còn gì để lưu luyến Cao Nhẫn nữa, Cao Nhẫn trong lúc dùng điểm tâm, nói :
- Rời nơi này, nhị vị có ý định đi về đâu không?
A Hoa đưa mắt nhìn Vạn tiểu thư, trông Vạn tiểu thư đáp lời Cao nhẫn. Vạn Ngọc Châu im lặng, nội tâm nàng đang xáo trộn dữ dội, đi thì phải đi rồi, nhưng chia tay với chàng được hay không? Tuy lúc nãy, ngoài miệng nói là không đồng ý với nhận định của A Hoa.
Nhưng thật tâm nàng đang thổn thức, đã ngăn không cho nàng bỏ được Cao Nhẫn. Nang phân vân bất định, không thể kéo dài thời gian suy nghĩ, trong khi Cao Nhẫn đang chờ đợi câu trả lời, nàng đành hỏi ngược lại :
- Còn công tử, công tử đã có chủ ý gì chưa?
Cao Nhẫn như đã sẵn có chủ trương, nên đáp ngay :
- Tại hạ đã quyết tâm chận đứng bàn tay của Hiệp Thiên bang lại, không thể để thế lực tàn ác này tiếp tục đàn áp võ lâm, không thể để mặc tình lão Quân chủ thao túng giang hồ, tha hồ vo tròn bóp méo. Do đó, lúc này tại hạ có ý đi về Không Động.
- Không Động? Không Động phái đã làm sao?
Cười khẩy, Cao Nhẫn trả lời :
- Còn sao nữa! Sau Võ Đang, Nga Mi, Côn Lôn, Hoa Sơn và Trường Bạch, xóa tên Kim Ưng và Tiềm Long nhị bang mặc dù đang truy sát Cái bang. Lão bắt đầu nhìn đến Không Động! Nếu không được anh hùng các lộ đến tiếp ứng, thì giờ đây chỉ còn có Thiếu Lâm là lão chưa động đến.
Lời của Cao Nhẫn nói như là tiếng sét đánh ngay vào tâm trí của Vạn Ngọc Châu và A Hoa, cả hai nhìn nhau, mặt biểu lộ ngơ ngác, như không tin có sự việc ấy xảy ra. A Hoa hỏi :
- Lời công tử vừa nói, đó là sự thực?
- Khắp giang hồ, ai ai mà không biết sự việc này! Họa chỉ có người cửa đóng then cài, không màng đến thế sự, may ra mới không biết.
- Tiện nữ thật tình không biết có việc này!
Vạn Ngọc Châu đáp, giọng run run như cố kìm nén cơn xúc động, lời phân minh làm cho Cao Nhẫn giật mình, Cao Nhẫn bèn nói :
- Lời tại hạ vừa nói, không ám chỉ Vạn tiểu thư và Hoa cô nương. Vì thật sự, hai vị chưa phải là nhân vật võ lâm, tại gia tòng phụ, hai vị đều là nữ nhân khuê môn bất xuất, không biết việc này là lẽ tất nhiên.
A Hoa nói chen vào :
- Nhưng chúng ta thì...
Sợ A Hoa nói điều thất thế, Vạn Ngọc Châu chận lại, và nói nhanh :
- Cao công tử nói đúng, chúng ta là phận nữ nhi, việc giang hồ khó mà biết hết được. Công tử ắt không trách chúng ta hỏi những điều ngơ ngác.
Cao Nhẫn vội nói :
- Không đâu! Tại hạ nào dám trách ai! Ngược lại tại hạ có lời thất ngôn, mong nhị vị đừng lưu tâm!
- Thế là công tử định định đến Không Động phái? Công tử có người thân thuộc phái Không Động?
- Có vài người đã từng lắm phen cứu mạng và giúp đỡ tại hạ lúc còn ấu thơ. Do đó, tại hạ không thể không đến.
Khi đã biết rõ ý của Cao Nhẫn, A Hoa nhìn tiểu thơ mình, hỏi :
- Tiểu thư, còn chúng ta thì sao đây? Đi hay không?
Còn đang vùng vằng, chưa quyết định, Cao Nhẫn đã ngăn cản :
- Nhị vị không nên đi nữa, hãy về nhà thôi! Giang hồ đầy sóng gió, nhị vị đi khó mà yên thân! Riêng tại hạ, chuyến này đến Không Động, không thể để nhị vị theo cùng. Nếu sơ thất Cao Nhẫn này ân hận đến chết.
Nghe lời trần tình này của Cao Nhẫn, Vạn Ngọc Châu như nở hoa trong lòng, niềm vui thật khó tả, nàng hỏi :
- Cao công tử, thật tình công tử lo cho chúng tôi lắm sao?
- Vạn tiểu thư, thà không biết thì thôi, chứ đã biết Vạn tiểu thư và Hoa cô nương đây rồi thì... thì...
- Sao hả công tử?
- Thì tại hạ xem như là người thân thuộc, không lo sao được, nếu trên bước đường xuôi ngược giang hồ, tại hạ không ở bên để mà chăm sóc, lo toan...
- Nếu công tử đã xem chúng tôi như người thân thích, sao công tử lại không...
Nói đến đây Vạn Ngọc châu ngập ngừng, vì e rằng sẽ nói ra điều khó nghe, Cao Nhẫn nôn nóng hỏi :
- Vạn tiểu thư cớ sao không nói tiếp lời?
Nghe Cao Nhẫn hối thúc, Vạn Ngọc Châu cố lấy hết can đảm nói :
- Tiện nữ muốn nói, sao công tử lại không lưu lại chốn này, cùng bọn tiểu nữ sống ở đây, không màng chi đến giang hồ, không va chạm, gây thù chuốc oán?
Lời Vạn Ngọc Châu nói ra, thật tình làm cho Cao Nhẫn thấy rất thích, nhưng sau khi suy tính, nhớ lời Võ Lâm Thần Khất đã nói :
- Ẩn mặt, giấu tên, mặc kệ võ lâm đó là trung sách.
Rồi lại nhớ đến di ngôn của sư phụ :
- Chấp chưởng và chấn chỉnh Ảo Ma cung...
Mọi ý nghĩ đảo lộn trong trí óc của Cao Nhẫn, Cao Nhẫn thở dài, cố nói điều trái với tâm của mình :
- Vạn tiểu thư, xin tha lỗi, tại hạ còn trách nhiệm sư môn, còn nợ máu phải trả của má má và của minh huynh!
Nói đến minh huynh, Cao Nhẫn nhớ lời chàng đã thốt ra trước cái chết của minh huynh :
- Minh huynh hãy an nghỉ, đệ nhất định sẽ báo thù cho minh huynh!
Cao Nhẫn lại nói tiếp :
- Vạn tiểu thư và Hoa cô nương xin hãy về nhà. Nếu còn duyên thì còn gặp mặt.
Vạn Ngọc Châu nghe những lời Cao Nhẫn, tuy tâm trí đồng ý với lý lẽ của Cao Nhẫn, nhưng trong lòng thì thấy đau như cắt, khi Cao Nhẫn bắt buộc phải đối đầu với Hiệp Thiên bang, đối địch với Quân chủ thì...
Cố gạt lệ đang chực trào ra khóe mắt, Vạn Ngọc Châu nói :
- Cao công tử! Tiện nữ và A Hoa cũng đến lúc phải về nhà. Công tử đi, xin bảo trọng!
Cao Nhẫn thật sự kinh ngạc, hỏi :
- Nói sao? Vạn tiểu thư định chia tay ngay lúc này à?
Vạn Ngọc Châu đáp :
- Trước sau gì cũng phải chia tay, sao lại không là lúc này? Đường về Không Động phái xa vời vợi, Cao công tử gấp phải bôn hành, đi sớm, đến sớm, thì chúng ta còn mong gặp lại sớm!
Cao Nhẫn không sao hiểu được rõ ý của Vạn Ngọc Châu, nhưng thấy lời lẽ của nàng rất hợp lý, Cao Nhẫn gật đầu đáp :
- Được, tại hạ gấp phải đăng trình, mong Vạn tiểu thư và Hoa cô nương cố bảo trọng. Hẹn ngày gặp lại!
Vòng tay thi lễ, Cao Nhẫn tung người lướt đi, như vẫn cồn lưu luyến, Cao Nhẫn đôi lần ngoái đầu nhìn lại.
Cao Nhẫn lúc này như đã mờ xa, Vạn Ngọc Châu và A Châu không còn thấy rõ bóng chàng nữa, và dầu chàng đi chưa xa, thì mắt của cả hai e khó nhìn ra được Cao Nhẫn, vì lúc này mắt của hai nàng đã tuôn lệ nhạt nhòa.
Truyện khác cùng thể loại
21 chương
73 chương
631 chương
276 chương
7 chương
49 chương
677 chương
9 chương
69 chương