Tôi biết về nước Pháp tất tật chỉ có chừng này: Madeline, Amélie và Moulin Rouge[1]. Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn, dù tôi chẳng biết thật ra chúng để làm gì. Napoleon[2], Marie Antoinette[3] và vô khối ông vua mang tên Louis nữa. Tôi cũng không rõ họ đã làm gì, nhưng chắc là liên quan gì đấy đến cuộc Cách mạng Pháp và có dính dáng với Ngày Bastille[4]. Bảo tàng nghệ thuật của họ tên là Louvre, trong đó có mô hình kim tự tháp và là nơi đặt bức Mona Lisa với bức tượng người phụ nữ cụt cả hai tay. Tiệm cà phê hay quán ăn nhỏ hay bất cứ thứ gì đại loại thế có mặt ở mọi góc phố. Cả kịch câm nữa. Thức ăn thấy bảo là ngon tuyệt cú mèo, người ta uống rượu như nước lã còn miệng thì luôn phì phèo thuốc lá. [1] Ba bộ phim có bối cảnh là nước Pháp. [2] Nhà quân sự và chính trị nổi tiếng người Pháp trong và sau Cách mạng Pháp. [3] Hoàng hậu Pháp từ năm 1784 đến 1793. [4] Ngày 14/7/1789 là ngày người dân Paris phá ngục cũng là pháo đài Bastille, mở đầu cho cuộc cách mạng Pháp. Nước Pháp lấy ngày này làm ngày Quốc Khánh. Tôi nghe nói họ không thích người Mỹ không thích cả giày thể thao màu trắng. Vài tháng trước, bố tôi ghi danh cho tôi vào một trường nội trú. Bố tôi vừa búng ngón tay tanh tách qua điện thoại vừa tuyên bố sống ở nước ngoài là một “kinh nghiệm học tập tuyệt vời” và là “kỷ niệm bố mãi trân trọng.” Ừa. Kỷ niệm. Nếu tôi không quá hoảng loạn thì tôi đã chỉ ra việc ông vừa lạm dụng cụm từ đó. Kể từ sau thông báo ấy, tôi đã cố gắng la hét, năn nỉ, cầu xin, khóc lóc, nhưng không cách nào thuyết phục được bố nghĩ lại. Thế là, giờ tôi có một tấm hộ chiếu và thị thực du học mới cáu cạnh, cái nào cũng đề tên tôi: Anna Oliphant, công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Lúc này, tôi ở đây với hai đấng sinh thành – sắp xếp đồ đạc trong một căn phòng còn nhỏ hơn cả cái vali của tôi – và là lính mới sẽ học năm cuối ở trường Mỹ tại Paris. Nói vậy không có nghĩa tôi là đứa vô ơn. Ý tôi là, đây là Paris đấy. Thủ đô hoa lệ! Thành phố lãng mạn nhất thế giới đấy. Tôi không chống đối nó. Chẳng qua toàn bộ câu chuyện nội trú quốc tế này dành cho bố tôi hơn là cho tôi thôi. Kể từ lúc ông đi ngược lại nguyên tắc của mình và bắt đầu viết những cuốn truyện dở tệ rồi biến chúng thành những bộ phim còn hơn cả dở tệ, ông đã cố gắng gây ấn tượng với những người bạn New York có thế lực bằng mức độ tân tiến và giàu có của mình. Bố tôi không tân tiến. Nhưng bố tôi giàu sụ. Trước đây mọi chuyện không như thế. Khi bố mẹ tôi còn ở với nhau, gia đình tôi nói đúng ra thuộc tầng lớp trung lưu cấp thấp. Nhưng trong khoảng thời gian hai người ly dị, mọi chuyện đã thay đổi đi nhiều. Giấc mơ trở thành nhà văn miền Nam vĩ đại của bố tôi đã bị thay thế bằng tham vọng trở thành nhà văn có sách được xuất bản. Bố tôi bắt đầu viết những cuốn tiểu thuyết có bối cảnh là Thị Trấn Nhỏ Georgia, nơi những con người với Giá Trị Mỹ Cao Đẹp Rơi Vào Lưới Tình nhưng rồi bị lây nhiễm những Chứng Bệnh Nguy Hiểm Khôn Lường và Chết Ngỏm. Tôi nói chuyện nghiêm túc đấy nhé. Thứ đó làm tôi chán ngán cùng cực, nhưng các quý bà thì mê mẩn. Họ yêu tác phẩm của bố tôi, họ phát cuồng với chiếc áo len kiểu vặn thừng, nụ cười trắng sáng và cả nước da cháy nắng của ông. Họ đã biến bố tôi thành một nhà văn ăn khách dở hơi chẳng biết để đâu cho hết. Hai cuốn sách của ông đã được dựng thành phim và ba cuốn nữa đang trong giai đoạn sản xuất – nguồn tiền chính của bố tôi đến từ nơi đó: Hollywood. Bằng cách nào đó, số tiền dôi ra này cộng thêm thứ danh giá giả tạo đã làm méo mó não ông với ý nghĩ tôi nên sống ở Pháp. Trong một năm. Một mình. Sao bố tôi không gửi tôi đến Australia, Ireland hay bất kỳ nơi nào có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh nhỉ? Từ tiếng Pháp duy nhất mà tôi biết là “oui”, nó có nghĩa là “vâng” và mãi gần đây tôi mới học được cách phát âm nó phải là o-u-i chứ không phải ui-e-e. May mà những người ở trường tôi nói được tiếng Anh. Nơi này được thành lập cho những người Mỹ khoe khoang không thích sự bầu bạn của con cái họ. Tôi nói thật đấy. Người nào lại gửi con mình vào trường nội trú chứ? Nó như Hogwarts[5] ấy. Nhưng trường tôi không có những cậu bé phù thủy dễ thương, kẹo ma thuật hay những bài học bay. [5] Ngôi trường pháp thuật trong loạt tiểu thuyết Harry Potter của nữ nhà văn J. K. Rowling. Thay vào đó, tôi mắc kẹt với chín mươi chín học sinh khác. Chỉ có hai mươi lăm đứa trong khối mười hai của tôi so với con số sáu trăm lúc tôi còn ở Atlanta. Giáo trình tôi đang học chẳng khác gì ở trường trung học Clairemont, ngoại trừ tôi được đăng ký thêm môn tiếng Pháp vỡ lòng. Ồ phải rồi. Tiếng Pháp vỡ lòng. Người mới thì phải học thứ ấy thôi. Tôi đi chết đây. Mẹ nói tôi cần phải dẹp bỏ những lời kêu ca thảm thiết này ngay lập tức, nhưng mẹ tôi đâu phải người bỏ lại cô bạn thân Bridgette, bỏ lại công việc tuyệt vời ở cụm rạp Royal Midtown 14, hay Toph, cậu bạn tuyệt vời cũng làm ở đó chứ! Tôi vẫn không tin nổi việc mẹ đã chia cách tôi với thằng em Sean, nó chỉ mới bảy tuổi và còn quá nhỏ để ở nhà một mình sau giờ học. Khi không có tôi, nó có thể bị cái gã đáng sợ ở cuối đường có mảnh khăn Coca-Cola dơ bẩn vắt trên cửa sổ bắt cóc. Hoặc thằng bé sẽ vô tình nuốt thứ gì đó chứa chất Red Dye 40[6] làm cổ họng nó sưng vù, trong khi không có ai ở đó để lái xe chở nó đến bệnh viện. Nó có thể sẽ chết. Tôi dám cá là bố mẹ tôi sẽ không cho tôi bay về dự đám tang thằng bé, tôi sẽ phải đến nghĩa trang một mình vào năm sau và bố sẽ chọn một bức tượng tiểu thiên sứ xấu xí nào đó để đặt trên mộ phần thằng nhóc. [6] Một loại phẩm nhuộm tạo màu đỏ dùng trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát. Hy vọng bố tôi không trông chờ việc tôi sẽ điền vào các mẫu đơn xin vào đại học ở Nga hoặc Romani. Ước mơ của tôi là được học về lý luận điện ảnh ở California. Tôi muốn trở thành nữ chuyên gia phê bình phim xuất sắc đầu tiên trên chính quê hương mình. Một ngày nào đó, tôi sẽ được mời đến mọi buổi liên hoan phim, sẽ có một mục báo lớn, một chương trình truyền hình hấp dẫn và một trang web nổi tiếng đến mức lố bịch. Cho đến nay, tôi chỉ mới có trang web và nó không được nổi tiếng cho lắm. Vẫn chưa thì đúng hơn. Tôi chỉ cần thêm chút ít thời gian để vun đắp cho nó, chỉ thế thôi. “Anna, đến giờ rồi.” “Sao ạ?” Tôi ngước mắt lên trong lúc đang gấp đống áo sơ mi thành những hình vuông hoàn hảo. Mẹ nhìn tôi chăm chú và xoay xoay mặt trang sức hình rùa trên dây chuyền của mình. Bố tôi chỉn chu trong chiếc áo thun màu đào và giày đi thuyền màu trắng, đang nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ ký túc xá. Tuy đêm đã khuya, nhưng phía bên kia con phố vẫn có một phụ nữ đang ngân nga đoạn opera nào đó. Bố mẹ tôi phải trở về phòng khách sạn. Cả hai đều có chuyến bay vào sáng sớm mai. “Ôi.” Tôi siết chặt hơn chiếc áo trong tay mình. Bố tôi bước khỏi cửa sổ và tôi hốt hoảng nhận ra mắt bố ươn ướt. Điều gì đó trong ý nghĩ bố tôi – cho dù người đó là bố tôi – sắp rơi lệ làm cuống họng tôi nghẹn lại. “Nhóc con. Xem ra con đã trưởng thành rồi.” Tôi đờ hết cả người. Bố ôm lấy chân tay căng cứng của tôi. Vòng tay của bố thật đáng sợ. “Hãy tự chăm sóc bản thân. Học hành chăm chỉ và quen vài người bạn. Nhớ coi chừng mấy kẻ móc túi đấy,” bố tôi nói thêm. “Thi thoảng chúng hành nghề theo cặp.” Tôi gật đầu bên vai bố và ông buông tôi ra. Rồi bố tôi đi mất. Mẹ tôi nán lại phía sau. “Ở đây con sẽ có một năm tuyệt vời,” mẹ nói. “Mẹ biết mà.” Tôi cắn môi để ngăn nó run rẩy và mẹ ôm trọn tôi vào vòng tay. Tôi cố gắng hít vào. Đếm đến ba. Rồi thở ra. Da mẹ có mùi như sữa dưỡng thể hương bưởi. “Về đến nhà mẹ sẽ gọi cho con,” mẹ nói. Nhà. Atlanta không còn là nhà của tôi nữa. “Mẹ yêu con, Anna.” Giờ thì tôi đã khóc rồi. “Con cũng yêu mẹ. Chăm sóc Seany cho con nhé.” “Dĩ nhiên rồi.” “Còn thuyền trưởng Jack nữa,” tôi nói. “Mẹ nhớ nhắc Sean dọn chỗ ngủ và cho nó ăn uống đầy đủ nhé. Nhớ đừng cho nó quá nhiều bánh, nếu không nó sẽ mập ú và chẳng thể len ra khỏi cái lều tuyết của mình. Nhưng vẫn phải cho nó ăn mỗi ngày một ít vì nó cần vitamin C mà nó chẳng chịu uống thứ nước đã bị con cho vào vài giọt vitamin…” Mẹ tôi lui lại, vén một lọn tóc sáng màu ra sau tai tôi. “Mẹ yêu con,” mẹ lại nói. Và rồi mẹ tôi đã làm một việc mà dù sau mọi thủ tục giấy tờ, vé máy bay và mọi sự trình diện tôi cũng không nghĩ đến. Một việc đáng lý phải đến cái năm tôi học đại học xa nhà mới xảy ra. Nhưng dẫu cho tôi có mong mỏi bao tháng ngày đi chăng nữa, tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần khi nó thật sự xảy ra. Mẹ tôi rời đi. Tôi chỉ còn lại một mình.