Ngụ ý anh xuất hiện kịp thời và chính xác. Đồng Tịch cố ý nâng cao giọng nói cám ơn. Nhiếp Tu nhíu lông mày nghĩ nghĩ: "Nam sinh kia có chút quen mắt, hình như lớp phó lớp các em?" Đồng Tịch rất là giật mình: "Sao anh lại có thể nhớ được cậu ta?" "Đương nhiên là nhớ rồi. Ảnh tốt nghiệp đứng cạnh em, đầu nghiêng về phía em còn gần hơn so với bạn học nữ đấy." Đồng Tịch giật mình nhớ lại, lúc trước cô cho anh xem ảnh tốt nghiệp lớp, anh chỉ vào Lý Giang Châu hỏi người này là ai. Đồng Tịch chỉ bảo là lớp phó chứ không hề nhắc gì đến chuyện cậu ta có cảm tình với mình, không nghĩ tới anh lại nhớ rõ ràng như vậy. "Trí nhớ của học sinh giỏi quả nhiên không tầm thường." Đồng Tịch khích lệ mang theo vẻ trêu chọc, Nhiếp Tu lại nhận không chút khách khí: "Quá khen." Đồng Tịch liếc mắt lườm anh, anh nói xem bạn trai cũ như anh còn ăn giấm chua lâu năm gì chứ? Cô chuyển chủ đề: "Họp lớp không có ý nghĩ gì cả. Vật đổi sao dời bọn em cũng thay đổi. Nhìn thấy cố nhân còn cảm thấy càng thất vọng hơn." Cô nói đến bạn học nhưng Nhiếp Tu lại hỏi: "Em đang nói anh à?" "Anh nghĩ nhiều rồi đấy." Đồng Tịch hỏi đùa: "Chẳng lẽ anh không thất vọng với em sao? Trước kia em cũng không như thế này." Nhiếp Tu lắc đầu trầm giọng nói: "Anh không thất vọng, chỉ đau lòng thôi." Trong bóng đêm không thấy rõ mặt mày anh nhưng kỳ lạ là cô lại có thể cảm nhận được ánh mắt của anh. Nụ cười trên môi cô chợt tắt, cảm thấy ánh mắt cay cay, gió từ trên mặt sông thổi qua tới, ướt lạnh vào tận xương tủy. Hy Trấn ban đêm giống như một tòa thành trong mơ, loang loáng nghe thấy tiếng chó sủa và thỉnh thoảng có tiếng pháo từ xa, liên tiếp không dứt bên tai. Đồng Tịch cúi đầu đi tới cầu đá nhỏ. Mỗi một bậc thang giống như một đoạn năm tháng, cô và anh đều không muốn hỏi về khoảng thời gian ba năm riêng phần mình trải qua đó. Cô không biết liệu anh có gì thay đổi không, dù sao cô đã thay đổi rất nhiều. Tâm tính đột nhiên già cỗi, không còn trái tim thiếu nữ nữa. Về sau vì lý do công việc mà thường xuyên tiếp xúc đến rất nhiều những lời ngọt ngào, đồng nghiệp che ngực nói quá cảm động, trái tim muốn nở hoa. Nhưng cô chỉ thờ ơ, không có chút xúc động nào, giống như là dấu hiệu điển hình của tuổi già cô đơn chung thân vậy. Qua đầu cầu chính là ngõ vào nhà họ Đồng. Hai người bước tới đầu ngõ thì bỗng từ bên trong xông ra hai đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi đang ném vài quả pháo. Đồng Tịch đang có tâm sự trong lòng nên không phản ứng kịp, cô giật mình vội lùi về sau, không may lại bước một bước vào giữa hai phiến đá, gót giày bất ngờ bị cắm vào khe hở. May mà Nhiếp Tu ở bên cạnh kịp thời giơ tay đỡ eo cô nên mới không bị ngã sấp xuống. Nếu dưới tình huống bình thường, nhất định Đồng Tịch sẽ lập tức đẩy anh ra, lần này cô lại khác thường mà kéo cánh tay anh không buông. Nhiếp Tu cảm thấy không đúng, hỏi cô: "Sao thế? Bị bong gân rồi hả?" Đồng Tịch lúng túng nói: "Gót giày kẹt trong khe đá." Cô cao một mét bảy, xưa nay không đi giày cao gót, hôm nay họp lớp nên khó được đổi một đôi giày cao gót dự tiệc, kết quả lại xảy ra chuyện thế này. Gót giày kia cũng bị kẹt ghê quá, Đồng Tịch vịn cánh tay Nhiếp Tu, phí hết sức lực mà vẫn không rút ra được. Nhiếp Tu ngồi xổm xuống, cởi giày của cô ra, đặt chân cô lên mặt giày của mình, sau đó cầm mũi giày dùng sức nhấc lên, giày thì rút ra được nhưng gót giày lại bị gãy mất. Đồng Tịch không nhịn được đau lòng: "Bảy trăm tệ của em." Nhiếp Tu cầm chiếc giày không có gót, cười an ủi: "Trở về anh đền em một đôi." Đồng Tịch nói đùa: "Không cần, em muốn tìm người quản lý thị chính bắt đền." "Anh cõng em về nhé." Nhiếp Tu nói xong cũng không cho cô cơ hội từ chối, xoay người liền cõng cô. Đồng Tịch chỉ đi một chiếc giày, cũng đành vậy. Trong ngõ nhỏ tờ mờ vang lên tiếng bước chân trầm ổn, cô giật mình lại nghĩ tới chuyện cũ. Mùa đông lớp mười hai năm đó, anh đưa cô tới Hy Hồ chụp ảnh mặt trời lặn mùa đông và băng tuyết trên hồ. Cô muốn xinh đẹp trước mặt anh nên đi một đôi giày cao gót mới tinh, kết quả hai chân trở nên đau nhức vô cùng. Nhiếp Tu cõng cô đi dọc theo đường mòn bên hồ đến làng du lịch ngắm cảnh. Cô ôm cổ anh, ghé sát vào tai anh thì thầm trò chuyện, Nhiếp Tu bảo em đừng nói chuyện, gió sẽ bay vào miệng rất lạnh. Nhưng thật ra là bởi hơi thở như lan của cô phả vào tai anh khiến anh nghĩ ngợi lung tung, khó lòng kiềm chế. "Lần đầu tiên cõng em cũng là ở Hy Trấn." Nhiếp Tu chỉ nói câu này rồi không nói tiếp nữa, nhưng Đồng Tịch biết, trong lòng anh lúc này khẳng định cũng đang nhớ lại cảnh tượng đó. Trong quá khứ, hai người chính là như vậy, thường thường sẽ suy nghĩ những cảnh tượng giống nhau. Kỳ lạ là, chia tay ba năm nhưng họ vẫn thần giao cách cảm như cũ. Đồng Tịch nằm trên lưng anh, cảm giác được thân thể anh có chút thay đổi rất nhỏ, đó là sức mạnh của người đàn ông trưởng thành được giấu dưới quần áo. Đi được một nửa thì hắn điện thoại di động của anh vang lên. Đồng Tịch định xuống dưới nhưng Nhiếp Tu cũng không dừng bước, chỉ để cô lấy di động ra, nhấn nghe giúp anh. Đồng Tịch lấy di động từ trong túi áo khoác của anh ra, đặt bên tai anh, nghe thấy anh dùng tiếng Anh nói chuyện với bên kia. Tiếng Anh của Đồng Tịch cũng không tệ nhưng trong lời anh dùng rất nhiều từ chuyên ngành y, cô chỉ có kiến thức nửa vời nên không hiểu rõ lắm, chỉ biết là đang nói chuyện làm ăn. Nói chuyện điện thoại xong, Đồng Tịch không nhịn được hỏi: "Khi nào anh về nước Anh." "Đầu năm." Mỗi ngày cô đều mong anh đi nhanh một chút, nhưng mà giờ khắc này, cảm giác trong lòng lại không phải giải thoát và vui vẻ như cô nghĩ. Nhiếp Tu hỏi: "Có phải em đếm ngược từng ngày chỉ mong ngóng anh mau chóng đi khỏi?" Đồng Tịch lúng túng một chút, thấp giọng nói: "Cũng không có." "Anh nghe lời này rõ ràng không giống như là lời nói thật." Đồng Tịch mỉm cười:"Vậy anh muốn nghe lời nói thật sao?" "Hay là thôi đi. Anh sợ anh không chịu được đả kích muốn nhảy sông tự tử." "Nước sông này không sâu không chìm chết người được đâu." Nói xong, cô đột nhiên nghĩ đến cảnh mình rơi xuống nước kia, nếu không có Nhiếp Tu, chỉ sợ mình đã ngỏm rồi. Trái tim mềm nhũn, cô dừng một chút mới nói: "Nói thật chính là, em cũng không đếm ngược ngày mong anh rời khỏi." Nhiếp Tu nửa thật nửa giả hỏi: "Anh có thể hiểu thành không nỡ sao?" Đồng Tịch vội nói: "Anh đừng hiểu lầm. Thị trấn cũng không phải của em, anh muốn ở bao lâu cũng được, em không có quyền quyết định anh đi hay ở lại." Nhiếp Tu thở dài: "Lời nói thật và lời nói dối đều không dễ nghe chút nào." Đồng Tịch không nhịn được bật cười. Hơi thở mang theo hương thơm ấm áp ngọt ngào phả vào tai Nhiếp Tu. Anh nghĩ, thật tốt, tối nay cô cười hai lần rồi. Ngày mùng một cứ thế thoáng cái đã qua. Ngày mùng hai này là ngày Đồng Kiến Văn đưa Chu Dư Phương về nhà ngoại. Nhà mẹ đẻ của Chu Dư Phương ngay ở ngoài trấn, năm nào Đồng Kiến Văn cũng lái xe đưa vợ về, năm nay Nhiếp Tu ở đây cứ khăng khăng muốn lái xe đưa họ về. Khi Nhiếp Tu quay lại thì Đồng Tịch đang cùng Đồng Hoa xem phim hoạt hình. Nhiếp Tu đi qua, bế Đồng Hoa lên đùi mình: "Có muốn ra ngoài chơi với chú không?" Đồng Hoa vui vẻ gật đầu: "Đi chơi chỗ nào ạ?" "Làng du lịch." Nhiếp Tu nhìn Đồng Tịch: "Cùng đi nhé." Đồng Tịch thấy Đồng Hoa vui vẻ như thế thì cũng không tiện ngăn cản, nhưng cô lại không yên tâm để Nhiếp Tu một mình đưa Đồng Hoa đi chơi. Dù xưa nay Nhiếp Tu ổn trọng nhưng dù sao anh vẫn là một người đàn ông chưa từng trông trẻ con bao giờ. Đồng Tịch dù không muốn thì cũng nhất định phải đi theo. Trời đông giá rét, điểm được hoan nghênh nhất trong làng du lịch chính là suối nước nóng. Nhiếp Tu thuê một đình viện nhỏ độc lập, những dây thường xanh được trồng khắp xung quanh tường, bên ngoài bức tường pha lê ấm áp chính là suối nước nóng tư nhân. Đồng Tịch đi để trông chừng Đồng Hoa, khi Nhiếp Tu dẫn Đồng Hoa thay quần áo và xuống suối nước nóng thì cô liền ngồi trong phòng, xuyên qua bức tường pha lê trong suốt nhìn một lớn một nhỏ ở bên ngoài. Bởi không an tâm Nhiếp Tu trông trẻ nên lúc nghịch điện thoại, thỉnh thoảng cô lại nhìn ra phía ngoài một chút. Mắt nhìn qua không tránh khỏi sẽ thấy dáng người Nhiếp Tu. Từ cấp hai anh đã thường xuyên chơi bóng rổ nên thân thể cao gầy rắn chắc, mà loại rắn chắc lúc này rõ ràng là luyện được ở phòng tập thể hình, hoa văn trên cơ ngực cơ bụng rất rõ ràng, có vẻ gợi cảm khó nói thành lời. Đồng Tịch vốn chỉ là vô ý nhìn anh, song khi ánh mắt Nhiếp Tu và cô chạm vào nhau, cô vẫn không nhịn được cảm thấy lúng túng đỏ mặt. Đây cũng không phải lần đầu cô nhìn thấy thân thể của anh, nhưng khi đó anh là bạn trai cô, nhìn cũng bình thường, bây giờ thì dù thế nào cũng cảm thấy không bình thường. Trời đất chứng giám, cô thật sự không phải cố tình muốn nhìn anh, chỉ thật sự lo Đồng Hoa ở cùng một chỗ với anh thôi. Sau khi "giám thị" được mười mấy phút, Đồng Tịch cảm giác được Nhiếp Tu trông trẻ cũng khá tin cậy nên cầm điện thoại đi ra khu nghỉ ngơi ngoài phòng pha lê, nơi đó trưng bày rất nhiều loại cây cảnh, có thể dễ dàng che kín ánh mắt nhau. Đồng Tịch nằm trên ghế xích đu, nhìn video trong điện thoại, tai vẫn vểnh lên nghe động tĩnh bên ngoài. Từ khi Đồng Hoa được sinh ra, Đồng Tịch giúp Đồng Xuân Hiểu trông bé đã sớm thói quen chú ý động tĩnh bốn phương tám hướng rồi. Xem video được một nửa thì đột nhiên nghe thấy Đồng Hoa hét lên một tiếng, Đồng Hoa vội bật dậy khỏi ghế xích đu, vội chạy đến phòng pha lê, không ngờ lại thấy Đồng Hoa vừa hò hét vừa thể hiện tư thế chiến thắng. Đồng Tịch còn tưởng cậu bé bị sặc nước, vội hỏi bé: "Sao thế?" Đồng Hoa cười hì hì: "Chú Nhiếp và con cá nhau, nói con mà hét lên một tiếng thì dì sẽ chạy tới trong vòng năm giây." Đồng Tịch trừng mắt nhìn Nhiếp Tu một chút rồi quay sang nắm khuôn mặt nhỏ nhắn của Đồng Hoa: "Con quên chuyện sói đến rồi à?" Đồng Hoa nháy mắt to: "Chưa, nhưng con không lừa gạt mà." Đồng Tịch sờ đầu bé: "Trẻ con không thể ngâm nước quá lâu, mau ra đây đi." Đồng Hoa lại ở trong nước không chịu ra ngoài, Nhiếp Tu đứng lên bế bé ra khỏi nước: "Chú dẫn cháu tới nơi khác chơi." Ngày này trôi qua thật nhanh, Đồng Hoa chơi ở làng du lịch vui quên cả trời đất, không chịu trở về. Cơm tối, Đồng Tịch mời khách ăn buffet, đền đáp công chăm sóc vất vả một ngày của Nhiếp Tu. Tận mắt thấy anh trông trẻ cẩn thận như vậy, trong lòng cô không khỏi cũng đồng ý với lời chú nói. Tương lai anh khẳng định sẽ là một ông bố tốt. Tám giờ tối, ba người về tới nhà. Đồng Kiến Văn thấy Đồng Tịch và Nhiếp Tu mỗi người nắm một tay nhỏ của Đồng Hoa thì lập tức tươi cười rạng rỡ: "Không biết còn tưởng là một nhà ba người đấy chứ, trông thật tốt đẹp." Đồng Tịch lúng túng không nói lời nào, cũng không dám nhìn biểu cảm của Nhiếp Tu, mau chóng ôm Đồng Hoa lên lầu. Ba ngày tết chớp mắt đã qua. Sáng mùng bốn, Đồng Tịch mở mắt thấy ngày trên điện thoại di động, đầu tiên là giật mình, nghĩ không biết Nhiếp Tu sẽ đi buổi sáng hay buổi chiều. Đêm qua cô nhịn không hỏi, không muốn để anh tưởng rằng cô chỉ mong đuổi anh đi. Lúc ăn sáng, Nhiếp Tu chủ động bảo Đồng Kiến Văn sẽ về thành phố trong buổi sáng này. Đồng Kiến Văn nói: "Chẳng phải ngày mai mới bay sao?" "Cháu trở về thu dọn hành lý một chút, có mấy người bạn mời ăn cơm buổi tối nữa." Đồng Kiến Văn quay sang Đồng Tịch: "Mùng tám cháu đi làm phải không? Vậy dứt khoát cùng Nhiếp Tu trở về đi, thuận tiện ngày mai tiễn nó luôn." Đồng Tịch nói: "Không cần cháu tiễn, anh ấy có người tiễn mà." "Đứa nhỏ này, sao cháu chẳng hiểu lễ tiết gì cả thế. Đồng Hoa qua tết nguyên tiêu thì trở về, dù sao nhà trẻ khai giảng muộn, lúc đó chú đưa nó về. Hôm nay cháu về với Nhiếp Tu đi, vừa hay đi nhờ xe." Đồng Tịch cúi đầu quấy cháo, mím môi nói: " Cháu còn đang định ở nhà hai ngày nữa đấy, về một mình chẳng có ý nghĩa gì cả." Đồng Kiến Văn bất đắc dĩ, đành không đề cập tới nữa. Trước khi đi, Đồng Hoa lưu luyến không nỡ rời xa Nhiếp Tu, ôm cổ anh, tình chân ý thiết hỏi: "Chú khi nào lại trở lại chơi với cháu nha?" Nhiếp Tu nhìn lướt qua Đồng Tịch, nói: "Dì cháu không muốn chú về." Đồng Tịch vội cãi: "Em nào có!" Nhiếp Tu lập tức hỏi lại: "Vậy em muốn anh về hả?" Đồng Tịch tạm ngừng: "..." Đồng Kiến Văn ôm Đồng Hoa vào nhà, để Đồng Tịch tiễn Nhiếp Tu, rõ ràng là có ý hợp tác, cho hai người thời gian ở chung riêng. Đồng Tịch có chút xấu hổ, muốn mỉm cười nhưng lại cảm thấy khóe miệng cứng lại: "Anh lái xe chậm một chút, chú ý an toàn. Ừm, chúc anh thuận lợi bình an." Nhiếp Tu nhìn cô không chớp mắt: "Buổi tối Phó Hành Tri và Mạc Phỉ mở tiệc tiễn anh, em cùng đi với anh đi." Dưới cái nhìn khẩn thiết của anh, Đồng Tịch cảm thấy rất bối rối, ánh mắt cô cụp xuống nhìn chân anh: "Em đều ăn cơm ba bốn ngày với anh rồi. Thêm vài ngày nằm viện thì phải có mười ngày rồi." "Lần này khác, anh phải đi em cũng không tiễn à?" Ngữ khí của Nhiếp Tu tràn đầy thương tâm u oán, Đồng Tịch cơ hồ không có dũng khí mở mắt ra, cúi đầu cưỡng từ đoạt lý nói: "Em chẳng phải đang tiễn anh sao?" "...Trái tim em thật sắt đá."