Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông
Chương 6 : Vạn-tín Hầu
Xe ngừng lại trước cổng ngôi đền, tường gạch lợp ngói. Một người đàn bà đứng tuổi, một thiếu niên khoảng mười bẩy, mười tám cùng chạy ra cúi đầu chào:
- Kính chào quý khách! Xin mời quý khách vào lễ bà.
Thiếu niên cầm lấy dây cương ngựa, buộc vào gốc cây. Long-Xưởng nhìn lên cổng, có bốn chữ:
Trưng-vương đại công thần linh từ.
(Đền thờ đại công thần linh thiêng của Trưng-vương)
Thằng Ba bưng mâm lễ vật đi theo Long-Xưởng, vào trong sân. Đây là một ngôi đền, có ba gian. Phía trước là một hàng hiên. Trên nóc hiên, gian giữa có chữ:
Uy trấn Đông-hải
(Oai trấn biển Đông)
Hai bên có đôi câu đối:
Tô khấu tước bình,trực bả quần thoa đương kiếm kích,
Trưng vương dực tải, hảo tương cân quắc hộ sơn hà.
Thằng Ba hỏi:
- Thưa chủ nhân, đôi câu đối này nghĩa như thế nào? Xin chủ nhân giảng cho tiểu nhân.
- Vế trên có nghiã: Dẹp giặc Tô Định, dùng quần thoa đương với kiếm, kích. Vế dưới nghĩa là: Phù vua Trưng, đem khăn yếm giữ non sông.
Thằng Ba trao lễ vật cho bà từ, với thiếu niên, rồi lùi ra ngoài coi xe. Bà từ tiếp lễ, đặt lên trên bệ thờ. Bà đánh lửa thắp hương. Liếc qua bát, đĩa, khay... đều bằng bạc, vành viền vàng. Nhìn mâm lễ vật, tuy không nhiều, nhưng toàn những loại thượng phẩm : Một con lợn sữa quay, miệng ngậm bông sen. Một con gà trống luộc, đặt trong tư thế quỳ, cổ ngửa lên, miệng ngậm bông hồng ? Bốn con bồ câu quay, đặt theo tư thế đầu ra ngoài đĩa, giữa đặt một nhánh hoa đào nhỏ. Một mâm ngũ quả xếp cao . Hai chai rượu cúc, bốn bó hoa. Lại nữa có đến bốn người theo hầu, người nào y phục cũng sang trọng... bà từ biết rằng vị hai tiểu công tử , ba vị tiểu thư này, thân phận thực không nhỏ. Bà hỏi bằng giọng khách sáo:
- Không biết công tử, tiểu thư từ đâu tới? Công tử tiểu thư có cần người hát chầu không?
Long-Xưởng chỉ vào ba người họ Đào:
- Tôi đến từ Thăng-long. Tôi có mời ba vị này từ bến đò Long-biên theo để hát chầu ngài.
Đào Duy, Như-Yên, Như-Như ngồi lên cái chiếu bên trái. Đào Duy đánh trống, Như-Yên vừa hát vừa kéo nhị, Như Như đánh đàn. Khi Long-Xưởng, Tăng Khoa, Đoan-Nghi, Trang-Hòa, Thụy-Hương vừa đứng vào giữa chiếu chắp hai tay lễ, thì âm nhạc nổi lên. Như-Yên cất tiếng ngâm sa mạc:
Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho tỏ mặt đàn bà Lĩnh-Nam.
Vua Quang-Vũ khởi binh trăm vạn,
Đánh xuống vùng Nam-hải (1) chiếm Thường-sơn (2)
Nam-an hầu Đoàn Chí, lĩnh đô đốc thủy quân,
Mang hạm đội, vượt sóng, ầm ầm như thác đổ.
Một trận biển Đông, Giao-long vân vũ,(3)
Chém bay đầu Đoàn Chí, bắt Sầm Anh. (4)
Đổ quân lên, quyết chiếm Lạc-dương,
Triều Đông-Hán chông chênh như trứng đổ.
Xuân phong Lãng-bạc, thiêu Yên-võ,(5)
Hạ hiểu Thần-phù, kích Trường-yên.(6)
Muôn nghìn năm thanh sử ghi tên,
Dùng yếm thắm, quần thoa đương kiếm kích.
Hôm nay, ngồi tưởng uy linh nữ kiệt,
Lễ một mâm dâng trước anh hùng,
Đời đời gương sáng soi chung.
Chú giải
(1). Nam-hải: Tên vùng đất về thời vua Trưng, nay gồm Một phần tỉnh Quảng-Tây, toàn tỉnh Quảng-Đông, đảo Hải-Nam. Bấy giờ vùng này do công chúa Thánh-Thiên trấn thủ.
(2). Thường-sơn, tên một ngọn núi nhỏ, nơi diễn ra trận đánh kinh khủng giữa tướng Hán là Phiêu-kị đai tướng quân, tước Phù-lạc hầu Lưu Long với Đông-triều công chúa Lê Chân.
(3). Giao-long: Các tướng Hán đánh nhau với công chúa Gia-hưng, hầu hết bị bại, họ tâu về triều rằng công chúa là con giao long tu nghìn năm ở biển Nam-hải.
(4) Sầm Anh, danh tướng Hán, lĩnh ấn Long-nhương đại tướng quân. Bị công chúa Gia-hưng bắt sống trong trận thủy chiến Nam-hải.
(5) Gió Xuân trong trận Lãng-bạc giúp công chúa Gia-Hưng đốt quân Mã Viện ở Yên-vũ vào đêm giao thừa Quý-Mão (43 sau Tây-lịch).
(6) Nắng hạ chiếu xuống cửa biển Thần-phù, công chúa Gia-Hưng đại phá quân Hán ở Trường-yên (Ninh-bình ngày nay).
Bọn Đào Duy tấu liên tiếp năm bản khác nhau, đại ý các bài ca đều thuật chiến công thời Lĩnh-Nam của vua Trưng cùng chư tướng. Sau khi hết tuần nhang, bà từ hạ lễ, xuống. Long-Xưởng móc trong túi ra một nén bạc, hai tay cung kính trao cho bà từ.
- Gọi là chút ít, gửi bà để mua sắm đèn nhang, dâng lên công chúa điện hạ.
Thời bấy giờ, dù người giầu có đến đâu, khi đi lễ chùa, đền... cũng chỉ cúng đến một quan tiền là nhiều lắm. Đây Long-Xưởng cúng đến một nén bạc mười lượng, tức một trăm quan tiền, thế mà bà từ vẫn bình thản:
- Phúc đức quá.
Bà hạ lễ trên bàn thờ xuống, rồi dùng dao chặt đùi sau con lợn sữa quay, xếp vào hai cái đĩa; trong khi thiếu niên chặt một nửa con gà trống luộc xếp vào cái đĩa khác. Cả hai đem bát đũa bầy ra. Bà nói với Long-Xưởng, với bọn Đào Duy:
- Mời các công tử , các tiểu thư với các vị thụ lộc Bà.
Long-Xưởng lên tiếng gọi thằng Ba:
- Này anh Ba, vào đây thụ lộc công chúa với chúng tôi.
Bỗng có tiếng ăn mày vọng vào:
«Con cá nó sống vì nước,
Con người sống vì đồng tiền bát cơm,
Lậy ông đi qua, lậy bà đi lại,
Cho chút cơm thừa canh cặn,
Làm phúc cũng như làm giầu
Ngày sau con rể, con dâu đầy nhà ».
Người ăn mày đầu đội chiếc nón rách che khuất mặt, thành ra không biết y già hay trẻ? Long-Xưởng, Đoan-Nghi, Trang-Hòa từng nghe cung nga, thái giám nói nhiều về ăn mày. Đó là những người nghèo khổ cùng cực, ngủ đường ngủ chợ, quần áo không có mà mặc, cơm không có mà ăn. Nhưng cũng nhiều cao nhân, dị sĩ, thường giả dạng ăn mày để trừ gian, diệt bạo. Thời vua Thánh-tông, Nhân-tông từng có Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, thủa niên thiếu phải đi ăn mày. Sau trở thành đại tướng làm nghiêng ngửa giang sơn Chiêm, Tống; khi tuẫn quốc, quốc sử ghi tên, dân chúng thờ kính. Hóa cho nên trong chuyến xuất hành này, Long-Xưởng ước mong gặp được những người có lòng son với xã tắc, mà phải đi ăn mày. Vương cầm nửa con gà luộc chưa chặt, một con bồ câu quay, một nải chuối, với đĩa xôi, bỏ vào cái khay, hai tay trịnh trọng trao cho người ăn mày:
- Đây, lộc của công chúa đây, người ăn đi.
- Đa tạ hồng ân của công chúa, đa tạ tiểu công tử.
Đoan-Nghi hỏi:
- Này, ông nghèo lắm hả. Trời ơi ! Quần áo sao mà rách thế kia! Sao mà khổ thế. Ông có nhà không?
- Thưa tiểu thư không.
- Nhà của anh tôi rộng lắm, ví thử anh tôi mời ông về ở chung, ông có bằng lòng không?
- Dạ, dạ. Xin đa tạ tiểu thư. Tôi không dám đâu. Giá tiểu thư có tiền, cho tôi mấy lượng bạc, tôi mua túp lều ở thì tốt quá.
Nói rồi ông ta xòe bàn tay ra chờ đợi.
Đoan-Nghi luống cuống:
- Tôi có bạc, nhưng để ở nhà. Làm sao bây giờ!
Nàng quay lại hỏi Trang-Hòa :
- Chị có mang bạc đi theo không ?
Trang-Hòa trả lời bằng cái lắc đầu. Đoan-Nghi nhìn Thụy-Hương. Thụy-Hương móc trong túi ra một lượng bạc :
- Em chỉ mang theo có bấy nhiêu thôi.
Người ăn mày chỉ vào đôi xuyến trên tay Đoan-Nghi:
- Không có bạc, thì tiểu thư cho tôi đôi xuyến kia vậy.
Đoan-Nghi suy nghĩ một lát rồi tháo đôi xuyến trao cho người ăn mày:
- Đôi xuyến này, ông ngoại tôi cho tôi nhân sinh nhật chín tuổi. Đem cho ông thì phụ lòng người. Nhưng tôi có đeo bên cạnh cũng chẳng ích gì. Tôi cho ông đấy.
Thằng Ba can thiệp:
- Tiểu thư. Bọn ăn xin vốn vô lại, không nên đem của quý cho chúng. Như vậy chiều về nhà, bà đánh đòn cho mà coi.
- Mẹ ta hiền lắm, chắc không đánh ta đâu. Nếu mẹ ta có đánh ta, thì ta chịu vậy. Bố thí cho kẻ khó, mới là từ bi. Ta bố thí rồi, trong lòng sẽ vui biết bao. Mẹ có đánh đòn đau đến mấy ta cũng chịu được. Người không nên cản ta.
Người ăn mày cầm lấy đôi xuyến bỏ vào túi, rồi vái Đoan-Nghi ba vái. Vái xong, y ngồi xuống cạnh cái cột đền, tay bốc xôi, tay xé thịt gà ăn.
Y nói một mình:
- Ngon quá ! Nhưng thiếu nước mắm. Ngày xưa, công chúa Gia-Hưng thích nước mắm lắm. Công chúa xơi món gì cũng phải có nước mắm chắt, thế mà nay người ta cúng ngài, lại quên mất cái gia vị này.
Thằng Ba hừ một tiếng, rồi mắng người ăn mày:
- Láo vừa thôi nghe! Thịt gà phải ăn với lá chanh, chấm với muối. Ai đời lại chấm nước mắm bao giờ! Đã dốt, còn lên mặt dạy đời! Cút!
Người ăn mày chửi đổng:
- Hỡi ơi! Xưa nay, người ta chỉ biết chuyện cáo mượn oai hùm, chứ chưa từng nghe nói cứt hùm cũng oai bao giờ!
Thằng Ba nổi cáu:
- Mi có câm cái mõm mi đi không? Ông lại vả cho rụng răng bây giờ?
- Ôi! Sao chủ nhân thì phúc đức, mà tôi tớ lại hung dữ như chó điên vậy kìa?
Thằng Ba lạng người tới vung tay tát người ăn mày một cái. Long-Xưởng quát:
- Không được đánh người.
Nhưng không kịp. Bốp một tiếng. Rõ ràng thằng Ba tát người ăn mày, mà thân hình nó lại bay tung về sau. Chính tay nó tát vào mặt nó, làm bốn cái răng cửa bị gẫy. Hai môi nó sưng vù, máu ri rỉ chảy ra mép.
Trong khi Long-Xưởng kinh ngạc, thì bà từ với thiếu niên thản nhiên lau bàn thờ. Ba người họ Đào lơ đãng nhìn ra sân. Thằng Ba gầm lên:
- Hôm nay mi phải chết.
Rồi nó tung người lại, chân phóng cước vào ngực người ăn mày. Binh một tiếng, tiếp theo tiếng vù . Thằng Ba bay bổng ra sân, rơi xuống đất đến huỵnh. Nó nằm ngửa mặt lên trời, hai chân, hai tay múa loạn xạ. Trong khi người ăn mày vẫn ngồi dựa cột đền, tay cầm nửa con gà, tay bốc xôi ăn, như không có sự gì xẩy ra.
Long-Xưởng từng học võ với mẫu hậu, vương đã được chứng kiến mẫu hậu đấu với thằng Ba ngang tay. Bây giờ thấy người ăn mày thủy chung không đứng dậy, cũng chẳng xuất chiêu, mà làm cho thằng Ba lạc bại, thì vương biết rằng đây là một kỳ nhân, dị sĩ, giả làm ăn mày. Vương chắp tay cung kính:
- Gia nhân của tôi có chút mạo phạm. Xin cao nhân dung thứ cho.
- Dung thứ! Tiểu công tử có thấy y hung hăng đánh tôi không? Y đánh tôi, chứ tôi có đánh y đâu mà bảo dung thứ?
- Tiểu bối xin tiền bối cho biết cao danh, quý tính?
Người ăn mày chưa kịp trả lời, thì thằng Ba đứng dậy nhìn y:
- Mi có giỏi hãy đứng dậy cùng ta chiết chiêu, chứ ngồi như vậy là hèn nhát.
Nói rồi nó xuất chưởng đánh thẳng vào đầu người ăn mày. Người ăn mày vẫn ngồi bất động, ngón tay chỏ chĩa ra. Bộp một tiếng, thằng Ba ôm tay nhăn nhó, đau đớn cực kỳ. Nhưng nó nhảy lùi lại ba bước, rồi cười đầy vẻ đắc thắng:
- Cho mi nếm mùi đau khổ của Huyền-âm độc chưởng. Chỉ cần một khắc nữa, mi sẽ đau đớn đến phải kêu cha gọi mẹ, rồi sau đấy công lực của mi mất hết, người mi sẽ mềm xèo như sợi bún. Ha! Ha! Mi có mau rập đầu lạy lão gia một trăm lạy, lão gia sẽ tha cho mi cái tội vô lễ hôm nay.
Nhưng tiếng cười của nó bị tắt ngấm ngay, vì nó cảm thấy chân khí bế tắc, hai bàn tay xám ngắt, sưng vù. Toàn thân nó đau đớn cùng cực. Rõ ràng nó bị trúng Huyền-âm nội lực. Nó cười ha hả:
- À thì ra mi cũng biết Huyền-âm nội lực. Mi dùng Huyền-âm nội lực xử dụng Huyền-âm chỉ! Nhưng đối với ta thì vô ích.
Nói dứt, nó móc trong túi ra một hộp thuốc, lấy ba viên bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt. Sau khi nuốt thuốc, nó thấy tay lại sưng lớn hơn, cảm giác đau đớn càng tăng. Nó nghiến răng, cúi gập người xuống để khỏi bật thành tiếng kêu, nhưng cuối cùng không tự chủ được, nó thét lên:
- Ái! Đau quá! Ái.
Bấy giờ người ăn mày mới mở cái nón ra. Đó là một người đàn ông, gương mặt khó có thể đoán đươc rằng ông ta còn trẻ hay già. Mặt ông đẹp như Phật Di-Lặc, tóc bạc như cước. Ông ta cung tay hành lễ với Long-Xưởng, Đoan-Nghi Trang-Hòa:
- Tiểu công tử. Tiểu thư ! Của bố thí không bằng cung cách bố thí. Chỉ cần một cử chỉ của công tử ban lộc cho lão ban nãy, lão cũng biết công tử, tiểu thư có tâm Bồ-tát. Còn tiểu thư, không tiếc của, ban vàng, lại không sợ trách phạt, thì hỡi ơi lòng dạ tiểu thư còn rộng hơn biển Đông nữa.
Nói rồi lão đeo đôi xuyến vào tay Đoan-Nghi. Trong khi lão ăn mày nói, thì thằng Ba vẫn đau đớn lăn lộn trên nền điện. Lão ăn mày hướng thiếu niên giữ đền ra lệnh:
- Quang-Anh, hỏi cung nó.
Thiếu niên dạ một tiếng rồi nói với thằng Ba:
- Mi có biết tại sao mi đau đớn như vậy không?
- Ái! Tôi không biết. Đau quá, giết tôi đi!
Quang-Anh chỉ vào lão ăn mày:
- Mi có biết sư phụ ta là ai không?
- Tôi cũng không biết. Ái! Giết...tôi đi.
- Ta cần biết một số tin tức. Nếu mi khai đầy đủ, ta sẽ giải khai cái đau đớn cho mi.
- Ái! Tôi xin nói.
- Họ, tên thực của mi là gì?
- Tôi họ Đỗ, tên thực là Đỗ Anh-Hào.
- Năm nay mi bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi ba tuổi.
- Cha mi là ai?
- Là...ái...là Đỗ Anh-Vũ.
- Mẹ mi là ai?
- Tôi không biết!
- Mi không biết ư ? Như vậy là mi nói láo. Được, ta để cho mi đau đớn đến chết , xem mi có chịu nói hay không!
Thằng Ba tức Đỗ Anh-Hào run rẩy, lăn lộn một lúc, rồi không chịu được, nó rên:
- Ái! Đau chết mất. Tôi xin nói... mẹ tôi là...Cảm-Thánh hoàng thái hậu.
Quang-Anh điểm vào huyệt đại trùy của Anh-Hào, lập tức cảm giác đau đớn biến mất. Nhưng chân tay nó vẫn còn run.
Nghe Anh-Hào cung khai, Long-Xưởng kinh hoàng đến nỗi tưởng rằng mình nằm mơ. Vương nghĩ thầm: Từ trước đến nay, mình được mẫu hậu cho biết việc Đỗ Anh-Vũ tư thông với Thái-hậu, chuyên quyền, giết hại trung thần, tàn sát tông thất... Chứ tuyệt không ngờ hai người lại có con với nhau. Phụ hoàng ta sinh năm Thiên-chương bảo-tự thứ tư (Bính-Thìn, DL. 1136) tính đến nay là 25 tuổi. Hai năm sau đức Thần-tông băng, như vậy thì đức Thần-tông vừa băng thì Anh-Vũ đã tư thông với Thái-hậu. Thái-hậu mang thai tên này ngay. Ỷ là con của Thái-hậu với Anh-Vũ, nên tên Anh-Hào mới coi thường cả phụ hoàng lẫn mẫu hậu ta.
- Mi có bao nhiêu anh em ?
- Mười hai người. Tám chị em gái, bốn anh em trai. Nhưng chỉ mình tôi là con của Thái-hậu mà thôi.
- Trong cung Cảm-Thánh có ba người được Thái-hậu ban cho mỹ danh là Nùng-sơn tam anh. Mi đứng thứ ba, vậy còn hai người nữa là ai ?
- Người đứng thứ nhất là sư thúc Vương Nhất. Người đứng thứ nhì là sư thúc Cao Phi. Cả hai đều là sư thúc của tôi, do thái sư phụ đưa vào cung giúp Thái-hậu.
- Còn hai cung nữ tên Cảm-Linh, Cảm-Chi ?
- Họ là cháu gọi Thái-hậu bằng cô ruột tức con cô con cậu với tôi. Cảm-Linh là vợ Vương sư thúc. Cảm-Chi là vợ Cao sư thúc.
- Hai người này thuộc môn phái nào ?
- Tôi không biết.
- Mi học võ với ai?
- Với phụ thân.
- Cha mi là đệ tử của Khánh-Hỷ đại sư thuộc phái Tiêu-sơn, thì làm sao biết Huyền-âm nội lực mà dạy mi?
- Bố tôi học Huyền-âm nội lực với thái sư phụ.
- Thái sư phụ tên là gì? Hiện ở đâu?
- Tôi không biết tên người. Người ẩn hiện bất thường. Tôi đã gặp người nhiều lần trong cung Cảm-Thánh.
Cách đây mười tám năm. Khánh-Hỷ đại sư thủ tọa Vạn-Hạnh đường của phái Tiêu-sơn, trong khi vân du Thăng-long, ngài hành hương chùa Chiêu-thiền (chùa Láng) thì bị kẻ lạ mặt đánh lén một Huyền-âm chưởng. Ngài quằn quại, lăn lộn bốn mươi chín ngày rồi viên tịch. Trong khi ngài đau đớn cùng cực, các sư huynh, sư đệ hỏi ngài danh tính thủ phạm, ngài nghiến răng chịu đau, trả lời « Khi nghiệp quả đã đến, thì phải an phận mà nhận », rồi viên tịch. Vụ án một đệ nhất cao thủ của phái võ lớn nhất Đại-Việt bị ám toán , đã gây trấn động võ lâm Hoa-Việt. Hơn nữa, ngài bị ám toán ngay giữa Thăng-long, vào lúc đệ tử của ngài là Đỗ Anh-Vũ đang làm Thái-sư, quyền nghiêng thiên hạ, càng khiến cho võ lâm quan tâm. Phái Tiêu-sơn, cũng như triều đình cử không biết bao nhiêu cao thủ, quan lại điều tra, mà cho đến nay vẫn chưa tìm được tông tích thủ phạm. Hơn năm sau đến lượt chưởng môn phái Tản-viên là Đặng Phi-Sơn, cũng bị mất tích. Giang hồ đồn rằng ông bị gian nhân dùng Huyền-âm chưởng đả thương rồi bỏ mạng. Gần đây nhất, Nghi-Hòa sư thái, chưởng môn phái Mê-linh lại mất tích,có tin đồn bà bị trúng Huyền-âm chưởng qua đời, và gần nhất Văn Đức-Ý đi dự Đông-cung triều về, bị giết với mã phu, ngựa. Bây giờ nảy ra vụ Anh-Vũ luyện Huyền-âm công, rồi dạy con... Thái-hậu đem vào cung hai cặp vợ chồng đều là đại hành gia, xử dụng Huyền-âm nội lực.
Quang-Anh hỏi:
- Mi có biết tại sao, mi dùng Huyền-âm chưởng đánh sư phụ ta, mà chính mi lại bị trúng độc chưởng này không?
- Tôi không biết.
Anh-Hào hướng lão ăn mày rập đầu binh binh: Xin lão tiên sinh tha cho tiểu bối.
Đối với cuộc thẩm vấn của Quang-Anh, dường như lão ăn mày bỏ ngoài tai, lão cứ thản nhiên uống rượu, ăn thịt. Thấy Anh-Hào lậy mình, mặt lão vẫn lạnh như tiền.
Quang-Anh hỏi tiếp:
- Mi có biết tại sao, khi mi uống thuốc giải Huyền-âm độc chưởng của mi, không những cơn đau không giảm, mà còn đau hơn không?
- Tôi cũng không biết nữa. Xin thiếu hiệp nói cho tôi biết.
- Cũng được! Ta sẽ nói cho mi nghe. Nhưng mi phải nói rõ về Huyền-âm nội lực của mi, cho chủ nhân mi nghe đã.
Anh-Hào hướng vào Long-Xưởng nói với giọng kẻ cả, đầy tự hào:
- Thông thường khi người nào bị đánh bằng Huyền-âm nội lực, thì bất biết công lực cao hay thấp, chỉ cần hai chưởng chạm nhau, là độc chất chạy vào cơ thể, lan rất mau. Khoảng trên dưới một khắc, thì tay xám ngắt, sưng lớn, rồi đau đớn cùng cực, lăn lộn đến nỗi muốn tự tử cũng không còn sức. Dù có điểm huyệt, hay uống thuốc trấn thống, thì cao nhất là bẩy ngày, công lực mất hết, sức không còn, đến nỗi đi đứng cũng phải có người nâng đỡ. Nếu uống hai viên thuốc giải của bản môn thì không sao. Còn như chỉ uống một viên, thì không chết, nhưng công lực mất hết, phải luyện lại từ đầu. Từ đấy, mỗi năm phải uống một viên nữa. Bằng không lại đau đớn sau 49 ngày cũng chết.
Cách đây hai năm, Đỗ Anh-Hào đã dùng chưởng này đánh Hoàng-hậu, sau đó Thái-hậu kiềm chế bà. Chính vì vậy mà bà không dám ra mặt giúp nhà vua trong việc phục hồi quốc gia. Hôm qua trong lúc Long-Xưởng thần hôn định tỉnh, Hoàng-hậu đã khẩn khoản nhắc nó phải tìm người của phái Sài-sơn, hầu giải vĩnh viễn độc chưởng cho bà.
Long-Xưởng rùng mình hỏi:
- Huyền-âm nội lực phát xuất từ đâu?
Anh-Hào lắc đầu tỏ vẻ không biết. Y hỏi lại Quang-Anh:
- Thiếu hiệp có biết không? Nếu thiếu hiệp biết xin đừng tiếc công dạy bảo.
Quang-Anh cũng lắc đầu, y hỏi lão ăn mày:
- Sư phụ, đệ tử...
Lão ăn mày chỉ vào bà từ:
- À, cái vụ này thì ta không biết rõ. Mi hỏi sư mẫu ấy.
Câu nói của lão ăn mày khiến Long-Xưởng tìm ra đươc một chút ánh sáng:
- Mình đáng chết thực. Từ sáng đến giờ, những gì xẩy ra, đều có thứ lớp. Lão ăn đã biết thân phận mình rồi. Rõ ràng có một bàn tay nào đó đã xếp đặt. Mình phải cẩn thận mới được: Lão ăn mày với bà từ là vợ chồng. Lão với vợ, đệ tử chuẩn bị sẵn để chờ mình, mà mình không biết. Như vậy vợ chồng lão là cao nhân đương thời đã biết rõ chân tướng mình, nên chờ đón mình tại đây với mục đích gì, mình chưa biết. Như vậy mình phải tỏ ra biết trọng hiền tài... Nếu như được lão trợ giúp thì có thể trị được đám cao thủ của cung Cảm-Thánh. Lại còn vợ chồng Đào Duy nữa, biết đâu họ không cùng hành sự? Nhưng ai xếp đặt? Chắc chắn những người này không phải của Thái-hậu rồi, vì những gì xẩy ra đều bất lợi cho Thái-hậu cả. Họ là người của ông ngoại hay của quan Thái-sư Lưu Khánh-Đàm cũng nên. Dù họ là người của ai, thì rõ ràng họ làm lợi cho ta.
Bà từ nguýt chồng một cái, rồi nói mát:
- Xưa nay, lão già kia hằng tự hào là thông kim, bác cổ, mà nay cũng phải lùi sau lão nương một bước ư?
Lão ăn mày cười hề hề:
- Bao giờ tôi cũng thua bà. Ai mà hơn được bà kia chứ. Nhất bà, nhì trời, thứ ba thịt gà.
Lão lại cầm đùi gà chấm muối vừa ăn vừa uống rượu. Bà từ lắc đầu, nói với Long-Xưởng:
"... Nguyên vào thời Tần Thủy-Hoàng, sau khi thống nhất Trung-quốc, y muốn đánh chiếm Âu-lạc. Tể tướng Triệu Cao bàn rằng : Đất Việt xưa nay là nơi rồng nằm, hổ phục, vậy trước ta phải sai sứ sang dò xét phong thổ , binh lực, võ học của chúng đã. Thủy-Hoàng thuận đề nghị ấy. Y sai sứ sang bắt vua An-Dương (257 TTL- 207 TTL) cống một đội võ sĩ để làm thị vệ . Khi sứ Tần sang, vua An-Dương biết rằng võ học Trung-quốc đang thịnh thời, mà Thủy-Hoàng đòi cống võ sĩ, thì chỉ với mục đích tìm hiểu võ học cua Âu-lạc mà thôi. Ngài sai quan Đại Tư-mã là tổ sư Lý Thân mang một đoàn đệ tử sang Tần".
Quang-Anh hỏi :
- Thưa sư mẫu, quê tổ ở đâu ?
- Tổ quán ngoại ô Thăng-long... Khi sứ đoàn Âu-lạc tới Hàm-dương, Thủy-Hoàng sai tất cả những cao thủ bậc nhất Trung-quốc đấu với sứ đoàn trước sân rồng. Tổ ra lệnh cho chư đệ tử rằng : Ban ngày, khi đấu cứ đánh cầm chừng, để ngài với chín đại đệ tử ghi nhớ tất cả những chiêu thức của đối thủ. Đêm, tổ với các đệ tử mới diễn lại những chiêu thức đó, rồi tìm ra phá cách. Sau những trận long tranh, hổ đấu, tổ với chín đệ tử tìm ra rằng, tại Trung-quốc có chín phái võ, và tìm ra đầy đủ cách khắc chế. Cuối cùng chư đệ tử của tổ thắng tất cả những cao thủ bậc nhất của Tần.
Tuy mới luyện võ, nhưng giai đoạn lịch sử này Long-Xưởng từng đọc qua. Nay nghe bà từ kể, nó gật đầu tỏ vẻ thích thú. Bà từ hỏi :
- Tiểu công tử ! Thì ra tiểu công tử cũng biết rõ chuyện này rồi ư ?
- Thưa cao nhân, vãn sinh đã đọc giai thoại này trong bộ Âu-lạc giản sử. Bộ này viết từ thời vua Trưng.
- Công tử thử kể tiếp, xem có giống như bản phả của chúng ta không nào !
- Dạ ! Sau đó Tần Thủy-Hoàng phong cho ngài làm Tư-lệ hiệu-úy, cùng đệ tử cầm quân trấn vùng Lâm-thao, đánh Hung-nô. Trong khi ruổi ngựa trên vùng tuyết phủ phía Bắc Vạn-lý trường thành, ngài đã tìm được nguyên lý Âm thắng Dương, do vậy ngài viết ra nội công Âm-nhu, gồm 99 câu quyết. Ngài lại thu góp tất cả yếu quyết kiếm thuật Trung-quốc, rồi tìm ra các chiêu khắc chế, đặt trên căn bản dĩ nhu chế cương, dĩ tốc chế mãnh, sau thành pho Long-biên kiếm pháp. Đại đệ tử của ngài là Vũ Bảo-Trung thu thập nghiên cứu tất cả tinh yếu quyền, chưởng của Trung-quốc, rồi nghĩ ra các chiêu khắc chế. Đó là pho Thiết-kình phi chưởng, Âu-lạc chưởng pháp, còn có tên khác là Cổ-loa chưởng pháp. Sau khi bình Hung-nô, Thủy-Hoàng phong cho ngài tước Vạn-tín hầu, các đệ tử của ngài đều được phong tước bá, rồi cho hồi hương. Y xin ngài để lại một đệ tử làm Tổng-lĩnh thị vệ. Ngài để đệ nhị đệ tử là Trần Mạnh Chi ở lại. Mạnh-Chi lấy vợ Hán, thu dụng đệ tử rồi lập ra phái Trường-bạch. Ngài về nước được mấy năm, thì Hung-nô lại vượt Vạn-lý trường thành quấy rối Trung-quốc. Thủy-Hoàng sai sứ sang tìm ngài. Ngài không muốn vì bạo chúa mà lăn mình vào chỗ chết, bèn trốn vào rừng. Vua An-Dương cáo với sứ rằng ngài qua đơì rồi. Sứ về tâu lại, Thủy-Hoàng tin là là thực. Nhưng quan Tư-thiên giám coi Thiên-văn thấy tướng tinh của ngài vẫn còn , y tâu lại. Thủy-Hoàng sai sứ yêu sách : Chết rồi thì phải đem xác qua. Ngài biết rằng nếu mình xuất hiện, thì chẳng hóa ra vua An-Dương nói dối ư ? Thủy-Hoàng có thể kiếm cớ gây chiến. Ngài họp chư đệ tử lại, dăn dò việc sau, rồi tự tử chết. Vua An-Dương sai ướp xác ngài, trao cho sứ của Tần. Thủy-Hoàng thấy ngài chết thực rồi, y sai làm một tượng bằng đồng đen giống ngài, trong bụng có máy, khiến chân tay cử động được, rồi để lên ngựa cho ruổi trên Vạn-lý trường thành. Quân Hung-nô nhìn thấy, tưởng là ngài , bèn bỏ chạy. Về phía Âu-lạc, vua An-Dương sai lập đền thờ ngài. Nhưng khi Triệu Đà chiếm Âu-lạc, y phá đi. Đến đời Đường, Triệu Xương sang cai trị nước ta (803), đêm thường nằm mơ thấy cùng ngài bàn sách Xuân-Thu, Tả truyện. Y bèn hỏi tìm đến quê cũ của ngài, rồi cho lập đền thờ. Sau đó Cao Biền sang cai trị nước ta, y được ngài hiển linh giúp đánh quân Nam-chiếu, y lại sai tu bổ đền ngài.
Ghi chú của thuật giả
Trải qua gần 1194 năm, với biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với biết bao nhiêu cuộc trùng tu, nay (1997) đền của Vạn-tín hầu vẫn còn tại xã Thụy-hương, huyện Từ-liêm Hà-nội.
Tài liệu Trung-quốc.
Tư-mã Thiên, Sử-ký:
Quyển 6, Tần Thủy-Hoàng bản kỷ.
Quyển 112 Bình-tân hầu Chủ-phụ liệt truyện.
Quyển 113 Nam-Việt liệt truyện.
Quyển 114 Đông-Việt liệt truyện.
Tài liệu Việt-Nam, chữ Hán.
ĐVSKTT,
KĐVSTGCM,
Đại-Việt địa dư chí,
Nam-Việt địa dư chí,
Địa-dư chí,
Hoàng-Việt địa dư,
Nam sử lược biên,
Thăng-long cổ tích khảo,
Nhị Hoàng di ái lục,
Long-biên bách nhị vịnh,
Chư dư chí tạp biên,
Thoái thực kỳ văn.
Tài liệu Việt Nam, chữ Quốc-ngữ.
Anh-hùng Lĩnh-Nam.
Động-đình hồ ngoại sử.
Cẩm-khê di hận. của Yên-tử cư-sĩ, do Nam-á Paris xuất bản
Thuật đến đây, Long-Xưởng cung tay:
- Bộ Âu-lạc giản sử chỉ chép đến đoạn vua An-Dương lập đền thờ. Còn những việc sau tiểu sinh biết là do thầy dạy giảng thêm. Tiểu sinh xin kính cẩn lắng nghe cao nhân bổ khuyết cho những thiếu sót.
Bà từ nói với Long-Xưởng như mẹ nói với con:
- Công tử mới bằng này tuổi, mà kiến thức thực rộng bao la. Những điều công tử kể thuộc về quốc sử. Còn những bí ẩn của võ sử còn nhiều lắm. Tôi xin vì công tử mà kể.
Bà nhìn lên tượng công chúa Gia-Hưng, rồi tiếp:
- Sau khi Âu-lạc bị Triệu Đà chiếm. Các tướng của vua An-Dương không chịu phục. Họ đem bộ thuộc, gia đình quy dân lập ấp, mưu đồ phục quốc. Đệ tử của Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung lập ra phái Cửu-chân. Đệ tử của Cao-cảnh hầu Cao Nỗ lập ra phái Hoa-lư. Đệ tử của Phương-chính hầu Trần Tự-Minh lập ra phái Khúc-giang. Con cháu của tổ lập ra phái Long-biên. Khi con cháu Triệu Đà bị vong quốc, lập ra phái Quế-lâm. Đến hời Lĩnh-Nam, nước ta có các phái Tản-viên, Tây-vu, Khúc-giang, Quế-lâm, Hoa-lư, Cửu-chân, Long-biên. Các phái hợp nhau, cùng vua Trưng phất cờ khởi nghĩa, lập ra triều đình Lĩnh-Nam. Lĩnh-Nam bị Hán diệt, các đệ tử của ba phái Long-biên, Cửu-chân, Hoa-lư lập ra phái Mê-linh....cho tới nay.
Bà chỉ vào Anh-Hào:
- Trở lại với phái Trường-bạch bên Trung-quốc, đời đời cha truyền con nối. Tới thời Tây-Hán, vị chưởng môn sai đệ tử là Mao Đông-Các đi diệt trừ một ác bá. Không may, y bị tên ác bá bầy mưu gian bắt giam. Tên ác bá muốn có nội công Âm-nhu của phái Trường-bạch, y dùng năm loại côn trùng độc là rắn, rết, tằm, nhện, bò cạp cho cắn Đông-Các để y phải khai ra bí quyết luyện công. Không ngờ trong khi bị đau đớn cùng cực, y vận công chống độc, nội công Âm-nhu với ngũ độc hòa hợp với nhau thành một thứ độc công kinh thế hãi tục. Đông-Các phá vỡ gông cùm, rồi tiêu diệt trọn vẹn kẻ thù, trở về phục mệnh sư phụ. Sau khi tìm hiểu độc công của đệ tử, vị chưởng môn phái Trường-bạch thấy rằng nếu người nào luyện nội công này, nó sẽ làm mất nhân tính đi, mà trở thành ác nhân, điên điên, khùng khùng. Ông bắt Mao Đông-Các phải chấm dứt luyện độc công . Y không tuân. Trong một lần theo sư phụ đi hành hiệp, y đánh trộm sư phụ một độc chưởng. Ông bị thương nặng, đau đớn khốn khổ , chết đi sống lại trong 49 ngày rồi chết. Sư phụ chết rồi, y dối sư huynh, sư đệ đồng môn rằng sư phụ gác kiếm quy ẩn, trao cho y làm chưởng môn. Từ đấy y dạy độc công cho đệ tử phái Trường-bạch, cũng chính y tìm ra được thuốc giải. Đại đệ tử của y là Phan Sùng dùng độc chưởng đi khống chế võ lâm Trung-quốc giúp Cảnh-Thủy hoàng đế trung hưng Hán nghiệp. Ai bị đánh trúng, phải bái y làm sư phụ, thì y cho thuốc giải. Thuốc giải này chỉ hiệu nghiệm một năm. Năm sau lại phải uống tiếp. Trong năm đó, nếu không trung thành với y, thì không có thuốc giải, nạn nhân sẽ đau đớn trong 49 ngày rồi chết. Thực là một thứ nội công ác độc nhưng vô song, vô đối.
Long-Xưởng hỏi:
- Thưa cao nhân, tại sao lại gọi là vô song, vô đối? Không lẽ luyện nội công này, thì trở thành anh hùng vô địch ư ?
Bà từ mỉm cười:
- Công tử mới học võ, nên công tử chưa thể hiểu nổi cái ác liệt của nội công này. Bởi nó bao gồm cả chính lẫn tà, rất khó chống đỡ. Chính vì gốc nó là nội công Âm-nhu của phái Long-biên. Tà vì nó dùng nội công Âm-nhu đẩy ngũ độc vào cơ thể đối thủ. Bất cứ cao thủ nào, trong khi đấu với đệ tử phái này, chỉ cần chạm vào chưởng của chúng, là lập tức độc tố chạy vào kinh mạch, trong vòng một khắc thì đau đớn đến chết đi sống lại. Sau này chỉ có Thiền-công là chống được mà thôi.
Bà lắc đầu:
- Sau trận đánh trên đồi Vương-sơn, ở phía Nam Lạc-dương, Mao Đông-Các cùng hai con gái bị giết; di thư của phái này bị Cửu-chân vương Đào Thế-Kiệt đốt cháy ở Kinh-châu. Võ lâm Hoa-Việt tưởng đâu Huyền-âm nội công bị tuyệt diệt . Nào ngờ, cặp vợ chồng Phan Anh, Trần Nghi-Gia còn sống, chúng truyền cho con. Trong trận đánh ở Nam-hải với công chúa Thánh-Thiên, tuy vợ chồng Phan Anh bị giết, mà Huyền-âm công vẫn lưu truyền. Nhưng các đời sau không biết chế thuốc giải, thành ra phái này không rộng lớn. Mãi tới thời vua Lý Thánh-tông, bọn ma đầu Hồng-thiết giáo Đại-Việt là Vũ Chương-Hào, Lê Phúc-Huynh, Đinh Kiếm-Thương chạy sang Trung-nguyên trao đổi võ công với bọn Trường-bạch, chúng mới chế được thuốc giải. Trong trận đánh ở Yên-dũng (1077), Trường-bạch song hùng bị bại dưới tay phò mã Thân Thiệu-Thái, hai người được Kinh-Nam vương xin ân xá cho, nhưng bắt phải ở lại Đại-Việt cho đến già, rồi chết. Bấy lâu nay võ lâm Hoa-Việt tưởng đâu võ công ác độc này tuyệt chủng. Cho đến khi đại sư Khánh-Hỷ, sư thái Nghi-Hoà, đại hiệp Phi-Sơn bị giết, bấy giờ võ lâm nổi lên cơn phong ba. Người người ra sức đi tìm thủ phạm, tìm bọn luyện độc chưởng này để tiêu diệt.
Bà chỉ vào tên Đỗ Anh-Hào:
- May mắn thay, hôm nay chúng ta đã tìm ra được một chút ánh sáng.
Long-Xưởng hỏi:
- Thưa cao nhân, giữa Chu-sa Nhật-Hồ độc công với Huyền-âm công khác nhau thế nào?
- Khác rất nhiều. Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng phát xuất từ Tây-vực. Đại ma đầu Nhật-Hồ lão nhân đem vào Đại-Việt dưới thời Thập-nhị sứ quân. Độc công này do hai tên khùng người Tây-vực phát minh ra có tên là Chu-sa hồng thiết tâm pháp, dùng 28 vị thuốc độc luyện công. Nội công này thuần dương, rất dễ trừ. Đến thời đức Lý Thái-tổ, phái Sài-sơn đã tìm ra thuốc giải vĩnh viễn, nên nó không còn là mối lo nữa. Vả phương pháp luyện cũng thất truyền sau khi ma đầu Đinh Kiếm-Thương tức sư Đại-Điên bị thánh tăng Từ Đạo-Hạnh giết.
Bà hất hàm cho Quang-Anh:
- Con tiếp tục hỏi cung nó đi.
Ghi chú của thuật giả
Về những uẩn khúc này, xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam 4 quyển, Động-đình hồ ngoại sử 3 quyển, Cẩm-khê di hận 4 quyển, của Yên-tử cư sĩ do Nam-á Paris xuất bản.
Quang-Anh hỏi Anh-Hào:
- Bây giờ mi sắp chết rồi. Để ta nói cho mi nghe, kẻo mi chết, xuống Âm-phủ; Diêm-vương hỏi tại sao mi chết, mà mi không biết, e Diêm-vương mắng mi là phường hồ đồ rồi ra lệnh chém mi, thì mi lại chết một lần nữa. Sư phụ ta là đại danh y đương thời, nên lão nhân gia chỉ nhìn qua nước da, ánh mắt đã biết mi luyện nội công Âm-nhu, cùng Huyền-âm chưởng. Nên khi mi phát chiêu, lão nhân gia đã đẩy những gì mi đánh ra trở lại người mi.
- Nhưng tại sao... tại sao tôi đã uống thuốc giải mà vô hiệu ?
- Ta đã nói hết đâu ? Trong khi đỡ chiêu của mi, sư phụ ta còn đẩy vào người mi một viên thuốc nữa. Thành ra thuốc giải của mi vô dụng đã đành mà thuốc hợp với Huyền-âm công thành một thứ độc công vô cùng bá đạo, cho nên không những thuốc giải của mi vô hiệu, mà còn làm cho đau hơn. Bây giờ mi muốn sống, hay muốn đau đớn cùng cực rồi chết ?
- Tôi...tôi muốn sống.
- Kể từ hôm nay, mi phải tuân theo ba điều.
- ? ! ? ! ?
- Một là mi phải đậy kín miệng bình, không được tiết lộ những gì xẩy ra hôm nay, dù với Thái-hậu.
- Tôi xin tuân. Còn điều thứ nhì ?
- Mi phải tuyệt đối trung thành với chủ nhân mi. Bất cứ chủ nhân mi ra lệnh gì mi phải nhất nhất tuân theo.
- Tôi xin tuân ! Còn điều thứ ba ? ! ?
- Mi phải khai tất cả những bí mật trong cung Cảm-Thánh cho ta. Như vậy, cứ ngày trăng tròn, mi phải ra chùa Một-cột gặp sư phụ ta để lĩnh một viên thuốc giải. Nếu mi quên, thì sang ngày mười sáu, cơn đau sẽ hành hạ mi. Thôi, bây giờ mi ra ngoài kia, khai tất cả những bí ẩn trung cung Cảm-Thánh cho ta.
Đợi Quang-Anh với Đỗ Anh-Hào ra ngoài, bà từ mời bọn Long-Xưởng, ngồi xuống chiếc phản. Bà với lão ăn mày ngồi vào ngôi chủ vị tiếp khách. Vợ chồng Đào Duy, chắp tay đứng hầu.
Lão ăn mày nhìn Long-Xưởng :
- Thái-tử, lão phu đi ăn mày, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng nghe người ta đồn rằng: Thái-tử Long-Xưởng tuổi tuy còn nhỏ, mà có phong thái như Khai-Quốc vương xưa. Nào văn chương quán thế, trí lự khác phàm. Tương lai có thể vừa là Khai-Quốc vương, vừa là vua Lý Thánh-tông. Hôm nay lão phu mới được gặp. Những gì Thái-tử nói từ nãy đến giờ, lão phu mới thấy tư cách Thái-tử còn hơn tiếng đồn nữa.
- Đa tạ tiên sinh quá khen. Xưởng này có làm được những công nghiệp như vua Thánh-tông, như Khai-Quóác vương hay không, còn nhờ vào sự dạy dỗ của những người như tiên sinh.
Hành tung của lão ăn mày, của bà từ, gợi cho ký ức giúp Long-Xưởng nhớ lại trong buổi thiết triều hai năm trước về việc Đỗ Anh-Vũ bị giết... Vương chắp tay hành lễ với người ăn mày và bà từ :
- Thì ta tiền bối có đại danh là Nam-phương thần y, họ Lê, tên Thúc-Cẩn, chưởng môn phái Sài-sơn đấy ! Còn phu nhân đây hẳn là Ngô Lan-Chi, một cao thủ phái Mê-linh. Hèn gì, hành trạng khác thường. Tiểu sinh có mắt như mù. Xin hai vị đại xá cho.
Long-Xưởng chợt nhớ ra rằng : Ông ngoại của vương là sư huynh của Ngô Lan-Chi, vương nảy ra ý nhận họ, để cầu thân . Vương chắp tay hành lễ :
- Đệ tử xin bái kiến thái sư thúc.
Lan-Chi nắm tay Long-Xưởng :
- Thái tử chẳng nên đa lễ. Quan Thái-sư nhờ chúng ta giúp Thái-tử. Chúng ta chờ Thái-tử từ qua tới giờ. Giúp Thái-tử thì chúng ta sẵn sàng. Nhưng ta chỉ giúp cái chí của Thái-tử mà thôi. Vậy trước hết Thái-tử cho chúng ta biết cái chí của Thái-tử như thế nào ?
Long-Xưởng ngồi ngay ngắn lại, chỉnh đốn y phục, rồi cung tay hướng vợ chồng Lê Thúc-Cẩn xá ba xá
- Xưởng này trẻ người, non dạ, tư chất lại đần độn, kiến thức chỉ trông vào thầy dạy là quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền và di thư của tiền nhân để lại. Hôm nay, duyên may gặp gỡ tiên sinh cùng phu nhân. Phu nhân lại là chỗ đồng môn với ngoại tổ. Xưởng xin dãi bầy ước vọng, mong hai vị dạy cho những lời vàng ngọc.
Lê Thúc-Cẩn từng ngao du tứ phương trị bệnh cho dân chúng. Lão nghe nhiều, biết rộng, kinh lịch có thừa ; thế mà hôm nay, ngồi trước một thiếu niên mười tuổi, nói năng như những bậc anh hùng cao niên khuất thân cầu hiền, lão kinh ngạc không ít.
Long-Xưởng tiếp :
- Bản triều do đức Thái-tổ, ứng lòng người, hợp lòng trời, lậïp nền chính thống. Đến đời đức Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông, nhờ liệt tổ Đại-Việt phù hộ. Nhờ Khai-Quốc vương cùng anh hùng khuông phò... mà phía Nam bình Chiêm, mở rộng Nam-giới tới Hải-vân sơn, sáu lần chỉ ngọn cờ lên Bắc, khiến cho giang sơn Tống nghiêng ngửa, bỏ mộng xâm lăng. Bên trong, việc nội trị vững vàng, dân chúng ấm no, học phong mở rộng. Nhất là anh hùng võ lâm cùng triều đình như hai mà là một.
Thúc-Cần, Chi-Lan cùng gật đầu tán thành những điều Long-Xưởng nói .
- Nhưng từ khi đức Thần-tông băng, nội cung thì bị cái nạn gà mái gáy, gây ra những vết nhơ, muôn đời không rửa sạch. Triều đình thì cường thần làm những chuyện bạo thiên, nghịch địa, tàn sát tông thất, tru diệt trung thần, bạc đãi hiền tài, khinh rẻ võ lâm. Hóa cho nên nhân tài bị mai một với cỏ cây, võ lâm xa lánh, tông thất thù hận. Học phong suy đồi, sĩ dân không ham luyện võ. Những lúc Xưởng này đọc sách, thấy tổ tiên anh hùng như vậy, dân chúng ấm no như vậy... mà tiếc, mà buồn đến không cầm được nước mắt, ăn không ngon, ngủ không yên. Cho nên Xưởng này khuất thân cầu hiền, mong xây dựng lại cái thịnh thời đời vua Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông. Mong tiên sinh với phu nhân đừng tiếc công dạy bảo.
Thúc-Cần mỉm cười :
- Dạy cho Thái-tử thì vợ chồng lão không dám. Tuy nhiên, nghe Thái-tử bầy tỏ cái chí, thì dù kẻ ngu phu, ngu phụ cũng phải cảm động, huống hồ vợ chồng lão phu. Nhưng Thái-tử ơi ! Khổng-tử nói rằng : Trong một ấp mười nhà tất có người trung tín ! Kìa, tại triều chẳng có Thái-sư Lưu Khánh-Đàm, ngồi trong màn mà quyết thắng ngoài ngàn dặm đó ư ? Luận về chính sự Tống, Chiêm, cùng những kế sách cho dân giầu nước mạnh thì có Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền. Lại còn những bậc trung thần như Vũ Tán-Đường, Bùi Kinh-An, Phí Công-Tín... Kể sao cho hết. Họ cũng muốn đem tài lương đống ra giúp triều đình. Nhưng, họ đều bó chân, bó tay, vì hoàng-thượng thì không thể làm bất cứ việc gì trái với Thái-hậu. Trong khi Cảm-Thánh hoàng thái hậu chuyên quyền. Nay lão phu muốn giúp thái-tử làm những chuyện như thời vua Thái-tông, Thánh-tông, thì cần phải giải tán cái triều đình gà mái gáy bên cung Cảm-Thánh. Mà muốn giải tán cái triều đình gà mái gáy kia, thì cần phải gỡ cái vòng vây trong Hoàng-thành cho hoàng-thượng, cho hoàng-hậu, và nhất là gỡ cái lưới bao vây thái tử ở Đông-cung. Gỡ cái lưới này thì ngoài tầm tay của Thái-sư, Thái-phó. Chính vì lẽ đó mà Lưu Thái-sư mới xếp đặt để thái-tử gặp vợ chồng lão phu hôm nay. Lão phu xin vì thái-tử mà làm việc này.
Long-Xưởng như người mù được mở mắt, thái-tử lại xá ba xá :
- Xin tiên sinh dạy tiếp cho.
- Bọn xu phụ bên cung Cảm-thánh sở dĩ có, vì thái-hậu nắm quyền. Muốn lấy lại quyền thì phải có lực. Hai năm trước, sau vụ án Đỗ Anh-Vũ, hoàng-hậu đã làm, nhưng vì lực không đủ, lại làm gấp qua nên thất bại. Nay thái-tử muốn làm, thì phải biết rõ nội tình cung Cảm-Thánh.
Ông chỉ ra ngoài xe, chỗ Đỗ Anh-Hào ngồi :
- Ta có tên họ Đỗ kia, y đang cung khai những gì ta cần biết. Khi ta biết rồi thì theo đó mà hành sự.
Lát sau, Quang-Anh trở lại, y thuật lại những gì gã Đỗ Anh-Hào kể.
« ...Trong cuộc chiến tranh thời Anh-vũ chiêu-thắng, có rất nhiều tướng Tống, cũng như cao thủ bị Đại-Việt bắt sống. Họ được Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu xin cho khỏi họa sát thân. Linh-Nhân hoàng thái hậu trao họ cho vương giữ, đợi hết chiến tranh sẽ trả về Tống. Sau khi Tống Việt hòa tất cả binh tướng Tống đều được trao trả. Vương chỉ giữ lại sáu đại cao thủ đó là Trường-bạch song hùng, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm. Theo ý vương, thì các tướng đươc trả về, không là mối lo cho Đại-Việt. Còn Trường-bạch song hùng, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm là những cao thủ võ công kinh thế hãi tục. Trong môn phái, họ là những người duy nhất được học tuyệt nghệ. Nay họ bị nhục, họ sẽ truyền nghề cho đồ tử, đồ tôn, để chúng sang rửa nhục cho môn hộ. Vậy nếu như giữ họ lại Đại-Việt, họ chết rồi, thì tuyệt học hai phái này sẽ mất, mối lo đồ tử đồ tôn sang trả thù không còn nữa.
Trường-bạch song hùng Mao Cung, Mao Kính bại dưới tay phò mã Thân Thiệu-Thái trong trận Yên-dũng, bị trúng Chu-sa độc chưởng, rồi bị bắt. Triều đình cũng như võ lâm Đại-Việt định giết chúng đi, để Huyền-âm công tuyệt chủng. Nhưng hai người được Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu xin Thân phò mã tha mạng cho. Vương truyền giam lỏng hai người lại Thiên-trường. Hàng tháng chúng được trao thuốc giải. Họ lấy vợ Việt. Hai người vốn giỏi nghề trị độc, họ làm thầy lang chữa bệnh cho dân chúng, để sống cho qua ngày. Trường-bạch nhất hùng không có con trai. Trường-bạch nhị hùng sinh được một trai tên Mao Khiêm, lại cũng có tên Bình, nên đôi khi gọi là Mao Bình. Khi Mao Kính sắp qua đời, Mao Khiêm mới có năm tuổi, chưa tập võ. Y trăn trối, xin công chúa Huệ-Nhu rằng : Sau này Mao Khiêm lớn lên, công chúa thương tình dạy cho nó một ít bản sự. Từ đấy võ lâm Hoa-Việt tin rằng Huyền-âm công tuyệt tích.
Trường-bạch song hùng tuy giữ lời hứa không dạy Huyền-âm công cho ai. Nhưng trước khi chết, Mao Kính cảm thấy bồn chồn trong dạ, vì một pho võ công vô địch, lưu truyền hơn nghìn năm, bây giờ mai một đi thì thực là điều đáng tiếc. Vì vậy y dùng tất cả tàn lực, viết lại thành cuốn phổ, rồi trao cho vợ, trối rằng : Phái Trường-bạch nhà ta gốc từ tổ Vạn-tín hầu Lý Thân của Đại-Việt, nguyên thuộc chính phái. Đến đời tổ Mao Đông-Các, người hợp với ngũ độc thành Huyền-âm độc công. Bất cứ võ lâm chính hay tà nghe đến danh đều kinh hồn động phách. Đến anh em ta, cả hai đều thành anh hùng vô địch. Vì vua Tống Thần-tông với tể tướng Vương An-Thạch hậu lễ, lên núi cầu hiền, mà chúng ta hạ sơn. Bởi thất thế, chúng ta đành gửi xương ở đất Nam-man. Nếu nay ta chết đi, mà để tâm pháp này tuyệt chủng, thì thực có tội với liệt tổ. Vậy, sau khi ta qua đời, nàng phải ẩn nhẫn nuôi con. Đợi sau khi nó lớn, học được võ công Đông-a rồi, thì nàng cùng con xin cải táng đem xương ta về cố quốc. Khi về tới nơi, nàng tìm chỗ ẩn, trao tập phổ này cho con. Đợi nó luyện thành bản lĩnh nghiêng trời lệch đất rồi hãy tìm đến tổng đường phái Trường-bạch mà nhận họ .
Vợ Mao Kính cho xây ngôi từ đường, thờ Trường-bạch song hùng ngay trên mồ hai người. Lúc sống, hai người, dùng tài trị độc cứu rất nhiều dân bản xứ thoát chết , nên sau khi chết, họ nhớ ơn. Những ngày sóc, ngày vọng, họ đem lễ đến miếu thờ, cúng bái rất đông.
Khi Mao Khiêm bẩy tuổi, cái tuổi bắt đầu được tập võ, thì Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu đều hoăng cả rồi. Chiếu di chúc, con của vương là thế tử Vị-Hoàng, thương tình Mao Khiêm cũng thuộc hai giòng máu như mình. Thế-tử thu Khiêm làm đệ tử, và dốc túi truyền thụ võ công Hoa-sơn, Đông-a cho nó. Năm mười tám tuổi, Mao Khiêm đã học được bẩy thành bản lãnh của sư phu,ï thì sứ Tống sang đòi cải táng xương Trường-bạch song hùng về cố quốc. Triều đình Đại-Việt xin phái Đông-a chu toàn việc đó. Mẹ con Mao Khiêm được theo sứ Tống hồi hương. Miếu thờ cũng bị phá hủy luôn.
Hoa-sơn tứ đại thần kiếm bị giam lỏng ở Thiên-trường. Họ được cấp đất, cấp nhà ở. Vì họ là đạo sĩ, nên họ rất giỏi việc trừ tà, bắt ma.Họ thu được cảm tình của dân chúng. Nhưng bốn người luôn tưởng nhớ môn hộ, tưởng nhớ có quốc. Họ lập ra hai cái đài, một cái mang tên Thế-lệ đoạn trường (Khóc đến đứt ruột ra), một cái tên Tiêu-hồn lạc phách (Hồn bị tan nát phách bị lạc mất). Ngày ngày lên đài, hướng mắt nhìn về Bắc, tưởng nhớ cố quốc. Buồn quá bốn người mang Hoa-sơn tứ đại thần kỹ là Nội-công, Quyền-pháp, Chưởng-pháp, Kiếm-pháp, ra nghiên cứu, bổ khuyết, sáng chế thành bộ võ kinh, mang tên Vô-song vô đối, Trung-nguyên võ kinh, gọi tắt là Vô-Trung kinh. Nhưng bốn người không làm cách nào chuyển về Trung-thổ cho đồ tử, đồ tôn. Mãi tới khi công chúa Huệ-Nhu hoăng, sứ Tống sang điếu tang, họ mới làm một bài kệ ngắn, mật gửi sứ đoàn mang về cho phái Hoa-sơn. Nhưng từ khi Tứ đại thần kiếm bị băét, tuyệt nghệ thất truyền, đồ tử đồ tôn của họ không có những tay kiệt hiệt, nên không dành được những chỗ đứng cao trong Tống triều. Mãi gần đây nhân hai vua Tống bị Kim bắt, mới có ba người là Ngô Giới, Ngô Lân, Lưu Kỳ phất cờ trung hưng, mà trở thành ba đại thần. Phái Hoa-sơn có ảnh hưởng lớn tại triều Nam Tống. Nhân dịp này, họ cử cao thủ theo sứ đoàn sang tìm nơi chôn Vô-Trung kinh.
Niên hiệu Thiệu-Minh thứ nhì (Kỷ Mùi, DL. 1139), bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 9, vua Thần-Tông băng, Thái-tử Thiên-tộ mới ba tuổi lên nối ngôi. Chiêu-Hiếu thái hậu họ Đỗ (Vợ Sùng-hiền hầu, mẹ vua Thần-tông, bà Đại-Định hoàng đế, tức vua Anh-Tông) có ý muốn cướp ngôi vua cho em mình là Đỗ Anh-Vũ. Bà cử mật sứ sang xin Tống phong cho Anh-Vũ làm vua Đại-Việt. Thiệu-Hưng hoàng đế đem việc này đình nghị. Các quan đều bàn không nên, vì như vậy là dung dưỡng bọn gian thần tặc tử. Thiệu-Hưng đế cử sứ sang phong cho Thái-tử Thiên-Tộ làm Giao-chỉ quận vương. Mao Khiêm được chỉ định theo làm thông dịch. Triều đình Tống ban mật dụ cho Mao Khiêm như sau:
« Phải hứa lơ mơ với Đỗ Anh-Vũ, khuyên y chuyên quyền, như vậy triều đình Việt sẽ chia năm sẻ bẩy. Bấy giờ mới xui y cướp ngôi. Tống nhân đó đem quân sang kéo cao ngọn cờ hưng diệt, kế tuyệt (phục hồi triều đình bị diệt, cho con cháu bị tuyệt kế tục ngôi vua), rồi chiếm Đại-Viêt trả cái thù Quách Qùy, Triệu Tiết thất bại năm xưa ».
Khiêm làm đúng như chỉ dụ. Sau khi sứ đoàn Tống về, Mao Khiêm trốn lại, ẩn trong dinh Đỗ Anh-Vũ, thu y làm đệ tử, và truyền Huyền-âm công cho y. Việc này đến tai Khánh-Hỷ đại sư. Ngài vội vã về Thăng-long khuyên đệ tử. Anh-Vũ không những không nghe, mà còn đánh lén đại sư một Huyền-âm chưởng. Nhưng công lực y thấp quá, bị đại sư bắt. Mao Khiêm xuất hiện cứu y. Hai người đấu với nhau trên trăm hiệp, thì Khánh-Hỷ bị trúng Huyền-âm chưởng. Trong lúc ngài đau đớn đến chết đi sống lại thì Mao Khiêm ra điều kiện : Nếu ngài trao tất cả năm tuyệt học phái Tiêu-sơn cho y, thì y sẽ trao thuốc giải. Bằng không, thì ngài sẽ đau đớn trong 49 ngày rồi chết. Ngài đành chịu chết, chứ không chịu phản môn phái. Sau đó Mao Khiêm tiếp tục khống chế chưởng môn phái Tản-viên là Đặng Phi-Sơn, chưởng môn phái Mê-linh là Nghi-Hòa sư thái, nhưng hai vị này cũng đành chịu chết. Hiện Mao đang tìm cách khống chế phái Sài-sơn nữa để có bí kíp võ công. Còn phái Đông-a thì không cần, vì y là đệ tử phái này, đã học được võ công rồi. Giữa lúc này Chiêu-Hiếu thái hậu khám phá ra cuộc vụng trộm giữa Anh-Vũ với con dâu mình là Cảm-Thánh thái hậu. Mao Khiêm bắt được dịp bằng vàng, để gây công phẫn tại triều đình Đại-Việt bằng cách ám sát Chiêu-Hiếu thái hậu. Trong triều, ngoài dã, ai cũng bảo Anh-Vũ giết chị.
Để gây thêm vây cánh, Mao Khiêm thu thêm hai đệ tử nữa là Vương Nhất và Cao Nhị. Y lại xin Anh-Vũ hỏi hai người cháu gọi Thiên-Cảm thái hậu bằng cô là Lê Cảm-Linh, Lê Cảm-Chi cho hai đệ tử mình. Thiên-Cảm thái hậu cho cả bốn người vào ở trong cung của bà. Để tỏ ra việc làm của mình, cũng đi theo chính đạo như Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) thời trước, đã ban mỹ danh cho Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt; bà ban cho Vương Nhất, Cao Nhị, Đỗ Anh-Hào mỹ danh Nùng-sơn tam anh, và Cảm-Linh, Cảm-Chi mỹ danh Tô-lịch nhị tiên.
Không may cho Anh-Vũ, giữa lúc y say quyền hành, định cướp ngôi, y bí mật nhờ Mao Khiêm lên đường về Tống tâu xin Thiệu-Hưng đế, phong vương cho y; thì Côi-sơn song ưng giết cả nhà Anh-Vũ. Trong đêm đó, Mao Khiêm thì đang ở bên Tống, còn các đệ tử của Mao đều ở trong cung Cảm-Thánh, bằng không sẽ có cuộc long tranh, hổ đấu.
Khi lâm triều nghe trần tấu về việc Anh-Vũ bị giết, Cảm-Thánh thái hậu tuyệt không ngờ nhà vua với Hoàng-hậu lại ra tay kiềm chế hết các quan thuộc phe đảng Anh-Vũ. Bị bất ngờ, bà thất bại trong chốc lát. Trở về cung, lập tức bà điều động Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên phản công. Các quan thuộc đảng Anh-Vũ được thả ra, mười tám võ sĩ của hoàng-hậu bị kiềm chế rồi bị giết. Nhà vua, hoàng-hậu bị giam lỏng. Hoàng-hậu bị trúng Huyền-âm chưởng, hoàn toàn khuất phục thái-hậu.
Giữa lúc đó thì Cao Khiêm trở về với một sứ đoàn. Chánh sứ cũng như phó sứ là hai đại thần, văn võ kiêm toàn, mưu trí trùm hoàn vũ. Cả hai người đều là cao thủ võ lâm danh trấn Hoa-hạ. Trong hai người này, thì phó sứ là một người nổi danh đệ nhất mỹ nam tử của Trung-nguyên. Thái-hậu thấy y là quên ngay Anh-Vũ. Bà say mê y đến điên đảo thần hồn. Bất cứ y nói gì bà cũng nhất nhất nghe theo. Y cùng chánh sứ thấy lực lượng nhà vua qúa yếu. Nếu như thái-hậu phế nhà vua, e rằng phe trung thành với nhà vua bị đè bẹp dễ dàng. Họ thiết kế phải làm sao cho phe nhà vua mạnh lên đôi chút, rồi mới xui thái-hậu truất phế. Thái-hậu truất phế nhà vua, thì quần thần chống đối. Dĩ nhiên bấy giờ sẽ có nội chiến. Đợi cho hai cọp cắn nhau, tinh lực quốc gia yếu đi. Tống chỉ việc đem một đạo quân nhỏ sang, là chiếm được Đại-Việt. Chính vì vậy mà hai năm qua, viên phó sứ kiềm chế Thái-hậu, khi thì bằng tình cảm, khi thì bằng thuyết phục, xui bà để cho nhà vua làm một số việc như chỉnh đốn học phong, khuyến khích nông tang, tái tổ chức mười hai hiệu Thiên-tử binh. Một mặt yï xui thái-hậu tổ chức trhị-vệ, triều đình riêng, khiến công khố khánh kiệt, mà hình thành được hai lực lượng đối kháng nhau, bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra chiến tranh.
Bây giờ, thái-hậu cùng họ Lê của bàø, họ Đỗ với dư đảng của Anh-Vũ; càng lộng quyền hơn trước. Mật sứ khuyên bà:
« Bà cũng như tông tộc họ Lê, họ Đỗ đều lâm thế cỡi cọp, không thể xuống được nữa. Cái gương thời tiền Hán, Lã hậu và họ Lã chuyên quyền, sau khi Lã hậu băng, tông thất nhà Hán, cùng quần thần tru diệt ba họ nhà hậu cũng như phe đảng. Một liều, ba bẩy cũng liều, bà nên vu cho nhà vua bị bệnh, bắt đi tu. Sau đó bắt chước thái-hậu Dương Vân-Nga phế con trai là Đinh Toàn, nhường ngôi cho tình quân là Lê Hoàn ; bà lập viên phó sứ lên làm vua. Bấy giờ Tống không cần bắn một mũi tên, đánh một chiêu võ, mà chiếm được Đại-Việt» .
Hiện thái-hậu và phe đảng đang chuẩn bị làm việc đó vào cuối năm.
Nghe Quang-Anh thuật, Long-Xưởng cũng như vợ chồng Lê Thúc-Cẩn đều kinh hồn động phách. Lan-Chi than:
- Từ trước đến giờ, võ lâm Đại-Việt đã nghe biết những điều ô uế trong hoàng tộc, người người đều tưởng rằng đây chẳng qua là chuyện tồi bại của một người đàn bà ngu độn, tham dâm mà thôi. Cho nên các tôn sư đều khuyên đệ tử đứng ngoài, không can thiệp vào. Bây giờ có ba điều không ai có thể bỏ qua. Một là, Mao Khiêm với đệ tử dùng Huyền-âm công sát hại Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn. Dường như Tống muốn có tất cả bí lục võ lâm Đại-Việt, rồi nghiên cứu ra phá cách, như vậy, thì vĩnh viễn Đại-Việt không giữ nổi nước nữa. Thâm thực, mà cũng độc thực. Hai là, chúng dùng mỹ nam tử lung lạc Cảm-Thánh thái hậu, dùng Huyền-âm độc chưởng kiềm chế hoàng-hậu...để mưu đồ đem quân Tống vào Đại-Việt. Ba là, sứ đoàn mật của Tống đã vào Đại-Việt từ lâu, mưu đồ chiếm nước. Nếu võ lâm không mau ra tay, thì cái họa mất nước khó tránh.
Bà hỏi chồng:
- Ông nghĩ sao?
- Ta không thể giúp nhà vua diệt phe thái-hậu, vì làm như thế, sẽ có nội chiến, vô tình trúng kế bọn Tống. Ta phải hành động thực khéo, giết chết hết bọn thầy trò Mao Khiêm, tàn sát bọn sứ đoàn Tống với chân tay của thái-hậu. Như vậy bọn ngoại thích họ Lê, họ Đỗ như rắn mất đầu, chỉ cần một tờ chiếu chỉ, bắt đem chặt đầu là xong.
Bà than :
- Có một điều rất khó xử. Vì bản lĩnh Mao Khiêm cao thâm không biết đau mà lường. Đến Khánh-Hỷ, Nghi-Hòa, Đặng Phi-Sơn còn bị mất mạng về tay y thì ta không phải là địch thủ của y mất rồi. Hơn nữa, y là đệ tử của thế tử Vị-Hoàng, tức sư đệ của chưởng môn phái Đông-a Trần Tự-Kinh. Ví dù bản lãnh ta có cao hơn y, thì luật lệ võ lâm không cho ta giết y. Ta chỉ có thể cáo với phái Đông-a để họ tự thanh lý môn hộ mà thôi.
Ông tỏ vẻ cương quyết :
- Cái khó khăn nhất do ta không biết chánh, phó sứ Tống là ai? Sứ đoàn có bao nhiêu người? Ngay bây giờ trở về, thái-tử phải xử dụng Khu-mật viện, để tìm cho ra bọn chúng.
Long-Xưởng tỏ vẻ tự tin:
- Nhị vị yên tâm. Tiểu bối đã nắm chắc Khu-mật viện rồi.
- Thái tử nắm như thế nào?
Thúc-Cẩn hỏi: Liệu những người đó có tin đươc không?
- Trước kia Khu-mật viện do Đỗ Anh-Vũ kiêm nhiệm. Từ khi y chết rồi, thì Thái-sư Lưu Khánh-Đàm tạm thay thế. Nay tiểu bối đã xin phụ hoàng thăng Bảo-Ninh hầu Lý Long-Can lên chức Phiêu-kị thượng tướng quân, quản Khu-mật viện.
- Được đấy. Ông này vừa có tài, lại trung thành.
- Trong Khu-mật viện có ba ty. Ty Phòng-ngự do Binh-bộ đảm trách. Trước đây trưởng ty là Trung-vũ thượng tướng quân Chu Công-Chính vốn thuộc dư đảng của Đỗ Anh-Vũ. Tiểu bối đã tâu phụ hoàng thăng cho y lên chức Tuyên-vũ trấn Thanh-hóa; lấy Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình, con của Thái-sư Lưu Khánh-Đàm thay thế.
- Hay lắm. Từ nay bao nhiêu chính lệnh ban ra cho các đạo quân, lại là người thâm tình của thái-tử. Như vậy ta nắm chắc quân các trấn trong tay. Còn ty Nội-sát. Ty này là tai, là mắt của Đại-Việt đây.
- Ty Nội-sát , trước kia do con trai Đỗ Anh-Vũ là Đỗ Anh-Hùng đảm trách. Sau khi y bị Côi-sơn song ưng giết chết, ty này do Lại-bộ thượng thư Đỗ An-Di, em của Đỗ thần phi kiêm nhiệm. Còn ty quan trọng nhất là ty Mật-sự, trước kia do Tô Hiến-Thành kiêm nhiệm. Tiểu bối mới tâu phụ hoàng thăng cho ông ta lên làm Long-thành tiết độ sứ, và cử Tả-thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Tăng Quốc lên thay. Tăng Quốc là chồng của nhũ mẫu. Như nhị vị tiền bối biết, những người ngồi ở K
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
14 chương
53 chương
12 chương
750 chương
80 chương