Hình Dục tên thật là An Diêu, sinh ra trong một ngôi làng nhỏ khá “hoang vắng”, bố mẹ đều là quân nhân, bố cô tên An Quốc Lương, mẹ tên Diêu Thư Mẫn, tên cô được ghép lại từ họ bố và họ mẹ. An Diêu rất thích tên của mình, mặc dù từ sau khi cô sinh ra bố mẹ cũng không thường xuyên về căn nhà đó, nhưng cô là An Diêu, cái tên bao hàm tình yêu của cả bố và mẹ, là bảo bối của bố mẹ, cô đã nghĩ thế. Song, suy nghĩ của cô khá thiên lệch. Bởi vì trong một lần bố mẹ cãi nhau họ đã để lộ ra rằng, nếu không phải vì đứa con gái là cô, họ sớm đã không muốn sống cùng nhau nữa. Bố đạp cửa bỏ đi, còn mẹ tự giam mình trong phòng khóc rấm rứt. Trong lúc họ cãi nhau, An Diêu đứng trong căn bếp ngay bên cạnh nấu cơm. Bố mẹ cô hiếm khi về nhà, chỉ có trời mới biết cô vui thế nào, nhưng sau khi nghe những lời họ nói trong lúc cãi vã xong, cô cũng không biết cảm giác trong lòng mình là thế nào nữa, bởi vì sự ra đời của cô chỉ là sự cố ngoài ý muốn, nên chẳng ai bỏ thời gian về nhà chăm sóc quan tâm đến cô. Cô cúi gằm đầu, những cọng rau bóng mỡ vẫn đang được đảo đều trong chảo, một giọt nước mắt lăn xuống, rơi vào đó, hòa lẫn trong đám dầu mỡ. Thì ra hai người không yêu nhau cũng có thể sống cùng nhau, thậm chí trong mắt người ngoài họ vẫn là một cặp vợ chồng ân ái đầy thương yêu. Nhưng vấn đề là, cảnh tượng bố mẹ tay trong tay đi dạo trên cánh đồng lúa là giả hay sao? Nếu hai người bọn họ không yêu thương nhau tại sao lại sinh ra cô? Còn nữa, sự quan tâm thỉnh thoảng họ vẫn dành cho cô là ảo ư? Không thể nào, tuyệt đối không thể nào như thế. Nghĩ đến đây, An Diêu xịt xịt mũi, tự an ủi mình, cũng may cô đã lớn rồi, có thể tự chăm sóc cho bản thân, không cần phải dựa dẫm vào sự chăm sóc của bất kỳ ai nữa, thậm chí cô còn có thể chăm sóc cho người khác. Bố, mẹ… con gái vẫn yêu bố mẹ, cho dù bố mẹ không yêu con cũng chẳng sao… “An Diêu, An Diêu, mau ra giúp bà bắt con gà mái già này nào… Khụ khụ…” Bà Trương đang đứng bên ngoài chuồng gà, mệt tới mức mồ hôi đầm đìa. “Dạ, cháu ra đây.” An Diêu sống ở nơi có khá nhiều người già, con cái của họ cũng giống như bố mẹ An Diêu, đều là những quân nhân bình thường, hay trong mắt họ thì là những quân nhân vĩ đại. Họ thường xuyên túc trực nơi tiền tuyến để chống thiên tai cứu người, điều duy nhất mà An Diêu có thể làm giúp những cô những chú giải quyết nỗi lo lắng băn khoăn về hậu phương của mình, chăm sóc cho bố mẹ họ. An Diêu chạy đuổi theo con gà mái già nhà bà Trương, con gà mái này thỉnh thoảng lại giở chứng, có nhà không về mà cứ chạy ra đầu thôn theo đuôi bọn gà trống. “Bà Trương, cháu đã bắt con gà mái đó về vườn nhà bà rồi, bà vào nghỉ đi, cháu đi lấy trà cho bà.” An Diêu lau mồ hôi, cười tươi. Bà Trương cười móm mém, chống gậy chầm chậm đi về vườn, nói: “An Diêu, cháu có biết tại sao con gà mái đó lại cứ hay chạy lung tung không?” “Tại sao ạ?” Bà Trương nhấp một ngụm trà, vuốt vuốt mái tóc cô, mặt thoáng buồn: “Ban đầu bà cũng không tin đâu, nhưng nghĩ kĩ lại nơi mà nó thường chạy đến là nơi con của nó bị xe lăn cán chết.” “Ôi? Ý bà là, con gà mẹ đi tìm con của nó?” An Diêu nghi hoặc hỏi. “Động vật cũng giống con người, cũng trọng tình trọng nghĩa, mất con đương nhiên chúng rất đau lòng, chỉ có điều, động vật không thể giống chúng ta, muốn khóc thì khóc muốn cười thì cười thôi.” Nghe xong những lời này, trong lòng An Diêu có một cảm giác không nói ra được. Lần đầu tiên cô cảm thấy, động vật dường như cũng biết khóc, cũng biết buồn. Cô nhìn về chuồng thỏ trong vườn nhà mình, hôm qua một con thỏ con vừa chết, bản thân cô là chủ nhân của những con thỏ ấy, nhưng cô lại chẳng an táng cho nó tử tế, chẳng trách thỏ mẹ từ chối không ăn không uống, có lẽ nó đang oán trách cô đã không trọn tình vẹn nghĩa của một người chủ nhân. Nghĩ mãi nghĩ mãi, cô cảm thấy vô cùng xấu hổ. Song khi cô ngẩng đầu lên, đã thấy mắt bà Trương đầy nước, nhưng một giây trước đó bà còn đang cười cơ mà. “Sao bà lại khóc thế? Bà không khỏe ạ? Cháu đi mời y tá đến nhé?” An Diêu vội vàng đứng dậy, nhưng bà Trương đã nắm lấy tay cô, bà Trương dùng tay áo để lau nước mắt, cười nói: “Ngồi xuống ngồi xuống, bà không sao không sao, chỉ là nhớ thằng con quá thôi…” Năm ngoái có mấy chú bộ đội mặc quân phục đến làng, chú đi đầu tiên tay bê di ảnh đen trắng của con trai cả bà Trương. Khi ấy bà ôm lấy di ảnh con không hề khóc, cũng không nói với các chú bộ đội kia lời nào. Bà vào nhà đóng cửa lại, không ăn không uống, cứ như thế suốt ba ngày. Thực ra các đơn vị bộ đội đều bố trí cho gia quyến liệt sĩ một căn nhà rất tốt để dưỡng lão, nhưng không ai muốn rời bỏ mảnh đất quê hương để đến đấy sống. Người già thường nói, một khi đi rồi, con cái họ sẽ không thể tìm được đường mà về. Mặc dù An Diêu chỉ gặp con trai bà một hai lần, nhưng khi cô biết tin chú mất, cô vẫn khóc lên khóc xuống. Cô đau lòng thay cho bà Trương, càng sợ hãi cho chính mình, cô sợ một ngày nào đó mình cũng sẽ nhận được những tấm ảnh đen trắng như thế. Song, cô càng hoảng sợ thì càng không thể để lộ ra một chút tâm trạng nào, bởi vì những người sống trong làng này đều hiểu, ngôi làng này là nơi có thể “sản xuất” ra đại hồng thủy. Cho dù chỉ là một con gà chết, một con lợn bị ốm, thì nước mắt họ cũng rơi xuống được. Nước mắt trở thành nỗi nhớ nhung dành cho người thân, trở thành cách để họ thể hiện tình cảm của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bi thương hay không. Vì vậy, An Diêu lúc này mới chỉ mười tuổi, một cô bé con đã tận mắt chứng kiến rất nhiều cảnh sinh li tử biệt, vì không muốn những ông già bà lão quan tâm tới cô phải rơi nước mắt, cô chỉ còn cách cố gắng sống thật tốt, cố gắng mỉm cười, giấu kín nỗi nhớ nhung bố mẹ trong lòng. Nếu bức bách quá, khó chịu quá, cô sẽ chạy ra bờ sông hét lớn, gọi bố, gọi mẹ, gọi tới khi nào cảm thấy dễ chịu mới thôi. Hỉ nộ ái ố, từ lâu cô đã không còn nữa. Một tháng sau, khi hai bên cha mẹ đã gặp nhau, Hình Phục Quốc cũng đã suy nghĩ kĩ, quyết định để Hình Khải và An Dao đính hôn vào ngày mùng 8 tháng 8 này. Bố mẹ An Dao chẳng lấy làm lạ trước chuyện này, lại rất hài lòng với Hình Khải, bất luận là gia thế hay bản thân anh, đều khiến bố mẹ cô cảm thấy rất tự hào. Vợ chồng nhà họ An đều là phần tử trí thức, các nghi lễ nguyên tắc đều rất thành thạo, ấn tượng của Hình Phục Quốc đối với nhà thông gia có thể coi là tạm ổn. Trước mặt bố chồng An Dao tỏ ra hết sức thận trọng, từ lời ăn tiếng nói, về tổng thể đều rất ổn. Hình Phục Quốc cố gắng nở một nụ cười với cô con dâu, nhưng trong lòng ông thì lại âm thầm thở dài. Sau khi lễ đính hôn kết thúc, Hình Phục Quốc lại vội vội vàng vàng rời đi. Hình Khải chủ động đề nghị đưa bố mẹ An Dao về, và nhét một tấm thẻ tín dụng vào tay An Dao: “Hai chị em đi mua sắm đi, thiếu gì thì mua.” Nói xong anh đưa bố mẹ An Dao ra nhà xe, trên đường đi cười nói vui vẻ, coi như cố gắng làm tròn bổn phận của một người con rể tốt. *** “Tiểu Dục, chúng ta đi đâu đây?” An Dao khoác tay Hình Dục, để lộ chiếc nhẫn kim cương sáng lấp lánh. Mặc dù còn thiếu tờ giấy đăng ký kết hôn nhưng cuối cùng cô cũng đã bước chân vào nhà họ Hình với thân phận của nữ chủ nhân rồi, đấy mới là điều quan trọng nhất. Hình Dục nhìn đồng hồ, đang định mở miệng thì phía sau có người gọi tên cô. An Dao và cô cùng quay đầu lại, Hình Dục chau mày, sao lại là Phó Gia Hào.