Đêm, Du lại là người thức sau cùng, khẽ khàng lấy cuốn nhật kí ra đặt trên bậu cửa sổ. Bầu trời không trăng không sao, ánh đèn neon tù mù trong buồng giam soi mờ lên từng dòng chữ trên trang giấy. Tôi không nghe thấy tiếng chim hót nào, hay có thể do tôi ít để ý. Nhưng tôi cũng muốn nghe thử tiếng hót của nó. Sao cô không kể cho tôi biết về những chuyện diễn ra trong ngày? Cô đã trò chuyện được với ai chưa? Bác sĩ Văn. Đọc câu hỏi xong, Du thấy Văn đang bắt đầu khơi gợi cảm xúc viết trong cô. Du nghĩ nếu kể cho Văn nghe chuyện mình và con Muội đã "đánh nhau" với chị Hận cũng chẳng tệ. Thế là Du kể lại ngày đầu mình vào buồng giam, đã gặp ai và xảy ra những chuyện gì. Những dòng chữ cho lần viết nhật kí thứ hai, cô ghi rằng: Ngày... tháng... năm... Dường như con người luôn thích làm đau người khác, dù là người hoàn toàn xa lạ hay chỉ vừa gặp lần đầu. Ngược lại có những người thích giúp đỡ và an ủi người mới quen biết dẫu hoàn cảnh của họ cũng chẳng tươi sáng hơn. Đêm đầu vào buồng, tôi bị chị Hận trưởng buồn đánh cho một trận, và tôi đã ngủ với vết thương đau nhức bên hông. Chị Hận còn ngáng chân khi tôi lấy cơm sáng, để miểng chai dưới chân tôi. Nhưng tôi được chị Giảo và em Muội giúp. Buổi chiều hai ngày trước, chị Hận đánh hội đồng Muội trong nhà tắm. Tôi đã nghĩ mình thật liều khi xông vào giúp em ấy. Tôi dùng vòi nước chống trả lại chị Hận, cuối cùng cán bộ đến kịp và may là tôi với Muội không bị kỷ luật. Tôi không biết rõ về chuyện của chị Giảo và Muội, họ cũng chưa biết gì về chuyện của tôi. Tôi nghĩ tất cả muốn san sẻ với nhau nhưng thật khó khăn để nói về nỗi đau của chính mình. Khi bị tổn thương quá nhiều, người ta chẳng còn tha thiết mong người khác hiểu mình nữa, bác sĩ có nghĩ như vậy? Nhật kí tù nhân 3969. ***** Đêm trước và hôm nay không có tiếng chim hót dù Đồng Văn đã cố tình đứng bên cửa sổ lắng nghe thật kỹ. Có lẽ con chim quyên ấy không hót thường xuyên. Văn vừa đọc xong nhật kí của Du, lần này cô viết khá nhiều. Ngay dòng đầu tiên, Du đã khiến Văn suy nghĩ, đúng là con người có thể sẵn sàng làm tổn thương một người hoàn toàn xa lạ. Văn cũng mang một niềm đau, một nỗi ám ảnh trong quá khứ khi vẫn còn là cậu bé. Về gã trai với đôi mắt sâu hút cùng con dao sắc bén, về người phụ nữ đẹp đẽ mang nửa dòng máu với Văn bị giết hại. Chưa từng kể cho bất kỳ người nào nghe về bi kịch khủng khiếp đó, vì Văn sợ phải đối mặt với những cơn ác mộng kéo dài. Nên cảm giác của Du khi nói về sự "né tránh tổn thương", anh hiểu rất rõ. Văn đã viết lại bằng câu ngắn gọn: Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, khi sự tổn thương đã trở thành thói quen thì người ta sẽ biết cách sống thanh thản hơn. Tiếng chim hót cô hay nghe là của chim đỗ quyên. Quản giáo Thái đang nuôi nó, thời điểm này là đầu hạ và nó thường hót, nhưng chỉ vào lúc chiều tối hay những đêm trăng sáng thôi. Tôi chưa nghe nó hót bao giờ. Bác sĩ Văn. Văn tựa người vào cửa sổ, nghe âm thanh rả rích của côn trùng giữa đêm tối tĩnh mịch cô liêu. Văn biết việc né tránh nhìn vào nỗi đau chỉ giúp người ta vờ như "thanh thản" nhưng kỳ thật, tâm hồn chưa bao giờ được cứu rỗi. ***** Vào giờ nghỉ trưa ngày hôm sau, Vân Du bất ngờ khi nghe quản giáo Ngà báo có thân nhân đến thăm. Ngày gửi đồ cho con, ông Thạch có nói sẽ dẫn Hoàng Oanh đi thăm Du lần nữa, và ngay bây giờ cô đoán hẳn con bé nhất định đã theo cùng ông ngoại vào đây. Với suy nghĩ mừng rỡ ấy, Du gấp gáp bước theo quản giáo đến phòng thăm. Vừa nghe cán bộ nhắc về thời gian trò chuyện tối đa là một tiếng xong, Du vội vã bước vào trong. Nhác trông cảnh Oanh ngồi bên cạnh ông Thạch với vẻ khấp khởi, là Du đã cay xè sóng mũi. Còn Oanh vừa thấy Du thì lập tức hét to: "Mẹ Du ơi!" rồi nhảy xuống ghế, chạy sà vào vòng tay mẹ. Bao nhiêu ngày không được gặp, Du ôm chặt con trong lòng, hôn lên mái tóc loe hoe, lên gương mặt ướt tèm lem nước mắt đó. Mặc cán bộ nhắc nhở Du hãy ngồi vào chỗ thì cô vẫn chưa chịu buông tay. Oanh cũng bấu chặt cổ mẹ chẳng rời, nó sợ nếu mình rời khỏi thì mẹ sẽ lại bỏ đi. Cảnh bịn rịn đầy nước mắt của hai mẹ con diễn ra vài phút. Khi đã ngồi vào chỗ, Du nhìn khắp người Oanh, soi thật kỹ xem con có thay đổi gì so với lần cuối cùng mình gặp. Vẫn gương mặt tròn phúng phính, đôi mắt hột nhãn rầu rĩ, bờ môi nhỏ xinh lúc nào cũng bặm chặt. Trông Oanh rất khỏe, nhưng vẻ như nó hơi gầy một chút. Thương con và xót xa, Du đưa tay vuốt nhẹ mái đầu nhỏ đó. Mũi sụt sịt, bé Oanh buồn bã hỏi: - Mẹ Du ơi sao mẹ ở chỗ này hoài vậy ạ? Mẹ về với con đi. Du muốn rớt nước mắt trước nét mặt ngây thơ của con gái, bản thân chẳng biết trả lời thế nào để nó hiểu. Du không thể nói mình giết người và vào đây để chờ xét xử. Du nhìn Oanh hồi lâu, đành lựa lời giải thích với con trước cái nhìn từ người cán bộ phòng thăm: - Tạm thời mẹ chưa về với Oanh được... Mẹ phải chờ. - Chờ gì ạ? - Chờ bị phạt vì mẹ đã làm sai... Giờ thì Oanh hiểu rồi, mẹ Du phạm lỗi nên vẫn phải ngồi trong này để chờ bị phạt. Chắc do mẹ làm đau bà ngoại kế, vậy là mẹ sai rồi. Oanh tự nhủ và gục gặc cổ như thể đang thuyết phục mình về điều đó. Dẫu thế Oanh nhớ mẹ Du lắm, mẹ vô đây lâu quá chừng khiến nó ở nhà buồn nhớ. - Mẹ Du nói mấy chú phạt nhanh nhanh để mẹ về nhà với con đi ạ. Kìm tiếng nấc khẽ trong cổ họng, Du chẳng biết làm gì hơn ngoài việc mỉm cười gật đầu. Không muốn cháu hỏi mẹ bằng những lời khó xử, ông Thạch liền nhắc nó, để ông được nói chuyện với mẹ Du. Oanh xị mặt đáp dạ. Bấy giờ mới nhìn sang Du, ông Thạch thật khó mở lời bởi nhận ra con gái vẫn mang gương mặt lạnh tanh, hờ hững với đôi mắt chẳng còn thiết tha để nhìn cha. Ông hiểu rõ, khoảng thời gian trước bản thân đã không chăm sóc Du tử tế vì vậy khiến con căm ghét, chẳng còn muốn nói lời nào với mình. Ông Thạch gượng gạo hỏi mấy lời thăm hỏi thường tình như "con có khỏe không", "ở trong này có tốt không". Du im lặng, hệt kiểu những câu nói đó như gió thoảng qua tai, chẳng đáng để bận tâm. Ông thấy Oanh chớp mắt nhìn mình và mẹ Du trước cái cảnh kẻ thì hỏi người lại thờ ơ, thì đành vớt vát câu sau cùng: - Nếu con có cần gì thì cứ nói, cha sẽ mang vào cho. Du quay qua nhìn vẻ mặt tội nghiệp của người cha bị con gái lãnh đạm, bảo: - Thứ tôi cần chỉ có một, là mong cha đừng vào đây làm phiền tôi nữa. - Du à... Tiếng thốt lên hụt hơi của ông Thạch chẳng khác nào nốt nhạc cao đột ngột bị rơi xuống. Với Oanh thì chuyện này đã quen thuộc rồi, cái cảnh ông ngoại thì nhăn nhó khổ sở còn mẹ vẫn lạnh lùng bỏ mặc. Bắt đầu từ nhiều năm trước, khi Oanh còn nhỏ xíu là lần đầu tiên ông ngoại tìm đến căn phòng trọ tối tăm ấy. Nó chứng kiến cảnh mẹ Du giận dữ rồi la hét đuổi ông đi. Nhưng ông cứ đến, cứ chăm sóc chơi đùa cùng cháu gái. Bé Oanh còn nhỏ nên chẳng hiểu chuyện người lớn, nhưng nó từng nghĩ sao mẹ giận ông lâu quá. Như Oanh đây, mỗi lần nó phạm lỗi là mẹ Du chỉ vờ giận rồi sau đó lại ôm nó cười khúc khích. Không muốn tỏ thái độ tức giận trước mặt cán bộ, Du chậm rãi nói tiếp: - Tốt nhất, cha hãy chăm sóc bé Oanh thật đàng hoàng. Tôi không muốn để nó ở bên cạnh cha nhưng vì đã hết cách. Nếu con bé xảy ra chuyện gì thì dù đang ở trong tù tôi cũng sẽ tìm đến cha. Chẳng chờ ông Thạch đáp lời, Du mau chóng đưa mắt sang Oanh, dặn dò: - Oanh ở nhà với ông phải ngoan nhé, đừng chạy nhảy lung tung và nhớ uống thuốc. Bé Oanh khỏe mạnh thì mẹ mới yên tâm. - Dạ... Chừng nào mẹ về với Oanh hả mẹ? - Một thời gian nữa, mẹ sẽ xin các chú được trở về với Oanh... Oanh cười mừng rỡ, thật ạ? Còn Du cố nuốt nước mắt đớn đau vào lòng trước lời nói dối ấy. Cô biết mình mãi mãi không thể thoát khỏi chốn giam cầm này. Rồi Du thấy con gái lôi trong giỏ đồ ra một lọ thủy tinh nhỏ, bên trong có mấy con hạc giấy. Oanh hớn hở đưa cho mẹ, khoe: - Mỗi ngày con đều gấp hạc giấy chờ mẹ về. Mẹ Du từng nói Hoàng Oanh là chim oanh vàng nên chỉ cần mẹ nhìn thấy hạc giấy thì sẽ nhớ đến con. Du cầm lấy lọ thủy tinh, nghe tim mình thổn thức. Đúng lúc cán bộ nói đã hết giờ thăm tù rồi yêu cầu Du bước ra ngoài trở về buồng giam. Du liền cúi xuống ôm con lần nữa, còn Oanh bắt đầu mếu máo. Cán bộ nhanh chóng nắm cánh tay Du kéo dậy, đưa đi. Oanh muốn chạy theo nhưng bị ông Thạch giữ lại, mới khóc òa và không ngừng gọi mẹ. Đôi chân Du bị kéo giật vì nghe tiếng khóc của con gái. Du liên tục ngoái lại nhìn cửa phòng thăm trong khi quản giáo Ngà giữ chặt vai cô đưa đi. Bước vòng qua những dãy hành lang, Du vẫn còn nghe văng vẳng tiếng gọi "mẹ ơi", liền đưa tay bịt miệng ngăn âm thanh nức nở. Nước mắt chảy ra từ khóe mắt đỏ hoe, Du nghe bên tai lời an ủi từ chị Ngà. ***** Trở về buồng giam với dáng vẻ thất thần, Du ngồi bệt xuống chỗ nằm, tựa đầu bên song cửa sổ nhìn mông lung theo cái nắng trưa đang nhảy nhót trên lá. Chị Giảo ngạc nhiên thấy cô em gái vừa đi gặp thân nhân xong mà thần sắc tệ quá, mới hỏi thăm. Du nói vì mình gặp con gái nên giờ thấy đau lòng. Chị xoa xoa vai Du: - Em phải cứng rắn lên, con nó mà thấy mình khóc là không được. - Em đi rồi mà nghe tiếng con khóc theo đó chị... Tôi nghiệp, nó hỏi khi nào em về nhà, em nói dối là một thời gian nữa thôi... Khốn nạn mà! Du gằn từng chữ trong cuống họng nghẹn đắng, tự trách mình đã nói dối con. Du đánh nhẹ lên ngực mình, nước mắt rơi lã chã. Tim đau như bị ai xé vụn. Chị Giảo vừa gật đầu vừa ngăn sự xúc động, liền ôm lấy em gái đáng thương vỗ về. Áp mặt Du vào bầu ngực thơm ngát của mình, chị nói khẽ: - Rồi con nó sẽ hiểu cho mình mà em. Mình nói vậy cũng vì nó... Bản thân chẳng thể nghĩ thêm gì nữa, Du cứ khóc, nghe đứt quãng. Trông Du đã bình tĩnh lại, chị Giảo liền bảo cô nằm xuống ngủ một giấc cho khỏe. Đầu óc hiện giờ trống rỗng và mệt mỏi, Du làm theo như cái máy. Đặt lưng nằm xuống chiếu rồi mắt nhìn lên cái quạt trần quay vù vù, Du nấc một tiếng khô ran. Kế bên chị Giảo quạt cho Du mát như thể là người mẹ hiền lành. - Chị cũng có hai đứa con gái đang chờ ở nhà, ngày chị bị bắt chúng hỏi khi nào má về? - Chị Giảo cười buồn - Làng chị nghèo lắm đâu dễ tìm được miếng cơm. Vài người không chịu nổi cảnh nghèo khó liền lao vô con đường nghiện ngập. Chị lấy phải một người đàn ông không ra gì, suốt ngày rượu chè đánh vợ đánh con, rồi sau dính vào ma túy. Lúc mang bầu đứa trong bụng nè, chị hoang mang lắm chẳng biết sống sao. Tự dưng bữa nọ có bà bạn quen đến rủ đi bán cái này nhiều tiền, một chuyến thôi là đổi đời. Du liền hỏi chị đi bán cái gì. Chị Giảo thở dài trả lời rằng, là bán ma túy. - Cũng tại mình khờ và con đói khóc nên chị làm liều luôn. Lúc đầu chị bán lượng ít thôi vì sợ bị bắt, may mắn sao cũng trót lọt. Kiếm được số tiền mà từ trước đến giờ chẳng bao giờ mơ tới, chị mừng quýnh thế là thỉnh thoảng lại làm vài vụ. Đợt cuối cùng, chị buôn với số lượng khá lớn rồi bị công an tóm gọn. Tòa định xử tử hình nhưng vì chị mang bầu nên giảm xuống chung thân. Lời tâm sự của chị Giảo chợt nhiên trầm xuống buồn bã. Du không nghĩ câu chuyện của chị lại nhuốm màu đói nghèo như vậy. Từ ngàn xưa rồi, cái nghèo quẩn quanh lấy con người, khiến họ không ngóc đầu lên được. Cũng vì nó mà bao nhiêu bi kịch, bao nhiêu tội lỗi diễn ra chồng chất. - Ngày chị trở về nhà sẽ không bao giờ có, mà để mấy đứa con ở lại một mình chị không biết chúng sống sao nữa... Thương con nhưng chị cũng trách bản thân. Hồi trước, chị từng chứng kiến người trong làng nghiện ngập khổ sở ra sao, gia đình tan nát thế nào vậy mà chị lại đi bán cái thứ hàng trắng đó. Chị làm khổ biết bao nhiêu người, như là giết người ta. Chị có tội nên phải ở trong đây trả nợ cho đời. Chị Giảo kéo vạt áo chấm nước mắt chực trào, tội cho con mà cũng tội cho chính mình đồng thời thấy có lỗi với những người mình từng gieo "cái chết trắng". Giờ cái giá phải trả chính là nửa phần đời còn lại chị phải sống nơi cửa tù. Chẳng được thấy ngày về, chẳng được trông cái cảnh con lớn lên thế nào. Du ngồi dậy siết chặt tay chị. Những giấc ngủ khác đã yên bình, riêng cõi lòng của người mẹ lầm lỡ ấy chưa một lần thôi dậy sóng. Du mở cuốn nhật kí ra, tâm trạng ngổn ngang chẳng biết viết gì. Mà dẫu thế, Du cứ lại muốn viết. Thật lạ lùng! Phải chăng thứ cần viết ra ở đây chính là sự nặng nề, đau xót trong lòng cô? Du mong được giải phóng mớ cảm xúc rối bời này thật nhanh. Du cần ai đó sẽ lắng nghe mình nhiều hơn nữa. Cầm lấy viết bi xanh, Du khẽ khàng đưa nét chữ lên cao rồi xuống thấp. Ngày... tháng... năm... Bác sĩ đã bao giờ thương nhớ ai một cách mãnh liệt chưa? Tôi nhớ Hoàng Oanh, nhớ ngày nhớ đêm, trong mơ cũng nhớ. Nhiều đêm, tôi mơ thấy con bé đứng dưới gốc cây liễu của nhà trọ, buồn bã chờ mình. Nó đã khóc, đã gọi mẹ. Tôi chạy đến, nhưng càng chạy thì Oanh càng đi ra xa hơn đến khi mất hút vào vùng trắng xóa. Tôi bật dậy vào lúc nửa đêm rồi khóc lặng lẽ. Tôi khao khát được ôm con dù chỉ một lần thôi. Hôm nay Hoàng Oanh đến thăm tôi. Con bé gầy hơn trước mà nụ cười vẫn tươi sáng. Nó hỏi tôi "khi nào mẹ về" và tôi chỉ còn biết nói dối. Tôi thấy mình thật bất lực! Ngay cả khi Oanh khóc và gọi theo lúc tôi rời khỏi phòng, tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Chỉ mỗi việc ôm lấy con gái, với tôi bây giờ cũng trở nên khó khăn. Tôi nghe chị Giảo kể về chuyện chị ấy bán ma túy lãnh án chung thân, để lại bầy con thơ ở ngôi làng nghèo khó. Chị ấy nói mình là người mẹ tồi tệ. Bác sĩ à, tôi cũng vậy đấy. Đêm nay tôi biết mình sẽ không ngủ được, sẽ khóc và sẽ mơ thấy cảnh Hoàng Oanh đứng chờ bên gốc cây liễu. Và tôi lại muốn mình được ra khỏi tù dù biết là không thể. Vì tôi có tội! Nhật kí tù nhân 3969. Du ngừng viết bởi mắt đã nhòe nhoẹt. Nước mắt âm thầm rơi xuống trang giấy, ướt đẫm những con chữ như thể thấm vào trái tim cằn cõi vì chịu đựng. ***** Đây là lần gặp điều trị thứ ba trong tháng giữa Vân Du và Đồng Văn. Lúc đầu họ có vẻ xa cách và chẳng ai có thể đến gần được đối phương bởi mỗi người đều mang một bí mật riêng, nhưng sau vài lần trao đổi qua nhật kí thì dường như hiện tại cả hai bắt đầu cởi mở với nhau hơn. Bằng chứng là bây giờ, Du và Văn ngồi đối diện nhau bằng dáng vẻ bình thường, không đề phòng hay tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ. Tuy vẫn chưa thân thiết nhưng chí ít họ thấy thoải mái. Văn đặt hai tay lên cuốn nhật kí, mở đầu cuộc đối thoại trước: - Thời gian qua tôi đã xem những gì cô viết. Tôi vui vì cô đã chịu cởi mở và san sẻ với tôi về những gì cô nghĩ, cô làm. Du chậm rãi ngước lên, nét mặt vẫn u buồn dù vậy có chút gì đó thân thiện: - Tôi cũng cảm ơn bác sĩ đã đọc chúng và luôn hồi âm lại. - Nếu chỉ mỗi mình viết thì cũng tự thấy buồn, với lại tôi mong muốn đây là một cuộc trò chuyện giữa hai người nên đã viết đáp lại cô. - Tôi có thấy bác sĩ nói về con chim đỗ quyên. - Tôi nghĩ là cô rất muốn biết về tiếng hót ấy nên đã hỏi thử người khác. Mấy hôm nay nó không hót nữa, tôi thì lại mong được nghe thử một lần. - Chắc bác sĩ sẽ không thích tiếng hót bi ai đó đâu. Văn đã nghĩ, cô gái lạnh lùng ấy vừa nói đùa. Quan sát biểu hiện có chút mơ màng của Du, Văn tự nhiên hỏi: - Đêm qua cô lại không ngủ được và khóc sao? Trông cô khá mệt mỏi. - Ở nơi giam cầm này, có ai khỏe mạnh được chứ. Sợ hãi, ám ảnh và thương nhớ đủ vắt kiệt sức người ta. - Nếu cô nhớ con gái như vậy thì có thể viết thư gửi cho bé. Đôi mắt Du chợt sáng hơn, miệng lặp lại, viết thư ư? Văn gật đầu, mỗi tháng phạm nhân có thể gửi và nhận thư từ thân nhân một hoặc hai lần. Nghe xong, lòng Du bất giác nhen nhúm một niềm vui mong manh. Du sẽ gửi thư cho Oanh, và ông Thạch sẽ đọc nó cho con bé nghe. Biết đâu Oanh sẽ gửi lại mẹ một bức hình vẽ. Đang tưởng tượng về những lá thư thì Du nghe Văn đề cập đến chuyện khác: - Thời gian tới nếu tâm lí đã ổn định thì cô sẽ đi gặp luật sư. Nếu có gì khuất tất, cô hãy giãi bày rõ với họ. Du lặng thinh. Khuất tất ư? Bản thân có chứ, nhưng điều đó chẳng giúp ích gì cả càng không phủ định những việc đã xảy ra. Du có tội khi đã giết hai mạng người, đấy là sự thật đâu thể chối cãi. Vậy Du giãi bày điều gì đây? Trước sự im lặng đột ngột ấy, Văn liền hỏi cô có chuyện gì. Du chỉ khẽ lắc đầu.