Ân Cừu Ký

Chương 25

Trở lại Hoàng Thế Lãm. Chia tay với Hằng Ni, tâm trạng chàng nặng trĩu xót xa, chàng luôn tự trách thầm : - “Thế Lãm ơi, mi tự nhận là một đấng trượng phu nam tử, đầu đội trời chân đạp đất, nhưng sao mi lại nhỏ mọn và ích kỷ như vậy. Hằng Ni đã sa chân ngã ngựa, sao ngươi không giúp nàng mà lại ngoảnh mặt làm ngơ”. Thế Lãm dừng chân bên một tàng cây cổ thụ. Chàng sực nhớ đến gã tướng số thư sinh, đã thỉnh nguyện và mướn chàng với giá một ngàn lạng vàng để cướp tử tù, không ngờ tử tù ấy lại là Hằng Ni. Thế Lãm cau mày ngẫm nghĩ, nhất định gã tướng số nho sinh kia có quan hệ với Hằng Ni. Và chắc chắn y cũng có sự liên đới với Vương Mãng và Tổng tài Thái Minh Công. Mình phải đi tìm gã để hỏi, vì sao Hằng Ni đang là bậc nhất đẳng thượng nhân lại bị kết tội tử tù. Nghĩ như vậy, Thế Lãm trổ cước tốc băng đi vùn vụt. Thân ảnh của chàng như chiếc bóng mờ ảo, thấy bóng ma không thấy hình. Đến xế trưa, Thế Lãm đã vào đến Kim Lăng. Kim Lăng, một thị tứ sầm uất, nơi hội tụ của biết bao thương nhân từ nam chí bắc, người ngựa qua lại như chảy hội, và tất nhiên đã là chốn phồn hoa thì Kim Lăng không thiếu những khách điếm, khuê nguyệt nổi tiếng Trung Nguyên. Thế Lãm đi ngang qua một tòa lầu nguy nga tráng lệ, với tám cây đèn lồng treo lủng lẳng. Mặc dù giữa ngọ, mà tám ngọn đèn kia vẫn ẩn hiện ngọn sáp đèn phía trong đang lập lòe. Thế Lãm dừng bước nhìn lên tấm bảng : - Lầu Tầm Dương. Chàng lẩm nhẩm : - Lầu Tầm Dương! Ngôi lầu đã từng nổi tiếng với những nhà thơ xuất khẩu trong men say mà sáng tạo ra những bài thi tình tuyệt tác. Đột nhiên Thế Lãm muốn thưởng ngoạn những tứ thơ tuyệt tác của những thi hào mà chàng đã từng nghe thiên hạ truyền tụng. Chàng thả bước lên bậc tam cấp bước vào nhà chính sảnh. Vừa thấy Thế Lãm, tên tiểu nhị tất tả bước ra : - Quí khách quan muốn thưởng thức rượu ngon và thi tứ? Thế Lãm gật đầu, đồng thời lấy luôn một thỏi vàng nhét vào tay tiểu nhị : - Ta muốn nhìn ngắm thi tứ và đặt thơ. Gã tiểu nhị nhận thỏi vàng của Thế Lãm, xúm xít như một tên nô bộc trung thành : - Thỉnh khách quan... Thỉnh khách quan... Thế Lãm theo chân tiểu nhị lên lầu. Chàng được hướng dẫn đến một gian lầu khang trang, trên tường chỉ có mỗi bài thơ của Thôi Hiệu tiên sinh. Nhìn nét bút như rồng bay phụng múa của Thôi Hiệu, bất giác Thế Lãm nghĩ thầm : - “Trong gian lầu này có bút tích của Thôi Hiệu tiên sinh, thì mình chẳng dám cầm bút đề tạc”. Tiểu nhị mở cửa sổ. Nhìn qua cửa sổ, Thế Lãm hoàn toàn sửng sốt. Chàng không thể nào tin được có một cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đẹp như vậy lọt vào mắt mình. Những đóa hồng như rung rinh nói chuyện đùa cợt với nhau, và tít tận chân trời kia là dãy núi Ngũ Đài sơn trùng trùng điệp điệp lọt vào tâm mắt của chàng, con sông Dương Tử như dải ngân hà ửng ánh sáng bạc. Tiểu nhị quay lại Thế Lãm : - Khách nhân vừa ý với gian lầu này chứ? Thế Lãm gật đầu : - Tại hạ rất vừa ý. - Tiểu nhân xuống dưới dọn tiệc cho khách nhân. Thế Lãm gật đầu. Gã tiểu nhị nhanh chân lui ra ngoài. Còn lại một mình trong gian lầu, Thế Lãm chấp tay sau lưng đứng ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà cảm nhận một tâm trạng thư thái vô ngần. Gã tiểu nhị mở cửa bước vào. Hai tay bưng thức ăn và một vò rượu năm cân. Theo sau lưng tiểu nhị là một nữ nhân tay cầm tỳ bà, uyển chuyển bước vào. Tiểu nhị dọn thức ăn và rượu lên bàn rồi nói với Thế Lãm : - Xin mời công tử. Chàng tự rót rượu ra hai chiếc chén. Bưng một chén đưa đến trước mặt cô gái vừa được gã tiểu nhị giới thiệu là Thùy Linh : - Mời cô nương. Thùy Linh lưỡng lự. Thế Lãm cau mày. Nàng đành bưng chén rượu chàng trao. Thế Lãm mỉm cười : - Mời. Chàng ngửa cổ uống cạn số rượu trong chén mình, trong lúc Thùy Linh chỉ nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt chén xuống bàn. Nàng lí nhí nói : - Tiện thiếp sẽ đàn cho công tử nghe, chẳng hay người muốn nghe tấu khúc gì? Thế Lãm nhún vai : - Tại hạ không phải tao nhân cầm kỳ thi họa, mà chỉ là một khách nhân trên giang hồ, thế thì nghe tấu gì cũng được. Thùy Linh đỏ mặt, ngượng ngịu nói : - Thiếp sẽ đàn cho công tử thưởng lãm tấu khúc “Đoạn trường cung”. Thế Lãm lập lại : - Đoạn trường cung? Có lẽ tấu khúc này buồn lắm và cũng hay lắm. Tại hạ rất muốn nghe tài cầm tấu của cô nương. Thế Lãm rót rượu ra chén uống tiếp. Khi chàng đặt chén rượu xuống bàn, vô tình nhãn quang lại điểm và bài thơ của Thôi Hiệu trên tường, vừa lúc tấu khúc “Đoạn trường cung” của Thùy Linh trỗi lên. Âm thanh đàn tỳ bà cứ theo những ngón tay thon thả của nàng phát ra mà tạo thành một giai điệu buồn man mác. Tiếng đàn như tiếng của nàng cung nữ than vãn, u sầu trong một đêm gối chiếc phòng không. Tiếng u uất, nặng nề, và thổn thức nhắc đến mối tình đầu đã ly tán. Thế Lãm vô hình trung bị tiếng đàn điêu luyện của Thùy Linh cuốn hút lấy tâm tư trí tuệ. Chàng như nhập vào tiếng đàn ủ ê ấy để hình dung ra cảnh mỹ nữ cô độc trong lầu son gác tía mà hồn tơ tưởng đến đấng lang quân biền biệt nơi cuối trời. Không dằn được lòng, Thế Lãm bưng cả vò rượu lên uống. Chàng cảm nhận tim mình đập thình thịch vì hình ảnh của Hằng Ni phảng phất đâu đó trong tiếng đàn của Thùy Linh. Thế Lãm thở dài, Tiếng thở ra của chàng nghe não lòng đến độ tưởng chừng như vừa có một tảng đá nghìn cân từ trên cao rơi xuống, và tản ra thành không khí cô đặc nặng nề. Tiếng cung đàn tỳ bà của Giang Thùy Linh ngưng bặt. Thế Lãm bặm môi, buột miệng thốt : - Buồn quá. - Công tử tha lỗi cho tiện thiếp. Thế Lãm lắc đầu. Chàng từ từ đứng lên, đến bên cửa sổ nhìn cảnh non sông hữu tình, hùng vĩ. Bất giác những kỷ niệm ngày xưa đâu đó tràn về khỏa lấp tất cả tâm trí chàng. Kỷ niệm của ngày xưa, ngày chàng và nàng như đôi bướm quấn quít bên nhau. Thế Lãm lẩm nhẩm nói : - Ngày xưa đâu rồi? Kỷ niệm đã tan mất rồi. Trong men rượu ngây ngất, Thế Lãm bất giác muốn làm thơ. Chàng quay ngoắt lại và chỉ xoay tròn hữu thủ, một hấp lực thoát ra cuốn lấy cây bút lông. Thế Lãm thở ra lần nữa, rồi quẳng cây bút qua cửa sổ. Cây bút như ánh chớp vụt biến mất trong không trung mênh mông. Giang Thùy Linh khẽ nói : - Công tử... Thế Lãm chẳng hề nghe tiếng của nàng, mà vận khí cách không khắc đôi câu thơ vào vách cột : “Nhật mô hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng xứ nhân sầu.” Nét khắc của chàng bằng chỉ công như rồng bay phụng múa, và chẳng hề thua kém bút tích của Thôi Hiệu tiên sinh. Thế Lãm bâng quơ nhìn hai câu thơ đó với tâm trạng bồi hồi da diết. Tiếng ồn ồn dội lên ngay ngoài hành lang : - Giang Thùy Linh đâu rồi? Tiếng ai đó gọi Thùy Linh nghe nhão nhẹt : - Thùy Linh đâu ra tiếp đại gia. Thùy Linh đâu mau ra đón đại gia. Bao nhiêu nỗi trầm cảm của Thế Lãm thoáng chốc bị tiếng người kia xua tan như cơn lốc dữ thổi tầng mây ngàn. Tiếng của người nào đó ồn ồn, khiến cho Thế Lãm cảm nhận nó chẳng khác ngọn đại đao đâm thọc vào tận tâm can chàng. Chàng đứng lặng như pho tượng vô hồn, vô cảm với nỗi tiếc xót xa. Rầm...