Ai Hát Giữa Rừng Khuya

Chương 3 : Ngàn khuya vắng tiếng

-Hai vợ chồng tôi ở đây đã quá một năm mà thực quả chưa bao giờ được cái hân hạnh như anh cả. Từ khi chúng tôi vừa mới đến, đã nghe các ông cai và các bác phu già nói dông dài về nhiều chuyện đường rừng: Nào dã sử của mấy mươi loài chim lạ, như con "cô ơi", con "trà toản", con "tử quy", con "da da" vân vân, nào sự tích của bao nhiêu loài dị thú, như con "thủ thỉ", con "rắn lục", con "sài cứu", con "vọng nguyệt", nói thế nào cho hết được; tóm lại phần nhiều những chuyện đó, tuy lý thú, ý vị cả, song không lấy gì làm kỳ dị hãi hùng. Bản tính tôi chỉ thích nghe những chuyện hãi hùng mà thôi, hóa nên tôi chả để ý đến lời họ nói. Mãi sau này, có một ông cai già mà anh em áo cộc thường gọi "Lão Cai Móm", vì răng ông ta rụng gần hết - ông ấy thuật tôi nghe một câu chuyện rất kỳ quặc, khủng khiếp. Ðầu tiên tôi không tin, cho là ông ta cố tình bịa đặt, một là để vừa lòng tôi, hai là để dọa vợ tôi cho thú vị. Nhưng, được ít lâu, trong một trường hợp cực kỳ quái gở, tôi suýt nữa bị tán đởm vì sợ hãi rồi từ đó tôi phải tin lời ông Cai già là đúng. Từ độ ấy, hễ cứ đêm nào mưa dầm gió bấc, như đêm nay chẳng hạn, là tôi cố thức và chú ý lắng tai nghe. Tôi thức mãi, lắng mãi, mà chả bao giờ thấy gì cả. Cái lần mà đáng lẽ được nghe thấy, thì tôi lại sợ quá, chết ngất đi thiếu chút nữa mất mạng. Còn về sau này, thì cả vợ chồng đêm đêm thường cùng nhau ngồi lắng tay gần suốt sáng, thế mà cũng chả thấy gì. Chán nản, chúng tôi đành bỏ cuộc, không thám thính nữa. Ai ngờ lần đầu tiên anh đến, anh đã nhận được ngay sự bí hiểm mà tổn bao tâm trí tôi vẫn chưa nhận được; tai anh thực là tai thánh, linh ứng bằng tai Hổ thần! Quả như lời anh nói, sự bí hiểm kia là một điệu hát cô đầu. Trong rừng có ả đầu, đó mới là một sự đáng cho là bí hiểm! Nhất là ở mạn rừng này. Bởi lẽ Ðồng Giao là một hạt hẻo lánh, dân thưa, nước độc, cô đầu đến làm gì? Trong mấy chục năm nay, có lẽ từ Thượng cổ đến giờ, chưa khi nào có một chị ả quẩng mỡ hoặc điên rồ đến đây mở một ngôi hàng Hồng lâu cả. Thế thì tại sao ở chỗ này lại được nghe hát ả đào? Cứ về đêm, quá giờ Tý, thì mới văng vẳng có tiếng đàng ca réo rắt. Ðàn ca ấy lại phát xuất từ mé giữa rừng. Hai tháng đầu khi tôi mới đến cũng lắm người nói với tôi như thế nhưng tôi đều cho là bịa đặt. Về sau, nghe thấy ai cũng cam đoan là sự thật, tôi mới đâm ra nghi ngờ, muốn biết rõ nguyên cớ vì đâu có sự dị kỳ như vậy. Nhưng hỏi ai, họ cũng đều bảo là trong rừng đêm đêm nghe có tiếng hát, không biết tại sao mà có. Người đoán đó là ma, kẻ bảo là yêu tinh, có một ông lão nhà ai quyết rằng đó là một thứ hồ ly lạc mãi từ bên Tàu đi lần đường núi thẳm qua Vân Nam sang tới xứ Lào, rồi lần mò tới Ðồng Giao thì không đi nữa, vì tìm được địa thế hạp với nó. Sau lại có một bà già nói là mắt bà thấy con quái vật ấy ởtrong hang đá nứt mà chui ra, trước thì là con vượn trắng, rùng mình một cái biến ngay ra con gái rõ đẹp; vô phúc ai gặp phải thì nó quyến rũ đưa vào hang, đàn bà nó không thèm bắt, nhưng đàn ông thì túm ngay lấy làm chồng. Kẻ nào đi lại cùng nó, nó rút hết xương tủy, trong ba ngày phải chết. Ông ký ga bảo là không phải thế. Theo như ông biết, thì đó là một nàng Tiên rất mỹ miều diễm lệ, không làm hại ai cả. Nàng ấy ngụ ở thân một cây quế lớn, đi tạt qua cũng ngửi thấy mùi hương xông lên, nhưng cố tìm tòi hàng tháng cũng không ra, bởi lẽ nàng Tiên đã biến cây quế thành một cây gỗ khác rồi. Cứ những ngày tối tăm trời đất, hoặc những ngày sáng sủa có trăng sao. Nàng lại hiện ra. Trời đất buồn thì nàng buồn; trời đất vui thì nàng vui; hoặc vui, hoặc buồn. Nàng đều lấy điệu hát câu ca véo von làm thú tiêu khiển. Truyền rằng có khi nàng thổi sáo, nghe như tiếng sáo diều, bay xa ngàn dặm. Nhưng ít khi nàng dùng thứ âm nhạc ấy; thường thường nàng tự mồm ca tay đờn, ca be bé cho một mình nàng nghe thôi, bởi thế ta có thính tai lắm mới thoáng nhận được một vài điệu bổng trầm... Khi hỏi đến bà Chánh Ba, là người đã từng đi lại hạt Ðồng Giao buôn bán, thì bà nghiêm nghị hạ thấy giọng xuống và nói se sẽ, một cách rất kính cẩn rằng nàng Tiên đó là một vị Công Chúa trong 12 Chầu Cô hầu Ðức Bà Thượng Ngàn. Ấy là "Cô Nường" Quỳnh Hoa đó. Vì cô nường lỡ tay làm rơi một chiếc chén Cẩm Ngọc khi rót rượu mời Ðức Bà Liễu Hạnh ở Sòng Sơn, nên bị đày ra rừng Ðồng Giao. Bởi thế, những đêm u tịch tẻ buồn, hay những đêm thanh vắng sáng sủa, nàng Quỳnh Hoa lại nhớ đến Chầu Bà Thượng Ngàn và mười một chị em, trong lòng buồn rầu. Và những lúc ấy, đối cảnh sinh tình. Cô nường bùi ngùi hoài vọng, hát lên một khúc ngõ hầu vợi bớt nỗi lòng. Nghe thuyết ấy của bà Chánh Ba, các bọn phụ nữ đều tỏ vẻ sợ hãi, sùng kính; ai cũng cho thuyết ấy là đúng. Nghĩ cho kỹ thì câu chuyện bà Chánh nói nó còn có ý vị, nó không hoang đường mấy và còn hợp lẽ hơn các chuyện khác nhiều. Nhưng nó không được ly kỳ rùng rợn bằng câu chuyện của ông Phó Cựu. Ông Phó cả quyết nói lớn rằng ông biết đích tông tích của con quái vật hiện ra trong rừng nó chính là một con Sài Kíu. Cái giống Sài Kíu này na ná như loài sói, song dữ tợn hơn nhiều. Ðầu nó cứng như sắt; có kẻ bẫy được nó, lấy búa bổ mãi vào sọ dừa mà cũng không vỡ. Nó thường hay cúu gằm mặt xuống mà đi, trông tựa như một con chó dại lớn lờ đờ buồn bã. Thế mà hễ gặp người thì nó nhảy xồ lại mé sau lưng, bá chặt lấy vai, móc mắt, và khi mình ngã xuống rồi, nó cắn vào cổ cho chết; xong đâu đấy nó tha xác vào một hang hốc giấu đi. Nó đợi cho lúc xương thịt rã rời, có mùi hôi thúi xông lên, có ruồi bọ bám đầy, lúc bấy giờ nó mới đến ăn. Cái giống sài ấy chỉ ham có thịt thiu, thịt rữa mà thôi, nó không thèm ăn thịt tươi như các mãnh thú khác. Ở phía Tây nước Tàu, trong các tỉnh lắm rừng rú hiểm trở như Tứ Xuyên, Quý Châu, và Vân Nam, Cúc Tam v.v.... Có rất nhiều Sài Kíu. Người Tàu thường dùng hai chữ Sài Lang; lang là để chỉ loài chó sói, còn sài thì chỉ giống Sài Kíu đó. Giống đó đi lung tung khắp chốn, đánh hơi ngửi mùi xác chết; phàm giả chỗ nào có mả mới là nó sục đến, lấy đầu húc vào đất cho bật tung quan tài lên, rồi xé xác ra mà ăn. Bởi thế nên trong mấy tỉnh trên đây, ở các miền gần rừng rậm dân cư không dám chôn người chết nữa, họ phải dùng lối táng treo, nghĩa là đem quan tài vào trong rừng rồi buộc lủng lẳng trên càng cây cao. Giống Sài Kíu không leo trèo được, đành chịu thua, hết kế vọc xác người chết. Nhưng chúng nó cứ đợi cho quan tài có nước rỏ xuống cỏ thì lại liếm thứ nước "béo bổ" ấy. Ăn thi thể mục nát mãi, lâu ngày có con thành tinh; con nào ăn được hơn trăm tử thi, thì cũng linh thính và có phép biến hóa như hổ bắt được đủ trăm người. Con yêu ở Ðồng Giao này chính là con Sài Kíu cái đã có hạnh phúc "xơi" được hơn trăm thây người chết nên thành ra đủ phép thần thông đó! Nó cứ hiện lên hất véo von để bẫy người ta vào xem. Gần đến sào huyệt của nó, nó sẽ run rủi cho mình đi vào tử địa, khiến mình bị bỏ xác ở những chỗ hang sâu vực thẳm, rồi, đợi khi nào trên tử thi mình đầy các thứ giòi bọ hôi tanh, lúc bấy giờ nó mới đến xé thịt mình ra đánh chén. Cứ nghe thiên hạ xôn xao bàn tán, thì mỗi người có một cách, mỗi người có một chuyện riêng. Mà không chuyện nào giống chuyện nào. Như thế, còn xét làm sao cho rõ biết căn nguyên của sự mình muốn biết nữa? Thực là khó. Bởi thế tôi cứ phân vân, bán tính bán nghi, nghe bà con kể lại thì biết vậy, song không dám tin lời ai cả. Cho đến lúc tôi được nghe chuyện ông Cai Móm. Ông Cai Móm là người làm công cho tôi từ lúc tôi vừa chân ướt chân ráo, đến Ðồng Giao lần đầu. Ông là một cụ già quắc thước, đứng đắn và nghiêm nghị, tôi tin cẩn lắm. Ông lại ít nói, không bờm xơm bợm bãi bao giờ. Các bạn đồng nghiệp và các phu phen sợ hãi và kính nể ông lắm. Ông chỉ giao thiệp với tôi trong những giờ có việc, còn ngoài ra, ít khi ông vào nhà tôi chơi lâu độ vài tiếng đồng hồ. Tuy già mà ông chăm chỉ làm lụng cặm cụi cả ngày hóa nên chả mấy lúc rảnh. Cũng do một sự tình cờ mới được nói chuyện với ông trong một đêm, rồi được rõ sự tích khúc hát trong rừng nó ly kỳ rùng rợn như thế nào. Hôm đó vào khoảng tám giờ tối, có một kiện hàng rất quan trọng từ Hà Nội gửi về. Lẽ ra thì sáng hôm sau ra ga lấy cũng được nhưng năm giờ sáng có đủ vật liệu để khở công thành thử ông Cai Móm phải đi lãnh ngay hàng về cho tôi. Ðường tối lại vận tải bằng xe bò, thành hì hục mãi gần chín giờ đêm ông Cai Móm mới về đến trại. Ông vừa tới nơi, vừa kịp xếp hàng vào kho thì gió đâu bỗng trổi lên đùng đùng, rồi mưa trút xuống như thác chảy, lại có cả sấm sét nữa. Một cơn bão lớn. Thực là gió núi mưa ngàn. Ông Cai không về được, phải xuống bếp ngồi nghỉ cùng tụu cu ly đẩy xe và khuân hàng. Tôi nhân có việc dặn ông gọi ông lên nhà trên uống nước. Ông Cai Móm từ chối hai ba lượt nhất định không ngồi ghế xa-lông mãi sau tôi cố sức mời, ông nể lắm mới ghé lưng ngồi rất kính cẩn lên chiếc ghế ở góc bàn ăn. Tôi vốn biết ông là người ít nói cử chỉ rất thận trọng, nên cũng biệt đãi ông. Nhân có một chai rượu nếp cẩm, ngọt lật như đường và rất mạnh của một người bạn thân vừa biếu tôi được vài ngày, tôi bèn sai mở ra, rót mời ông Cai Móm. Ông đứng dậy tạ từ hai ba lần, không uống, ép mãi, ông mới chịu đặt môi vào chiếc cóc con, dốc một hơi cạn hết. Ông là người thích rượu, rượu của tôi lại quá ngon, hóa nên khi mời đến cốc thứ hai, thứ ba, ông không từ chối nữa, chỉ cám ơn thôi. Cốc nào ông cũng hớp một hơi là sạch ráo, tôi thấy tửu lực hùng tráng của ông mà vui lòng. Tôi cứ rót, ông cứ uống. Chả bao lâu, chai rượu vơi hẳn, gần hết, tôi đoán chừng ông đã hơi say. Quả nhiên ông lấy tay ngăn không cho tôi rót tiếp nữa, ông tươi cười đắc ý, vái tôi, nói khà khà: -Ða tạ thầy đã yêu con mà cho con uống quá nhiều, say rồi thầy ạ! Biết lấy gì mà đáp ơn thầy? -Cái đó có hề chi! Lúc vui ta cùng uống chơi, có gì mà ơn với huệ. À này, nhân tiện ông ở đây, tôi muốn hỏi ông về câu chuyện lạ ở đất Ðồng Giao này. Chả hay cái điệu hát cô đầu văng vẳng từ trong rừng đưa ra nguồn gốc nó ở đâu? Thiên hạ mỗi người nói một lối, ông đã già, vả lại ở đây đã lâu, chắc hẳn biết rõ hơn mọi người, ông thử kể lại tôi nghe? -Thầy đã dạy, con đâu dám trái lời, nhưng để khuya khuya chút nữa, khi nào tĩnh mịch hẳn, con thuật lại thầy nghe mới thú, bây giờ còn ồn ào lắm, vả lại con còn đương say, nói chả được rành mạch. -Chốc nữa ông sẽ say quá rồi ngủ mất tôi biết làm thế nào? -Thầy đừng ngại. Con có uống đến gấp bốn năm lần như ngày hôm nay cũng chả say nữa là! Thầy hãy chịu nán một chút nữa, con xuống bếp hút điếu thuốc lào, rồi xin lên ngay. Khi ông Cai Móm trở lên phòng khách của tôi, nửa giờ sau, thì đồng hồ chuông trong phòng reo vào không gian mười một tiếng. Con Thu Nhi đi ngủ từ sớm, còn Lệ Thi thì vẫn ngong ngóng chờ đợi chí kỳ được nghe chuyện mới thôi. Vợ tôi bế tắc ngồi bên cạnh tôi, tỏ ý sốt ruột. Lúc thấy mặt ông Cai Móm, nàng mừng rỡ như đứa trẻ con được kẹo, vội vàng đứng dậy đón, dắt lại chỗ ngồi cẩn thận, xong rót đưa ông một cốc rượu lớn. -Nào bây giờ thì cụ kể đi cho chúng tôi nghe! Tôi xin biếu cụ cốc rượu ngon này. Cụ uống hết bao nhiêu, cứ việc tự tiện, chúng tôi xin chu tất đủ hết. Cụ bắt đầu đi! Dưới ánh đèn măng-sông sáng lóe, lúc ấy tôi mới ngắm kỹ dung mạo ông Cai Móm. Một cái trán cao vọi, vồ hẳn ra, làm cho ta phải để ý đến đầu tiên. Cái trán ấy lan rộng mãi đến tận gần đỉnh đầu hói bóng; một làn tóc ngắn thưa và trắng xóa, lơ thơ bao vành hai bên và phía sau chiếc sọ dừa gần nhẵn thín. Một đôi mắt to, mà rượu đã làm mờ ám đi bởi những tia máu nổi lên đỏ ngầu; một cái mũi hùng vĩ như mũi sư tử ở giữa đôi lưỡng quyền cao vòi vọi; một cái mồm rất tươi, nhưng có hai hàm răng trụi cả, khiến cho hai làn môi mỏng co rúm lại, vập vào mé trong, làm khuôn mặt ngắn hẳn lại đó là vài nét đặc biệt vẽ thành diện mạo ông Cai Móm. Ông tuy già, mà đa dẻ còn hồng hào tươi tốt, chỉ vì sạm đi như màu đồng đen, và nhăn nhúm như vỏ trái xoài chín nẫu. Dưới bộ quần áo vải tây vàng, ta có thể đoán thân thể ông Cai còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm... Lúc ở nhà dưới trở lên, ông không quên mang theo cái điếu cày, một vật liệu tối cần cho sự kể chuyện cổ tích giữa đêm khuya. Ông đặt điếu xuống gầm bàn, rồi ngồi nghiêm trang trên ghế. Lệ Thi đưa biếu ông cốc rượu, ông giơ hai tay đỡ lấy, uống một hơi dài gần hết nửa cốc. Uống xong, ông thở khà một tiếng, liếm môi rồi cất tiếng nói vang vang nghe hùng dũng lắm. -Nào! Mời thầy cô ngồi gần sát lại đây và xin thầy cô đừng sợ nhé! Câu chuyện này, nó không phải chuyện bịa đặc, vì nó hoàn toàn đúng sự thực, mà cũng không phải chuyện cổ tích, vì nó mới xảy ra độ dăm chục năm nay. Chỗ xảy ra chuyện con sắp kể đây chính là Hạt Ðồng Giao ta đó! Tôi xin mạn phép anh xen vào chỗ này một tí, trước khi thuật lại anh nghe sự tích ông Cai Móm đã kể cho vợ chồng tôi đêm hôm ấy. Ðã lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ cách dàn xếp của ông Cai và nguyên văn của ông ra làm sao. Tôi chỉ biết cả tôi và Lệ Thi nghe ông nói lấy làm thú vị lắm. Cảm giác chúng tôi lúc đó thực là đặc biệt; nói cho đúng, ông Cai quả có tài trứ thuật vô cùng. Ngày nay, tôi kể lại câu chuyện này, có lẽ không hay như ông ấy kể, song tôi tin rằng văn tôi sẽ rườm rà mà lẳng lơ bay bướm hơn nguyên văn. Sau đây là câu chuyện của ông Cai Móm mượn miệng lưỡi và tinh thần tôi mà lọt vào tai anh đó thôi. Anh nên hiểu như thế cho tôi thì mới được.